13/11/2024 | 09:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Trí tuệ nhân tạo định hướng phát triển cho đa dạng văn hóa

Thanh Nam
Trí tuệ nhân tạo định hướng phát triển cho đa dạng văn hóa Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nhiều cách thức hỗ trợ bảo tồn đa dạng văn hóa và ngôn ngữ như ghi chép tài liệu và phân tích những ngôn ngữ đang bị đe dọa biến mất_Ảnh minh họa
Sự tương tác qua lại giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và tính đa dạng văn hóa diễn ra dưới nhiều dạng thức, tính chất đa ngôn ngữ và các sắc thái văn hóa là một phần quan trọng của phát triển AI. Cùng lúc, AI có thể tạo ra nhiều cách thức hỗ trợ bảo tồn đa dạng văn hóa và ngôn ngữ như ghi chép tài liệu và phân tích những ngôn ngữ đang bị đe dọa biến mất, giúp bảo tồn và hồi sinh chúng. Đảo quốc Iceland mới đây đã đi tiên phong trong việc bắt tay với Công ty OpenAI để sử dụng công cụ GPT-4 bảo tồn phương ngữ Iceland. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng với những dạng ngôn ngữ truyền miệng mà không có hệ thống chữ viết.

Những công cụ được vận hành nhờ AI có thể tham gia bảo tồn và khôi phục những đồ tạo tác văn hóa, các công trình lịch sử và tác phẩm nghệ thuật. AI cũng có thể thực hiện nhiệm vụ tổ chức, phân loại và bảo tồn khối lượng lớn các nội dung văn hóa được số hóa để phát triển một cách toàn diện các kho lưu trữ tài liệu lịch sử. 

Để minh họa rõ hơn, các nhà khảo cổ học và bảo tồn học giờ đây có thể sản xuất một cách tỉ mỉ, chân thực các đồ vật được tái tạo bằng số hóa và những cấu trúc lịch sử nhờ các công nghệ mô hình hóa và quét 3D do trí tuệ nhân tạo thực hiện.

Từ tháng 10-2020, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) công bố thành quả nghiên cứu của dự án mang tên AINU-GO AI bảo tồn tiếng Ainu. Đây là ngôn ngữ của những tộc người thiểu số sống rải rác ở vùng đảo Hokkaido và Okinawa. 

Những cư dân này vốn sở hữu ngôn ngữ riêng như tiếng Ainu, Yaeyama, Yonaguni..., nhưng do sự phổ biến của quốc ngữ (tiếng Nhật), số lượng cư dân dùng phương ngữ dần dần suy giảm qua các năm. 

Trong đó, tiếng Ainu đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo là ngôn ngữ có nguy cơ biến mất cao nhất ở Nhật (năm 2009). 

Dựa trên những dữ liệu âm thanh của 10 cư dân bản địa với độ dài 40 tiếng do các bảo tàng dân tộc - văn hóa Ainu cung cấp, AINU-GO AI có thể nhận biết được 94% âm vị (phân đoạn nhỏ nhất của âm thanh) và 80% từ, đồng thời tái hiện tiếng Ainu gần giống như người bản địa.

Sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn cũng có vai trò quan trọng trong nhiều sáng kiến nhằm sử dụng AI vào công tác bảo tồn văn hóa, như trường hợp Microsoft gần đây đã phát triển công cụ AI riêng của tập đoàn cho chương trình Di sản văn hóa để tăng cường năng lực cho người dân và các tổ chức tình nguyện tham gia bảo tồn và làm phong phú hơn di sản văn hóa thông qua công nghệ của AI.       

Giải quyết vấn đề “độc canh” của AI

Trong khi tham gia bảo tồn sự đa dạng văn hóa, AI còn là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề “đồng hóa văn hóa” khi phát triển các mô hình AI. Dù ChatGPT có thể nói chuyện được bằng 100 ngôn ngữ, mô hình cơ bản của nó vẫn được đào tạo chủ yếu trên các văn bản tiếng Anh. Những nền tảng khác lại phải đối mặt với các vấn đề tương tự.

Nhưng vấn đề lại vượt quá khỏi khuôn khổ ngôn ngữ. Bằng cách đào tạo các mô hình AI chủ yếu sử dụng tiếng Anh với một khuôn khổ ngữ cảnh văn hóa riêng biệt, AI có xu hướng lan tỏa các giá trị của thế giới nói tiếng Anh.

Nhưng đã có một vài tin vui. Bằng cách trải nghiệm với ChatGPT, chúng ta đang đào tạo công cụ này theo hướng sắp xếp đa dạng hơn về các niềm tin và ngữ cảnh văn hóa, theo đó cung cấp cho OpenAI một lượng dữ liệu đáng kể được gắn mác con người với cả những câu trả lời theo thói quen và ít theo thói quen.

Đa dạng văn hóa trực tuyến

Kể từ thời kỳ đầu tiên, Internet vẫn là thứ phương tiện truyền thông chủ đạo bằng tiếng Anh. Theo một số thống kê, khoảng 56% nội dung trên môi trường web là bằng tiếng Anh, trong khi 75% dân số còn lại của thế giới không nói tiếng Anh. 

Tình huống này buộc nhiều nước phải có hành động thống nhất để thúc đẩy môi trường đa ngôn ngữ và bảo vệ tính đa dạng văn hóa. Việc thúc đẩy môi trường đa ngôn ngữ không đơn thuần là vấn đề văn hóa, mà nó còn liên quan trực tiếp đến nhu cầu phát triển hơn của mạng Internet. 

Nếu có thêm nhiều bộ phận xã hội sử dụng Internet một cách rộng rãi hơn, thay vì chỉ những nước phát triển, các nội dung trên Internet càng dễ được tiếp cận hơn bằng các loại ngôn ngữ khác.

Đa dạng văn hóa là một khái niệm rộng và có thể bao hàm đa dạng ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, phong tục tập quán và tôn giáo. Mối quan hệ giữa Internet (hoặc rộng hơn là công nghệ thông tin và truyền thông) và đa dạng văn hóa, trong nhiều dạng thức, là 2 lớp vỏ. 

Một mặt, Internet thông qua khả năng thúc đẩy đồng thời những cuộc trao đổi giữa các cá nhân có những nền tảng văn hóa khác biệt, và tiếp cận nguồn thông tin và kiến thức khổng lồ, nó cũng có thể đóng góp thúc đẩy tính đa dạng văn hóa ở mức toàn cầu.

Internet cũng trao cho các cá nhân khả năng bày tỏ chính họ theo các cách thức phản ánh bản sắc dân tộc và văn hóa, với nội dung do người sử dụng tạo ra. Và vì thế, nó trở thành một phương thức mới mà qua đó tính đa dạng văn hóa được phản ánh tốt hơn, nâng tới quy mô toàn thế giới. 

Mặc khác, như thông điệp đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin (WSIS) do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 6-2022, đa dạng văn hóa là điểm mấu chốt để phát triển một xã hội thông tin đồng đều, dựa trên các cuộc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

Trong môi trường trực tuyến, chúng ta có thể thực hiện việc bảo tồn, tăng cường và thúc đẩy đa dạng văn hóa thông qua việc khuyến khích phát triển các nội dung địa phương tương thích với văn hóa và ngôn ngữ của các cá nhân. 

Chúng ta có thể đạt được điều này bằng cách khuyến khích phát triển những nội dung do người dùng tạo ra ở cấp địa phương, cũng như tăng cường số hóa tri thức trong các cộng đồng bản địa. Một khi những cộng đồng bản địa có thể sử dụng các công cụ số hóa, họ có thể tạo ra nội dung và đóng góp vào sự phát triển văn hóa và bản sắc của họ./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện