05/10/2024 | 20:23 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Philippines: Thay đổi nhận thức ứng phó bão, lũ

La Tuấn
Philippines: Thay đổi nhận thức ứng phó bão, lũ Người dân sơ tán khỏi khu vực ngập lụt do bão Yagi tại tỉnh Rizal, (Philippines), ngày 2-9-2024_Ảnh: THX/TTXVN
Philippines sẽ phải mất nhiều năm, ít nhất là 5 - 10 năm, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng lũ lụt tàn phá nơi cư trú, đất nông nghiệp, trường học, khu thương mại và công nghiệp, cũng như mất mát về sinh mạng. Đối với các thảm họa thiên nhiên mà Philippines đang phải đối mặt, những nạn nhân tiềm tàng thực sự không nhận thức được sâu sắc về tình hình.

Quốc gia Đông Nam Á này hiện có 18 lưu vực sông lớn trên cả nước cần phải được quản lý hiệu quả. Lưu vực lớn nhất trong số này là lưu vực Cagayan, rộng 27.289km2, trải dài từ các tỉnh Cagayan, Isabela, Mountain Province, Nueva Vizcaya, Quirino và Quezon. 

Một lưu vực khác là lưu vực sông Marikina, khi tràn bờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phố San Mateo, Marikina, Quezon City, Pasig và các cộng đồng xung quanh hồ Laguna. Ít nhất 421 con sông chính thường xuyên tiêu thoát hàng triệu mét khối nước mưa trong mùa bão và gió mùa. Hầu hết các con sông này đều gây ngập lụt cho các cộng đồng lân cận.

Chính phủ Philippines đã chi hàng tỷ peso để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Sau siêu bão Yagi và cơn bão Habagat gần đây, Bộ Phát triển và Phúc lợi xã hội (DSWD) và Văn phòng Phòng vệ dân sự (OCD) đã chuyển lượng thực phẩm và các mặt hàng phi thực phẩm trị giá 189 triệu peso (3,2 triệu USD) đến hỗ trợ các nạn nhân. 

Hơn 35.000 cư dân đã phải di dời đến các trung tâm sơ tán và được cả chính quyền trung ương và địa phương hỗ trợ. Hơn nữa, thiệt hại đối với ngành nông nghiệp của Philippines ước tính vào khoảng 659 triệu peso (12,4 triệu USD) và vẫn đang tiếp tục tăng.

Triển khai quy hoạch tổng thể

Quy hoạch tổng thể toàn diện và tích hợp cho từng lưu vực sông trong số 18 lưu vực phải được xây dựng và triển khai nghiêm túc ngay lập tức. Các thành tố quan trọng nhất của quy hoạch tổng thể nói trên là các giải pháp kỹ thuật sẽ làm giảm lượng nước mưa tràn vào các cộng đồng.

Đầu tiên là các đập lớn, đập Sabo (đập ngăn lũ bùn đá) và các hồ chứa nước ở thượng nguồn. Theo đó, các đập này chủ yếu cần phải được xây dựng để kiểm soát lũ lụt, chứ không phải để sản xuất điện. 

Chúng cũng có thể được sử dụng để tưới tiêu và cung cấp nước uống cho nhân dân. Không phải để sản xuất điện vì các đập năng lượng đó cần duy trì mức nước cao hơn để bảo đảm các tua-bin của chúng luôn có thể hoạt động. Do đó, trước khi có bão, mực nước của chúng đã ở mức tối ưu.

Ngoài ra, nước này cũng cần xây dựng và triển khai các hệ thống đê điều và tường chắn sóng được thiết kế hợp lý dựa trên quy hoạch tổng thể. Điều này nhằm bảo đảm rằng nước lũ sẽ không thoát ra qua các khe hở dọc theo những bức tường và khiến dự án trở nên vô dụng.

Các hồ chứa nước, nổi và ngầm mặt đất, trong và gần các thành phố, cũng phải được triển khai.

Cùng với đó là xây dựng các kênh đào và cống tràn mới và rộng hơn. Phải duy trì nạo vét quanh năm để bảo đảm khả năng chứa nước của các con sông.

Xây dựng văn hóa và kỷ luật

Các giải pháp kỹ thuật trên phải được bổ trợ bằng kỷ luật tập thể của Philippines - điều tới nay vẫn còn thiếu. Phải cấm và xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi xuống các tuyến đường thủy và hệ thống thoát nước. 

Phải triển khai tái trồng rừng trên diện rộng, đặc biệt là ở các lưu vực sông. Và điều thực sự khó khăn nữa là các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương phải có ý chí chính trị và phương tiện để di dời các cộng đồng dễ bị tổn thương vì lũ lụt nghiêm trọng, bão thường xuyên và lở đất.

Những tác động tiêu cực của bão và mưa sẽ vẫn còn nếu Philippines không theo đuổi lộ trình dài hạn cần thiết, trong đó gồm các giải pháp kỹ thuật, kỷ luật và ý chí chính trị để di dời các cộng đồng đến nơi an toàn hơn. 

Ngay cả khi làm vậy, Philippines vẫn sẽ hứng chịu lũ lụt trong tương lai gần. Nhưng nếu không có các giải pháp này, Philippines sẽ phải đối mặt với lũ lụt mãi mãi.

Thay đổi nhận thức bằng giáo dục

Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2023 đã nêu bật những lỗ hổng quan trọng trong cách giáo dục về biến đổi khí hậu được tích hợp vào lĩnh vực giáo dục cơ bản của nước này. 

Mặc dù có những sáng kiến như Tổ chức Thanh niên vì môi trường tại trường học (YES-O), nhưng chúng thường chỉ giới hạn ở các hoạt động ngoại khóa, thay vì được đưa vào chương trình giảng dạy cốt lõi. 

Điều này có nghĩa là học sinh có thể tham gia vào các vấn đề về biến đổi khí hậu như một sở thích ngoại khóa thay vì là một phần thiết yếu trong quá trình giáo dục.

Những phát hiện trong nghiên cứu cho thấy mặc dù các trường học ở Philippines đang nỗ lực đáng kể để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, nhưng tác động chung đến hành vi và khả năng hiểu biết của học sinh về các vấn đề liên quan đến khí hậu vẫn còn hạn chế. 

Hạn chế này không chỉ xuất phát từ những lỗ hổng về kiến thức, mà còn từ những thách thức đáng kể liên quan đến cơ sở hạ tầng. Các sáng kiến của trường học thường bị cản trở bởi nguồn lực không đủ, làm suy yếu năng lực thực hiện hiệu quả giáo dục toàn diện về khí hậu và thúc đẩy sự thay đổi hành vi có ý nghĩa ở học sinh.

Hơn nữa, mặc dù giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai (DRRM) được đưa vào chương trình giảng dạy trung học phổ thông, đặc biệt là trong lĩnh vực STEM (gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), nhưng việc triển khai lại không nhất quán. 

Sự không nhất quán này dẫn đến sự nhầm lẫn và tạo khoảng cách trong hiểu biết, khiến học sinh và cộng đồng không chuẩn bị đầy đủ cho thực tế về biến đổi khí hậu và những tác động của nó.

Thực tế trên đã cho thấy một điều quan trọng: thay đổi thực sự đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện vượt ra ngoài lớp học. Hệ thống giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chính quyền địa phương, các tổ chức giáo dục đại học và các tổ chức cộng đồng để bảo đảm rằng các nội dung giáo dục về khí hậu là thực tế, phù hợp và có tác động.

Giới nghiên cứu khuyến nghị đánh giá lại toàn diện chương trình nghị sự về tính bền vững của Philippines, tập trung vào việc lồng ghép giáo dục môi trường vào tất cả các lĩnh vực môn học. 

Điều này không chỉ chuẩn bị cho sinh viên về mặt học thuật mà còn bồi dưỡng một thế hệ công dân có ý thức về môi trường, những người có thể dẫn đầu trong công tác phòng ngừa thảm họa và phục hồi khí hậu.

Khi tần suất và mức độ nghiêm trọng của bão lũ tăng lên, rõ ràng là các chiến lược phòng ngừa thảm họa hiện tại của Philippines là không đủ. Để xây dựng một quốc gia thực sự phục hồi, Philippines phải nghiêm túc xem xét cách phân bổ và sử dụng nguồn tiền, đồng thời suy xét lại về cách giáo dục thế hệ tiếp theo về biến đổi khí hậu. 

Với tình trạng dễ bị tổn thương của Philippines, giáo dục về biến đổi khí hậu cần được tích hợp sâu vào cuộc sống hằng ngày, được hỗ trợ bởi một cách tiếp cận có hệ thống bao gồm chính sách, phân bổ ngân sách, chương trình giảng dạy của trường học và hành động của cộng đồng. 

Sự tích hợp này sẽ bảo đảm rằng mọi người dân Philippines luôn cảnh giác và suy ngẫm về tác động tới môi trường trong mọi hành vi của họ./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện