05/10/2024 | 20:23 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sẵn sàng cho mọi tình huống - kinh nghiệm của Nhật Bản

Phan Lương
Sẵn sàng cho mọi tình huống - kinh nghiệm của Nhật Bản Mưa sau hoàn lưu bão Mawar gây ngập lụt tại Toyokawa, tỉnh Achi (Nhật Bản), ngày 3-6-2023_Ảnh: TL
Nhật Bản là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước thiên tai do điều kiện khí hậu và địa hình của nước này. Chính vì thế, Nhật Bản từ lâu đã đặc biệt tập trung vào nỗ lực sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, từ động đất, sóng thần, bão lũ hay những diễn biến thời tiết bất lợi khác.

Thực tại khắc nghiệt

Cuối tháng 8-2024, siêu bão Shanshan quét qua khu vực miền Nam Nhật Bản, với sức gió giật lên tới 216km/h khi đổ bộ. Trong khi di chuyển về phía Tây, bão Shanshan gây ra lượng mưa lớn kỷ lục làm ngập lụt nhiều khu vực, buộc nhà chức trách phải ban bố cảnh báo lở đất và lũ lụt ở những nơi cách xa tâm bão hàng trăm ki-lô-mét. 

Ít nhất 6 người đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương do bão. Khoảng 250.000 hộ gia đình tại 7 tỉnh thuộc khu vực Kyushu bị cắt điện. Nhiều dịch vụ hàng không và đường sắt phải tạm dừng hoạt động và nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa.

Shanshan là trận bão lớn thứ ba tấn công Nhật Bản chỉ trong tháng 8. Theo một nghiên cứu được công bố trước đó, các cơn bão khu vực Thái Bình Dương dường như hình thành gần bờ hơn, mạnh nhanh hơn và kéo dài hơn trên đất liền do tình trạng biến đổi khí hậu. 

Với vị trí địa lý của mình, Nhật Bản rõ ràng là quốc gia dễ bị tổn thương do khủng hoảng khí hậu. Đến nay, nỗ lực ứng phó của Chính phủ Nhật Bản chủ yếu tập trung vào việc bảo đảm an toàn cho người dân và giảm thiểu tác động của lũ lụt và lở đất đối với cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp ở những khu vực bị ảnh hưởng.

Trong đó, sự phối hợp công - tư trong nỗ lực giảm trừ thiên tai rất được chú trọng. Không ít người dân đã hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất cho đồng bào ở khu vực bị ảnh hưởng. 

Rất nhiều tổ chức thiện nguyện phối hợp cùng các cơ quan ban ngành chính phủ để tham gia quyên góp, vận chuyển, phân phát hàng cứu trợ tới những vùng thiên tai. 

Chính phủ Nhật Bản cũng đặc biệt lưu tâm đến công tác phục hồi trong trung và dài hạn, như khôi phục sinh kế, tái thiết nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị hư hại, và quan tâm hỗ trợ về tâm lý cho những cộng đồng bị ảnh hưởng.

Phòng hơn chống

Có thể khẳng định thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11-3-2011 đã để lại di chứng và một bài học lớn cho Nhật Bản trong nỗ lực giảm thiểu tác động thiên tai, cũng như cứu trợ sau thảm họa. 

Số liệu thống kê cho thấy, sau 13 năm, thảm họa này đã khiến gần 20.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và di dời tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Trong bối cảnh những thảm họa lớn như bão lũ, động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều chuyên gia Nhật Bản chỉ ra rằng tích trữ thực phẩm trong tình huống thảm họa đặc biệt có ý nghĩa sống còn, nhất là khi những dịch vụ tiện ích như điện, nước không còn khả dụng và hệ thống logistic ngừng hoạt động. 

Từ những thảm họa trong quá khứ ở Nhật Bản, trong hầu hết trường hợp, sẽ cần phải mất hơn 1 tuần để có thể khôi phục những dịch vụ tiện ích. Chính vì thế, người dân tự tích trữ lương thực, nước sạch và các loại nhu yếu phẩm khác đã được nhà chức trách các cấp khuyến cáo.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản khuyến cáo mỗi gia đình nên tích trữ lương thực đủ dùng trong ít nhất 3 ngày, nhiều nhất là 1 tuần. Theo đó, các loại nước đóng chai nhựa hoặc lon rất phù hợp để tích trữ. 

Ngoài ra, bếp và bình gas di động là công cụ cần thiết trong thảm họa. Một bữa ăn nóng sẽ làm ấm cơ thể và làm giảm cảm giác căng thẳng, lo lắng. Những thực phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, ngũ cốc, thực phẩm nấu sẵn hút chân không, đồ hộp, trái cây sấy khô, gia vị, đặc biệt là chocolate, bánh quy và các loại bánh kẹo khác cũng được khuyến cáo.

Sự thay đổi tư duy

Thực tế cho thấy từng có nhiều quan ngại về loại lương thực cần tích trữ, khi dịch vụ điện, nước cần thời gian khôi phục, đặc biệt giữa lúc hàng cứu trợ có thể bị chậm vì nhiều yếu tố. 

Dù là nền kinh tế phát triển với hệ thống logistic tốt, nhưng trong thảm họa năm 2011, việc phân phối và cung cấp thực phẩm cho người dân Nhật Bản đã bộc lộ nhiều vấn đề về tổ chức, ngay cả sau khi các dịch vụ tiện ích đã được khôi phục cho phép vận chuyển nguồn cung thực phẩm tới cứu trợ vùng thiệt hại.

Trong nhiều trường hợp, lực lượng cứu trợ không thể tìm được địa điểm để tập kết hàng. Bên cạnh đó, do phải mất một khoảng thời gian mới đến được tay người dân vùng thiệt hại do đường sá hư hỏng và tắc nghẽn, nên nhiều loại thực phẩm như cơm nắm, bánh mì và một số loại đồ ăn khác đã bị hỏng, không đạt được mục tiêu cứu trợ. 

Do vậy, theo các chuyên gia Nhật Bản, cần phân loại cụ thể thực phẩm để tích trữ và cứu trợ tùy thuộc vào mức độ dễ dùng của nó trong tình huống khẩn cấp.

Chẳng hạn như, (1) đồ ăn không cần chế biến và không cần nước; (2) đồ ăn không cần chế biến và dùng với nước sạch; (3) thực phẩm có thể ăn sau khi thêm hoặc ngâm trong nước nóng; và (4) đồ ăn phải được nấu chín. 

Từ cách phân loại thực phẩm như trên có thể xác định được giai đoạn cứu trợ nào thì thích hợp với loại thực phẩm nào, để từ đó hàng cứu trợ đến tay người dân vùng thiên tai trở nên hiệu quả nhất.

Ngoài ra, cũng cần phân biệt giữa thực phẩm trong tình huống khẩn cấp và thực phẩm chuẩn bị cho thảm họa. Theo đó, (1), (2) có thể là thực phẩm trong tình huống khẩn cấp trong khi (3) và (4) là thực phẩm chuẩn bị cho thảm họa. 

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong trường hợp xảy ra thảm họa, bởi thực phẩm chuẩn bị cho thảm họa sẽ là loại thực phẩm giúp ngăn ngừa những nguy cơ phái sinh liên quan đến sức khỏe của người cần cứu trợ, đồng thời hỗ trợ cho lực lượng cứu trợ gồm cả lực lượng tình nguyện, cũng như người phải rời bỏ nhà cửa đi trú tránh, thay vì chỉ đơn thuần ứng phó với thảm họa.

“Phương pháp dự trữ luân phiên” cũng là một biện pháp được nhà chức trách Nhật Bản khuyến cáo với người dân. Trên thực tế, thực phẩm chuẩn bị cho thảm họa chính là đồ ăn thường ngày. 

Người dân chỉ cần mua thêm mì cốc, đồ hộp, tiêu thụ thức ăn có hạn sử dụng lâu nhất và bổ sung sau khi dùng hết. Với chức năng và hoạt động đầy đủ để sử dụng hàng ngày (cân bằng dinh dưỡng tốt, dễ dùng trong điều kiện khẩn cấp) và chi phí thấp, do đó việc phổ biến sử dụng thực phẩm chuẩn bị cho thảm họa theo phương pháp mới sẽ góp phần giúp chuyển sang thói quen ăn uống lành mạnh hơn, phong phú hơn trong cuộc sống thường ngày, ngay cả khi thảm họa không xảy ra.

Do thực phẩm chuẩn bị cho thảm họa có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng và không cần năng lượng để phân phối và lưu trữ, nó cũng góp phần giảm thải phát CO2 và các loại khí thải khác, do vậy có thể dẫn đến sự thay đổi trong cách người Nhật Bản nhìn nhận về lối sống của mình khi hướng đến mục tiêu có một cuộc sống được bảo vệ tốt hơn trước thảm họa, nhưng vẫn thân thiện với môi trường./.
Chuyên mục: Bên lề sự kiện