20/09/2024 | 16:58 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quảng Ninh phát triển cây dược liệu dưới tán rừng

Dương Trường
Quảng Ninh phát triển cây dược liệu dưới tán rừng Chế biến sản phẩm trà hoa vàng tại Hợp tác xã Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh)_Ảnh: khoinghiepquangninh.com
Với gần 70% diện tích tự nhiên là rừng, tỉnh Quảng Ninh có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế dưới tán rừng, đặc biệt là dược liệu. Quảng Ninh đã và đang triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của cây dược liệu, từng bước xây dựng tỉnh trở thành trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc.

Huyện Ba Chẽ - “thủ phủ dược liệu”

Nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên của huyện Ba Chẽ độc đáo, mức độ đặc hữu cao và còn chưa khám phá hết. Từ lâu đời, người dân huyện Ba Chẽ đã tự thu hái các cây dược liệu quý ngoài tự nhiên như ba kích tím, trà hoa vàng, nấm lim xanh, sâm cau đỏ, cát sâm, lan kim tuyến,... để sử dụng hoặc thương mại hóa. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn tài nguyên vô giá này đang bị cạn kiệt, suy giảm thành phần loài, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp dẫn đến nơi sinh sống của các loài đặc hữu, dược liệu quý bị đe dọa.

Sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện Ba Chẽ chủ yếu theo quy mô hộ gia đình và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ dược liệu tăng cao, chính sách hỗ trợ phát triển và có thị trường tiêu thụ, diện tích cây dược liệu đặc biệt như ba kích, trà hoa vàng, cát sâm,... tăng tương đối nhanh. Đến nay, toàn huyện trồng được khoảng 400,7ha dược liệu gồm các cây chủ lực như: ba kích tím (125,9ha), trà hoa vàng (230,7ha), cát sâm (36,5ha), dược liệu khác (7,6ha, gồm sâm cau đỏ, xạ can, thiên môn đông).

Về sản lượng khai thác các loài dược liệu nuôi trồng khoảng 60 tấn dược liệu tươi/năm, trong đó trà hoa vàng 59,7 tấn, ba kích tím 0,3 tấn củ tươi, các loài dược liệu khác mới gây trồng nên chưa cho thu hoạch sản phẩm. Sau khi khai thác, dược liệu được chế biến kỹ trước khi đưa ra thị trường. Huyện Ba Chẽ có 28 cơ sở chế biến dược liệu với công suất khoảng 230 tấn với 10 sản phẩm, trong đó có 3 cơ sở chế biến quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã với công suất 100 tấn dược liệu mang lại doanh thu 15 tỷ đồng/năm; 23 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình, công suất tiêu thụ sản phẩm là 130 tấn dược liệu/năm phục vụ tiêu thụ trong nước cho doanh thu 22 tỷ đồng.

Hợp tác xã Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ (thị trấn Ba Chẽ) được thành lập năm 2020 với 7 thành viên. Hợp tác xã lựa chọn ký kết thu mua nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ trà hoa vàng: sản xuất hoa sấy khô đóng lọ, bột trà matcha, bánh. Bà Hoàng Thị Uy - Giám đốc Hợp tác xã - cho biết, chúng tôi đã chọn phát triển cây trà hoa vàng truyền thống của Ba Chẽ chế biến thành sản phẩm phục vụ thị trường. Được khách hàng đón nhận, hiện nay hợp tác xã đang mở rộng quy mô phát huy giá trị loại dược liệu quý này; từng bước đa dạng hóa sản phẩm như nước uống, mỹ phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu 3ha với quy trình sản xuất khép kín, xây dựng 1 phòng nghiên cứu phát triển giống để góp phần bảo tồn và phát triển giống cây trà hoa vàng của địa phương. Doanh thu bình quân hợp tác xã đạt khoảng 700 triệu đồng/năm.

Ba Chẽ đang tận dụng triệt để lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với việc phát triển nhiều loại cây dược liệu. Có nhiều cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu. Huyện đã có những chỉ đạo cụ thể để bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; xử lý khai thác dược liệu trái pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ nguồn dược liệu trên địa bàn huyện. Quy mô phát triển vùng nguyên liệu tại huyện Ba Chẽ đến năm 2030, định hướng 2040 có tổng diện tích là 2.000ha, trong đó trà hoa vàng 500ha; ba kích tím 1.000ha; cát sâm 200 ha; dược liệu khác 300ha.

Tích cực bảo tồn, phát triển cây dược liệu

Theo số liệu thống kê gần đây nhất, Quảng Ninh hiện có trên 900 loài cây thuốc thuộc các họ, chi khác nhau, trong đó có rất nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao phân bố rải rác tại các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đông Triều...

Để từng bước mở rộng diện tích cây dược liệu, tỉnh đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Chính phủ về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Đồng thời, tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách riêng tạo hành lang pháp lý cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng. Các chính sách với những ưu đãi lớn về vốn, giống, khoa học kỹ thuật,... đã tạo động lực, khuyến khích các đơn vị, hợp tác xã và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các mô hình trồng, chế biến cây dược liệu quy mô lớn. Tiêu biểu như mô hình trồng và phát triển cây dược liệu của Công ty CP Secoin Quảng Ninh (thị xã Đông Triều), diện tích 70ha tại các xã Tràng Lương, Bình khê, chuyên trồng các cây nghệ, đinh lăng, địa hoàng, kim ngân, hoài sơn, diệp hạ châu, trinh nữ hoàng cung. Công ty cũng dành 40ha để thành lập Trung tâm bảo tồn những cây thuốc quý, cây thuốc có nguy cơ cạn kiệt. Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty CP Công nghệ xanh Đông Sơn (thành phố Hạ Long), tổng diện tích 85ha; mô hình của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (thành phố Cẩm Phả), diện tích 30ha.

Trong quá trình phát triển sản xuất cây dược liệu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến dược liệu giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp tổng diện tích khoảng 568ha, cây trồng chủ yếu là ba kích, trà hoa vàng. Ông Nịnh Văn Trắng - Giám đốc Công ty Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) - là người đi đầu trong việc khôi phục và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện. Ông Trắng đã đứng ra bao tiêu thu mua cây trà cho người dân, là người trồng trà hoa vàng theo hướng bảo tồn đầu tiên ở huyện. Nhận thấy cây trà hoa vàng là cây dược liệu quý, rất tốt cho phát triển kinh tế, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ 50% tiền cây giống cho bà con và phát triển rộng hơn ra các xã trên địa bàn. Để người dân có đầu ra ổn định và yên tâm sản xuất, cơ sở của ông Trắng đứng ra thu mua trà hoa vàng của người dân xã mình và các xã lân cận với hơn 1 tấn hoa trà tươi/năm. Ngoài ra, Hợp tác xã Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ ở thị trấn Ba Chẽ cũng thường xuyên đứng ra thu mua sản phẩm trà hoa vàng giúp bà con có đầu ra ổn định. Hiện nay, ông Trắng có 7ha cây trà hoa vàng, 5ha cây ba kích tím và 2ha cây cát sâm. Ông Trắng đánh giá, việc liên kết, sản xuất, tiêu thụ, chế biến dược liệu không chỉ giúp người trồng có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô phát triển, mà còn giúp cơ sở sản xuất có được nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu sản xuất ngày càng tăng.

Nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả khác cũng được tỉnh Quảng Ninh triển khai, như: hình thành vùng bảo tồn, phát triển cây dược liệu tập trung tại Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử và thung lũng dược liệu xanh Ngọa Vân - Yên Tử; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào trồng, chế biến cây dược liệu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu dược liệu Quảng Ninh; ban hành Quy hoạch phát triển cây dược liệu Quảng Ninh...

Trên lộ trình hình thành trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc

Từ những tiềm năng sẵn có và kết quả phát triển cây dược liệu với nhiều tín hiệu đáng mừng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục mở rộng diện tích trồng và chủng loại cây dược liệu có ưu thế trên địa bàn. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích cây dược liệu trên 16.500ha; trong đó, trên 7.000ha cây hồi, 2.170ha cây ba kích, 1.500ha cây trà hoa vàng, hơn 2.100ha cây dược liệu khác. Mục tiêu phát triển nguyên dược liệu giai đoạn 2025 - 2030 đạt 5.000 tấn/năm và tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Đi đôi với tiếp tục trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác, duy trì, phát triển có hiệu quả diện tích cây dược liệu hiện có, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu chọn, tạo các giống cây dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh; triển khai các hoạt động bảo hộ, bảo tồn và đánh giá giá trị nguồn gene, tập trung vào các nguồn gene đặc hữu, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng. Người dân được hỗ trợ một phần chi phí khi trồng xen cây dược liệu và cây gỗ lớn trên cùng một diện tích bảo đảm “lấy ngắn nuôi dài” để khuyến khích người dân tích cực tham gia. Đồng thời, Quảng Ninh xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây dược liệu chất lượng cao; các vườn bảo tồn cây dược liệu, nhằm bảo tồn vững chắc nguồn gene dược liệu quý hiếm. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu trong tương lai, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước cung ứng dược liệu cho nhu cầu trong, ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu./.