“Bộ đội đã đến!”
MAI NAM THẮNG
Đó gần như là tiếng reo mừng hiếm hoi đầu tiên của cán bộ và nhân dân xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trong thảm họa, khi những người lính chạy bộ đầu tiên đã kịp đến Làng Nủ.
Họ là những cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Quân khu 2 và Bộ đội Biên phòng được lệnh cơ động vào cứu nạn đồng bào Làng Nủ, sau cơn lũ quét kinh hoàng sáng ngày 10-9, vùi lấp toàn bộ ngôi làng có 35 gia đình với 128 người đang sinh sống.
Họ phải chạy bộ vì đường vào Làng Nủ bị sạt lở chia cắt ngổn ngang, ô tô không thể tiếp cận hiện trường, mà tình hình đòi hỏi phải cấp bách từng giây từng phút...
Trong đội hình những người lính khẩn trương vào làng Nủ, nhiều người là chiến sĩ mới nhập ngũ đầu năm 2024; bên cạnh không ít cán bộ, chiến sĩ đã tham gia cứu hộ, cứu nạn giúp dân trong thiên tai hoạn nạn nhiều năm qua. Đa số họ là con em các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc, là địa bàn đang oằn mình trong mưa lũ, nhiều người có gia đình đang chìm ngập trong biển nước đục ngầu.
Đồng thời với họ, hàng chục nghìn bộ đội, dân quân tự vệ cùng các lực lượng khác cũng đang căng mình trong mưa lũ để hỗ trợ, cứu giúp, tìm kiếm đồng bào gặp nạn, mất tích ở các địa phương Việt Bắc, Tây Bắc...
Trên địa bàn Quân khu 3, đã có 2 sĩ quan quân đội và 1 cán bộ công an hy sinh khi làm nhiệm vụ giúp dân trong và sau bão...
“Bộ đội đã đến!”. Dẫu biết rằng cả ngôi làng đang chìm ngập trong bùn đất, đá sỏi thế kia, việc đào bới sẽ hết sức khó khăn và hy vọng tìm kiếm người sống sót là hết sức mong manh. Nhưng sự có mặt của các anh bộ đội vẫn mang đến sự yên tâm, hy vọng và tin tưởng.
Cũng như nhiều lần trước đây, các anh đã có mặt kịp thời tại những sự cố thiên tai, thảm họa để cứu người và tài sản của nhân dân, như ở mỏ đá Lèn Cở (tỉnh Nghệ An) năm 2011, vụ vỡ đập thủy điện Rào Trăng (tỉnh Thừa Thiên Huế) năm 2020...
Hay như đận cuối năm 2018, đồng bào nhiều vùng ở Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa chưa khắc phục xong cảnh “màn trời chiếu đất” vì lũ quét, vỡ đập,... thì bà con cực Nam Trung Bộ và một số tỉnh, thành phố ở Nam Bộ lại oằn lưng hứng chịu cơn bão số 9. Hàng chục người chết và mất tích. Nhà ngập, đường ngập, gia súc trôi dạt, hoa màu xác xơ...
Và lực lượng đầu tiên có mặt sát cánh cùng bà con vẫn là những người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.
Quân Khu 5 lập Sở Chỉ huy tiền phương ở Nha Trang, điều động quân chủ lực phối hợp cùng các đơn vị bộ đội địa phương và các học viện, nhà trường quân đội trên địa bàn khẩn trương cứu hộ, cứu nạn; dọn dẹp đường sá, phố phường, làng xóm...
Dọc duyên hải miền Trung đến miền Đông Nam Bộ, ở đâu có ngổn ngang cây đổ, nhà sập, bùn đất ngổn ngang,... là ở đó có bộ đội cùng nhân dân khẩn trương khắc phục.
Ai nấy cùng lấm lem bê bết, chỉ đôi mắt trên vầng trán đầm đìa mồ hôi và ngôi sao trên chiếc mũ nhà binh là vẫn sáng long lanh. Giúp dân là mệnh lệnh chiến đấu, nhưng trên hết là mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ.
Nhớ lại cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 chưa xa, bộ đội luôn luôn là một trong những lực lượng chủ lực trên tuyến đầu. Hàng trăm trạm chốt biên phòng dãi dầu mưa nắng tháng này qua tháng khác để ngăn chặn dịch bệnh. Nhiều đơn vị bộ đội phải hành quân dã ngoại hàng tuần để nhường doanh trại làm khu cách ly. Rồi những lực lượng quân y, dịch tễ, phòng hóa,... kịp thời có mặt tại các ổ dịch; những sản phẩm tăng gia của bộ đội có mặt trong bữa cơm của bà con trong các khu cách ly và trong các bệnh viện dã chiến.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các quân y viện tại chỗ và bệnh viện dã chiến do quân đội phụ trách, còn có hơn 400 tổ quân y cơ động kịp thời có mặt hỗ trợ các bệnh nhân điều trị tại nhà, tiêm ngừa vaccine và hướng dẫn nhân dân phòng dịch. Họ còn đi chợ giúp dân và tham gia giữ gìn an ninh trật tự.
So với nhu cầu chống dịch và an sinh tại các địa bàn, sự tham gia của bộ đội chỉ đáp ứng một phần, nhưng đó là sự đáp ứng hết sức kịp thời, đắc lực và hiệu quả. Đặc biệt, khi “bộ đội đã đến!” là mang đến sự tin yêu và tin cậy để nhân dân an lòng. Niềm tin là “thần dược” vô cùng đặc hiệu.
Dẫu biết rằng Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân công tác, luôn sẵn sàng kề vai sát cánh cùng nhân dân trong thiên tai hoạn nạn, vì nhân dân phục vụ quên mình..., nhưng hình ảnh những chiến sĩ quân y trang bị dã chiến cùng các đơn vị bộ đội chủ lực khẩn trương hành quân vào tâm dịch vẫn khiến hàng triệu con tim thổn thức niềm cảm phục yêu mến.
Và, dẫu có giàu trí tưởng tượng phong phú đến mấy về hình ảnh tận tụy vì dân của người chiến sĩ, hẳn cũng không ai tưởng tượng được hình ảnh những người lính trẻ măng, có người chắc ở nhà chưa bao giờ nhặt rau thổi cơm, thế mà nay ròng rã “đi chợ hộ” các gia đình cách ly trong những con ngõ hẹp.
Rồi nữa, mấy chú lính trẻ măng đi chợ hộ, tay cầm đơn hàng cứ lóng nga lóng ngóng trước cửa hiệu bán băng vệ sinh và đồ dùng phụ nữ. Và nữa, thật khó mà diễn tả được cảm xúc trào dâng khi chứng kiến hình ảnh những người lính quân phục chỉnh tề, nghiêm trang, trịnh trọng ôm từng bình tro cốt đến bàn giao chu đáo cho thân nhân của họ...
Những chiến công gần đây của các đơn vị bộ đội trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn,... là sự nối tiếp chiến công của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất mà các thế hệ cha anh đã thực hiện xuất sắc gần 80 năm qua, kể từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22-12-1944.
Và những lời ngợi khen, cảm phục của dư luận trong những ngày qua đối với các anh chính là tình cảm của nhân dân dành cho anh Bộ đội Cụ Hồ muôn vàn yêu dấu.
Trên thế giới, chưa có quân đội của một quốc gia nào được nhân dân gọi theo tên của vị lãnh tụ dân tộc, người sáng lập, dìu dắt và rèn luyện đội quân ấy.
Gần 80 năm qua, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử, lan tỏa một cách tự nhiên trong đời sống cộng đồng, trở thành một giá trị văn hóa tiêu biểu. Đó là một nét son độc đáo, một di sản văn hoá đặc sắc, hàm chứa giá trị nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam.
Và lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chính là lịch sử hình thành, bổ sung và phát triển phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Qua đó, làm phong phú thêm những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đã gần nửa thế kỷ đất nước im tiếng súng, nhưng Tổ quốc vẫn đứng trước những nguy cơ và thách thức uy hiếp chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà biết bao thế hệ quân - dân đã quả cảm hy sinh để xây đắp và bảo vệ.
Trong hoàn cảnh và điều kiện của thời kỳ mới, Bộ đội Cụ Hồ lại bước vào trận địa mới, thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; không ngừng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Các thế hệ từng xông pha trận mạc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nay trở về với cuộc sống đời thường vẫn đang tiếp tục tô đẹp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ bằng việc đi đầu giáo dục, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới...
Bởi vì đội quân ấy còn là đội quân công tác, sống giữa lòng dân, vui niềm vui của nhân dân, chia sẻ những gian khổ của dân, cùng nhân dân cần mẫn gieo trồng những mùa gặt mới.
Đội quân ấy luôn thắp sáng trong tim điều tâm niệm thiêng liêng: Trung với Đảng, hiếu với dân; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng! ./.