19/05/2024 | 01:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thực thi các chính sách đối với nghệ nhân: Động lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Lê Hồng Lý
GS, TS, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Thực thi các chính sách đối với nghệ nhân: Động lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ nhân Là Sía Páo (phải) xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân gìn giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc Lô Lô_Ảnh: baohagiang.vn
Nghệ nhân dân gian là những người nắm giữ kiến thức, bí quyết thực hành các loại hình di sản văn hoá phi vật thể. Chính sách đúng đắn cùng cách ứng xử, thái độ trân trọng, cầu thị đối với các nghệ nhân sẽ là động lực để họ đem hết trí tuệ, tài năng của mình bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

Đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Vào một ngày gần cuối năm 2022, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận được cuộc gọi điện thoại của PGS, TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - đề nghị xem xét công nhận nghệ nhân cho 4 nghệ nhân múa Ải Lao thuộc phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, trong đó có cụ Nguyện Văn Lũy sinh năm 1922, đúng 100 tuổi, là nghệ nhân nắm bắt và truyền dạy những kỹ năng của điệu múa Ải Lao - một loại hình trình diễn dân gian nổi tiếng trong hội Gióng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. 

Về thủ tục, mỗi năm Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chỉ có 2 lần xét phong tặng nghệ nhân vào các đợt họp ban chấp hành giữa năm và cuối năm. Tuy nhiên, khi gặp những trường hợp như kể trên, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam sẵn sàng tiến hành các thủ tục để công nhận và phong tặng. Sau khi chi hội Bảo tàng Dân tộc học đứng ra làm các thủ tục cần thiết, các nghệ nhân đã được phong tặng đặc cách.

Những trường hợp như trên không phải là hiếm xảy ra ở Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ngoài việc thực hiện các bước đi bình thường như có sự giới thiệu, lập hồ sơ từ các chi hội đưa lên Trung ương Hội, việc tìm kiếm, phát hiện và giới thiệu nghệ nhân dân gian để Hội phong tặng là việc làm thường xuyên và tự nguyện của các chi hội cũng như hội viên. 

Bởi vì, hầu hết các nghệ nhân dân gian sống “ẩn mình” ở các làng quê, buôn, plei, bản,... giống như bao người dân bình thường khác.

Theo Quy chế công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian có những tiêu chuẩn và trách nhiệm sau: 1) Nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hóa - văn nghệ dân gian; 2) Sẵn sàng và có khả năng truyền dạy toàn bộ hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ; 3) Sẵn sàng cung cấp, thực hành, trình diễn những vốn hiểu biết của mình về văn hóa - văn nghệ dân gian để Hội tiến hành sưu tầm, lưu giữ.

Tổng số nghệ nhân do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, truy tặng từ năm 2003 đến tháng 12-2023 là 748 Nghệ nhân dân gian.

Với vai trò của mình, nghệ nhân không chỉ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì, lưu giữ, truyền dạy cho những thế hệ sau những giá trị văn hóa của dân tộc.

Từ trước khi Nhà nước có quy định phong tặng nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, Hội Văn nghệ dân gian đã có danh hiệu Nghệ nhân dân gian từ năm 2003.

Đó là danh hiệu cao quý do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao cho những người có thành tích đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như dân ca ví giặm, đờn ca tài tử, cải lương, hát ca trù, hát chầu văn, hát chèo tàu, hát dân ca, hát đúm, hát then, hát trống quân...

Đây là danh hiệu nhằm tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành truyền dạy giá trị, kỹ năng, bí quyết của văn hóa - văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam.

Quy chế công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ra đời trong bối cảnh nhận thức về hiện trạng tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đa dạng, phong phú, độc đáo, nhưng được lưu truyền trong trí nhớ, được truyền miệng, truyền ngón từ thế hệ này sang thế hệ khác và đang có nguy cơ mai một. 

Khi Quy chế được ban hành, ở nước ta chưa có quy chế nào công nhận và tôn vinh các nghệ nhân văn hóa - văn nghệ dân gian và đa số nghệ nhân tuổi đã cao. Nghệ nhân văn hóa - văn nghệ dân gian tương đồng với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể hiện nay, bao gồm cả loại hình nghề thủ công truyền thống.

Chính sách đối với nghệ nhân - chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể

Thời gian qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã chủ động tìm các nguồn tài trợ giúp đỡ các nghệ nhân và những cộng đồng có di sản văn hóa phi vật thể. 

Từ năm 2015 đến 2020, từ nguồn tài trợ của Fourd Foundation thông qua CEEVN (Quỹ Giáo dục Mỹ), Hội đã xin tài trợ cho hơn 40 cá nhân và câu lạc bộ văn hóa dân gian trong việc phục dựng, khôi phục như hát dô Liệp Tuyết, hát chèo tàu Đan Phượng, trò Xuân Phả và một số nghệ thuật trình diễn cổ ở Thanh Hóa, dạy chữ Nôm Dao, Nôm Tày ở một số địa phương miền núi phía Bắc... 

Với kinh phí khoảng 4.000 USD cho một dự án, nhiều di sản nhờ đó được khôi phục và phát triển. Những dự án này như một sự khích lệ, gợi mở, khuyến khích các nghệ nhân, nhân dân địa phương phục hồi lại các di sản truyền thống của cha ông, đồng thời lan tỏa đến các địa phương khác việc giữ gìn những giá trị văn hóa dân gian.

Thông qua Quỹ Somelo của Phần Lan, Hội giới thiệu và gửi đi tham dự fesstival folklore trình diễn các di sản âm nhạc của người Ê Đê, người Mường tại Phần Lan. Sau đó, các nghệ nhân cùng những nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian của Phần Lan có dịp sang nghiên cứu và trình diễn tại Việt Nam để trao đổi, giao lưu văn hóa giữa 2 nước.

Từ danh hiệu Nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh, các nghệ nhân được các cộng đồng khác biết đến, được các viện nghiên cứu, tổ chức xã hội quan tâm. 

Theo đó, các nghệ nhân thường xuyên được mời tham gia các hội thảo, sự kiện có trình diễn loại hình nghệ thuật dân gian ở trong nước và quốc tế. Điển hình là sự tham gia của các nghệ nhân ở Tây Nguyên, nghệ nhân làm bánh xèo ở đồng bằng sông Cửu Long và các nghệ nhân khác tại liên hoan “Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian - Hoa Kỳ” với chủ đề “Mekong: Dòng sông kết nối các nền văn hóa” diễn ra từ ngày 27-6 đến ngày 8-7-2007. 

Chủ đề này còn được diễn ra nhiều lần sau đó như tại Nhật Bản (năm 2009) và ở một số nơi khác. Nhiều tiết mục trình diễn của nghệ nhân Việt Nam được đông đảo người Mỹ biết đến và khâm phục.

Những năm gần đây, qua các festival, những sự kiện sinh hoạt văn hóa hay các ngày lễ, nhiều Nghệ nhân dân gian như nặn tò he, múa rối nước, làm các vật dụng thủ công,... đã được Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám,... mời tham dự và truyền dạy cho học sinh của Thủ đô. 

Đó cũng là cách mà Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cùng các cơ quan, tổ chức liên quan lan tỏa tài năng của các nghệ nhân dân gian./.