23/11/2024 | 16:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bảo tồn và khai thác di sản vì mục tiêu phát triển bền vững

Tường Linh
Bảo tồn và khai thác di sản vì mục tiêu phát triển bền vững Một góc Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia_Ảnh: Reuters
Bảo tồn và khai thác di sản không chỉ cung cấp mối liên kết với quá khứ và sự hiểu biết sâu sắc hơn về lối sống và văn hóa của tổ tiên, góp phần giữ gìn truyền thống, phong tục và tập quán văn hóa của dân tộc; mà còn mang lại các lợi ích kinh tế, đặc biệt là trong việc bảo đảm phát triển bền vững.

Đô thị sáng tạo của Saudi Arabia

Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Với Saudi Arabia, việc phát hiện các mỏ dầu đã đem lại nguồn lợi khổng lồ, dẫn tới sự phát triển bùng nổ, làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh truyền thống của các thành phố ở nước này. 

Thế nhưng, thời hoàng kim đó sắp qua đi với quá trình chuyển đổi xanh sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. 

Làm sao bảo đảm sự phát triển bền vững thời hậu dầu mỏ của các thành phố là vấn đề đặt ra, mà bảo tồn và tái sử dụng các di sản để tìm kiếm bản sắc địa phương, cũng như các giá trị xã hội nổi lên như một giải pháp quan trọng.

Những năm gần đây, Saudi Arabia bắt đầu triển khai chiến lược đô thị sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững trong thời kỳ hậu dầu mỏ. 

Bảo tồn và khai thác hiệu quả những di sản Hồi giáo có nguồn gốc lịch sử từ các xã hội văn minh lâu đời là một trong những mục tiêu chính của Tầm nhìn quốc gia 2030 hướng tới sự tăng trưởng bền vững. 

Với Saudi Arabia, sự bền vững được xác định dựa trên 3 tiêu chí: kinh tế, văn hóa - xã hội và sinh thái.

Đi liền với các tiêu chí trên là 3 loại hình bảo tồn và khai thác. Thứ nhất là tái sử dụng kiến trúc bền vững của các di sản như công trình phòng thủ (tháp, pháo đài, tường thành), di tích tôn giáo (nhà thờ Hồi giáo và tháp) để khám phá các truyền thống xã hội. 

Theo hướng này, nhà thờ Hồi giáo Al-Hanafi 200 năm tuổi ở Jeddah, thành phố bên bờ Biển Đỏ lớn thứ hai ở Saudi Arabia và Nhà thờ Hồi giáo Al-Duwaihra ở Diriyah, gần Thủ đô Riyadh, đã được trùng tu vào năm 2019. 

Mục đích là để thúc đẩy và nâng cao giá trị của du lịch tôn giáo, cũng như lòng hiếu khách đối với tất cả du khách và người hành hương.

Loại hình thứ hai là tái tạo di sản đô thị để thúc đẩy văn hóa và thương mại địa phương. Khu định cư Al-Balad nằm ở thành phố Old Jeddah được xây dựng vào thế kỷ thứ bảy - một trung tâm văn hóa và thương mại nổi tiếng - đã được lựa chọn để khôi phục. 

Nhiều nhà thờ Hồi giáo được phục hồi và tái sử dụng, nhiều cơ sở hạ tầng công cộng mới được xây dựng nhằm cải thiện điều kiện sống và chất lượng dịch vụ du lịch trong khu định cư. 

Dự án tiếp theo là khôi phục làng di sản Ushaiger nằm cách Riyadh 200km về phía Tây Bắc vốn bị bỏ hoang từ những năm 70 của thế kỷ XX. Nhiều ngôi nhà bỏ hoang, nhiều đơn vị dân cư đã được hồi sinh và chuyển thành các khu thương mại sôi động.

Với loại hình bảo tồn và khai thác thứ ba là bảo tồn các địa điểm khảo cổ nhằm làm sống lại bản sắc dân tộc và nâng cao dịch vụ du lịch, khu khảo cổ AlUla nằm cách Thủ đô Riyad khoảng 1.100km về phía Tây Bắc được lựa chọn. 

Nơi đây có nhiều lăng mộ và các tòa nhà xây bằng đá sa thạch, lại gần với tàn tích của cố đô Danan hình thành từ hơn 1.000 năm Trước công nguyên - một trong những thành phố quan trọng nhất trong thế giới Arab. 

Khu khảo cổ trở thành một trong những địa điểm du lịch chính để khám phá các giá trị và truyền thống di sản quốc gia của Saudi Arabia. Nó được bảo tồn bằng việc áp dụng các hoạt động khai thác bền vững nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên khỏi tác động quá mức từ các hoạt động du lịch.

Dự án phát triển ở Trung Đông và châu Phi

Trung Đông và châu Phi cung cấp nhiều câu chuyện về cách khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển bền vững. Nổi lên là dự án phát triển ở 3 quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình thấp trong khu vực là Ai Cập, Morocco và vùng đất Palestine bị Israel chiếm đóng. 

Với ngân sách từ 3 đến 5 triệu USD, mỗi gói tài trợ nhỏ hướng tới một mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống ở địa phương thông qua việc tạo thêm các nguồn thu nhập mới từ du lịch, các sản phẩm sinh học của địa phương; thúc đẩy tính bền vững môi trường; lồng ghép bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các dự án.

Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy du lịch di sản và tăng cường các ngành kinh tế dựa vào di sản được chọn là lĩnh vực để phát triển kinh tế và giảm nghèo. 

Theo dự án, ở Ai Cập, 3.000 người đã được huấn luyện về nghiệp vụ khách sạn và điều khiển xe ngựa; hơn 1.000 người được đào tạo về nghề thủ công. 

Ở Morocco, 3 nhóm nhà thiết kế trẻ hầu hết đang thất nghiệp đã được các chuyên gia quốc tế đào tạo về thiết kế sáng tạo từ các nghề thủ công truyền thống. 

Ngoài ra, ở Ai Cập và Morocco còn có các dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường bằng cách mở liên kết với các mạng lưới kinh doanh hiện có. Ví dụ, ở Ai Cập, Diễn đàn Phát triển kinh tế địa phương (LED) được thành lập nhằm kết nối các nghệ nhân với những nhà sản xuất, nhà thiết kế, tổ chức phi chính phủ, hội chợ thương mại và thương nhân.

Về thúc đẩy bình đẳng giới, các dự án di sản được gắn thêm mục tiêu trao quyền và sự tự tin cho phụ nữ thông qua những dịch vụ đào tạo, kỹ thuật và tài chính để phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp sáng tạo và thủ công mỹ nghệ. 

Bởi vì ở các khu vực triển khai dự án, về cơ bản phụ nữ là những người duy nhất nắm giữ kiến thức, cũng như các công đoạn chế biến thực phẩm truyền thống, nên lĩnh vực này được đưa vào dự án. 

Qua đó, phát triển kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Theo hướng này, ở Morocco, các dự án hỗ trợ hàng trăm phụ nữ có thêm nguồn thu nhập từ lĩnh vực chế biến thực phẩm (hạt couscous và quả chà là) và sản xuất hàng thủ công truyền thống (dệt thảm và lều du mục, thêu thùa và đan rổ). 

Các hoạt động đào tạo giúp họ nâng cao năng lực ở các công đoạn sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, cũng như mở rộng thị trường tiềm năng. Một số hiệp hội phụ nữ được kết nối với thị trường địa phương và quốc tế để tăng khả năng tiếp thị sản phẩm của họ. Nhiều khoản tài trợ cũng đã được cung cấp để trang trải chi phí đi lại tham dự các hội chợ khu vực và quốc gia.

Cuối cùng là mục tiêu bảo tồn di sản với sự bền vững về môi trường. Các dự án đều quan tâm đến mối liên hệ chặt chẽ giữa di sản thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng với môi trường. 

Vì thế, mục tiêu của các dự án không chỉ bao gồm khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn cả môi trường sinh thái. 

Ở Morocco, hơn 40 loài thực vật ở các địa phương có giá trị nhất về văn hóa, cũng như các phương pháp canh tác truyền thống có liên quan đã được nghiên cứu và hỗ trợ trong việc bảo tồn. 

Ở Ai Cập, một chương trình giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch sinh thái với sự tham gia của các cơ quan chính phủ, sinh viên và người dân đã được triển khai thông qua các dự án tôn tạo di sản, tạo cơ sở cho những cuộc thảo luận ở mọi cấp độ về các vấn đề liên quan đến môi trường. 

Một trong các dự án là “Chiến dịch làm sạch” đã được triển khai nhằm thúc đẩy việc quản lý chất thải rắn tại khu vực Dahshour, nơi nổi tiếng với nhiều kim tự tháp, trong đó có kim tự tháp Giza - 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện