21/11/2024 | 20:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh tế thảo dược - hướng tiếp cận để phát triển dược liệu ở Việt Nam

Trần Văn Ơn
PGS, TS, Trường Đại học Dược Hà Nội
Kinh tế thảo dược - hướng tiếp cận để phát triển dược liệu ở Việt Nam Sâm Ngọc Linh và dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: baoquangnam.vn

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật và phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù vậy, việc phát triển dược liệu vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Các từ khóa manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng lộn xộn,... vẫn được nhắc tới liên tục. Nghiêm túc nhìn nhận lại việc phát triển dược liệu theo hướng là một ngành kinh tế, thảo dược có thể mang lại giá trị hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế đất nước.

Xem xét các cách tiếp cận

Nhiều chính sách về phát triển dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật và phát triển kinh tế đất nước đã được ban hành. Tuy nhiên, các chính sách chủ yếu nhấn mạnh đến sản xuất dược liệu, như đất đai, nhà xưởng, giống, trồng trọt..., trong khi yếu tố không kém phần quan trọng là kinh tế thảo dược lại chưa được quan tâm đúng mức.

Hiểu theo cách đơn giản nhất, kinh tế là lựa chọn các nguồn lực lợi thế, từ đó tạo ra giá trị cho khách hàng và thông qua đó để thu lợi nhuận. Theo cách hiểu như vậy, chúng ta cần xem xét lại cách tiếp cận.

Khai thác lợi thế

Cây thuốc bao gồm 2 bộ phận cấu thành: 1) Cây cỏ, gắn liền với đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và cảnh quan; 2) Tri thức sử dụng, gắn với đa dạng các nền văn hóa. Do đó, việc phát triển cây thuốc cần được xem xét một cách tổng thể, từ đó khai thác tối đa các lợi thế của nguồn tài nguyên này.

Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn dược liệu. Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia đa dạng sinh học cao, với hơn 5.000 loài cây thuốc. Đây là kho tàng rất lớn để lựa chọn, từ đó tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật. Tuy nhiên, với lợi thế này chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc suy xét chọn cây nào để tập trung phát triển cho có lợi nhất. Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đa dạng sắc tộc với 54 dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc có tri thức sử dụng dược liệu, nền văn hóa riêng và quan trọng nhất là những tri thức này không bị đứt đoạn trong thời kỳ thực dân như nhiều quốc gia khác. Đây cũng là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa đi kèm. Vấn đề đặt ra là chúng ta đã xem nhẹ, thậm chí bỏ qua yếu tố lợi thế này. Thứ ba, Việt Nam có địa hình đa dạng, cảnh quan đẹp, gồm hơn 40.000 thắng cảnh và di tích, 32 vườn quốc gia, gần 1.000 hang động, tạo nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế du lịch. Chúng ta cũng bỏ qua luôn yếu tố này. Nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế “lai” dựa trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược, có dung lượng lớn hơn nhiều.

Sản phẩm, dịch vụ từ thảo dược

Nếu khai thác dược tính, chúng ta có thể tạo ra một tháp sản phẩm với 3 tầng (hình 1). Tầng 1 là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như đồ ăn, thức uống, sản phẩm chăm sóc gia đình có dung lượng hàng chục tỷ USD ngay ở Việt Nam. Tầng 2 là các sản phẩm “hỗ trợ điều trị”, gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương trị liệu cũng có dung lượng khổng lồ. Tầng 3 là các sản phẩm điều trị, được gọi là “thuốc”, gồm dược liệu thô, thuốc phiện, thuốc y học cổ truyền, thuốc từ dược liệu và thuốc y học hiện đại mà ta quen gọi là thuốc tây. Cũng có thể tạo ra các sản phẩm trung gian như cao dược liệu chuẩn hóa, chất tinh khiết dùng để sản xuất ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe và điều trị. Dễ nhận thấy là càng lên cao của tháp, dung lượng thị trường càng nhỏ và càng khó thực hiện do các yêu cầu khắt khe hơn mà ta thường gọi là “khó làm” hơn.

Nếu khai thác khía cạnh văn hóa, cảnh quan, chúng ta có thể tạo ra tháp thứ hai, gọi là tháp dịch vụ, gồm các sản phẩm dịch vụ ở tầng 1 như ẩm thực thảo dược của các dân tộc; tầng 2 là du lịch sức khỏe. Trong đó gắn du lịch với nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, thông qua cung ứng các trải nghiệm nhằm thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách tại các điểm đến, như nghỉ dưỡng đi kèm tham gia các khóa tập thể dục dưỡng sinh, thiền, tắm lá thuốc, tắm khoáng nóng, kết hợp tham quan và trải nghiệm tại các vùng trồng thảo dược, khám phá bản địa, chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc dân gian đặc trưng vùng miền, ăn các món ăn, uống đồ uống từ thảo dược, từ đó phục hồi sức khỏe, giảm cân, cũng như chữa các bệnh của thời đại, như stress, mỡ trong máu, áp huyết, tiểu đường...; tầng 3 (khó nhất) là du lịch điều trị, giống như nhiều người trong nước đi ra nước ngoài điều trị ung thư, nhưng ở đây là điều trị các bệnh dựa trên nền tảng y học cổ truyền và y học dân gian.

Định hướng thị trường

Các khách hàng có nhu cầu, đòi hỏi khác nhau. Với thị trường trong nước, yêu cầu là “ngon - bổ - rẻ”. Một số ít hơn yêu cầu phải chuẩn, mẫu mã đẹp. Với thị trường xuất khẩu, các yêu cầu là rất khác nhau. Một số thị trường “dễ tính” về chất lượng nhưng yêu cầu phải rẻ; với thị trường khác, nhất là châu Âu, Đông Bắc Á và Bắc Mỹ, yêu cầu từ khắt khe đến rất khắt khe, từ chất lượng như tiêu chuẩn organic, GMP (thực hành sản xuất tốt), ISO (các quy tắc được chuẩn hóa quốc tế) đến các tiêu chuẩn “đánh vào trái tim” trong đó nhấn mạnh vào sự công bằng như Fairtrade (thương mại công bằng), Fairwild (bộ tiêu chuẩn hướng dẫn bảo đảm tính bền vững trong quá trình thu hái các loài cây dược liệu trong tự nhiên)... Việc thiếu các nghiên cứu để trang bị những hiểu biết về yêu cầu của các thị trường này trước khi sản xuất là sai sót lớn.

Cân nhắc kỹ các yếu tố

Để tăng khả năng cạnh tranh trong phát triển thị trường dược liệu, ngoài các yếu tố thường được nhắc đến nhiều như nâng cao năng suất (nhờ cải thiện giống cây, áp dụng công nghệ và cơ giới hóa, tự động hóa trong trồng trọt, thu hái, chế biến), hạ giá thành sản phẩm (như quản trị tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, mở rộng quy mô...) cần cân nhắc kỹ các yếu tố sau:

Một là, nhận diện rõ đối thủ cạnh tranh. Trong lĩnh vực dược liệu thô cho y học cổ truyền phục vụ kê đơn bắt mạch, các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp làm ăn “lèm nhèm” trong nước là đối thủ lớn nhất. Dưới góc độ kinh tế, cần hết sức thận trọng khi phát triển những sản phẩm dược liệu từ nhóm thuốc Bắc, bởi chúng ta không có lợi thế cạnh tranh, cũng như chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh thực sự công bằng trong nước. Đối với việc phát triển từ các cây thuốc bản địa trong nước để phát triển, nếu muốn sản xuất ra các sản phẩm điều trị, đối thủ của chúng ta là các hãng dược phương Tây. Điều này là do chúng ta gặp khó từ việc phải nhập khẩu các hóa chất đầu vào (do công nghiệp hóa chất của chúng ta kém phát triển), đến thiết bị công nghệ, điều kiện sản xuất, các yêu cầu về thử nghiệm, từ tiền lâm sàng đến lâm sàng. Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta nhất định phải tập trung vào đây trong khi còn nhiều hướng khác như đã nêu trên?

Hai là, cần tập trung nguồn lực để phát triển. Như đã nêu ở phần trên, cái khó của chúng ta chính là có qua nhiều cây trong khi nguồn lực thì hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nên chia cây thuốc thành nhiều nhóm để tập trung nguồn lực phát triển. i) Với cây thuốc cấp quốc gia, là các cây thuốc Việt Nam có lợi thế so sánh, gọi là các cây thuốc chủ lực, giới hạn ở khoảng 10 loài, như: Sâm Việt Nam, gấc, quế... Các loài này được lựa chọn theo tiêu chí kinh tế - kỹ thuật, trên cơ sở điều tra khảo sát tài nguyên và thị trường cả trong nước và quốc tế. Nguồn lực cho nhóm này tất nhiên là của quốc gia. ii) Với cây thuốc cấp tỉnh, khi cây đó có tiềm năng phát triển giới hạn trong phạm vi một tỉnh; và iii) Cây thuốc cấp cộng đồng, nên được phát triển trong phạm vi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ba là, gia tăng và tích hợp giá trị. Có nhiều cách để gia tăng và tích hợp giá trị như xây dựng tiêu chuẩn vùng trồng, chế biến, tinh chế, phát triển sản phẩm mới từ thảo dược thay vì chỉ bán thô, xây dựng thương hiệu, gắn với du lịch.

Bốn là, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, phải chú trọng sự phát triển dược liệu một cách bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội.

Nếu triển khai đầy đủ các yếu tố trên, có thể đạt được sự bền vững về kinh tế. Bên cạnh đó, để bền vững về môi trường, cần tiếp tục triển khai các chủ trương, định hướng gần đây của Chính phủ như phát triển kinh tế xanh, tiêu chuẩn xanh... Trong đó, yếu tố bền vững về xã hội ít được nhắc đến nhất. Theo nghĩa hiểu thông dụng, bền vững về xã hội là việc phát triển kinh tế thảo dược cần được thực hiện theo cách không gây các mâu thuẫn và vấn đề xã hội như người dân mất đất tạo ra công ăn việc làm và thu nhập, chia sẻ lợi ích hài hòa... Đây là điều khó nhất nhưng cũng có thể triển khai từng bước, như xây dựng chuỗi giá trị từ các hộ gia đình đến hợp tác xã/doanh nghiệp tại cộng đồng, rồi đến các doanh nghiệp chủ chốt, xây dựng mô hình doanh nghiệp có vốn góp của cộng đồng.

Thực hiện tất cả các vấn đề trên là điều không dễ dàng. Bởi vậy, chúng ta cần chú trọng xây dựng một “kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế thảo dược” cho Việt Nam, trong đó nêu rõ sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, các mục tiêu một cách cân bằng và toàn diện, lộ trình, các nguồn lực và các cơ quan/ngành tham gia, trong đó ít nhất có nông nghiệp, y tế, công thương, khoa học công nghệ, du lịch. Và bởi nó liên quan đến nhiều ngành, việc triển khai kế hoạch này cần do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo./.