22/11/2024 | 00:39 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát triển thương mại biên giới tạo đột phá cho sự phát triển

Phạm Việt Dũng
TS, Tạp chí Cộng sản
Phát triển thương mại biên giới tạo đột phá cho sự phát triển Một góc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái_Ảnh: TL

Quảng Ninh nằm ở vị trí thuận lợi có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng hóa đứng đầu thế giới, là “cửa ngõ” của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và các nước ASEAN sang Trung Quốc và ra thế giới. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới còn bộc lộ không ít bất cập đòi hỏi cần có kế hoạch bài bản để đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế cũng như phát triển trong thời gian tới.

Thực trạng thương mại biên giới Quảng Ninh thời gian qua

Với gần 119km đường biên giới trên bộ và 191km đường biên giới trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương tốt với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển. Phát huy lợi thế đưa Quảng Ninh sớm trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, “cầu nối” hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á, tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, đưa vào sử dụng các tuyến cao tốc,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu.

Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc sôi động nhất trong 3 tuyến biên giới với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, quy mô thương mại qua biên giới tương đối lớn. Tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt trên 672.500 tấn, tăng 340% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 312.900 tấn, tăng 178% so cùng kỳ 2022, bình quân đạt 2.565 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày. Tại Lối mở Km3+4 Hải Yên, hàng hóa xuất khẩu đạt 339.100 tấn hàng, tăng 838% so với cùng kỳ năm 2022; hàng hóa nhập khẩu 20.400 tấn, tăng 406% so cùng kỳ 2022.

Có thể thấy, tổng giá trị hàng hóa qua tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc gần 10 năm trở lại đây tăng trưởng trung bình khoảng 32% và chiếm tỷ lệ 31,25% tổng kim ngạch thương mại song phương trong cùng giai đoạn, trong đó tập trung phần lớn qua các cửa khẩu thuộc địa bàn các tỉnh, như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai. Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc giúp tiêu thụ một lượng lớn nông sản của Việt Nam. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, như sắn (chiếm 90%), gạo (40%), cao-su (50%). Cơ cấu mặt hàng tạm nhập tái xuất chủ yếu là hàng đông lạnh, quặng các loại, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, nông sản, lâm sản, hóa chất và các mặt hàng khác... Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc những nhóm hàng chế biến, chế tạo như máy móc thiết bị, phụ tùng, sắt thép các loại, điện thoại các loại và linh kiện, hóa chất, sản phẩm từ chất dẻo...

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng cùng các địa phương có cửa khẩu giao thương như: Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, tham mưu, phối hợp và ngoại giao để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Điển hình: Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND, ngày 31-5-2023, phê duyệt đề cương Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét các kế hoạch về hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn thủ tục xuất khẩu (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) cho các công ty xuất khẩu các sản phẩm sản xuất sang các thị trường mới để hưởng ưu đãi thuế quan do hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết...

Với nhiều chính sách, sự đồng hành hỗ trợ kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương đã giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu vùng biên ngày càng đạt được kết quả tích cực. Tới nay, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu/lối mở với Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) đang phát triển ổn định.

Để tạo đột phá từ thương mại biên giới

Trước hết, cần thấy rằng, với Trung Quốc, quan hệ thương mại song phương hơn 10 năm qua luôn ở trạng thái mất cân bằng lớn, có lợi cho Trung Quốc. Buôn bán tiểu ngạch còn chiếm tỷ trọng khá cao nên doanh nghiệp và cư dân Việt Nam nhiều lúc phải chịu thua thiệt. Công nghiệp phụ trợ chậm phát triển cũng góp phần khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, gây mất cân đối cơ cấu kinh tế và thương mại. Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại ở tuyến biên giới phía Bắc ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc quản lý khu vực biên giới, làm hỗn loạn thị trường và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của mỗi nước.

Một số hình thức gian lận thương mại trong quan hệ thương mại Việt - Trung xảy ra khá phổ biến, như: hàng xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam thường dùng thủ đoạn lập hợp đồng ngoại thương giả mạo hoặc thông đồng với doanh nghiệp nước ngoài ghi giá trên hợp đồng mua bán hàng nhập khẩu thấp để trốn thuế, hoặc lợi dụng kẽ hở trong chính sách hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu. Việc thanh toán trong xuất, nhập khẩu Việt - Trung qua ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của 2 nước mặc dù đã có Hiệp định thanh toán và hợp tác do Chính phủ hai bên ký kết. Thị trường chợ đen buôn bán tiền công khai ở các cửa khẩu biên giới vẫn hoành hành; hiện tượng lừa đảo, chiếm dụng vốn, lưu hành tiền giả ở các tỉnh biên giới vẫn diễn ra thường xuyên.

Sự phát triển nhanh của thương mại Việt - Trung đi cùng với sự tổ chức quản lý chưa chặt chẽ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam. Điều này đến từ ảnh hưởng của việc nhập khẩu các loại rau quả, thực phẩm tươi sống không qua kiểm dịch chặt chẽ từ Trung Quốc. Các loại rau quả, thực phẩm tươi sống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã đe dọa tới sức khỏe của người tiêu dùng. Việc vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ không kịp thời làm ứ đọng hàng hóa, thối nát, gây ô nhiễm môi trường ở các khu vực chợ và cửa khẩu biên giới. Việc nhập lậu các loại hóa chất sử dụng cho nông nghiệp như phân hóa học, thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật qua biên giới cũng ảnh hưởng lớn tới môi trường sinh thái.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại điện tử, thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, cảng biển.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Móng Cái nhập khẩu ô-tô, máy móc thiết bị; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải giải quyết nhanh thủ tục cấp phép cho các phương tiện vận tải Trung Quốc qua cầu Bắc Luân 2 sang địa điểm kiểm tra tập trung và phương tiện vận tải Việt Nam qua cầu Bắc Luân 2 sang Trung Quốc giao nhận hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm việc thông quan nhanh chóng, hạn chế việc lưu xe làm tăng chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.

Một điểm không kém phần quan trọng, đó là tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, đường giao thông biên giới kết nối các cửa khẩu phụ, điểm thông quan; phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đáp ứng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo cơ sở thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện