20/09/2024 | 16:33 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thị trường dược liệu châu Âu bùng nổ sau đại dịch COVID-19

Thanh Nam
Thị trường dược liệu châu Âu bùng nổ sau đại dịch COVID-19 Sản xuất dược phẩm tại một nhà máy tại Đức_Ảnh minh họa
Các phương pháp điều trị y học tự nhiên ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu khiến khu vực này trở thành một thị trường đầy tiềm năng cho các dược phẩm có thành phần thiên nhiên. Ngành công nghiệp châu Âu hùng mạnh đã khởi động những sản phẩm chăm sóc sức khỏe nguồn gốc tự nhiên mới và xu thế này càng được củng cố sau đại dịch COVID-19.

Sức thu hút với các phương pháp điều trị phòng ngừa cũng thúc đẩy nhu cầu gia tăng về các sản phẩm hương liệu, chiết suất, tinh dầu, rong và tảo biển, tinh chất nghệ và gừng. Trên thực tế, một trong những hệ quả chính của đại dịch COVID-19 là xu hướng “self-medication” (tự dùng thuốc) lan rộng. Theo đó, sự quan tâm đến thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe tăng cao, đồng thời nhiều công ty dược phẩm và thực phẩm cũng gấp rút tham gia vào thị trường thực phẩm chức năng, đặc biệt là với các nước châu Âu - thị trường tiêu dùng khổng lồ có truyền thống sử dụng các đồ thực phẩm chức năng. Đây là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu những sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên.

“Khát” nguyên liệu thảo dược thô

Đức là thị trường tiêu dùng lớn nhất châu Âu và trên bình diện chung, người tiêu dùng quốc gia này ngày càng có ý thức hơn về mặt chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sự quan tâm tới các sản phẩm có nguồn gốc cỏ cây và tinh chất.

Theo trang thông tin của Trung tâm Xúc tiến thương mại nhập khẩu từ các nước đang phát triển cib.eu, ước tính trong năm 2022, giá trị của thị trường thực phẩm chức năng Đức xấp xỉ 4,8 tỷ USD. Đức là nước có thị trường thực phẩm chức năng lớn thứ nhì châu Âu về mặt giá trị, sau Italia. Trong đó, các hãng dược phẩm là kênh phân phối quan trọng về mặt hàng này tại Đức, chiếm tỷ lệ 85%. Doanh số này tăng nhanh chóng trong những năm qua, đạt tỷ lệ tăng trưởng 5%/năm trong riêng giai đoạn 2017 - 2020.

Theo một cuộc khảo sát năm 2021 với 4.041 người tiêu dùng Đức, 70% số người xác nhận họ có dùng thực phẩm chức năng trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, do cuộc khảo sát được tiến hành trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nên chưa thể rõ quy mô tiêu dùng này còn tiếp tục ở mức bao nhiêu sau đại dịch. Dữ liệu thu thập trong 3 đợt khảo sát giữa các năm 2020 và 2021 cho thấy 16% số người được hỏi cho biết đã tiêu thụ các sản phẩm thảo dược trong vòng 12 tháng qua và 12% đã sử dụng những thực phẩm chức năng thảo dược như tinh dầu tảo. Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng có chứa khoáng chất và vitamin vẫn rất phổ biến với người Đức, chiếm tới hơn 50% khối lượng thực phẩm chức năng được bán tại Đức.

Ngành công nghiệp dược phẩm Đức luôn “khát” các nguyên liệu thành phần thô và cả sơ chế để sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nội địa và quốc tế. Về mặt kim ngạch thương mại, Đức là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất các loại thành phần thảo dược tự nhiên, cũng như các hương liệu cho ngành công nghiệp tinh chế.

81% số người Pháp tin dùng thực phẩm chức năng

Trong khi đó, Pháp là thị trường đầy hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu sản phẩm chăm sóc sức khỏe có thành phần tự nhiên. Giá trị của thị trường tiêu thụ Pháp ngày càng lớn với các thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược. Người tiêu dùng Pháp có truyền thống tin dùng dài hạn các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Pháp cũng là một trong những thị trường lớn nhất châu Âu về sản phẩm thuốc thảo dược. Thị trường này lâu nay vẫn tràn ngập các loại thuốc thảo dược phương Tây, đặc biệt là các thuốc theo liệu pháp “vi lượng đồng căn”, chủ yếu cho nhu cầu điều trị phòng ngừa. Trong năm 2022, thị trường thực phẩm chức năng của Pháp ước đạt giá trị 10,49 tỷ USD. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Pháp (Synadiet), doanh số bán trực tuyến thực phẩm chức năng tại nước này tăng 16% trong giai đoạn 2 năm 2020 - 2021.

Cũng trong năm 2021, một cuộc thăm dò của Synadiet cho biết 81% dân số Pháp luôn có quan niệm tốt về thực phẩm chức năng, và khoảng 58% số người tiêu dùng Pháp đã sử dụng liên tục các sản phẩm này trong 2 năm đã qua. Chất lượng tự nhiên của các thực phẩm chức năng chính là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy người tiêu dùng chi cho mặt hàng này.

Dư địa dược liệu nhiệt đới

Italia luôn giữ vai trò là thị trường hấp dẫn cho những doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Quốc gia này cũng chính là điểm nhập khẩu lớn nhất châu Âu về các mặt hàng tinh dầu, với một ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe cực kỳ thịnh vượng. Hơn nữa, những người tiêu dùng Italia có truyền thống sử dụng các sản phẩm thực vật sản xuất trong nước đặc chế cho dược phẩm cây cỏ và thuốc truyền thống.

Italia cũng là thị trường thực phẩm chức năng số một châu Âu. Trong giai đoạn 2014 - 2020, thị trường này tăng trưởng trung bình 8,2%/năm. Trị giá của thị trường này trong năm 2022 ước đạt 9,16 tỷ USD. Trước đó, vào giai đoạn cao điểm của lệnh giãn cách và phong tỏa do dịch COVID-19 năm 2020, khi các cửa hàng bán lẻ truyền thống bị buộc phải đóng cửa, thị trường thực phẩm chức năng Italia vẫn tăng trưởng ở mức 2,8%. Các cửa hàng dược tại Italia vẫn là kênh phân phối chính mặt hàng này với tỷ lệ 80% toàn thị trường.

Phân tích của Hiệp hội Các nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe Italia nhấn mạnh rằng, đại dịch COVID-19 chính là nhân tố thúc đẩy người tiêu dùng nước này cẩn trọng hơn trong việc tự chăm sóc thể trạng bản thân. Theo một nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, 87% số người Italia dùng thực phẩm chức năng để cảm thấy sung sức hơn và 84% cho rằng họ cảm thấy cần thiết phải tự chăm sóc cho bản thân. Trong năm 2021, hơn 58% dân số Italia thừa nhận họ thường xuyên sử dụng thực phẩm chức năng.

Năm 2019, thị trường thực phẩm chức năng Italia có chứa thành phần nguồn gốc cây cỏ ước tính trị giá 500,88 triệu USD. Con số này chiếm 16% giá trị tổng thị trường thực phẩm chức năng Italia. Riêng giá trị thị trường các sản phẩm thuần túy thảo mộc cùng thời điểm này lên tới 2,66 tỷ USD. Con số này chiếm tới 10% giá trị toàn thị trường dược phẩm Italia. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Italia sử dụng sản phẩm có thành phần tự nhiên chủ đạo, đặc biệt là với những người có các triệu chứng sức khỏe dạng nhẹ. Những thành phần dược liệu phổ biến gồm có hoa lạc tiên, tinh dầu chanh, keo ong, men gạo lứt đỏ, cây kim sa, cây lô hội.

So sánh với những thị trường châu Âu chủ chốt khác, Italia ít phụ thuộc vào các dược phẩm có thành phần tự nhiên không thuộc các nước châu Âu. Tuy nhiên, thị trường Italia vẫn còn nhiều dư địa cho các dược liệu thô trồng được tại những nước có khí hậu nhiệt đới. Hơn nữa, nước này là quốc gia nhập khẩu lớn nhất châu Âu về sản phẩm rong/tảo biển từ các nước đang phát triển./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện