20/05/2024 | 10:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ấn Độ thành công với việc dùng công nghệ bảo tồn di sản văn hóa

Gia Ngọc
Ấn Độ thành công với việc dùng công nghệ bảo tồn di sản văn hóa Du khách tham quan đền Taj Mahal, Ấn Độ_Ảnh: Forbes
Thành công của Ấn Độ trong việc bảo tồn kho tàng di sản đồ sộ của họ có sự đóng góp lớn của các công nghệ hiện đại như số hóa, quét laser 3D, mô hình thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI).

Di sản khổng lồ

Ấn Độ - quốc gia có lịch sử lâu đời, là nơi sinh sống của một xã hội cực kỳ đa dạng. Sự phức tạp trong bản sắc văn hóa rực rỡ đa sắc màu của Ấn Độ được thể hiện qua mối quan hệ giữa các tập tục địa phương, ngôn ngữ và tôn giáo.

Nghệ thuật, từ khiêu vũ, âm nhạc đến hội họa và kiến trúc, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của Ấn Độ. Những tác phẩm điêu khắc và đồ tạo tác truyền thống của Ấn Độ không chỉ độc đáo mà còn phản ánh sự năng động của đất nước này. 

Các tác phẩm, kết hợp giữa vật chất và phi vật thể, tạo nên vẻ đẹp của lịch sử văn hóa Ấn Độ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ấn Độ có 40 di sản thế giới, bao gồm 32 di sản văn hóa, 7 di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp, được bảo vệ bởi Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ (ASI) và những tổ chức khác. Các di tích và địa điểm khảo cổ này, từ đền chùa, nhà thờ đến pháo đài và cung điện, thể hiện sự phong phú của di sản văn hóa Ấn Độ. Ngoài ra, ASI còn quản lý 3.695 di tích có tầm quan trọng quốc gia (MNI).

Tuy nhiên, di sản văn hóa khổng lồ của Ấn Độ đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình trạng suy giảm, sự xuống cấp, bị phá hủy, trộm cắp và buôn bán.

Sự xuống cấp và nạn trộm cắp di sản

Sự xuống cấp của các di sản là một vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ. Nhiều di tích lịch sử và tượng đài đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên như ô nhiễm không khí, thời tiết khắc nghiệt và cả sự tác động của con người như việc xây dựng không kiểm soát và du lịch quá tải. Không khí ô nhiễm tại các thành phố lớn đang gây hại cho các di tích bằng đá, khiến chúng nhanh chóng bị ăn mòn và mất đi giá trị lịch sử và thẩm mỹ.

Ngoài ra, vấn đề trộm cắp và buôn bán di sản văn hóa trái phép cũng đang trở nên phổ biến. Rất nhiều tác phẩm điêu khắc, đồ tạo tác và bản viết tay cổ được báo cáo là đã bị đánh cắp từ các địa điểm khảo cổ và bảo tàng, sau đó bị buôn bán trên thị trường đen quốc tế. 

Theo một số chuyên gia của nước này, mỗi năm có khoảng 1.000 cổ vật bị đánh cắp khỏi các đền chùa và buôn lậu ra nước ngoài, nhưng thông thường chỉ 5% số vụ được báo cáo và tình trạng này đã kéo dài cả thập niên. Sự mất mát này không chỉ làm suy giảm giá trị văn hóa của Ấn Độ, mà còn làm mất đi nguồn tài liệu quý giá cho nghiên cứu và giáo dục.

Chính phủ Ấn Độ và các tổ chức phi chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa. Một trong những chiến lược quan trọng là tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với vấn đề trộm cắp và buôn bán di sản văn hóa trái phép. 

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa cũng được coi là một bước đi thiết yếu trong việc ngăn chặn sự xuống cấp và mất mát của các di sản.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp quản lý di sản bền vững, bao gồm việc hạn chế số lượng du khách tại các di tích và địa điểm văn hóa nhạy cảm cũng được triển khai nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ du lịch. 

Các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên bảo tàng và các chuyên gia bảo tồn cũng được thực hiện để nâng cao chất lượng công tác bảo tồn.

Tuy nhiên, những hoạt động bảo tồn này ít nhiều có mâu thuẫn với nhu cầu khai thác di sản cho các lợi ích kinh tế. Rất may, trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản văn hóa được Ấn Độ coi trọng và triển khai rộng rãi đã mở ra những cơ hội mới cho công tác bảo tồn trong kỷ nguyên số.

Sự thành công của công nghệ cao

Ấn Độ đang chứng kiến sự hồi sinh của các di sản thông qua việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ cả 2 mục tiêu: vừa bảo tồn, vừa khai thác di sản.

Một trong những bước tiến lớn nhất trong việc bảo tồn di sản văn hóa là số hóa di sản. Ấn Độ đã có bước chuyển đổi ngoạn mục từ các quy trình bảo tồn truyền thống như quay phim và vi phim sang số hóa. 

Số hóa không chỉ giúp bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu, bản đồ và bản ghi âm một cách hiệu quả mà còn giúp chúng có sức sống mới và dễ dàng tiếp cận hơn với công chúng. 

Các dự án như Di sản Ấn Độ trong không gian kỹ thuật số (IHDS) đã sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để ghi lại và chia sẻ di sản văn hóa, mở ra cơ hội cho việc nghiên cứu và giáo dục công chúng về di sản phong phú của đất nước. 

Đồng thời việc lập hồ sơ số hóa các di sản, các tác phẩm nghệ thuật cổ cũng tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý và chống trộm cắp, buôn bán trái phép cổ vật trên phạm vi toàn quốc.

Ấn Độ áp dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến như AI, quét laser và đo ảnh trong việc phục hồi, số hóa và ghi chép chính xác về di sản. Các kỹ thuật quét laser 3D, LIDAR và khảo sát bằng máy bay không người lái được sử dụng để ghi lại chi tiết các di tích và địa điểm, cung cấp dữ liệu quý báu cho việc nghiên cứu, cũng như xây dựng chiến lược bảo tồn di sản.

Các mô hình kỹ thuật số tạo ra từ quá trình này không chỉ hỗ trợ bảo tồn (bằng cách ghi nhận hiện trạng và lập kế hoạch khôi phục, bảo tồn di sản) mà còn giúp tạo ra các thực tại ảo, trải nghiệm AR và bản sao in 3D có thể tương tác được của các di sản. 

Với những mô hình này, người ta có thể khám phá, trải nghiệm cảm giác hoà mình vào môi trường lịch sử mà không cần phải gây ra tình trạng quá tải tại các khu di tích. 

Công nghệ cung cấp một sản phẩm tiềm năng cho ngành du lịch, cũng như giáo dục. Điều này không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận của di sản văn hóa Ấn Độ, mà còn tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng đối với bản sắc văn hóa của đất nước.

Nhằm tăng cường hơn nữa năng lực công nghệ, Ấn Độ tiến hành hợp tác với các tổ chức quốc tế như CyARK và các trường đại học, ban đầu chỉ để cải thiện quy trình bảo tồn, nhưng sau đó họ hướng tới thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bảo tồn di sản bằng các công nghệ mới nhất.

Các kết quả gần đây cho thấy Ấn Độ đã đạt nhiều thành công của việc áp dụng công nghệ vào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Từ quét 3D tại chỗ đến kỹ thuật học sâu, nền tảng robot, công nghệ đã mang lại một cách tiếp cận mới mẻ và hiệu quả trong việc bảo tồn và giáo dục về di sản văn hóa Ấn Độ./.


Chuyên mục: Bên lề sự kiện