Tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia
Phạm Nhẫn
Mối quan hệ tương tác
Mỗi khi nói đến giá trị di sản thế giới, người ta thường nghĩ đến ngay và trước hết những di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới vốn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và phân loại, định tính và định lượng.
Trong thực chất, giá trị di sản thế giới bao trùm sâu rộng hơn là chỉ có bao gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới.
Liên quan đến mối quan hệ tương tác giữa sức mạnh mềm của quốc gia và việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, cần phải lưu ý rằng, đối với mọi quốc gia, có những giá trị di sản của quốc gia được nhìn nhận là giá trị di sản chung của cả thế giới và có những giá trị di sản chung của thế giới nằm ở bên ngoài phạm vi quốc gia.
Sự khác biệt này đòi hỏi các quốc gia phải có những cách thức khác nhau để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản chung của thế giới tồn tại ở bên trong và bên ngoài phạm vi quốc gia.
Mối quan hệ giữa quốc gia và thế giới chính là điểm xuất phát, mấu chốt của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới có thể góp phần quan trọng như thế nào vào việc gây dựng, tăng cường sức mạnh mềm cho quốc gia.
Đồng thời, cũng còn có thể tiếp cận theo cách ngược lại là nếu muốn gây dựng, tăng cường sức mạnh mềm cho quốc gia, có thể và nên phải thông qua việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới như thế nào.
Một trong những thành tố quyết định làm nên sức mạnh mềm của quốc gia là vị thế và uy tín quốc gia trên thế giới, là sự mến mộ và tin cậy của thế giới dành cho quốc gia.
Quốc gia sẽ có được sức mạnh mềm xứng đáng khi được thế giới bên ngoài nhìn nhận, công nhận là thành viên có trách nhiệm, đáng tin cậy đối với thế giới; có thiện chí cũng như tiềm lực thực tế giúp thế giới giải quyết mọi vấn đề đặt ra cho nhân loại trên Trái đất.
Một khi thế giới đã nhìn nhận, công nhận như thế về quốc gia, quốc gia sẽ nhận được sự hợp tác hiệu quả và trợ giúp đắc lực trong công cuộc gây dựng, tăng cường sức mạnh mềm cho quốc gia.
Ở đây thể hiện rất rõ quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới có lợi như thế nào cho quốc gia trên phương diện sức mạnh mềm của quốc gia và cho việc thế giới bảo tồn, phát huy giá trị di sản chung của thế giới.
Ở đây cũng thể hiện việc thế giới bên ngoài hợp tác, hậu thuẫn với quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới ở bên trong phạm vi các quốc gia nói riêng và ở thế giới bên ngoài phạm vi quốc gia nói chung hữu ích như thế nào đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới nói chung trên khắp thế giới và đối với việc quốc gia gây dựng, tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia nói riêng.
Vai trò then chốt
Đối ngoại vốn đóng vai trò rất then chốt trong việc gây dựng, tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới thể hiện rất rõ bản chất, định hướng chính sách đối ngoại của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiến triển mạnh mẽ với mọi tác động hai mặt của chúng.
Ở bên trong phạm vi quốc gia cũng như trên thế giới nói chung, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới có thể phục vụ đắc lực cho công cuộc gây dựng và tăng cường sức mạnh mềm cho quốc gia.
Vì qua đó, thế giới bên ngoài có thể dễ dàng nhận thấy và nhanh chóng bị thuyết phục để thực sự tin rằng quốc gia thực thi những lợi ích, mục tiêu đối nội và đối ngoại riêng nhưng luôn không làm tổn hại gì đến lợi ích chung của cả nhân loại, mà luôn đồng thời vì cả quốc gia và thế giới; vì quốc gia luôn hài hoà như có thể được lợi ích riêng của quốc gia với lợi ích chung của thế giới, không đặt lên trên và càng không bất chấp lợi ích chung của cả thế giới.
Đặc tính “đồng thời vì cả thế giới” giúp quốc gia giành về được sự tín nhiệm, tin cậy của thế giới, sự công nhận là thành viên có trách nhiệm của thế giới và một trong những chỗ dựa của thế giới. Sức mạnh mềm của quốc gia cội rễ từ đó, định hình nên từ đó và không ngừng gia tăng trên nền tảng đó.
Cùng trên phương diện này, quốc gia có thể gây dựng, tăng cường sức mạnh mềm bằng những định hướng chính sách đúng đắn, biện pháp cụ thể thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới trong phạm vi quốc gia; đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới ở thế giới bên ngoài quốc gia cũng như bằng thúc đẩy hợp tác quốc tế, song phương cũng như đa phương trên lĩnh vực này.
Thế giới bên ngoài có thể giúp các quốc gia, các quốc gia có thể trợ giúp lẫn nhau thông qua hợp tác tài chính và kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và ý tưởng sáng tạo để cùng bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới ở bên trong cũng như bên ngoài phạm vi quốc gia.
Thông qua đó, sự hội nhập quốc tế của các quốc gia trở nên thực chất, đa dạng, bền vững hơn. Thông qua đó, mối quan hệ giữa các quốc gia được phát triển mạnh mẽ, tin cậy, gắn kết với nhau chặt chẽ hơn. Đó cũng còn là một trong những lĩnh vực mà các quốc gia có thể và cần phải đưa quan hệ hợp tác giữa các quốc gia với nhau đi vào chiều sâu.
Có thể khẳng định, bất cứ nơi nào trên thế giới, giá trị di sản thế giới luôn là sự ưu ái của thiên nhiên và thành quả lao động, sáng tạo của con người từ xa xưa đến nay.
Đó là nguồn nội lực của quốc gia và nguồn ngoại lực ở thế giới bên ngoài mà quốc gia có thể và nên tận lợi để kiến tạo nên sức mạnh tổng hợp cho quốc gia. Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của quốc gia tạo thành thể thống nhất, bổ sung lẫn nhau và tạo tiền đề cũng như động lực để cùng gia tăng./.