06/10/2024 | 00:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quảng Ninh: Tư duy và hành động đột phá trong phát triển


Ngày 30-10-1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, tạo thành một thể liên hoàn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Tỉnh Quảng Ninh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc, được xem là “một Việt Nam thu nhỏ”.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển (30-10-1963 - 30-10-2023), tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, trước những biến động của tình hình trong nước và trên thế giới, tỉnh Quảng Ninh đều có những sự thích ứng kịp thời, phù hợp, luôn thể hiện rõ tư duy và hành động đột phá trong phát triển.I. Khái quát điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Ninh

I. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA TỈNH QUẢNG NINH

Vị trí địa lý

Quảng Ninh là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc nước ta, có vị trí địa - chính trị, kinh tế, đối ngoại và đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp thành phố Hải Phòng, phía Đông giáp biển, phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Hải Dương.

Quảng Ninh có diện tích trên 12.000km2, bao gồm 6.206,9km2 đất liền và diện tích mặt biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm khoảng cách 6 hải lý. 80% diện tích đất của tỉnh là đồi núi với bề rộng 195km từ Đông sang Tây và trải dài 102km từ Bắc xuống Nam.

Dân số Quảng Ninh đạt 1,338 triệu người vào năm 2020, là địa phương có số dân gần như thấp nhất Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (hơn Hưng Yên, Vĩnh Phúc). Tốc độ tăng dân số bình quân của tỉnh đạt khoảng 1,48%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020, nhỉnh hơn bình quân toàn Vùng (1,47%). Trong đó, tốc độ tăng dân số đô thị của Quảng Ninh đạt 3,65%/năm, cao hơn bình quân Vùng (3,47%/năm).

Tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 4 thành phố (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái), 2 thị xã (Quảng Yên và Đông Triều) và 7 huyện (trong đó có 2 huyện đảo), với tổng số 177 xã, phường, thị trấn. Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh, nơi có Di sản thế giới Vịnh Hạ Long.

Với vị trí địa lý đặc thù, Quảng Ninh được xem là một cửa ngõ kết nối các liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh. Cửa ngõ thứ nhất: Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc - thị trường đông dân nhất thế giới. Do đó, khi 2 quốc gia tiến hành hợp tác phát triển dựa theo tuyến hành lang kinh tế, Quảng Ninh là một địa phương của Việt Nam nằm trong khu vực hợp tác hành lang - con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm 2 hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Cửa ngõ thứ hai: Quảng Ninh là một cửa ngõ kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du miền núi phía Bắc. Mặc dù theo phân vùng kinh tế, Quảng Ninh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (đồng bằng sông Hồng) nhưng về mặt địa chất và địa lý, phần nhiều diện tích của Quảng Ninh thuộc vùng núi Đông Bắc. Cửa ngõ thứ ba: cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh là cửa ngõ ra biển cho toàn miền Bắc, đặc biệt đi qua Quảng Ninh là đường ra biển nhanh nhất của 2 tỉnh năng động nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay là Bắc Giang và Lạng Sơn.

Điều kiện tự nhiên

Địa hình: Quảng Ninh có địa hình đa dạng từ miền núi đến trung du và đồng bằng duyên hải, vùng ven biển và các hải đảo, tạo nên một hệ khí hậu, hệ sinh thái, địa chất đa dạng. Địa hình vùng đồi núi phức tạp chia tỉnh thành 2 miền: miền Đông (từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái) và miền Tây (từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, phía Bắc thành phố Hạ Long, Uông Bí và thấp dần xuống phía Bắc thị xã Đông Triều). Địa hình vùng đồng bằng duyên hải gồm các phần vùng Đông Triều, Uông Bí, Bắc Quảng Yên, Nam Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và một phần thành phố Móng Cái, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và giao thông. Địa hình miền núi chia cắt cũng tạo nên sự phân bố dân cư và phát triển kinh tế - xã hội, chênh lệch vùng miền, vùng núi trung du và dải duyên hải. Địa hình nhiều đồi núi cũng gây khó khăn trong phát triển kinh tế cũng như giữ gìn, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội của tỉnh.

Quảng Ninh có địa hình quần đảo ven biển là một vùng địa hình độc đáo gồm các đảo lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long là những báu vật thiên nhiên, với giá trị ngoại hạng, kỳ vĩ độc đáo, có hàng nghìn đảo đá vôi, bãi cát trắng phục vụ du lịch và nguyên liệu cho công nghệ thủy tinh. Địa hình đáy biển có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rặng san hô đa dạng, là yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Đặc biệt, địa hình đáy biển có lạch sâu tạo thành luồng lạch và hải cảng trên dải bờ biển kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn tạo thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thủy nội địa đáp ứng việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng.

Với chiều dài đường bờ biển hơn 250km và 2.077 hòn đảo (chiếm phần lớn số đảo của cả nước), trong đó có những đảo đất diện tích lớn và trung bình như Cái Bầu (190km2), Trà Bản (76,4km2), Vĩnh Thực (32,6km2), Ba Mùn (23,4km2), Thanh Lân (16,8km2), Cô Tô (15,6km2) phù hợp cho dân cư sinh sống, phát triển kinh tế, là bàn đạp tiến ra biển và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Điểm đặc biệt nữa, Vịnh Hạ Long có nhiều đảo đá, trong khi Vịnh Bái Tử Long có nhiều đảo đất, có thể có dân cư sinh sống, có các bãi biển đẹp, nổi bật là Trà Cổ - bãi biển dài nhất Việt Nam với 17km.

Địa chất: theo nghiên cứu, Quảng Ninh có 21 phân vị địa chất và 2 phức hệ magma. Một số phân vị đã phát hiện khoáng sản liên quan phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Hạ Long là mẫu hình tuyệt vời về karst đá vôi trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm, có một quá trình tiến hóa karst hoàn thiện nhất trải qua 20 triệu năm từ thời kỳ Miocen.

Khí hậu: do tác động của biển, khí hậu của Quảng Ninh nhìn chung mát mẻ, ấm áp quanh năm, thuận lợi đối với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nhiều hoạt động kinh tế khác. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021, khu vực biển Quảng Ninh - Hải Phòng là 1 trong 2 khu vực của cả nước có tiềm năng về điện gió.

Đa dạng sinh học: Quảng Ninh là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học quan trọng với số lượng loài động, thực vật phong phú tập trung chủ yếu ở hệ thống các khu bảo tồn và vườn quốc gia như Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, rừng quốc gia Yên Tử..., có giá trị rất to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái; cung cấp nguồn gene quý phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất: diện tích của Quảng Ninh lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm 1,84% tổng diện tích đất liền của Việt Nam, tuy nhiên khoảng 80% diện tích đất là đồi núi. Đất nông nghiệp chiếm 75,4% tổng diện tích đất nhưng phần lớn là đất rừng, có 50.886ha, tương đương tỷ trọng 8,3%, là đất canh tác trồng trọt. Ngoài ra, tỉnh còn có diện tích lớn đất chưa sử dụng có thể khai thác phục vụ mục đích phát triển công nghiệp xây dựng.

Tài nguyên nước: nguồn nước các hồ chứa có vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và tưới. Tiềm năng nguồn nước dưới đất tương đối giàu nhưng khả năng khai thác, sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa hình chia cắt, sự phân bố các tầng chứa nước chủ yếu trong khe nứt, đới dập vỡ kiến tạo.

Tài nguyên rừng: Quảng Ninh có 435.932ha thuộc quy hoạch 3 loại rừng, với độ che phủ đạt 55%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân 40% của cả nước. Rừng Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết và bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao cho công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Tài nguyên biển: Quảng Ninh có thế mạnh và tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển. Với chiều dài đường bờ biển hơn 250km và 2.077 hòn đảo, trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến giá trị cao. Ven biển Quảng Ninh cũng có nhiều khu vực nước sâu và kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thủy nội địa đáp ứng việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng. Tài nguyên biển có giá trị lớn nhất của Quảng Ninh chính là Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và được vinh danh là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới...

Tài nguyên khoáng sản: Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với 209 mỏ và điểm quặng của 36 loại hình khoáng sản được điều tra, thăm dò, đánh giá. Nguồn tài nguyên than của Quảng Ninh có trữ lượng ước tính đạt 8,8 tỷ tấn, trải dài từ Đông Triều đến Cẩm Phả, có khoảng 3,6 tỷ tấn nằm ở độ sâu dưới 300m, là nơi có trữ lượng than và chất lượng lớn nhất vùng Đông Nam Á, cung cấp chủ yếu là than antraxit có độ bền và hàm lượng carbon cao. Quảng Ninh là trung tâm số 1 của Việt Nam về tài nguyên than đá, chiếm hơn 90% trữ lượng than của cả nước. Quảng Ninh có mỏ đá dầu duy nhất ở Việt Nam tại Đồng Ho, trữ lượng khoảng 4,21 triệu tấn...

Nguồn tài nguyên nước khoáng tại 5 mỏ, điểm nước khoáng gồm: Quang Hanh, Tam Hợp (Cẩm Phả), Khe Lạc (Tiên Yên), Đồng Long (Bình Liêu) và Cái Chiên (Hải Hà) có thể được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, khám chữa bệnh, sản xuất đồ uống đóng chai...

II. KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI

Về văn hóa, lịch sử

Quảng Ninh mang nhiều giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, đồng thời là một trong những “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, có truyền thống cách mạng của công nhân Vùng Mỏ với di sản tinh thần vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”.

Quảng Ninh là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3.000 - 1.500 năm trước Công nguyên. Đặc trưng đó là nền Văn hóa Soi Nhụ, làm cơ sở để sau đó hình thành các loại hình văn hóa tiến bộ mới tại Cái Bèo, tiếp theo nền Văn hóa Hạ Long nổi tiếng.

Thời Hùng Vương, vùng đất Quảng Ninh là trung tâm của bộ Ninh Hải, Lục Hải - 1 trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Lịch sử Ninh Hải - Lục Châu và sau này là Hải Đông là cả một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển. Trong suốt 10 thế kỷ, đất Hải Đông ghi dấu những chiến công lừng lẫy nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, với 3 lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chứng kiến công cuộc phát triển kinh tế phồn vinh nhất dưới thời phong kiến, đặc biệt với thương cảng Vân Đồn lịch sử mang tầm vóc khu vực và liên khu vực vào thời đại Lý - Trần, khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.

Với Yên Tử linh thiêng, kỳ vĩ, chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt, Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất, thâm trầm nhất trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc. Tổ tiên nhà Trần, vào cuối đời Lý đã đến ở vùng An Sinh (thuộc Đông Triều) làm nghề đánh cá. Nhà Trần tuy phát tích ở đất Thiên Trường (Nam Định) song vẫn nhớ về quê gốc Đông Triều nên lăng mộ các vua Trần đều được di dời về đây.

Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Đông Bắc giàu tài nguyên than đá này trở thành Vùng Mỏ anh hùng bất khuất, là cái nôi sinh thành đội ngũ công nhân. Ngày 22-2-1955, theo sắc lệnh của Chủ tịch nước, khu Hồng Quảng gồm đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên được thành lập.

Ngày 30-10-1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc.

Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước, được xem là Việt Nam thu nhỏ. Hiện Quảng Ninh có 6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Đền Cửa Ông - Cặp Tiên và Khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô, 54 di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.

Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể khổng lồ trải dài theo thời gian và không gian với tổng số 541 di sản văn hóa vật thể, hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, 119 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Văn hóa, lịch sử lâu đời và độc đáo của Quảng Ninh trở thành nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và hun đúc lên “bản sắc văn hóa” con người Quảng Ninh.

Dân tộc và tôn giáo

Các dân tộc sinh sống: về cộng đồng dân tộc, dân cư, Quảng Ninh là địa bàn có đa dạng dân tộc cư trú, trải khắp các đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh. Hiện nay, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng có được sự đa dạng của nhiều dân tộc anh em cư trú, sinh sống lâu đời trên địa bàn. Quảng Ninh là tỉnh có 33 dân tộc thiểu số, với 162.493 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh.

Tính đến ngày 1-4-2019, tỉnh Quảng Ninh có 6 tôn giáo khác nhau, với 89.455 người, trong đó nhiều nhất là Công giáo có 44.330 người, Phật giáo có 44.278 người, đạo Tin Lành có 552 người, đạo Cao Đài có 87 người, hồi Giáo có 7 người, ít nhất là Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam có 1 người. Tín ngưỡng phổ biến nhất đối với cư dân sống ở Quảng Ninh là thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với dân với nước, các vị thành hoàng, các vị thần (sơn thần, thủy thần), thờ các mẫu (mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải).

Tôn giáo: Quảng Ninh là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời. Văn hóa Hạ Long đã được ghi vào lịch sử như một mốc tiến hóa của người Việt. Cũng như các địa phương khác, cư dân sống ở Quảng Ninh cũng có những tôn giáo, tín ngưỡng để tôn thờ, trong đó đạo Phật đến với vùng đất này rất sớm. Trước khi Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) đến với đạo Phật ở núi Yên Tử, đã có nhiều bậc chân tu nối tiếp tu hành ở đó. Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) chọn Yên Tử là nơi xuất gia tu hành và lập nên dòng thiền Trúc Lâm ở Việt Nam. Thế kỷ XIV, khu Yên Tử và Quỳnh Lâm (Đông Triều) là trung tâm của Phật giáo Việt Nam, đào tạo tăng ni cho cả nước. Nhiều thế kỷ sau đó, đạo Phật vẫn tiếp tục duy trì với hàng trăm ngôi chùa ở Quảng Ninh, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên (Hạ Long), chùa Cái Bầu (Vân Đồn), Linh Khánh (Trà Cổ - Móng Cái), Ba Vàng (Uông Bí), Hồ Thiên (Đông Triều), Linh Quang (Quan Lạn)...

Hệ thống giao thông

Quốc lộ: hệ thống đường bộ có 7 tuyến quốc lộ dài 558,79km gồm quốc lộ 18A, đoạn qua tỉnh dài 240km; quốc lộ 18B dài 16,9km; quốc lộ 18C dài 121,14km; quốc lộ 10 dài 6,5 km; quốc lộ 4 dài 37km; quốc lộ 279 dài 62,55km; quốc lộ 17B dài 1,34km.

Cao tốc: 3 tuyến, bao gồm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 60km; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài gần 80km.

Cảng biển: Cảng biển quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn); Cảng quốc tế Hạ Long; cảng quốc tế Tuần Châu; Cảng Cái Lân...

Cảng hàng không: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

III. MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ TIÊU BIỂU

Ngày 12-11-1936: Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ

Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ tháng 11-1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 - 1939). Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ Cuộc Tổng bãi công này là rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ vùng mỏ. Để ngày 12-11-1936 trở thành “Ngày Miền Mỏ bất khuất” suốt nhiều chục năm, ngày 6-11-1961 Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng ra Nghị quyết số 31-NQ/KU “về việc tổ chức kỷ niệm ngày 12-11, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân vùng mỏ”. Nghị quyết ghi rõ: “cách đây 25 năm, ngày 12-11-1936, giai cấp công nhân khu mỏ đã nhất tề quật khởi, anh dũng đấu tranh chống chế độ bóc lột hà khắc của bọn chủ mỏ. Cuộc đấu tranh này đã nổ ra từ Cẩm Phả, Hồng Gai đến Mông Dương, Uông Bí, Mạo Khê,... đã gây ảnh hưởng rộng lớn đối với trong và ngoài nước và giành được thắng lợi to lớn. Bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ. Đây là một trong những cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của giai cấp công nhân khu mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nó đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Vì vậy Ban Thường vụ Khu ủy đã quyết định: từ năm 1961 trở đi, toàn khu mỏ sẽ lấy ngày 12-11 hằng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân khu mỏ”.

Năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Quyết định lấy ngày 12-11 là Ngày truyền thống ngành Than. Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm” từ năm 1936 đã trở thành tài sản vô giá, theo bước chân thợ mỏ đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

Ngày 25-4-1955: Hoàn toàn làm chủ vùng mỏ

Ngày 22-4-1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24-4-1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ trưa ngày 24-4, tên lính Pháp cuối cùng rời khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng. Sáng ngày 25-4-1955, ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Hòn Gai, ra mắt Ủy ban quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng.

Sau hơn 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, kể từ ngày thực dân Pháp xâm lược khu mỏ (12-3-1883), trải qua 9 năm cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí thế Bạch Đằng Giang lịch sử, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, giai cấp công nhân mỏ và dân dân lao động khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh đã viết lên những trang sử hào hùng, giành được hoàn toàn quyền làm chủ mảnh đất vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Ngày 30-10-1963: Hợp nhất Quảng Ninh

Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh cùng nằm trên một dải đất vùng Đông Bắc Tổ quốc, trước năm 1906 cùng chung một đơn vị hành chính với tên gọi là tỉnh Quảng Yên. Sau khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, ngày 10-12-1906, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Hải Ninh tách từ tỉnh Quảng Yên ra. Để phù hợp với tình hình đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử, tỉnh Quảng Yên khi tách ra thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai (năm 1946), nhập lại thành Liên tỉnh Quảng Hồng (tháng 3-1947), rồi lại tách ra thành Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (tháng 12-1948). Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tháng 2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên. Ngày 8-8-1954, tỉnh Hải Ninh hoàn toàn giải phóng. Ngày 25-4-1955, Khu Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng.

Xét thấy việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính có nhiều điểm thuận lợi về kinh tế, quốc phòng, đầu tháng 7-1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính. Ngày 7-10-1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra Nghị quyết về việc hợp nhất. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30-10-1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa II ra nghị quyết, quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 18-11-1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW, quyết nghị hợp nhất hai Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh thành một Đảng bộ là Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Từ ngày 1-1-1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức, đánh dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Ngày 17-12-1994: Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới

Ngày 21-12-1991, Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ về cảnh quan Vịnh Hạ Long để trình Hội đồng Di sản thế giới xét duyệt di sản thiên nhiên thế giới. Năm 1993, hồ sơ khoa học về Vịnh Hạ Long được hoàn tất và chuyển đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) để xem xét. Trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, UNESCO lần lượt cử các đoàn chuyên gia đến Quảng Ninh khảo sát, hướng dẫn, nghiên cứu, thẩm định hồ sơ tại chỗ. Hồ sơ Vịnh Hạ Long được chấp nhận đưa vào xem xét tại hội nghị lần thứ 18 của Hội đồng Di sản thế giới (WHC).

Ngày 17-12-1994, trong kỳ họp thứ 18 tại khách sạn Méridien, thành phố Phuket, Thái Lan, WHC đã biểu quyết với sự nhất trí rất cao, công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, bởi “giá trị ngoại hạng và giá trị toàn cầu của một Di sản văn hóa và thiên nhiên, cần thiết được bảo vệ vì lợi ích của toàn thế giới”. Ngày 29-11-2000, WHC trong kỳ họp lần thứ 24 tại thành phố Cairns, Australia đã công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ hai về giá trị địa chất, địa mạo.

IV. THÀNH TỰU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Phát triển ngay trong chiến tranh (1963 - 1985)

Ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quảng Ninh đã đánh thắng giặc Mỹ ngay trận đầu, bắn rơi 3 máy bay phản lực siêu âm, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên - Trung uý Anvaret. Ngày 5-8-1964 trở thành ngày đánh thắng trận đầu của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam, trong đó quân và dân Quảng Ninh góp phần xứng đáng viết lên truyền thống hào hùng đó.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế cũng cho thấy những dấu hiệu rất tích cực. Trong năm 1964, Quảng Ninh còn hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.

Ngày 2-2-1965, Quảng Ninh vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Quảng Ninh được đón Bác Hồ kể từ khi được mang tên mới. Bác có buổi nói chuyện thân mật với đồng bào trong cuộc mít-tinh tại sân Trường cấp III Hòn Gai. Trên đường đi, Bác dừng chân tại Trường cấp I Phạm Hồng Thái (Đông Triều), đồi thông Yên Lập (Uông Bí) để trò chuyện với nhân dân, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại nơi đây.

Trong thời kỳ chiến tranh, bên cạnh việc anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, tỉnh Quảng Ninh vẫn tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất, bảo đảm đời sống, giữ vững an ninh chính trị, duy trì, nâng cao các hoạt động văn hóa xã hội... Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1975 của tỉnh Quảng Ninh đạt 2.169 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với năm 1965 (giá cố định 1970). Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1975 bằng 1,21 lần so với năm 1965.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976). Song, đất nước lại đứng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, đội ngũ công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã tự tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hàng vạn thợ mỏ vẫn bám tầng, bám máy để sản xuất thật nhiều than cho nền kinh tế. Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập đoàn tàu viễn dương để buôn bán với nước ngoài; xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ. Từ năm 1981 đến năm 1985, ngoại tệ thu được đã đầu tư cho các ngành, các địa phương trong tỉnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tích lũy.

Những bước tiến lớn trong thời kỳ đầu đổi mới

Thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Việc thực thi cơ chế chính sách đổi mới đã tạo cho Quảng Ninh, một diện mạo mới và bước phát triển nhanh chóng. GRDP tăng bình quân từ 9,6%/năm giai đoạn 1986 - 1995 lên 12,65%/năm trong giai đoạn 1996 - 2005, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm 18 - 20%... Từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70% - 80% về ngân sách, đến năm 1995, tỉnh Quảng Ninh đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm...

Giai đoạn 2006 - 2011, tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng GRDP bình quân 12%/năm, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của cả nước là 6,5%. GRDP bình quần đầu người năm 2011 đạt 46,7 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần mức trung bình cả nước. Tỉnh đã có bước tiến đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nông nghiệp và khai thác than; ngành dịch vụ chiếm 37% tỷ lệ đóng góp vào GRDP.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh thu hút được khối lượng đầu tư lớn. Vốn đầu tư phát triển tăng gấp đôi, từ 16,5 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 38,4 nghìn tỷ đồng năm 2011. Mức vốn đầu tư trung bình hằng năm đạt 96% GRDP, lớn gấp 2,3 lần mức đầu tư trung bình của Việt Nam. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng hơn 5 lần, từ 6,679 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 37,398 nghìn tỷ đồng năm 2011. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đạt những thành tựu nổi bật về y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường.

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, công nhân ngành than tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tàu công nghiệp của miền Bắc. Năm 2005 đánh dấu một mốc son của ngành khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam. Sản lượng khai thác than được tăng lên đáng kể. Nếu như năm 1964 sản lượng than chỉ đạt trên 1 triệu tấn, năm 1995 ở mức 7,6 triệu tấn, thì năm 2011, Tập đoàn đã khai thác được 48,2 triệu tấn, doanh thu đạt trên 93 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2010 - 2016, Quảng Ninh bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn. Song với sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, những khó khăn từng bước được khắc phục; kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng phù hợp. GRDP bình quân nửa nhiệm kỳ tăng 8,53%/năm, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân ước đạt 12,37%/năm, số tăng tuyệt đối cao hơn gấp 2,79 lần nửa nhiệm kỳ trước.

Bám sát mục tiêu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững những năm tiếp theo. Chủ động nắm bắt thời cơ, Quảng Ninh xây dựng và đề xuất mô hình phát triển mới cho vùng động lực và các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực và tiền đề phát triển lâu dài...

V. PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH TỈNH KIỂU MẪU GIÀU ĐẸP, VĂN MINH, HIỆN ĐẠI

Nhiều thành tựu, dấu ấn nổi bật

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, sau 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện; tạo bước phát triển bứt phá, đưa Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc, 7 năm liên tục 2016 - 2022 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn.

Trên quan điểm mỗi người dân tỉnh Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Diện mạo thành thị và nông thôn của tỉnh được thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển, đảo. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt các mục tiêu, như chính trị ổn định, xã hội trật tự, giữ vững kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng tỉnh Quảng Ninh

- Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1967;

- Huân chương Độc lập hạng Ba, năm 1979;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1979;

- Huân chương Sao Vàng, năm 1985;

- Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2010;

- Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 2013;

- Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2015.

Đặc biệt, trong 3 năm (2020 - 2022) chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, tỉnh Quảng Ninh vẫn tự lực, tự cường, kiên cường, bằng những quyết sách khoa học, đúng đắn, táo bạo, sát thực tiễn, phát huy hiệu quả, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trở thành một trong số ít những địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch COVID-19,

vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, vừa thực hiện thành công “mục tiêu kép”, với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 đạt 10,28%, GRDP năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn văn minh; nhân dân được hưởng cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn, nuôi dưỡng khát vọng

Những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian vừa qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Việc đổi mới tư duy nhận thức, xác định phương hướng phát triển, Quảng Ninh đã đưa ra và là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mô hình có tính đột phá như: Mô hình “Dân tin - Đảng cử”; mô hình “Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh”; mô hình “Lãnh đạo công, quản trị tư”, “Đầu tư tư, sử dụng công”, “Sở hữu công, quản trị tư”;... mô hình “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư gắn với thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực và quản lý”; mô hình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; mô hình “vốn hóa” các giá trị văn hóa thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm hành chính công gắn với cải cách hành chính; mô hình thúc đẩy chính quyền số, chính quyền điện tử; mô hình phát triển các đảo ven bờ; mô hình tổ chức trục động lực, mở rộng không gian, hàng lang phát triển; mô hình tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới...

Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, tỉnh Quảng Ninh đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực bằng cách “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với cơ cấu lại đầu tư công hằng năm đều đạt trên 53% tổng chi ngân sách địa phương và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó, tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh đô thị hóa với sự định hình rõ nét chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”.

Hiện nay, Quảng Ninh đang phát huy cao độ sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” để thực hiện mục tiêu đề ra: đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 10.000 USD. Trong tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD.../.

Trí Dũng - Minh Anh (thực hiện)

Tài liệu tham khảo: Đề cương tuyên truyền 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Chuyên mục: Hồ sơ