06/10/2024 | 03:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cần vận dụng nguyên tắc “dĩ công vi thượng” trong phát triển bứt phá ở tỉnh Quảng Ninh

Nguyễn Lương Ngọc
Cần vận dụng nguyên tắc “dĩ công vi thượng” trong phát triển bứt phá ở tỉnh Quảng Ninh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mỏ than Đèo Nai, ngày 30-3-1959_Ảnh: TL
Tỉnh Quảng Ninh đạt được thành quả hôm nay là sản phẩm kết tinh những trăn trở, sáng tạo, là quá trình nỗ lực qua nhiều chặng đường. Tuy nhiên, so với tiềm năng, nguồn lực, sự phát triển của Quảng Ninh vẫn chưa thực sự tương xứng. Vận dụng nguyên tắc “dĩ công vi thượng” trong phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố quan trọng để Quảng Ninh phát triển bứt phá trong những năm tiếp theo.

“Dĩ công vi thượng” trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong kho tàng di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, “dĩ công vi thượng” là một trong những lời căn dặn quan trọng của Người. Đây là phương châm, nguyên tắc đạo đức cơ bản thể hiện tầm quan trọng của sự tận hiến, làm việc vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, thay vì chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi trở thành người cán bộ, đảng viên, dù ở bất kỳ cương vị lãnh đạo, quản lý cấp nào cũng phải dành toàn bộ tâm huyết, sự nỗ lực và trí tuệ để phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân, vượt qua các lợi ích vị kỷ, tham vọng quyền lực... Hơn nữa, đó còn là tôn chỉ cách mạng, yêu cầu một tinh thần hy sinh và sự cam kết tuyệt đối của người cán bộ cách mạng, người lãnh đạo, quản lý, đảng viên trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội; được xem là nền tảng của sự đoàn kết, tinh thần đồng lòng trong các hoạt động cách mạng.

Bắt đầu từ tác phẩm nổi tiếng “Đường Cách Mệnh” dùng để tuyên truyền, giác ngộ, huấn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng đầu tiên, trong phần Tư cách một người cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ rõ đối với từng cá nhân (tự mình) phải “vị công vong tư”, biết “hy sinh” và “ít lòng tham muốn về vật chất”. Trong các bài viết, bài phát biểu với đoàn thể, cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, địa phương hay trong một số tác phẩm lớn, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phải thực hành “chí công vô tư”. Có chỗ, có lúc dù không nhắc đến trực tiếp thì nội dung cũng gián tiếp khẳng định phải “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, bất kể là ai, hễ là người cán bộ, đảng viên, dù làm việc trong lĩnh vực nào, ngành nghề nào và giữ cương vị gì thì cũng phải nêu cao tinh thần “chí công vô tư”. Chẳng hạn, đối với cán bộ lãnh đạo Chính phủ, đại biểu quốc hội, “trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy” và “hết sức đem tài năng cống hiến cho Tổ quốc”. Đối với người cán bộ, đảng viên, phải xác định “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”... Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đối với cán bộ lãnh đạo địa phương cấp tỉnh, huyện, xã, “phải đem cả lòng vì nước vì dân”, bởi “chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”. Đối với cán bộ bảo vệ và thi hành pháp luật thì “cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp”, “chí công vô tư cho nhân dân noi theo”. Cán bộ kinh tế tài chính, ngân hàng phụ trách nhiều tiền của “cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. “Thậm chí có khi cán bộ vì lợi ích chung mà phải chịu thiệt phần nào”.

Đối với sĩ quan quân đội nhân dân, nhớ “Tu sửa mình cho kỳ giữ được chí công vô tư, đối với việc phải sáng suốt, đối với vật không tham lam, gắng làm kiểu mẫu, làm kiểu mẫu cho bộ đội, cho nhân dân”. Với người sĩ quan công an nhân dân thì “phải ra sức trau dồi: đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Đối với thanh niên, phải “ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc. Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch. Chớ kiêu ngạo, tự mãn... Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết”. Có thể nói, có được, giữ được, làm được “chí công vô tư” là đạt tới cảnh giới cao nhất của đạo đức cách mạng, đạo đức người cộng sản.

Tư duy bứt phá là khả năng tư duy vượt qua những giới hạn, tìm ra các phương pháp, giải pháp hướng tới những ý tưởng và giải pháp mới, đột phá, linh hoạt, không gò bó bởi những hạn chế và quy tắc hiện có, các giải pháp truyền thống trong việc tìm ra những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính vì thế, nó đòi hỏi cần có một môi trường để động viên và hỗ trợ, có thể thúc đẩy tư duy bứt phá. Sự khuyến khích, phản hồi tích cực, sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp, gia đình hoặc cộng đồng có thể giúp tạo ra một không gian an toàn và động lực để phát triển ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, tư duy bứt phá đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng lòng với thất bại. Đôi khi, việc thử nghiệm và gặp thất bại là một phần tự nhiên của quá trình sáng tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ủng hộ “tư duy bứt phá”. Người khuyến khích đội ngũ cán bộ cách mạng phải sáng tạo, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề và đối mặt với thách thức. Người tin rằng tư duy bứt phá là động lực quan trọng để thúc đẩy sự tiến bộ và thành công của cách mạng Việt Nam.

Cần áp dụng “dĩ công vi thượng”

Có thể thấy, với những yếu tố quan trọng, cơ bản cho sự phát triển đã có, để tỉnh Quảng Ninh bứt phá phát triển trong những năm tới, một trong những yếu tố cốt lõi, đó chính là tinh thần “dĩ công vi thượng”, thực hiện tốt nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, nêu cao khẩu hiệu “dĩ công vi thượng”. Nguyên tắc này cung cấp cơ sở đạo đức đúng đắn cho tư duy bứt phá. Đồng thời, củng cố tư duy bứt phá bằng việc khuyến khích những ý tưởng sáng tạo và giải pháp mới mẻ mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Dĩ công vi thượng trong phục vụ nhân dân. Đó là, phải đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp bảo đảm khoa học, dân chủ, gần dân, sát dân, vì dân; bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm và làm đến cùng, dứt điểm; có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, không bảo thủ, trì trệ, chống bệnh hình thức và chủ nghĩa thành tích. Kết quả công việc, sự hài lòng của nhân dân sẽ là thước đo chính xác nhất, điều này đã được khẳng định rõ nét qua thành công của mô hình “Dân tin - Đảng cử” tại Quảng Ninh.

Dĩ công vi thượng trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển tỉnh. Đó là quy trình xây dựng và ban hành chính sách phát triển không bị tác động mang tính tiêu cực bởi những lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của cơ quan hay một địa phương nhất định. Chính sách phát triển cần bảo đảm tính minh bạch, công bằng, đồng bộ, bao phủ rộng khắp để tất cả các đối tượng trong cộng đồng đều có thể thụ hưởng một cách thực sự, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có cái tâm trong sáng, hướng về nhân dân để tham mưu, thực thi chính sách một cách tối tưu.

Dĩ công vi thượng trong áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào quản lý và phát triển xã hội, cũng như tạo dựng môi trường dân chủ, không gian cởi mở để mọi cá nhân có thể mạnh dạn phát huy năng lực, trí tuệ cũng như tham mưu, tư vấn cho các cấp lãnh đạo. Quảng Ninh muốn phát triển mạnh mẽ, quyết liệt thì không thể thiếu những thay đổi lớn từ sự ứng dụng khoa học công nghệ thời đại 4.0 mang lại. Việc ứng dụng này đòi hỏi kết hợp giữa ý chí và tầm nhìn của lãnh đạo, năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức các cấp và nguồn lực của tỉnh. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố này, tính bứt phá sẽ giảm đi rõ rệt.

Trong cộng đồng xã hội, quan điểm “dĩ công vi thượng” khuyến khích mỗi người dân phải có tinh thần tự giác và trách nhiệm đối với cộng đồng của mình, đồng thời cũng yêu cầu sự chia sẻ và giúp đỡ những người khác khi cần thiết, giúp đỡ những người khó khăn hơn. Việc áp dụng quan điểm này trong cộng đồng sẽ tạo ra một môi trường sống đoàn kết, gắn bó và phát triển một cách bền vững. Vừa vặn, tất cả những đặc điểm này đều hội tụ ở mảnh đất Quảng Ninh.

Hòa chung với khát vọng đất nước phồn vinh và đổi mới, hướng tới mục tiêu “phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, thì một trong những nhân tố quan trọng mang tính quyết định để phát triển bứt phá, đạt mục tiêu nêu trên chính là đề cao và thực hiện tốt nguyên tắc “dĩ công vi thượng”./.