Tiềm năng, cơ hội nổi trội cho phát triển
ĐÀM KHẮC CỬTS, Đại học Công đoàn
Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, tỉnh Quảng Ninh không chỉ được thiên nhiên ưu ái “rừng vàng, biển bạc”, mà còn hội tụ đầy đủ các loại địa hình, làm nên sự phong phú, độc đáo về cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, tạo ra vị trí địa - chiến lược với nhiều tiềm năng, cơ hội nổi trội cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Vùng đất giàu tiềm năng
Quảng Ninh là địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc Việt Nam với hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên. Đặc biệt, Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long 2 lần được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo; được vinh danh là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh có vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng; nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore..., đồng thời là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, trên 2.700 hòn đảo lớn, nhỏ và trên 40.000ha bãi triều, 20.000ha eo vịnh... Đặc biệt, Quảng Ninh còn có nhiều bãi biển đẹp, hằng năm thu hút đông đảo khách du lịch. Tổng diện tích các địa phương ven biển và vùng biển, đảo chiếm tới 72% diện tích, 72,5% dân số; riêng diện tích đảo chiếm 11,5% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Quảng Ninh có hệ thống cảng, bến như Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng,... với năng lực bốc xếp hàng cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác tổng hợp, thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta và các nước trên thế giới. Hệ thống cao tốc huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh, kết nối Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố trong nước thuận tiện và an toàn; đồng thời khẳng định vai trò là cửa ngõ giao thương quan trọng thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế giữa ASEAN với Trung Quốc. Cùng với đường bộ, đường biển, Quảng Ninh chú trọng phát triển hệ thống cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc; hệ thống cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng chuyên biệt, hiện đại nhất Việt Nam. Các cảng biển Quảng Ninh đều được kết nối bằng cao tốc hiện đại, tạo thuận lợi lớn trong di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, Quảng Ninh có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư, là cửa ngõ giao dịch xuất, nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Định hướng phát triển
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa - chiến lược quan trọng, Quảng Ninh có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình phát triển hệ thống đô thị tỉnh đã bộc lộ một số hạn chế, nếu không được quy hoạch kịp thời sẽ gây lãng phí tài nguyên, kém bền vững về môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn tới.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội
Một là, tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh trong tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo hướng bền vững, xanh, bao trùm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế phát triển của từng địa phương trên địa bàn; gắn với phát triển kinh tế nhanh, bền vững và phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch khung kết cấu hạ tầng giữa các vùng, miền; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân.
Ba là, bảo đảm phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hạn chế tác động xấu về môi trường, đồng thời phải tính đến giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Bốn là, tiếp tục định hướng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư.
Định hướng phát triển văn hóa
Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.
Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng, miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Định hướng phát triển du lịch
Trong thời gian tới, Quảng Ninh đề ra định hướng phát triển du lịch là “coi du lịch nội tỉnh, nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển bền vững, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách quốc tế”, từ đó hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo./.