21/11/2024 | 19:30 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Dịch bệnh - nỗi lo sau bão lụt

Khánh Linh
Dịch bệnh - nỗi lo sau bão lụt Phun thuốc khử trùng tại trung tâm cách ly dành cho bệnh nhân nhiễm bệnh tả ở Wad Al-Hilu, bang Kassala, Sudan, ngày 17-8-2024_Ảnh: Getty Images/TTXVN
Mỗi trận bão lụt thường kéo theo dịch bệnh mà việc đối phó với nó khiến chúng ta không thể chủ quan, lơ là.

Ba lần tàn phá của thiên nhiên

Các cơn bão nhiệt đới luôn khiến con người thấp thỏm lo âu. Khi nó diễn ra bao giờ cũng để lại những tàn phá đáng sợ. Đầu tiên là sức bão phá tan nhà cửa, công trình. Thứ hai là lũ lụt kéo đến khiến tai họa nhân lên nhiều lần. Cuối cùng là dịch bệnh và đói khát.

Lịch sử chứng kiến không ít trường hợp bão lụt kéo theo dịch bệnh để lại những thiệt hại khổng lồ. Năm 2005, bệnh dịch bùng phát sau mưa bão kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 đã khiến 46 người ở thành phố Mumbai, phía Tây Ấn Độ thiệt mạng. Hàng nghìn người khác phải nhập viện vì kiết lỵ, thương hàn... 

Bệnh dịch lan rộng ở các quận nghèo phía Tây Bắc thành phố, nơi hệ thống cung cấp nước sạch và thu gom rác thải ngập sâu trong nước lụt. Theo các chuyên gia y tế, chính nước bẩn là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng và gần như không thể khống chế trong suốt cả tháng sau đó.

Gần đây nhất là dịch tả bùng phát sau mưa lũ kéo dài trong tháng 8 và đầu tháng 9-2024 tại Sudan khiến 252 người thiệt mạng và 7.296 người khác phải nhập viện (số liệu của Hội chữ thập đỏ Sudan đến hết ngày 13-9). 

Tình trạng thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh dưới chuẩn, lũ lụt ngăn cách cư dân với hệ thống y tế vốn yếu kém lại bị nội chiến tàn phá là nguyên nhân chính khiến bệnh dịch vượt khỏi tầm kiểm soát. 

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về bệnh dịch, tâm lý chủ quan của người dân cũng góp phần không nhỏ khiến dịch bệnh lan rộng.

Bệnh dịch không chỉ đe dọa các nước nghèo mà ở các nước có hệ thống y tế phát triển, dịch bệnh cũng kéo đến theo nước lụt. Ngày 8-8-2002, chính quyền thành phố Novorossiisk phía Nam nước Nga đã phải ban hành lệnh tiêm vaccine khẩn cấp toàn thành phố trong điều kiện nước lụt làm ngập tất cả các tuyến phố trọng yếu nội thành sau khi 2 người dân bị nhiễm trùng đường ruột. 

Nguyên nhân dịch bệnh được cho là do xác chết của chó, mèo ngâm lâu ngày trong nước lụt gây ra. Sau đó, quân đội được huy động giúp Bộ Tình trạng khẩn cấp dọn sạch thành phố. Những cố gắng kịp thời đó đã ngăn dịch bệnh không bị bùng phát ở thành phố cảng này.

Nhiều nguy cơ rình rập

Có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh luôn là nỗi lo lớn nhất sau mỗi mùa bão lụt. 

Thứ nhất, bão lụt tàn phá hệ thống cung cấp nước sạch, khắp nơi nước bẩn tràn lan, các đường ống thoát nước thải tê liệt, xác động vật, rác và các chất thải khác không được thu gom trôi nổi trên mặt nước. 

Thứ hai, chuột và các loài côn trùng mang mầm bệnh khác thường rất phát triển trong điều kiện lũ lụt, khi nước bẩn và thức ăn thối rữa tràn lan. 

Thứ ba, người dân vùng bị nạn suy yếu sức khỏe sau những ngày đối phó với bão lũ, lại thêm tinh thần căng thẳng, nơi ăn chốn ở tạm bợ, mất người thân,... nên khả năng đề kháng với bệnh tật giảm đi rất nhiều. 

Thứ tư, hệ thống y tế và theo dõi vệ sinh bị tàn phá, khó có thể hoạt động hiệu quả ngay sau bão lụt khiến khả năng dự báo, ngăn chặn dịch bệnh kém đi đáng kể.

Các chủng bệnh phổ biến nhất thường xuất hiện sau bão lụt bao gồm bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, sốt xuất huyết, da liễu và đau mắt. Bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn E.coli, campylobacter,... gia tăng do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và thức ăn nhiễm khuẩn. 

Triệu chứng cơ bản của các bệnh nói trên là đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh tan trong nước lụt nên rất có khả năng bùng phát thành dịch. 

Các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp cũng rất đáng lo ngại.

Sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ, nước đọng ở nhiều nơi, thiếu vệ sinh ở vùng ngập lụt khiến muỗi vằn sinh sản nhanh, làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết. 

Không phải ngẫu nhiên mà mùa mưa bão hằng năm cũng đồng thời là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi. Bệnh này là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Người bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể bị biến chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, cũng như độ ẩm không khí tăng cao làm tổn hại đến hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị tổn thương hơn và nhiễm trùng. Đây là cơ hội cho nấm, ghẻ, hắc lào, nước ăn chân, mẩn ngứa,... phát triển. 

Điều kiện đó cũng rất thuận lợi cho vi khuẩn, virus hại mắt phát triển, mang đến các bệnh như nhiễm trùng mắt, đau mắt đỏ, viêm mí mắt, viêm kết mạc...

Những cách ứng phó

Công việc đầu tiên sau mỗi trận bão lũ là thu dọn vệ sinh, bùn đất, rác thải, xác động vật...; nhanh chóng phục hồi hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân. 

Sau đó, tổ chức diệt chuột, ruồi, muỗi, gián và các động vật có nguy cơ mang mầm bệnh khác; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm do các tình nguyện viên tự chế biến mang lại; cung cấp thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ da, bảo vệ mắt rộng khắp cho người dân. 

Những việc này đòi hỏi sự phối hợp ăn ý giữa các y bác sĩ, các tổ chức cá nhân thiện nguyện, người dân vùng bị nạn và chính quyền địa phương.

Hệ thống y tế cơ sở sau sự tàn phá của bão lụt cần nhanh chóng được phục hồi. Nếu cần, có thể phải lập bổ sung các trạm y tế dã chiến ở những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao. 

Khi phát hiện dịch bệnh, tiến hành khảo sát, lấy mẫu bệnh phẩm trên địa bàn, nhanh chóng phát hiện ổ bệnh để có biện pháp cô lập ổ bệnh, tiêm vaccine, khử khuẩn và các biện pháp nghiệp vụ khác, không để dịch bệnh phát triển nhanh, vượt khả năng kiểm soát.

Ở cấp độ cá nhân, người dân vùng bị nạn cần phối hợp khi nước rút đến đâu thì làm vệ sinh đến đó; thau rửa bể nước, giếng nước; tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, ruồi, muỗi, chuột; thường xuyên rửa tay, tắm giặt bằng xà phòng, lau khô các kẽ chân; ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn thiu thối; ngủ màn và đến cơ sở y tế ngay khi cảm thấy mình bị bệnh.

Bên cạnh đó, cần lưu ý đến nhóm người dễ bị bỏ sót trong việc ngăn chặn dịch bệnh sau bão, lũ là các tình nguyện viên. Vốn nhiệt thành và tâm huyết, nhưng phần lớn các tình nguyện viên ít có kiến thức y tế và các phòng bị cần thiết khi đi vào các vùng bị nạn. 

Họ có thể bị nhiễm bệnh và vô tình mang mầm bệnh từ nơi họ đến và quãng đường mà họ đã đi qua tới vùng bị nạn, hoặc mang ra ngoài khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao nói trên.

Dịch bệnh là một trong chuỗi thiên tai mà thiên nhiên giáng xuống con người sau một cơn bão mạnh. Nếu chủ quan, dịch bệnh sẽ khiến chúng ta kiệt quệ, gia tăng thêm gánh nặng cho xã hội. 

Bởi thế, chủ động phòng chống dịch bệnh sau bão lụt là công việc cấp thiết không thể chậm trễ./.