06/10/2024 | 03:07 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đột phá tư duy tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Nguyễn Ngọc Hiển
Tổng Biên tập Báo Lao động
Đột phá tư duy tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông Cầu vượt biển Vân Tiên trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái_Ảnh: TTXVN

Từ một tỉnh độc đạo với tuyến quốc lộ 18 duy nhất, giờ đây Quảng Ninh đã có cảng tàu khách quốc tế, sân bay và hệ thống đường cao tốc dài nhất cả nước. Tất cả những thành tựu này không dễ có được nếu không có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, qua từng thời kỳ.

Còn nhớ, phát biểu tại Lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái - tuyến cao tốc đường bộ thứ 3 của Quảng Ninh - vào sáng 1-9-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương phải phát huy tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc, chân trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ ỷ lại. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quảng Ninh đã sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng chiến lược - đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Đường cao tốc là 1 trong những chủ trương quan trọng của Đảng tại Nghị quyết Trung ương khóa XI. Quảng Ninh trở thành một điểm sáng, hình mẫu về huy động vốn để xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại của cả nước, bắt đầu với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ với các đại biểu dự lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái những khó khăn, thách thức và cả những nỗ lực vượt bậc của Quảng Ninh, bởi khi đó ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Theo Thủ tướng, đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế (với tuyến cao tốc của Quảng Ninh, các doanh nghiệp đã đóng góp 64,5% tổng vốn đầu tư, Quảng Ninh chỉ có 35,5%). Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi khi Quảng Ninh bắt tay vào làm dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, bởi mọi thứ đều rất mới hoặc chưa có, trong đó dự án đường cao tốc là do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư.

Các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thời điểm đó xác định, nếu cứ trông đợi vào nguồn vốn Trung ương thì rất khó bởi nguồn vốn Trung ương phải lo cho cả nước trong khi cửa ngõ chính vào Quảng Ninh là con đường độc đạo - quốc lộ 18 nhỏ hẹp. Quảng Ninh đã chủ động xin cơ chế, chứ không xin tiền để xây dựng cao tốc. Sau đó, Quảng Ninh trở thành tỉnh duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và hàng không theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Việc phân cấp, phân quyền này vừa tăng trách nhiệm, vừa tạo sự năng động cho địa phương, giúp địa phương nào có đủ nguồn lực thì chủ động đầu tư, tránh ỷ lại vào ngân sách trung ương. Nhờ đó, liên tiếp các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của Quảng Ninh xuất hiện và trở thành một hiện tượng của cả nước. Nhiều công trình hạ tầng giao thông đã trở thành “đặc sản”, thương hiệu của Quảng Ninh.

Điều đáng nói, để có được những công trình đó, Quảng Ninh chỉ phải bỏ ra một phần vốn từ ngân sách; phần lớn còn lại là của các nhà đầu tư tư nhân, theo hình thức “mỗi đồng vốn ngân sách thu hút 7 - 8 đồng vốn tư nhân”. Tổng số tiền đầu tư cho 3 cao tốc (dài khoảng 176km): Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái là khoảng 39.000 tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân đóng góp trên 28.000 tỷ đồng; số còn lại là vốn từ nguồn ngân sách. Với lượng vốn lớn như vậy, nếu trông đợi vào ngân sách trung ương thì rất khó, mà ngân sách tỉnh cũng khó kham nổi trong khi còn phải chi cho các chương trình an sinh xã hội khác.

Trong suốt quá trình thực hiện các dự án, từ các thủ tục ban đầu cho tới khi hoàn thành, các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng toàn bộ hệ thống chính trị đều sát cánh cùng các nhà đầu tư. Quảng Ninh xác định việc huy động nguồn lực hợp tác công - tư trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, chia sẻ rủi ro.

Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng ban đầu được giao cho một liên danh các nhà đầu tư, nhưng sau được tách làm 2 hợp phần: Dự án đường nối Hạ Long với Cầu Bạch Đằng, được thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng và Dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), tổng vốn 7.277 tỷ đồng. Việc tách ra vừa nhằm giảm gánh nặng vốn vay cho nhà đầu tư, vừa bảo đảm phương án trả gốc và lãi để các ngân hàng xem xét cho vay.

Các dự án đường cao tốc sau đó, gồm Hạ Long - Vân Đồn; Vân Đồn - Móng Cái hay Sân bay Vân Đồn cũng đều được tách ra làm 2 hợp phần, trong đó Quảng Ninh huy động vốn ngân sách để thực hiện một hợp phần. Cụ thể: Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài hơn 60km, tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, sau đó cũng được chia làm 2 phần để giảm gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư. Trong đó, đoạn 53,6km từ điểm giao nhau với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại phường Đại Yên, thành phố Hạ Long tới Cẩm Hải, thành phố Cẩm Phả do Công ty CP BOT Biên Cương làm chủ đầu tư; đoạn còn lại đến Sân bay Vân Đồn do tỉnh Quảng Ninh đầu tư 1.150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách.


Với Dự án Cảng hàng không Vân Đồn, vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh cũng bỏ ra 700 tỷ đồng để làm công tác giải phóng mặt bằng. Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 81km, sau đó cũng được tách thành 2 dự án độc lập để bảo đảm phương án tài chính và sớm đưa công trình vào khai thác. Trong đó, đoạn Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26km, do doanh nghiệp đầu tư với số vốn hơn 9.032 tỷ đồng; đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08km, thực hiện theo đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 3.667 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Quá trình thi công các dự án, các nhà lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương luôn thường xuyên có mặt tại hiện trường để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.

Giải phóng mặt bằng luôn là một trong những công việc khó khăn, mất thời gian nhất đối với bất cứ dự án nào, trong khi đó, vốn đã vay rồi, mặt bằng chưa có để thi công thì dự án vừa chậm, mà doanh nghiệp cũng phải gánh nặng lãi suất ngân hàng. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhắc lại câu chuyện tỉnh Quảng Ninh chuyển 350 tỷ đồng cho thành phố Hải Phòng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi xây dựng cao tốc Hải Phòng - Hạ Long.

Trong khi đó, với Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh phát động Chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư. Kết quả, chưa đầy 30 ngày, với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã cơ bản bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư. Sự thành công đó không thể không kể đến sự ủng hộ của người dân, trong đó có nhiều hộ hiến đất để làm đường hoặc sẵn sàng cho giải phóng mặt bằng trước rồi tính toán đền bù sau.

Phát biểu tại Lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào sáng 1-9-2022, một trong những bài học mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý vấn đề này, trong đó phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, bởi khi nhân dân ủng hộ, hiến đất, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng thì việc triển khai luôn thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, đổi lại, các cấp chính quyền phải chăm lo đời sống cho người dân, đi ở nơi mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân.

Để tiếp tục có những công trình như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Thủ tướng cho rằng, Trung ương cần tiếp tuc mạnh dạn phân cấp phân quyền cho địa phương, thiết kế công cụ giám sát kiểm tra đôn đốc, thực hiện quản lý nhà nước nghiêm túc, chống tham nhũng tiêu cực lãng phí. Các địa phương phải phát huy tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc chân trời cửa biển mảnh đất của mình, không trông chờ ỷ lại.

“Rất nhiều lãnh đạo địa phương được giao làm sân bay, cao tốc có mặt ở Lễ khánh thành dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, các đồng chí đã chứng kiến đây là “tiền tươi thóc thật”, có sân bay, bến cảng, cao tốc thật, đều xuất phát từ bàn tay khối óc, điều kiện thiên nhiên, văn hóa của Quảng Ninh. Tôi tin các tỉnh sẽ có thêm sự tự tin và kinh nghiệm để triển khai, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ tích cực hội nhập sâu rộng thực chất hiệu quả được”, Thủ tướng yêu cầu.

Thời gian gần đây, khi cả nước thường xuyên nhắc tới tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người đứng đầu, của chính quyền các cấp..., tinh thần đó đã và luôn có ở Quảng Ninh từ nhiều năm qua. Đó là sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chí công, vô tư, tất cả vì sự phát triển chung./.