“Đòn bẩy” đưa chính sách kinh tế vào phát triển văn hóa
Nguyễn Huy VinhHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng khoa học - kỹ thuật như một “đòn bẩy” mang giá trị kinh tế trong phát triển văn hóa là một quan điểm đúng đắn. Quảng Ninh là tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu khi đưa chính sách kinh tế vào phát triển văn hóa, từ khai thác văn hóa du lịch, văn hóa tâm linh, phát triển các làng nghề,... đến phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa.
Từ năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vốn là tỉnh có lợi thế phát triển du lịch, Quảng Ninh sớm gắn kết giá trị các di sản văn hóa được thiên nhiên ưu đãi với các mục tiêu kinh tế - xã hội. Để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả cao, Quảng Ninh quan tâm đầu tư phát triển từ kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện kêu gọi để các nhà đầu tư bất động sản lớn tham gia đầu tư vào Quảng Ninh, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đến nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ du lịch và các dịch vụ đi kèm...
Về đầu tư vào kết cấu hạ tầng: xác định phát triển hạ tầng là nền tảng và đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh,... vốn là thế mạnh được ưu đãi nói riêng của Quảng Ninh, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông huyết mạch kết nối với thành phố Hà Nội, qua thành phố Hải Phòng, lên tuyến biên giới phía Đông Bắc. Đến nay, Quảng Ninh đã có một hệ thống kết cấu hạ tầng thuận lợi với các tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Sân bay quốc tế Vân Đồn, hầm xuyên biển Cửa Lục... Khai thác thế mạnh hiếm có, Quảng Ninh cũng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết hợp phục vụ du lịch với những tuyến đường bao biển như tuyến Hạ Long - Cẩm Phả... Chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng đi trước một bước để tạo đà bứt phá trong phát triển các lĩnh vực, trong đó có văn hóa là lời giải hữu hiệu cho bài toán tìm giải pháp đột phá cho phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương.
Về thu hút đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí: sự góp mặt của chuỗi các khách sạn thương hiệu quốc tế, các nhà đầu tư bất động sản lớn, các tổ hợp thương mại - dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô lớn, các tàu chở khách có trọng tải lớn, sang trọng, hệ số an toàn cao nghỉ đêm trên vịnh,... đã tạo sức đột phá lớn trong phát triển kinh tế - du lịch cho Quảng Ninh. Đây là biểu hiện sinh động của chủ trương yếu tố kinh tế phải là nền tảng vật chất cho các hoạt động văn hóa phát triển, mục tiêu kinh tế phải song hành với các mục tiêu văn hóa.
Về đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: từ chủ trương chung của Đảng bộ tỉnh, Thư viện Quảng Ninh được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, diện tích sử dụng 9.000m2, trang thiết bị được đầu tư hiện đại và tương đối đồng bộ. Công nghệ thông tin được ứng dụng vào công tác bổ sung, biên mục tài liệu, in nhãn sách, thư mục qua phần mềm ILIB. Theo thống kê, Thư viện tỉnh có tổng số gần 250.000 bản sách, 150.000 trang tài liệu địa chí số hóa, 200 loại báo, tạp chí, thuê quyền truy cập 1,5 triệu tài liệu điện tử. Thư viện tỉnh cũng thực hiện cơ chế mở, chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị, đặc biệt là liên kết với tailieu.vn - website chia sẻ tài liệu lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, liên kết với cơ sở dữ liệu thư viện số của thư viện các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc; tăng cường khả năng khai thác của thư viện số bằng cách quảng bá nguồn tài nguyên số đến các trường học, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu được xác định là: hiện đại hóa, khai thác và phục vụ có hiệu quả thư viện số, chú trọng phục vụ trực tuyến.
Bảo tàng Quảng Ninh là bảo tàng cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước tự chủ kinh phí. Bảo tàng đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Khách tham quan có thể được một hướng dẫn viên ảo dẫn đi tham quan qua phiên bản số hóa. Qua công nghệ 3D, từ kiến trúc phía ngoài độc đáo tựa như “viên ngọc đen” đến không gian ấn tượng bên trong với những khung cảnh tái hiện lịch sử qua nhiều thời đại, quang cảnh các hầm lò khai thác than dưới lòng đất, các bảo vật quốc gia, các di sản thế giới,... mà Quảng Ninh sở hữu.
Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Cung Quy hoạch đã phát huy công năng, đem lại hiệu quả tích cực vượt trội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân, đồng thời đáp ứng cả yêu cầu về các nguồn lực kinh tế thu lại. Là mô hình khá thành công hiện thực hóa các giá trị kinh tế của văn hóa, khẳng định nếu được đầu tư, khai thác đúng hướng văn hóa chính là nguồn lực to lớn cho phát triển.
Xác định phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển bền vững mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch, phát triển kinh tế cho tỉnh. Các sản phẩm văn hóa dưới dạng công nghệ, công nghệ ảo trong hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư từ ngân sách; các sản phẩm văn hóa mang tính thủ công mỹ nghệ; các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên và công trình lịch sử văn hóa, gắn với cảnh quan biển đảo, gắn với các làng nghề, gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống và ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch không chỉ trở thành những điểm đến du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, mà còn mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Đây cũng là biểu hiện sinh động của chủ trương đưa các yếu tố văn hóa vào quá trình tạo ra của cải vật chất.
Về đầu tư hạ tầng công nghệ: với cơ sở nền tảng ban đầu là đầu tư hạ tầng mạng, hạ tầng kỹ thuật công nghệ, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm, được xác định là mũi nhọn, có khả năng kích thích phát triển chung cho tỉnh, như hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển văn hóa - du lịch, từ các công nghệ kỹ thuật số đến các điều kiện bảo đảm cho hệ thống mạng wifi, di động cho các khu vực phát triển dịch vụ..., Quảng Ninh đã khẳng định hướng đi đón đầu gắn với mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức, đón đầu ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: nhân lực cho phát triển của tỉnh được xác định là một trong các khâu đột phá, và xu hướng trong những năm gần đây cho thấy, khi đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi, thời gian di chuyển giữa Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh bạn được rút ngắn thì tỉnh đã thu hút được một cách tự nhiên lực lượng lao động từ các địa phương khác đổ về. Bên cạnh đó, xác định điểm yếu nguồn nhân lực cho du lịch là ngoại ngữ và khả năng sử dụng, ứng dụng công nghệ, tỉnh đã có chủ trương đào tạo, bồi dưỡng lâu dài thông qua giáo dục - đào tạo các cấp; đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn thông qua các chương trình bồi dưỡng đối với nhân lực của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị đang tập trung triển khai các dự án... Các địa phương có dự án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp đối với từng hộ gia đình có tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, bảo đảm chất lượng dịch vụ đồng đều, chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng để hấp dẫn du khách, nhằm đạt mục tiêu không chỉ phục vụ du khách tốt nhất mà còn đưa du khách trở lại trong tương lai và từ du khách lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Quảng Ninh ra thế giới. Đây chính là chính sách phát triển kinh tế nhanh, bền vững được lồng ghép trong chính sách phát triển văn hóa của tỉnh.
Cách thức đưa chính sách kinh tế vào quá trình khơi dậy, khai thác các tiềm năng văn hóa của Quảng Ninh đã cho thấy hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, khẳng định quan điểm nếu có định hướng đúng thì văn hóa sẽ phát huy được chức năng điều tiết phát triển, điều tiết các quan hệ xã hội theo hướng tích cực, hài hòa, thực sự trở thành động lực, nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững./.