21/11/2024 | 20:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Những di sản bị lãng quên

Nguyễn Trí Dũng
Những di sản bị lãng quên Thành phố cổ đại Mohenjo Daro ở thành phố Larkana, Sindh, Pakistan_Ảnh: AFP
Do khói lửa chiến tranh, do chính quyền lãng quên, bỏ bê chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản, không ít khối di sản đồ sộ, giá trị đã bị lãng quên, điển hình là ở Dải Gaza và Mohenjo Daro (Pakistan).

Khối di sản đồ sộ tại Dải Gaza sẽ bị lãng quên bởi chiến tranh

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã khiến Dải Gaza và sự đau khổ của người dân sống ở đó được cả thế giới chú ý, nhưng ít ai biết rằng dải đất nhỏ bé này lại có vô số di tích lịch sử với tuổi đời không nhỏ. 

Người Ai Cập cổ đại và người Ba Tư đã ở đó, người Arab cũng vậy, và tất nhiên cả người Philistine bí ẩn (là dân tộc cổ xưa sống ở bờ biển phía Nam Canaan - một vùng ở cận Đông cổ đại, ngày nay thuộc Lebanon, Israel, Palestine, Jordan và Syria). 

Dải Gaza là trung tâm văn hóa quan trọng của nhân loại kể từ thời xa xưa. Nhưng chiến tranh, thời kỳ chiếm đóng và bất ổn chính trị khiến di sản này ít được nghiên cứu hoặc ghi chép. 

Wolfgang Zwickel - một nhà khảo cổ học ở thành phố Mainz của Đức - đang thực hiện một cuốn sách về các di tích lịch sử được biết đến ở mảnh đất nhỏ bé này. Trước sự tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến Israel - Hamas, ông tự hỏi liệu Gaza có còn di tích lịch sử nào vào thời điểm cuốn sách dự kiến được xuất bản vào mùa hè năm 2024 hay không.

Zwickel là giảng viên khảo cổ học Kinh thánh tại Đại học Gutenberg ở Mainz. Ông đã tới Israel nhiều lần, nhưng chưa bao giờ có cơ hội đến Dải Gaza. Bằng chứng lịch sử cho thấy Gaza là 1 trong 5 thành bang tạo nên lãnh thổ của người Philistine. Phần còn lại của khu định cư quan trọng một thời tại Tell el-Ajjul có niên đại từ thời đại đồ đồng. 

Năm 1997, tàn tích của một tu viện Kitô giáo đầu tiên xung quanh ngôi mộ của Thánh Hilarion ở Gaza được phát hiện. Người Palestine hy vọng nó sẽ được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Zwickel có ý tưởng cho cuốn sách của mình cách đây 8 năm, đã tập hợp mọi thông tin được biết về các địa điểm lịch sử quan trọng ở Dải Gaza “đã thu thập được tổng cộng 230 địa điểm”, và cho biết thêm rằng, hầu như không có bất kỳ ghi chép chi tiết nào về giá trị lịch sử của chúng.

Theo Zwickel, một ghi chép chi tiết duy nhất về lịch sử văn hóa của thành phố Gaza được viết bởi Georg Gatt (Áo) - người đã thành lập một phái bộ Công giáo ở đó vào những năm 80 của thế kỷ XIX - mô tả các quận khác nhau của thành phố với các tòa nhà, giếng nước. 

Zwickel nói, sau một vài cuộc khai quật của người Anh, hầu như không có gì được ghi lại trong những thập niên dưới sự cai trị của Ai Cập. Trong thời kỳ Israel chiếm đóng, nhiều cuộc khai quật và điều tra bề mặt các di tích lịch sử ở Dải Gaza đã diễn ra, tuy nhiên kết quả phần lớn vẫn chưa được công bố. “Chúng tôi thậm chí còn không biết tài liệu ở đâu”, Zwickel nói. 

Việc chuyển giao quyền kiểm soát hành chính cho chính quyền Palestine và việc Hamas tiếp quản quyền lực sau đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các báo cáo hiện tại từ Israel và Dải Gaza cũng khiến nhà khảo cổ học Wolfgang Zwickel tuyệt vọng: “nó khiến tôi bật khóc”, rằng ông biết rằng trước cái chết và sự đau khổ của dân thường, khảo cổ học không phải là “mối quan tâm hàng đầu” của người dân ở khu vực bị khủng hoảng.

Mohenjo Daro đối mặt với sự lãng quên khi những chuyến bay thương mại tới đây bị hạn chế

Nếu không bị lãng quên, Mohenjo Daro - một di tích khảo cổ ở tỉnh Sindh, Pakistan - có thể sẽ có sức hút và nổi tiếng giống như kim tự tháp Giza đối với Ai Cập. 

Với cả tầm quan trọng lịch sử và điểm thu hút tham quan, tàn tích của thành phố cổ được cho là trung tâm của nền văn minh Thung lũng Indus có thể cạnh tranh với bất kỳ kỳ quan nào khác trên thế giới. 

Sự lơ là của chính quyền, các biện pháp bảo tồn không đầy đủ và thiếu cơ sở hạ tầng du lịch từ lâu đã khiến di tích “thời đại đồ đồng” không được khai thác hết tiềm năng. 

Các hoạt động khác xung quanh địa điểm cổ xưa, chẳng hạn như Lễ hội Sindh 2014 không được khuyến khích, đã gây ra nhiều tác hại hơn là mang lại lợi ích dưới danh nghĩa bảo tồn. 

Hãng hàng không quốc gia Pakistan đã tạm dừng các chuyến bay thương mại đến sân bay của thành phố này, khiến cả du khách trong và ngoài nước gặp khó trong việc tiếp cận địa điểm văn hóa 5.000 năm tuổi, giáng thêm một đòn vào mọi hy vọng biến Mohenjo Daro thành một điểm thu hút du lịch lịch sử.

Là một trong những khu định cư lớn nhất của nền văn minh Thung lũng Indus, Mohenjo Daro được cho là xây dựng vào khoảng năm 2500 Trước công nguyên, đỉnh cao của Thời đại đồ đồng. Là một trong những thành phố lớn sớm nhất trên thế giới, nó là thành phố đương đại với nền văn minh vĩ đại của Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà. 

Mohenjo Daro được cho là đã bị bỏ hoang ở đâu đó vào thế kỷ XIX Trước công nguyên, khi nền văn minh Thung lũng Indus suy tàn, mãi đến những năm 20 của thế kỷ XX, thành phố mới được khám phá trở lại. 

Công việc khai quật quan trọng đã được thực hiện trong những thập niên tiếp theo cho đến khi tất cả các hoạt động như vậy bị cấm vào năm 1965 do thời tiết gây thiệt hại đáng kể cho các công trình kiến trúc cổ xưa. Nghiên cứu sâu hơn được tiếp tục vào những năm 80 của thế kỷ XIX bằng cách sử dụng các kỹ thuật khảo cổ ít xâm lấn hơn.

Ngày xưa, Sân bay Mohenjo Daro đông đúc thứ ba ở Sindh. Theo trang web của Cơ quan Hàng không dân dụng (CAA), nó được khánh thành vào năm 1967 trong nhiệm kỳ của tổng thống lúc đó là Ayub Khan và được chính phủ của Zulfikar Ali Bhutto nâng cấp vào năm 1973.

Thừa nhận tầm quan trọng về mặt nhân học và lịch sử của thành phố cổ, UNESCO đã công nhận nơi đây là Di sản thế giới vào năm 1980, thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.

Vào năm 2018, Hãng hàng không Pakistan (PIA) đã ngừng các chuyến bay đến Sân bay Mohenjo Daro với lý do số lượng hành khách giảm. Người phát ngôn của PIA, Abdullah Khan, nói với tờ The Express Tribune: “PIA đã tạm dừng các chuyến bay đối với tất cả các sân bay không còn khả năng tồn tại trong nước, bao gồm cả Mohenjo Daro, nhằm giảm thiểu tổn thất mà hãng phải gánh chịu”. 

Ông nhấn mạnh: “các chuyến bay tới Mohenjo Daro hầu như không có khách hàng, chủ yếu được sử dụng bởi những du khách không thường xuyên, chỉ tới địa điểm một lần rồi không quay lại”, bác bỏ mọi ý kiến cho rằng việc đình chỉ các chuyến bay thương mại được thúc đẩy bởi sự cân nhắc của các bên. 

Nhận xét về tuyên bố của người phát ngôn PIA, nhà khảo cổ học và nhà văn địa phương Abdul Haq Pirzado cho rằng, không giống như các sân bay khác, Mohenjo Daro không thể được đánh giá trên cơ sở thương mại. 

“Ban đầu nó không phải là một sân bay thương mại hoàn toàn, việc thành lập một sân bay tại một di tích lịch sử như Mohenjo Daro nhằm mục đích quảng bá di sản cổ xưa của nó”, ông nhận xét. 

Theo Pirzado, người dân quận Larkana của tỉnh Sindh có ấn tượng chung rằng chính phủ liên bang đã đình chỉ hoạt động khai thác các chuyến bay tại Sân bay Mohenjo Daro như một phần của cuộc cạnh tranh chính trị. Trao đổi với The Express Tribune, Pirzado yêu cầu giới chức PIA xem xét lại quyết định đóng cửa sân bay của họ. 

Ông nói thêm: “cần có một sân bay đầy đủ chức năng tại Mohenjo Daro vì địa điểm khảo cổ này vẫn đang cần được tích cực nghiên cứu”./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện