05/10/2024 | 20:20 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Trồng thêm cây bản địa: Giải pháp tự nhiên giảm sạt lở đất

Thanh Nam
Trồng thêm cây bản địa: Giải pháp tự nhiên giảm sạt lở đất Chiến dịch trồng cây xanh tại thành phố Sydney (Australia)_Ảnh: ecovoice
Yagi, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất châu Á năm 2024, tàn phá khắp miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á đầu tháng 9-2024, kéo theo những trận mưa trắng trời và gió mạnh khủng khiếp. Chỉ tính riêng Việt Nam, tính đến ngày 13-9, đã có 330 người chết và mất tích do ngập lụt, lũ quét và đặc biệt là nạn sạt lở đất thảm khốc.

Sạt lở đất là hậu quả điển hình từ các trận mưa lớn. Khi nguy cơ mưa lớn ngày càng gia tăng do tình trạng biến đổi khí hậu và khả năng hiện tượng La Nina quay trở lại, việc gia cố các sườn đồi dốc bằng các loại cây trồng và dạng cây bụi bản địa sẽ là một giải pháp hữu hiệu, kinh tế và bền vững cho nhiều quốc gia.

Trong xu thế phát triển nhà ở và bất động sản nói chung tại Australia hiện nay, rất nhiều gia chủ, hội đồng thành phố và chính quyền liên bang có xu hướng xây các ngôi nhà và kết cấu sườn đồi, hoặc gần các sườn dốc, lại tính toán đốn hạ các loại cây, hoặc sử dụng các sườn đồi nhân tạo để tăng cường lực đỡ địa hình dựng đứng trước các nguy cơ sạt lở và trượt đất.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney, lời khuyên dành cho cư dân và các nhà quản lý hội đồng địa phương là thay vì phương án đó, họ nên trồng các loại cây trồng và cây bụi bản địa. 

Thành viên nhóm nghiên cứu, chuyên gia Jiale Zhu cho biết, ông đã khảo sát kỹ cách thức các loại cây trồng và cây bụi phổ biến ở khu vực duyên hải Đông Australia có thể giúp tăng cường các địa hình sườn dốc và giảm nguy cơ sạt lở đất, cũng như xói mòn địa chất trong các điều kiện ẩm ướt.

Phát hiện về bạch đàn đỏ và tần bì

Chuyên gia này cho biết, ngoài 7 loài cây bản địa đặc chủng đã được nghiên cứu, bạch đàn đỏ Sydney và cây bụi tần bì cũng có tiềm năng ổn định các sườn dốc nông, vốn khá phổ biến ở độ sâu 2m và bao quanh khu vực khoảng 1.000m2 đất.

Chuyên gia đang công tác tại Đại học Xây dựng dân dụng Sydney đánh giá: “trồng cây xanh là cách tiếp cận bền vững, tự nhiên để tăng cường gia cố các sườn dốc, nếu so sánh với các phương pháp nhân tạo như sử dụng các lưới thép hoặc phun bê tông. Chúng cũng tạo ra hệ sinh thái môi trường sống thiết yếu”.

Trồng cây xanh ngăn chặn lở đất là nội dung chính trong công trình nghiên cứu tiến sĩ của chuyên gia Jiale Zhu. Ông cho biết, trọng tâm của công trình là khả năng điều kiện môi trường ẩm ướt, hiện tượng La Nina quay trở lại với sự phổ biến của các hình thái thời tiết cực đoan. 

Sạt lở đất là hậu quả phổ biến trong điều kiện các cơn mưa lớn có nguy cơ “xé tan”, thậm chí vùi lấp nhiều khu dân cư như từng xảy ra trong năm 2022 tại Australia.

Trong hệ sinh thái cây bản địa, chuyên gia Jiale Zhu lý giải rằng, hệ thống rễ cái khỏe đáng kinh ngạc của bạch đàn đỏ Sydney có tác dụng như chiếc mỏ neo giữ đất bám quanh, chống các tác động xói lở. Hệ thống rễ này co giãn, đàn hồi tốt, có khả năng thâm nhập sâu vào các nền đất cứng. 

Các ưu điểm này khiến nó rất thích hợp để trồng ở các địa điểm đất đá xen lẫn, thậm chí các khu vực ngập sâu dưới nước. Những điều kiện này giúp rễ các cây bạch đàn đỏ chui sâu vào tầng đất dưới và kiểm soát tốt hơn nguy cơ xói lở.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu thuộc Đại học Xây dựng dân dụng Sydney, các bụi cây tần bì lại có những bộ rễ dầy và rộng, theo phương thẳng đứng. Hệ rễ của chúng có hình trái tim và theo nhiều nghiên cứu, đây là loại cây khó nhổ nhất và do đó cũng chống xói mòn đất tốt nhất. 

Loài cây này còn cho nhiều chùm quả, giúp thu hút loài chim đinh viên (bowerbird), còn được biết đến với tên gọi khác là chim xanh, chim phòng the... - loài chim đặc hữu trong các khu rừng nhiệt đới ẩm ướt của miền Đông Australia.

Dù từ lâu nay, việc sử dụng cây để ổn định đất sườn dốc nông được đánh giá là phương pháp hiệu quả, nhưng hiếm có nghiên cứu nào tập trung vào những giống cây bản địa có tính phù hợp cao cùng các điều kiện sẵn có. 

Theo dữ liệu của Cơ quan Khoa học địa lý Australia, phạm vi và tác động của các vụ lở đất cùng xói lở nói chung đã tăng 190% trong giai đoạn 2004 - 2017 so với giai đoạn 1990 - 2003.

Giới khoa học hiện cũng rất khó đánh giá vai trò của lượng mưa lớn trong các cuộc thử nghiệm. Theo chuyên gia Jiale Zhu: “rất khó để tái tạo các điều kiện ẩm ướt trong những cuộc nghiên cứu vì chúng ta hầu như không thể kiểm soát được hàm lượng nước, nhưng có một điều chắc chắn là sạt lở đất thường xuyên xảy ra trong các cơn mưa lớn”.

Thay đổi tư duy “chế ngự thiên nhiên”

Những con đường cao tốc đơn lẻ, các khu đất mỏ tái sử dụng hoặc không còn sử dụng, khu vực bờ sông là những nơi có nguy cơ sạt lở cao nhất trong các trận mưa lớn. 

Nhóm chuyên gia Đại học Sydney tin rằng, Chính phủ Australia nên ưu tiên tăng cường gia cố các sườn dốc ở những khu vực này bằng việc trồng các loại cây bản địa đặc trưng dọc đường, bờ sông lớn, cũng như các khu dân cư.

Chuyên gia Jiale Zhu phân tích: “đôi khi, mẹ thiên nhiên lại cho chúng ta những giải pháp tốt nhất. Nên ưu tiên đẩy nhanh hơn tiến độ trồng các cây bản địa để đạt được mục tiêu về chỉ số xanh hóa của chính quyền bang New South Wales, trồng thêm cây ở các địa điểm mới để bảo đảm an toàn trực tiếp cho các kết cấu hạ tầng, nhà ở và hệ thống sông ngòi trọng yếu”.

Nhóm chuyên gia cũng khuyến cáo các chủ hộ gia đình nên cân nhắc việc trồng thêm cây bản địa, cũng như các loại bụi cây để bảo vệ cho các bất động sản khỏi nguy cơ sạt lở đất, thay vì tính toán chặt bớt các cây loại này.

Chuyên gia Jiale Zhu chỉ rõ: “nếu bạn nhìn vào địa hình như thành phố Sydney, đó toàn là các hình thái đồi và dốc đá hiểm trở, với các hệ thống sông đa dạng như Hawkesbury, Parramatta và Nepean. 

Chỉ cần nhìn quanh khu cảng, bạn sẽ thấy có bao nhiêu ngôi nhà đang nằm trên sườn dốc và địa hình dựng đứng. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ cao trong các vụ sạt lở đất khi những trận mưa lớn xảy ra do tình trạng biến đổi khí hậu”.

Giáo sư Abbas El-Zein - người hướng dẫn công trình của chuyên gia Jiale Zhu - cho rằng, nghiên cứu về cây bản địa này phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy thiết kế kỹ thuật xây dựng trong vòng vài thập niên qua. 

Giáo sư này nhấn mạnh: “chúng ta cần tỉnh táo hơn bao giờ hết về quan niệm xây dựng truyền thống trước đây, là chế ngự thiên nhiên bằng những con đập nước, các khối nhà bê tông và tình trạng đô thị hóa bừa bãi với các chi phí tốn kém”. 

Ông cho rằng, công nghệ sẽ phát huy tối đa tính hữu dụng khi chúng ta lưu tâm tới các giới hạn và tôn trọng những bối cảnh sinh thái, trong đó có tất cả các dạng thức của cuộc sống, giảm bớt sự can thiệp và không xây dựng quá quy mô cần thiết.

Tiến sĩ Guien Miao thuộc Đại học Xây dựng dân dụng Sydney cũng cho rằng, những đóng góp từ nghiên cứu của chuyên gia Jiale Zhu sẽ giúp các kỹ sư xây dựng giải tỏa mối lo lắng của công chúng về độ an toàn trong hạ tầng dân dụng, cũng như đánh giá thấu đáo mối tương tác giữa đất đai và cây trồng. 

Những giải pháp xây dựng phi truyền thống lại tỏ ra vô cùng cần thiết để giải quyết vấn đề của ngày hôm nay và tương lai./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện