Nhức nhối nạn tham nhũng ở châu Phi
Nguyễn Trí DũngNgày 3-4-2024, Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula chính thức tuyên bố từ chức sau những cáo buộc tham nhũng khi còn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 2012 đến năm 2021. Cựu Chủ tịch Quốc hội Nam Phi bị buộc tội tham nhũng và rửa tiền, trong vụ bê bối mới nhất nhằm vào Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền trước cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Ngày 4-4, Công tố viên trưởng Bheki Manyathi buộc tội bà Mapisa-Nqakula với 12 tội danh liên quan đến tham nhũng và 1 tội liên quan đến rửa tiền. Bà Mapisa-Nqakula, 67 tuổi, vẫn im lặng trước tòa và được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh.
Tuy nhiên, bà Mapisa-Nqakula khẳng định rằng: “việc từ chức của tôi không phải là một dấu hiệu hay sự thừa nhận tội lỗi liên quan đến những cáo buộc chống lại tôi”. Bà cũng khẳng định “tiếp tục khẳng định sự vô tội của mình và quyết tâm khôi phục lại danh tiếng”.
Trước đó, các phương tiện truyền thông Nam Phi đưa tin bà Mapisa-Nqakula, sống ở Johannesburg, bị nghi ngờ nhận hàng triệu rand tiền hối lộ từ một cựu nhà thầu quân sự khi là Bộ trưởng Quốc phòng. Số tiền hối lộ được cho là hơn 135.000 USD. Người đưa hối lộ là nhân chứng trong vụ việc.
Chỉ xảy ra chưa đầy 2 tháng trước cuộc bầu cử, vụ việc đã làm tăng thêm tai ương cho Đảng ANC cầm quyền, vốn đang gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò trong bối cảnh nền kinh tế yếu kém và những cáo buộc về tham nhũng và quản lý yếu kém của các quan chức.
Bà Mapisa-Nqakula là người mới nhất trong số nhiều chính trị gia cấp cao của ANC, bao gồm cả tổng thống và phó tổng thống, dính líu đến các vụ bê bối tham nhũng.
Patrice Motsepe - người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF), là anh rể của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa - đã nói riêng với FRANCE 24 về việc liệu ông có ý định tranh cử tổng thống ở quê nhà hay không.
“Có những người sẽ làm công việc tốt hơn nhiều so với những gì tôi có thể làm được”, ông nói và cho rằng, tham nhũng là “một trong những vấn đề lớn nhất ở Nam Phi”, đồng thời kêu gọi “một hệ thống công tố và tư pháp liêm chính”.
Nigeria đình chỉ người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Ngày 14-6-2023, Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu đã đình chỉ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Tội phạm kinh tế và tài chính (EFCC) Abdulrasheed Bawa - người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng - do liên quan cáo buộc “lạm dụng chức vụ”. Động thái này là một phần của cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng quyền hạn và chức vụ đối với những quan chức cấp cao trên chính trường nước này. Trước đó, tháng 5-2023, Thống đốc bang Zamfara, ông Bello Matawalle, từng cáo buộc ông A. Bawa đòi ông hối lộ 2 triệu USD. Trước khi ông A. Bawa bị đình chỉ chức vụ vài ngày, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, ông Godwin Emefiele, cũng bị sa thải và bắt giữ, liên quan đến hành vi rửa tiền, tham ô và các tội phạm tài chính khác, bao gồm lừa đảo trực tuyến... |
Tuy nhiên, không chỉ riêng Nam Phi, nhiều quốc gia châu Phi cũng xảy ra tình trạng tham nhũng tương tự. Ngày 30-1-2024, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2023 của 180 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo TI, chỉ 28 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá đã cải thiện mức độ tham nhũng khu vực công của họ trong 12 năm qua và 34 quốc gia đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Mức độ tham nhũng vẫn ở tình trạng báo động trên toàn cầu.
Trong số các quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng tham nhũng, có nhiều quốc gia thuộc châu Phi, với Somalia xếp “chót” chỉ với 11/100 điểm, ngay phía trên đó là Nam Sudan (13 điểm), Guinea Xích Đạo (17), Libya (18)...
Theo TI, các quốc gia tham nhũng nhất thế giới thường phải đối mặt với xung đột, nội chiến hoặc có nền chính trị, kinh tế bất ổn. Tham nhũng vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của xung đột, căng thẳng tại các quốc gia này.
Vào năm 2018, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV-AIDS, lao và sốt rét có trụ sở tại Thụy Sĩ đã công bố một báo cáo kiểm toán lên án gay gắt 7 quốc gia châu Phi tham nhũng ngân sách tài trợ, gây trở ngại cho cuộc chiến chống lại các căn bệnh trên.
Các quốc gia bị liệt vào “danh sách đen” là Zambia, Trung Phi, Eswatini, Mozambique, Kenya, Guinea và Nigeria, vì đã có nhiều hành vi gian lận nghiêm trọng. Zambia là quốc gia bị lên án nhiều nhất khi để xảy ra tình trạng đánh cắp tiền và thuốc viện trợ tràn lan, điển hình là vụ đánh cắp thuốc số lượng lớn có tổng trị giá hơn 1 triệu USD từ một kho thuốc do Bộ Y tế Zambia quản lý. Vụ mất cắp này kéo dài từ năm 2014 đến năm 2016...
Mới đây, vào giữa tháng 4-2024, TI công bố báo cáo về mối liên hệ giữa phân biệt đối xử và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Báo cáo có tên gọi: “Vùng đất xinh đẹp này: Tham nhũng, phân biệt đối xử và quyền về đất đai ở châu Phi cận Sahara”. Xem xét bằng chứng và nghiên cứu các trường hợp từ 7 quốc gia ở châu Phi (Ghana, Madagascar, Kenya, Nam Phi, Uganda, Zambia và Zimbabwe), báo cáo của TI cho thấy, tham nhũng và phân biệt đối xử giao thoa nhau theo nhiều cách.
Đó là sự phân biệt đối xử dẫn đến nguy cơ tham nhũng cao hơn; tham nhũng có thể dẫn đến việc từ chối tiếp cận đất đai một cách mang tính phân biệt đối xử; các nhóm bị phân biệt đối xử có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi tham nhũng; phân biệt đối xử và tham nhũng dẫn đến việc từ chối công lý; tham nhũng cản trở tính hiệu quả của các biện pháp nhằm nâng cao sự bình đẳng...
Dựa trên nghiên cứu, TI kêu gọi các quốc gia thực hiện những biện pháp cụ thể để thúc đẩy trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin trong quản lý đất đai.
Trên thực tế, mỗi năm TI đều công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI). Không ít quốc gia châu Phi chắc chắn sẽ còn xuất hiện ở nhóm dưới cùng bảng xếp hạng, khi mà tình trạng bất ổn chính trị, đảo chính còn diễn ra, trong khi tội phạm tham nhũng chưa được xử lý thích đáng, đủ sức răn đe.
Vậy nên, chỉ khi nào cải thiện được những tình trạng cơ bản trên, nạn tham nhũng ở “lục địa đen” mới thôi nhức nhối, người dân mới bớt lầm than, khổ cực./.