16/10/2024 | 02:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ý chí dân tộc trong ứng phó thiên tai

Phạm Nhẫn
Ý chí dân tộc trong ứng phó thiên tai Bộ đội Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2 và Cảnh sát cơ động cứu hộ, cứu nạn tại Làng Nủ, huyện Bảo Yên, (tỉnh Lào Cai)_Ảnh: Quốc Hồng
Lịch sử đất nước và dân tộc Việt Nam từ trước đến nay cho thấy ý chí dân tộc luôn đóng vai trò rất quyết định đối với công cuộc ứng phó thiên tai. Đất nước càng phát triển thịnh vượng, tiền đề vật chất càng thuận lợi hơn cho công cuộc ứng phó thiên tai, nhưng nhân tố con người hiện thân cho ý chí, bản sắc dân tộc vẫn luôn quyết định hơn cả.

Tự lực, tự cường

Ý chí dân tộc hay ý chí con người có thể hiểu một cách đơn giản là quyết tâm và kiên định quyết tâm của dân tộc làm tất cả những gì có thể làm được, để đạt mục đích đề ra. Ý chí giúp giải phóng, phát huy cao độ nhất sức mạnh nội sinh của dân tộc và con người để làm nên những điều kỳ diệu.

Dân tộc là cộng đồng con người, nên ý chí dân tộc là ý chí tổng hợp, đặc trưng của tất cả trong cộng đồng dân tộc đó. Nền tảng của ý chí dân tộc luôn là sự đồng thuận sâu rộng về tư tưởng và lợi ích. 

Ý chí dân tộc là sức mạnh tinh thần của dân tộc, là sức mạnh mềm, thể hiện trong những việc làm cụ thể của từng con người trong cộng đồng dân tộc, trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước mà một phần trong đó là ứng phó thiên tai. 

Ý chí dân tộc hình thành, phát triển cùng với quá trình dựng nước, giữ nước của cả dân tộc; được tôi luyện theo thời gian của lịch sử đấu tranh bảo vệ, phát triển đất nước; luôn được phát huy cao độ để góp phần đưa lại những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Ý chí dân tộc biểu lộ trước hết ở tinh thần và quyết tâm tự lực, tự cường của cả dân tộc để vươn lên tự làm chủ, tự quyết định vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Độc lập, tự chủ, tự lực và tự cường luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt suy nghĩ và hành động của dân tộc Việt Nam, định hướng và nguyên tắc đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam.

Trong ứng phó thiên tai, nhân tố tự lực, tự cường đóng vai trò quyết định nhất. Ngày nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao và hợp tác tốt đẹp với hầu hết các quốc gia trên thế giới và luôn nhận được sự trợ giúp quý báu của nhiều nước đối tác mỗi khi gặp phải thiên tai. 

Nhưng tất cả sự cứu trợ chỉ có thể bổ sung, chứ không thể thay thế những gì người dân Việt Nam phải tự bỏ ra và những việc người dân Việt Nam phải tự làm để ứng phó thiên tai, đặc biệt để khắc phục hậu quả và hệ lụy của thiên tai. 

Thiên tai hay dịch bệnh luôn thách thức, thử thách ý chí dân tộc, thông qua diễn biến cũng như kết quả của công cuộc ứng phó thiên tai có thể nhận diện được thực trạng ý chí dân tộc. 

Ý chí tự lực, tự cường ở đây là quyết tâm vượt qua mọi thách thức và khắc phục mọi khó khăn, không dựa dẫm vào bên ngoài và dành sự cứu trợ hay điều kiện thuận lợi cho những người nghèo, khó khăn, mất mát nhiều hơn, dễ bị tổn thương hơn trong xã hội.

Tương thân, tương ái

Siêu bão Yagi vừa tàn phá một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thiệt hại do cơn bão này gây ra cho đất nước là hơn 40.000 tỷ đồng và tác động làm giảm 0,15% mức độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Việt Nam cần thời gian không hề ngắn để khắc phục được hoàn toàn hậu quả và hệ lụy của cơn bão này. Quá trình ứng phó cơn bão, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của cơn bão rất gian nan. 

Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân, cả đất nước đều hướng về những người dân, vùng đất bị cơn bão tàn phá với sự quan tâm, đồng cảm sâu sắc, chia ngọt sẻ bùi chân thành và thực chất, với tâm thế và ý thức của dân tộc đoàn kết, gắn bó triệu triệu người như một, với ý chí và bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Ý chí dân tộc bộc lộ rõ nét ở tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Đại đoàn kết dân tộc là bộ phận quan trọng trong bản sắc dân tộc, ý thức dân tộc, ý chí dân tộc và sức mạnh dân tộc. 

Đại đoàn kết càng cao, càng sâu rộng, càng bền chặt, ý chí dân tộc càng được nâng cao và phát huy tác dụng thiết thực. Cốt lõi của đại đoàn kết thể hiện đặc biệt trong ứng phó thiên tai là người dân đồng cảm sâu sắc với nhau, sẵn sàng tương thân, tương ái, chia ngọt, sẻ bùi, kề vai sát cánh và chung tay với nhau cùng ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Câu ngạn ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” ứng vào đây hơn bao giờ hết. Đại đoàn kết dân tộc sâu rộng và triệt để là một trong những nội hàm chính của ý chí dân tộc Việt Nam, đưa lại sự động viên tinh thần cần thiết để vượt khó, đưa lại sự trợ giúp thiết thực bằng hành động và vật chất cụ thể để cả đất nước có thể khắc phục nhanh hơn, hiệu quả hơn những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Qua việc ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai cũng có thể thấy được rõ nét nhất đại đoàn kết dân tộc đóng góp quan trọng và thiết thực vào việc nâng cao mạnh mẽ, phát huy cao độ ý thức dân tộc.

Ý Đảng, lòng dân

Ý chí dân tộc thể hiện ở sự thống nhất giữa người dân và xã hội với đảng lãnh đạo, chính quyền nhà nước về ý thức hệ và lý tưởng, về hệ giá trị tư tưởng và lợi ích quốc gia - dân tộc, về bản chất chế độ chính trị và định hướng, mục tiêu phát triển đất nước. 

Sự thống nhất này trải qua thực tiễn lịch sử đã tạo nên, củng cố và không ngừng nâng cao, cũng như phát huy ý chí dân tộc ở Việt Nam. Ngày nay, sự thống nhất này được khái quát theo cách ngắn gọn nhất, nhưng vẫn đầy đủ nhất bằng cụm từ “Ý Đảng, lòng dân”.

Trên phương diện ứng phó thiên tai, sự thống nhất này biểu lộ rõ ở chỗ người dân và nhà nước sát cánh thực thi các công việc cần thiết về ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Nhà nước hành động thiết thực và cả xã hội tham gia tích cực vào công cuộc này. Nhà nước dành cho việc này sự quan tâm, ưu tiên chính sách cao nhất và cả xã hội hưởng ứng tích cực. Nhà nước huy động mọi nguồn lực có thể huy động được, tổ chức công cuộc ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và huy động sự tham gia tự nguyện của cả xã hội. 

Ý chí dân tộc dẫn dắt tâm thế, hành động của Nhà nước và xã hội, của từng người dân và cả cộng đồng dân cư trong xã hội.

Ở đây còn có thể thấy rõ ý chí dân tộc hàm ý sự tin cậy của người dân vào khả năng của chính mình, vào chế độ chính trị, vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. 

Ở ý chí dân tộc cũng ẩn hiện bản chất của chế độ chính trị. Đảng và Nhà nước vì dân, luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm thì người dân tin Đảng và Nhà nước, hành động theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với Đảng và Nhà nước phát huy cao độ ý chí dân tộc.

Ý chí dân tộc là giá trị truyền thống của đất nước và con người Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là một trong những sự bảo đảm để dân tộc và Nhà nước Việt Nam luôn cùng nhau vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn trong công cuộc bảo vệ vững chắc và phát triển đất nước phồn vinh, như đang có thể thấy trong công cuộc khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi./.