06/10/2024 | 03:07 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát huy giá trị các di sản văn hóa và con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới

PHẠM DUY ĐỨC
PGS. TS, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Phát huy giá trị các di sản văn hóa và con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới Lễ hội hoa sở tại xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh_Ảnh: baoquangninh.com.vn
Tỉnh Quảng Ninh mang trong mình những tài sản vô giá - di sản văn hóa, con người. Đây là động lực quan trọng cần tiếp tục khơi dậy và phát huy trong thời gian tới để thúc đẩy vùng đất tiền tiêu ở Đông Bắc của Tổ quốc ngày càng phát triển.

Văn hóa và con người Quảng Ninh - tiềm năng và lợi thế

Quảng Ninh là tỉnh có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, và địa - văn hóa độc đáo, góp phần làm nên những giá trị văn hóa, con người đặc sắc trong suốt chiều dài lịch sử và tiếp nối đến hiện nay.

Kho tài nguyên văn hóa khổng lồ (541 di sản văn hóa vật thể và hơn 2.800 di sản văn hóa phi vật thể) của tỉnh Quảng Ninh phản ánh quá trình lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này giai đoạn đồ đá, đồ đồng (cách ngày nay hàng ngàn năm) đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, giai đoạn chống Pháp, Mỹ và hiện nay. Các di sản văn hóa này được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, từ khu vực miền núi, biên giới tới hải đảo, từ Đông Triều đến Trà Cổ với những giá trị khác nhau, bản sắc khác nhau.

Điều kiện địa lý - sinh thái nhân văn đa dạng, phong phú đã tạo cho Quảng Ninh nhiều thắng cảnh nổi tiếng, kỳ vĩ, độc đáo, như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn quốc gia Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng... Bên cạnh các di tích khảo cổ, Quảng Ninh còn lưu giữ hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, như Di tích thương cảng Vân Đồn, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, các cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ...

Quảng Ninh là vùng đất rất giàu có về di sản văn hóa phi vật thể với 2.800 hồ sơ, gồm 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng văn hóa vùng, miền; hàng loạt di sản bao gồm ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống... Đặc biệt, Quảng Ninh lưu giữ được nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, văn hóa Quảng Ninh còn có đặc trưng mang bản sắc riêng của “văn hóa công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gần 150 năm nay, gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu trong xây dựng đất nước, góp phần làm nên những đặc trưng của văn hóa Quảng Ninh hiện nay.

Phát huy bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án,... một cách sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương để phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được tăng cường. Việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới tiếp tục đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh ra thế giới.

Tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn; Quy định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, và lễ hội; Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh; Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh; Đề án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh... Nhiều công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng, như Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Công viên hoa Hạ Long; Quảng trường 10-10; Cột Đồng hồ; Cung Quy hoạch; Hội chợ triển lãm tỉnh... Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp từ tỉnh tới cơ sở được đầu tư đồng bộ, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh có bước đột phá trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại. Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, xây dựng được một số sản phẩm văn hóa đặc trưng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiềm năng văn hóa và lợi thế so sánh của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thực sự được phát huy có hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua. Ngành công nghiệp văn hóa chưa có thành tựu nổi bật và tính liên kết, hệ thống của các lĩnh vực này chưa rõ. Việc phát triển các thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn chậm. Sự quảng bá các thành tựu văn hóa của Quảng Ninh ra thế giới còn hạn chế.

Thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội, trước tiên, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người mà Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động văn hóa, khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của văn hóa Quảng Ninh - vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể, xác định vai trò, vị trí của từng loại nguồn lực văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có nguồn lực về địa - văn hóa, về cảnh quan thiên nhiên, nguồn lực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...

Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là ngành du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thời trang, thủ công truyền thống... Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh cả trong nước và thế giới, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là một số kênh truyền hình quốc tế uy tín và trên các phương tiện truyền thông mới.

Ngoài ra, cần tập trung đổi mới công tác quản lý văn hóa, xây dựng con người trong giai đoạn mới gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Trong công tác quản lý văn hóa, cần vận dụng quy luật của kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, chuyển hóa các giá trị văn hóa thành các sản phẩm hàng hóa đặc sắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh xã hội hóa, khai thông, huy động các nguồn lực trong xã hội, kết hợp các hình thức hợp tác công tư, bảo đảm lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội trong quá trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; qua đó góp phần phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện