Từ nguồn lực văn hóa đến động lực phát triển toàn diện và bền vững
ĐINH XUÂN DŨNGGS.TS, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương
Là vùng đất của các giá trị văn hóa độc đáo và phong phú, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát huy và chuyển hóa những giá trị văn hóa đặc sắc trở thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển bền vững, góp phần tạo nên bản sắc, định vị và nâng tầm “thương hiệu Quảng Ninh”.
Nơi hội tụ các giá trị văn hóa độc đáo
Tỉnh Quảng Ninh là “hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ” với đủ các dạng địa hình gồm miền núi, đồng bằng và biển, đảo, tạo nên bức tranh thiên nhiên đa dạng màu sắc và bức tranh văn hóa thống nhất trong đa dạng. Đặc điểm nổi bật của các danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Ninh là sự gắn bó sâu sắc với sự sống của con người, với dấu ấn, chiến công, tài năng sáng tạo của con người, cùng nhiều di sản độc nhất vô nhị, kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc, như danh thắng Yên Tử, Bạch Đằng giang, Vịnh Hạ Long, di sản văn hóa của đất mỏ với đặc trưng “kỷ luật” và “đồng tâm”...
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, con người làm nên văn hóa và đến lượt mình, văn hóa nuôi dưỡng, xây đắp, “sản xuất” ra các phẩm chất, giá trị trong nhân cách con người. Điều đó thể hiện vô cùng sáng rõ trong lịch sử văn hóa Quảng Ninh. Các nhà khảo cổ học đã xác định, cách đây khoảng 5.000 năm, từ chiếc nôi Hạ Long, người tiền sử Quảng Ninh đã mở rộng địa bàn cư trú ra toàn bộ bờ biển và mặt biển Quảng Ninh, từ Móng Cái - phía Đông đến Yên Hưng - phía Tây. Và thật diệu kỳ, không biết từ bao giờ, những con người nơi đây đã “hóa thân vào dáng hình xứ sở”, nhiều hòn đảo trên Vịnh Hạ Long mang tên người, tên vật gần gũi, như hòn ông Lã Vọng, hòn ông Sư, hòn Đại Bàng, hòn Gà Chọi... Từ khi phát hiện chiếc trống đồng Quảng Chính tại huyện Hải Hà - một nhạc khí tiêu biểu của thời Hùng Vương - các nhà sử học đã nghĩ đến dấu ấn Vua Hùng.
Nhắc tới Quảng Ninh không thể không nhắc tới dòng sông Bạch Đằng hùng vĩ - di tích lịch sử văn hóa đặc sắc đã có tới 3 lần nhấn chìm quân xâm lược Hán, Tống, Nguyên. Gắn liền với dòng sông lịch sử đó là hệ thống các đền thờ mà nhân dân Quảng Ninh lập nên để tưởng nhớ công ơn của những người anh hùng dân tộc, những chiến binh tài ba, dũng cảm và cả những con người bình dị nhất đã cùng góp công, góp sức làm nên những chiến công huyền thoại.
Yên Tử - niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh và của cả nước, gắn liền với tên tuổi của một con người vĩ đại - Thượng hoàng Trần Nhân Tông - người đã sáng lập một trường phái riêng của Việt Nam “Trúc lâm Yên Tử” mà triết lý cốt lõi của nó là “Phật tức là ĐỜI và Thiền tại TÂM”.
Có thể khẳng định rằng, từ vùng đất thiêng này, từ ngàn xưa cho đến hôm nay, tỉnh Quảng Ninh đã sản sinh và nuôi dưỡng những con người ưu tú, làm rạng danh cho quê hương, cho cả đất nước, kể từ thời xa xưa có các nữ tướng Lê Chân, Vĩnh Huy thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng, rồi đến Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tảng... Và từ đầu thế kỷ XX, người dân Quảng Ninh tôn vinh những chiến sĩ cách mạng ưu tú của vùng mỏ, như Ngô Huy Tăng, Vũ Văn Hiếu...
Trên cơ sở các di sản văn hóa đó, có thể nghĩ đến một con đường di sản văn hóa nối liền với những khu kinh tế - công nghiệp hiện đại ở tỉnh Quảng Ninh mà gần đây đường cao tốc vừa hoàn thành, tạo nên vẻ đẹp mới, sức sống mới và động lực mới cho sự phát triển của mảnh đất tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Truyền thống và những dấu ấn văn hóa - lịch sử của quá khứ không chỉ để ngắm nhìn, thưởng ngoạn mà còn trở thành một bộ phận không thể tách rời với hiện tại và tương lai, tạo nên sức mạnh nội sinh của con người Quảng Ninh và lan tỏa trong những người đến với Quảng Ninh, yêu Quảng Ninh. Ngày nay, người dân Quảng Ninh đang tiếp nối truyền thống và lịch sử văn hóa đáng tự hào đó để khai thác tiềm năng, phát huy sức mạnh văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.
Sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát huy và khơi nguồn các giá trị văn hóa, con người. Để Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đi đầu cả nước trong hướng đi đó, cần làm cho các giá trị văn hóa Quảng Ninh thấm sâu hơn nữa vào đời sống bằng nhiều phương thức, biện pháp khác nhau, đặc biệt đối với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong đó có những doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp văn hóa (nhất là du lịch văn hóa); hạn chế đến mức thấp nhất cách làm chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần, đồng thời khuyến khích tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị tri thức và văn hóa nhằm khẳng định bản sắc và nâng tầm “thương hiệu Quảng Ninh”. Tạo bước đột phá trong xây dựng, phát triển các đơn vị sản xuất và sáng tạo văn hóa, nhất là về văn học, nghệ thuật, đồng thời củng cố, phát triển đội ngũ sáng tạo, bồi dưỡng, tôn vinh các tài năng để tỉnh Quảng Ninh có nhiều tác phẩm sáng tạo chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chuẩn mực văn hóa con người Quảng Ninh, kiên trì chỉ đạo và triển khai trong đời sống, trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ, để tạo ra những thế hệ con người Quảng Ninh mẫu mực về văn hóa; qua đó góp phần đẩy lùi, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực đang diễn ra trong đời sống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, tri thức pháp luật,... cho mọi người dân, nhất là lực lượng thanh niên; tạo cơ sở, động lực cho thanh niên tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để phát huy các giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, văn hóa biển, đảo, văn hóa công nhân vùng mỏ, sự giao thoa của nền văn minh sông Hồng trong hình thành văn hóa và con người Quảng Ninh. Nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật trong mỗi thanh niên Quảng Ninh, tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội hiện nay. Tất cả nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, tạo thành nguồn lực, sức mạnh thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung./.