21/11/2024 | 19:52 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bảo vệ di sản trong chiến tranh

Đăng Bảo
Bảo vệ di sản trong chiến tranh Một sàn nhà được trang trí tranh khảm quý hiếm có từ thời đế chế Byzantine (đế chế Đông La Mã) từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VII tại Dải Gaza_Ảnh: Reuters
Những cuộc chiến tranh lấy đi biết bao sinh mạng và tàn phá biết bao tài sản. Có những tài sản không bao giờ làm lại được, đó là những di sản lịch sử - văn hóa - tâm linh. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có nghị quyết và không ít sáng kiến bảo vệ di sản trước bom đạn vô tình, nhưng hậu quả mà chiến tranh gây ra đối với di sản buộc chúng ta vẫn phải có những hành động bảo vệ di sản nhiều hơn nữa.

Bom đạn vô tình với di sản văn hóa

Việc Israel bơm nước biển vào hệ thống đường hầm ở Dải Gaza làm dấy lên lo ngại những di sản văn hóa vô giá ẩn mình dưới lớp cát dày nơi đây có thể bị tàn phá vô phương cứu chữa. 

“Bên dưới mặt đất Gaza hiện nay là một Gaza khác. Các nhà khảo cổ đã phát hiện một giáo đường Byzantine với những tác phẩm khảm ghép Mosaic rất cổ. Và đó chỉ là khởi đầu của những gì còn ẩn sâu dưới lòng đất”, Hayam Albetar - chuyên gia của Bộ Du lịch và Di tích cổ của Hamas - cho biết.

Mosaic là nghệ thuật ghép tranh từ các mảnh nhỏ gốm, sỏi đá, thủy tinh màu và các vật liệu khác. Những tác phẩm khảm ghép Mosaic được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các trung tâm văn hóa, tôn giáo lớn như La Mã và Hy Lạp, tuy nhiên, tranh ghép Mosaic tìm thấy ở Palestine có những đặc trưng rất khác biệt. 

Phần lớn các bức tranh lộ thiên bị phá hủy hoặc rạn nứt do đạn pháo của Israel. Giới khảo cổ chỉ còn hy vọng giữ được những bức Mosaic dưới các lớp đất sâu. Thế nhưng, việc bơm nước biển vào hệ thống đường hầm của Hamas trong cuộc xung đột thảm khốc hiện nay xóa tan mọi hy vọng.

Cũng ở Trung Đông, Thánh đường Umayyad đẹp nhất của thế giới Hồi giáo được xây từ thế kỷ XI - một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất ở Syria và được UNESCO công nhận Di sản thế giới - đã bị phá hủy trong những cuộc giao tranh khốc liệt ở thành phố Aleppo. 

Chính phủ Syria cáo buộc quân nổi dậy đã đánh bom làm sập tháp Umayyad - viên ngọc của thánh đường, còn phe đối lập phản bác rằng chính đạn pháo từ xe tăng của quân chính phủ mới là nguyên nhân làm sập tòa tháp. 

Những hình ảnh đưa lên Internet cho thấy cấu trúc tháp đã biến thành một đống gạch vụn, những phần khác của thánh đường cũng bị tổn hại nặng nề.

Chiến tranh cũng phá hủy khu di tích có giá trị ngoại hạng của thế giới Palmyra (như đánh giá của UNESCO) - dấu tích của một thành phố quan trọng vào khoảng thế kỷ I - II Sau công nguyên với kiến trúc kết hợp giữa truyền thống địa phương giao thoa với văn minh Hy Lạp - La Mã và Ba Tư cổ đại. 

Đây từng là điểm dừng chân của các đoàn buôn đi qua sa mạc Syria. Tuy nhiên, thành cổ này bị tàn phá nghiêm trọng bởi nội chiến Syria.

Không chỉ ở Trung Đông, chiến sự ở Ukraina cũng khiến những di sản văn hóa vô giá ở đây bị đe dọa. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy Tu viện Svyatohirsk Lavra thuộc Giáo hội Chính thống giáo Ukraina của Tòa Thượng phụ Moscow được xây bằng gỗ từ thế kỷ XVII. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau. 

Phía Ukraina tuyên bố đạn pháo Nga làm cháy tu viện cổ này và kêu gọi UNESCO trục xuất Nga khỏi tổ chức. Phía Nga bác bỏ tuyên bố của Ukraina, tố ngược lại quân đội Ukraina đã phóng hỏa tu viện trước khi rút lui.

Không chỉ các di sản văn hóa lớn như nhà thờ, công trình kiến trúc,... bị bom đạn đe dọa, những tác phẩm nghệ thuật như tượng đài, tranh thánh cũng đứng trước nguy cơ thất thoát trong chiến tranh. 

Theo The Art Newspaper, trước khi rút khỏi phần đất phía hữu ngạn sông Dniepr, khoảng 40 người nghi là người Nga đã đến Bảo tàng Mỹ thuật Kherson lấy các tác phẩm chất lên xe tải mang đến Bảo tàng Mỹ thuật Simferopol trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014. 

Andrei Malguin - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Simferopol - cho biết: 10.000 trong số 14.000 hiện vật nghệ thuật của Bảo tàng Kherson đang được lưu giữ ở đây để “bảo vệ khỏi bị chiến tranh làm hư hại”.

Ngoài đưa sang Nga, nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá của Ukraina cũng được đưa ra khỏi đất nước sang những bảo tàng, phòng triển lãm ở Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đức... Theo Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Kiev Iurii Vakulenko, việc vận chuyển được tiến hành bí mật bằng xe chuyên dụng có hộ tống qua biên giới Ba Lan rồi sang Liên minh châu Âu (EU) để tránh bị phía Nga phát hiện và pháo kích.

Phá hoại di sản văn hóa là tội ác chiến tranh

Không chỉ ngày nay, chiến tranh mới đe dọa các di sản văn hóa. Trong lịch sử, không ít lần những di sản vô giá bị hủy hoại bởi chiến tranh. Việc Taliban phá hủy bức tượng phật Bamiyan nổi tiếng ở Afghanistan là một ví dụ. 

Tượng phật này đã đứng vững 1.500 năm trong những cơn bão cát khủng khiếp, nhưng không chịu nổi sức nổ của bộc phá Taliban. Nhà Trắng - nơi ở và làm việc của các tổng thống Mỹ - cũng bị thực dân Anh đốt phá năm 1814. 

Ở phương Đông, Cung điện Viên Minh Viên (Ngự Viên) cũng bị liên quân Anh, Pháp phá hủy hoàn toàn vào năm 1860...

Việc các di sản văn hóa bị phá hoại, đánh cắp trong chiến tranh làm dấy lên những lo ngại cho công tác bảo tồn. Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải thông qua nghị quyết có tính lịch sử, nhằm bảo vệ các di sản văn hóa thế giới như di tích tôn giáo và các hiện vật khảo cổ vốn thường xuyên bị phá hủy, cướp bóc tại những khu vực xảy ra xung đột vũ trang.

Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO lúc đó - khẳng định, hành vi cố tình phá hủy các di sản đã trở thành một thủ thuật chiến tranh nhằm chia rẽ các xã hội về lâu dài trong khuôn khổ chiến lược thanh trừng văn hóa. 

Do đó, bảo vệ di sản văn hóa là một nhu cầu cấp bách về an ninh, không thể tách rời với việc bảo vệ cuộc sống của con người.

Với nghị quyết này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phát đi thông điệp: những hành vi phá hủy di sản có thể cản trở tiến trình hòa giải hậu xung đột, gây phương hại tới sự phát triển kinh tế - văn hóa và trong một số tình huống có thể coi là tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, UNESCO không có khung pháp lý để giới hạn sự tổn hại gây ra cho các khu di tích bằng cách áp đặt những vùng cấm bay hay triển khai các lực lượng quốc tế. Những kẻ hủy hoại di sản hãn hữu mới bị xử vì tội này. 

Chẳng hạn, năm 2005, Tòa án Hình sự quốc tế về Nam Tư cũ đã kết án cựu Tướng Nam Tư Pavle Strugar 7,5 năm tù vì tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc phá hủy các di tích lịch sử ở thành phố cổ Dubrovnik.

Trước những hệ lụy mà chiến tranh có thể gây ra đối với di sản, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp tình thế thích hợp nhằm bảo vệ di sản. Những tình nguyện viên ở Ukraina đã xếp các bao cát kiểu công sự bao bọc những bức tượng quý, các nhà thờ để tránh chúng bị phá hủy bởi bom đạn. 

Họ còn có sáng kiến Sao lưu Ukraina khuyến khích người dân dùng ứng dụng Polycam để lập mô hình 3D của các tòa nhà và tượng đài hay bất kỳ kiến trúc, hiện vật nào xung quanh họ để đưa lên hệ thống lưu trữ trực tuyến. 

Một sáng kiến khác SUCHO (Saving Ukrainian Cultural Heritage Online), của hơn 1.500 tình nguyện viên quốc tế đang hợp tác trực tuyến để số hóa và bảo tồn di sản văn hóa Ukraina trên đám mây điện toán./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện