Hải Phòng: Nhanh chóng đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường
Trọng Nhân
Chủ động, khẩn trương, quyết liệt phòng chống, khắc phục hậu quả
Ngày 7-9, Hải Phòng cùng với Quảng Ninh là 2 địa phương bị siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ trực tiếp. Cả thành phố gồng mình chống chọi với sự quần thảo suốt hàng chục giờ liền với sức gió cấp 13 - 14, giật cấp 17.
Nhưng thật may mắn, sự thiệt hại về người của Hải Phòng ở mức thấp nhất. Toàn thành phố có 2 người thiệt mạng do bị tường đổ (nhà kiên cố không thuộc diện phải di dời) và 65 người bị thương do bất cẩn và chủ quan nhưng hầu hết đã hồi phục và trở về nhà...
Đáng mừng là hệ thống công trình đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố bảo đảm an toàn, không phát sinh sự cố...
Những may mắn này không phải chỉ từ thiên nhiên. Từ đầu năm 2024, Hải Phòng đã diễn tập ứng phó với siêu bão và các kịch bản tình huống khi trở thành cơn bão số 3 đã được áp dụng triệt để.
Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; lãnh đạo các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân luôn bám sát diễn biến của cơn bão để ứng phó với tinh thần chủ động.
Tàu thuyền được kêu gọi vào bờ; các hộ dân tại các khu chung cư cũ và những khu nhà trọ xuống cấp, nguy hiểm; tại các vùng trũng, thấp, gần đê, sông;... được di chuyển tới nơi tránh trú bão an toàn.
Ngày 7-9, trước khi bão về, ngành điện cắt điện toàn thành phố để bảo đảm an toàn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Hải Phòng thành lập Sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo chống bão số 3 đối với các tỉnh, thành phố trong vùng.
Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; lãnh đạo các ngành, địa phương không có giây phút nghỉ ngơi mà dành toàn tâm, toàn lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống bão. Các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích,... không quản ngại mưa to, gió lớn, nguy hiểm, lao mình vào tâm bão để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Sau bão, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các quận, huyện, đơn vị tập trung kiểm tra tại cơ sở, chỉ đạo, giải quyết tại chỗ những vấn đề cấp bách như cấp điện, cấp nước, nối lại thông tin liên lạc; sửa chữa trường học, cơ sở y tế, thu gom và dựng lại cây xanh bị gãy đổ; bảo đảm vệ sinh môi trường...
Từ ngày 8-9, nhiều khu vực được cấp điện, cấp nước trở lại; mạng lưới viễn thông từng bước được phục hồi. Các khu vực được cấp điện, cấp nước trở lại ngày càng nhiều thêm cho tới ngày 10-9.
Đồng chí Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng - cho biết, từ ngày 9-9, hầu hết các khu công nghiệp đã được cấp điện trở lại. Nhờ vậy, có khoảng 95% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã có thể trở lại sản xuất bình thường... Như vậy, chỉ trong 2 - 3 ngày sau bão, thành phố giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ, vô cùng khó khăn, cấp bách...
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Hải Phòng ngày 8-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá rất cao công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão của Hải Phòng; biểu dương Hải Phòng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt, quyết tâm rất cao để giảm thiểu thiệt hại do bão.
Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 3 là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài
Thế nhưng, với sức công phá khủng khiếp của cơn bão mạnh nhất, đáng sợ nhất trong vòng 30 năm qua ở miền Bắc, Hải Phòng vẫn bị thiệt hại khá nặng nề về kinh tế - xã hội. Sáng 8-9, người dân thành phố dường như không tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh tan hoang của đường phố, làng quê với cây cối, cột điện,... đổ gãy hàng loạt cùng những khung, mái tôn, kính vỡ, dây điện,... chất đống, lấp đầy các đường phố, xóm ngõ.
Cùng với đó là hệ thống hạ tầng điện, nước, viễn thông bị tê liệt. Ở các huyện đảo như Cát Hải, Bạch Long Vĩ..., bão làm hư hỏng nghiêm trọng công trình trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà dân, tàu thuyền, lồng bè...
Thông tin tổng hợp tới ngày 15-9, thiệt hại về tài sản, công trình kết cấu hạ tầng, về nông nghiệp, cây xanh,... lên tới gần 11.000 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023.
Trong đó, có tới 50% là thiệt hại về nông nghiệp. Các địa phương, đơn vị bị thiệt hại lớn là huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải, An Dương, Đồ Sơn; ngành giao thông vận tải; giáo dục - đào tạo; các khu công nghiệp...
Vì thế, nhiệm vụ cấp bách, lớn nhất hiện nay của Hải Phòng là khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Toàn thành phố cùng đồng tâm hiệp lực khắc phục hậu quả cơn bão. Các lực lượng quân đội, công an,... huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng Hải Phòng giải quyết hậu quả cơn bão. Các tỉnh, thành phố bạn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam,... ngoài hỗ trợ về tinh thần, vật chất còn cử đội tình nguyện giúp Hải Phòng.
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố càng thêm ấm lòng trước sự quan tâm thiết thực của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Cùng với đó là ý chí tự lực tự cường vô cùng mạnh mẽ nên đến nay, nhịp sống thành phố đã cơ bản trở lại bình thường.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là trước mắt. Về lâu dài, thành phố cần phải tái thiết lại và giữ được nhịp độ tăng trưởng cao. Trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn nhưng Hải Phòng quyết định không nhận 100 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương để dành phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố - bước đầu, thành phố cân đối các nguồn lực, dành ra 1.380 tỷ đồng từ ngân sách để góp phần giải quyết hậu quả cơn bão số 3. Trong đó, đã chi 75 tỷ đồng hỗ trợ đợt 1 cho các quận, huyện.
Thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các ngành, địa phương và theo quy định của pháp luật, sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ cụ thể. Đáng chú ý, sau cơn bão, Hải Phòng có quyết định táo bạo khi làm cuộc di chuyển lớn 2.600 hộ dân tại 41 khu chung cư cũ xuống cấp ở cấp độ D.
Chủ trì hội nghị khắc phục hậu quả cơn bão số 3 ngày 14-9, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu yêu cầu: tiếp tục thống kê chính xác mức thiệt hại để có giải pháp giải quyết phù hợp. Trong đó, áp dụng các thủ tục rút gọn trong tình huống khẩn cấp để nhanh chóng sửa chữa trụ sở làm việc, trường học, cơ sở y tế; hạ tầng giao thông, đô thị...
Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý, việc thống kê thiệt hại, phân bổ chi phí hỗ trợ từ nguồn nào, mức bao nhiêu, đối tượng nào phải theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc trục lợi chính sách.
Đồng chí Bí thư Thành ủy giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố cắt giảm, giãn hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết để tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 3.
Theo đó, khẩn trương đề xuất giải pháp khắc phục thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu ủy thác nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố cho ngân hàng chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay để phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.
Đồng thời, thành phố giãn, hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Ngành ngân hàng áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất cho những khách hàng bị ảnh hưởng bão, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Các cấp, ngành chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu giải pháp bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố có kế hoạch phân bổ, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Trước mắt, phân bổ ngay kinh phí hỗ trợ để các địa phương hỗ trợ người dân thiệt hại nhà sau bão, nhất là các nhà bị tốc mái, sập nhà...
Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh vượt khó, tinh thần “tương thân, tương ái” đang được tỏa sáng, phát huy cao độ, toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố chung tay, sẻ chia, hỗ trợ, động viên lẫn nhau khắc phục nhanh chóng, hiệu quả thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Trong lúc này, mỗi người dân thành phố cảng tin tưởng đúng như Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định: “sau khi cơn bão qua đi, Hải Phòng sẽ phát triển rực rỡ, trở thành thành phố hiện đại, văn minh và bền vững”. Đó chính là cách để Hải Phòng vượt bão./.