05/10/2024 | 22:25 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ninh Bình chủ động và thông suốt trong ứng phó với bão lũ

HÀ GIANG
Ninh Bình chủ động và thông suốt trong ứng phó với bão lũ Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến tay người dân tại thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan_Ảnh: Phạm Tú
Khi bão số 3 (siêu bão Yagi) vừa tan, chúng tôi tới 2 địa bàn xung yếu nhất của tỉnh Ninh Bình. Những trải nghiệm ở huyện “đầu sóng, ngọn gió” Kim Sơn và vùng “rốn lũ” trên sông Hoàng Long ở huyện Nho Quan mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc và nhận thức mới về mảnh đất cố đô hơn nghìn năm tuổi.

Chủ động, thông suốt, đồng lòng

Tại miền đất bồi Kim Sơn, đoàn công tác đi thực tế tại Cồn Nổi (xã Cồn Thoi) - vùng bãi ngang ven biển, thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, là một trong 8 khu bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng nhất vùng châu Á - Thái Bình Dương. 

Lắng nghe chia sẻ của ông Bùi Xuân Diệu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn cùng các chiến sĩ biên phòng tại Trạm kiểm soát biên phòng Cồn Nổi (thuộc Đồn Biên phòng Kim Sơn), chúng tôi đã hiểu, để có được sự bình yên nơi vùng đất cửa biển “đầu sóng, ngọn gió” này, với tinh thần chủ động, “không đợi bão về, không đợi có lũ mới lên kịch bản, phương án”, ngay từ sớm, từ xa, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình có sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, tạo được sự đồng lòng, thông suốt, sự chung tay vào cuộc một cách đồng bộ, với tinh thần chủ động của các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh để triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống siêu bão Yagi cũng như giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra với phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung huy động đầy đủ lực lượng bao gồm quân đội, công an, lực lượng tại chỗ và dân quân trực tuần tra các tuyến đê để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã ban hành 5 công điện, 1 lệnh di dân; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra và phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó tùy theo tình hình thực tế... 

Nhờ vậy, dù nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3 với sức gió mạnh, huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Đoàn công tác của Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Bình, Huyện ủy Nho Quan thăm và trao quà cho các hộ dân của thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan đang bị ngập lụt do ảnh hưởng của mưa lũ. Đây là một trong những thôn của xã Đức Long bị thiệt hại nặng do mưa lũ sau cơn bão số 3, mực nước sông dâng cao khiến toàn bộ diện tích của thôn với trên 250 hộ (trên 1.000 người) bị ngập sâu, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân.

Thời gian công tác tại Ninh Bình trong những ngày tháng 9 khó quên, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với đồng bào vùng “rốn lũ” Nho Quan, từ hồi hộp đến phấp phỏng, lo lắng trước tình thế nguy nan và đầy thử thách với những giờ phút “cân não” của lãnh đạo đảng, chính quyền và nhân dân Ninh Bình; để rồi “thở phào”, “vỡ òa” trong nỗi niềm được giải tỏa và sự mừng lòng khôn tả khi nước lũ xuống dần, tài sản, tính mạng của nhân dân được bảo đảm an toàn.

Khi hoàn lưu sau cơn bão số 3 gây mưa lớn, ngày 12-9 nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy dâng cao với mức 4,9m dẫn đến nguy cơ phải xả tràn, tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp khẩn với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn tỉnh; các sở, ngành liên quan và 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn về kịch bản ứng phó với tình hình lũ trên sông Hoàng Long. 

Vẫn với tinh thần chủ động, sự thông suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, với phương châm “sự an toàn của người dân phải đặt lên hàng đầu”, tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó, với tình huống xấu nhất là phải xả lũ tràn Lạc Khoái, xả tràn Đức Long, Gia Tường và mở cống Mai Phương - Địch Lộng,... để cắt lũ sông Hoàng Long, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, khu dân cư cùng 2 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp ở tả ngạn sông Hoàng Long - nơi tập trung các nhà máy đóng góp khoảng 60% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. 

Thực hiện Lệnh di dân khu vực xả tràn Lạc Khoái theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, 13 giờ ngày 12-9-2024, khi mực nước lũ đạt 4,9m tại Bến Đế, các lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình đã phối hợp hỗ trợ 8.232 hộ dân với khoảng 30.000 nhân khẩu ở 12 xã trên địa bàn huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn di dời đến nơi an toàn với tinh thần chủ động, không hoang mang, không dao động và tích cực ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra trên các tuyến đê. 

Tinh thần vượt lũ diễn ra khẩn trương trên khắp địa bàn.

Lúc này, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đang đứng trước quyết định “cân não” vô cùng khó khăn. 

Tuy mức nước 5,3m là đạt ngưỡng phải xả lũ theo thiết kế nhưng do thời gian vận hành đã lâu, hệ thống đê có nơi sụt lún nên mức 4,9m trên thực tế đã phải xả lũ. Song nếu phải xả lũ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hơn 200.000 người dân trên địa bàn 6/8 huyện, thành phố của tỉnh, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng và mất nhiều thời gian khắc phục. 

Trên cơ sở tập trung trí tuệ của tập thể, đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã phân tích, đánh giá tình hình thực tế một cách khoa học với phương châm không chủ quan, nóng vội để bình tĩnh xử lý các tình huống theo phương án, kịch bản đề ra; bố trí lực lượng kiểm tra theo dõi đê toàn tuyến 24/24 giờ, ứng trực để xử lý kịp thời, nhất là ở những điểm xung yếu; vận hành hợp lý, linh hoạt các công trình phân lũ, chậm lũ để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê.

Và “trời không phụ lòng người”, đến 22 giờ ngày 12-9 mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m. Đến 11 giờ ngày 13-9-2024, mức nước giảm xuống còn 4,78m và tiếp tục giảm trong các ngày sau đó. 

Các cấp ủy, chính quyền, người dân tỉnh Ninh Bình và cả đoàn công tác chúng tôi đều “vỡ òa” trong niềm vui “không xả lũ”, khi tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước được bảo đảm an toàn, kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình đã giảm được thiệt hại lớn và lâu dài.

 “Còn rất nhiều việc cần làm”

Trên chiếc xuồng máy được doanh nghiệp Xuân Trường trợ giúp kịp thời cho vùng lũ sông Hoàng Long chở hàng cứu trợ của Tỉnh ủy Ninh Bình, Huyện ủy Nho Quan và Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản tới vùng lũ thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan, bà Bùi Thị Nhi - Bí thư chi bộ thôn và ông Nguyễn Văn Thiết - Trưởng thôn Cao Thắng chia sẻ về rất nhiều tấm lòng đáng quý, nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân và doanh nghiệp địa phương trong đợt mưa lũ này. 

Ngay từ những ngày đầu mưa lũ, người dân đã giúp đỡ nhau di dời đồ đạc, tài sản đến nhà người thân ở vị trí cao hơn, nhà nào ít người do con cháu đi làm xa thì hàng xóm sẵn sàng chung tay chia sẻ mọi việc. 

Trong thôn có giáo xứ Ngọc Cao do linh mục Gioan Nguyễn Văn Nghĩa làm quản nhiệm. Những ngày mưa lũ, linh mục Gioan Nguyễn Văn Nghĩa đã phối hợp kịp thời cùng với trưởng thôn vận động và giúp đỡ bà con di dời tài sản và vận chuyển hàng cứu trợ của chính quyền cùng các nhà hảo tâm tới từng hộ gia đình...

Sau khi trao quà và động viên người dân, ngồi trầm ngâm bên mạn thuyền, ông Đặng Xuân Nguyên - Bí thư Huyện ủy Nho Quan - chia sẻ: “phía trước còn rất nhiều việc phải làm!”. 

Đây cũng chính là niềm trăn trở của các cấp ủy, chính quyền Ninh Bình. Bởi sau giai đoạn cứu trợ ban đầu, chính quyền và nhân dân các địa phương cần chuẩn bị và bắt tay vào công cuộc tái thiết cuộc sống sau lũ cho người dân cũng như bảo đảm sinh kế bền vững, an sinh xã hội cho vùng lũ. 

Giai đoạn này đòi hỏi rất nhiều việc cần phải làm một cách khẩn trương, kịp thời, đồng bộ và lâu dài.

Vẫn với một tinh thần chủ động, thông suốt từ đầu đến cuối, ngay sau khi nước lũ rút, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xác định triển khai đồng bộ các giải pháp đã được đưa ra trước đó để khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi. 

Đặc biệt, tỉnh xác định cần triển khai ngay các giải pháp bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, giáo dục, y tế cũng như việc tạo dựng sinh kế bền vững cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ... 

Các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; tập trung đẩy mạnh động lực tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; ổn định thị trường và phát triển kinh tế. 

Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị Chính phủ xem xét các đề xuất về giải pháp cụ thể để ứng phó với thiên tai, nhằm xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ, bảo đảm sinh kế, an sinh xã hội cho gần 25.000 hộ dân với khoảng 100 nghìn nhân khẩu; tạo điều kiện cho tỉnh sử dụng, phát huy giá trị gần 15.000ha vùng phân lũ, chậm lũ thuộc 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững; ban hành chính sách để thực hiện di dời các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, nhất là trong vùng di sản.../.