23/11/2024 | 15:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sử dụng công nghệ mới trong phòng, chống tham nhũng

Vũ Thanh Vân
Sử dụng công nghệ mới trong phòng, chống tham nhũng Hệ thống camera thông minh giúp nhận diện vi phạm giao thông, góp phần phòng ngừa tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông_Ảnh minh họa
Phòng, chống tham nhũng và xây dựng văn hóa liêm chính là hai mặt của một vấn đề, bởi nếu không phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì không thể xây dựng văn hóa liêm chính. Ở nhiều quốc gia, công nghệ đang trở thành giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Công cụ hiệu quả

Hiện nay, các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu,... đang được ứng dụng tích cực nhằm kiểm soát tham nhũng, đồng thời xây dựng văn hóa liêm chính. Isabelle Adam (Viện Minh bạch Chính phủ, Hungary) và Mihály Fazekas (Đại học Trung Âu, Áo), trong bài viết Các công nghệ mới có giúp phòng, chống tham nhũng hiệu quả? đăng trên Tạp chí Kinh tế thông tin và Chính sách, nhận định: “công nghệ được đánh giá là phương tiện hiệu quả trong việc ngăn chặn, phát hiện tham nhũng”.

Công nghệ mới trước hết có thể thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân trong các cơ chế giám sát. 

Việc xây dựng chính phủ điện tử hay các cổng dịch vụ công quốc gia đã giảm thiểu yếu tố chi phối chủ quan của con người, minh bạch hóa quy trình giải quyết các thủ tục. Đơn giản hơn, việc cho phép người thực hiện các giao dịch công đánh giá chất lượng dịch vụ đã trao quyền cho người dân phá vỡ mối quan hệ bất đối xứng về quyền lực giữa cán bộ và người dân.

Báo cáo Sự tham gia của người dân trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm cho rằng, công nghệ đã được sử dụng để tự động hóa các quy trình của chính phủ, giảm thời gian tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân. 

Báo cáo dẫn chứng việc Afghanistan hiện đại hóa hệ thống xử lý thuế bằng công nghệ giúp giảm tham nhũng trong khi gia tăng hiệu quả thu thuế. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa các quy trình và dịch vụ của chính phủ còn bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, cho phép báo cáo những hành vi phi liêm chính của cán bộ.

Bên cạnh đó, công nghệ mới thúc đẩy việc tích lũy nguồn dữ liệu khổng lồ chưa từng có về công dân và xã hội. Dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên quý giá mà các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp khai thác để phục vụ quá trình ra chính sách, phân tích công chúng và phòng, chống tham nhũng. 

Mức độ thử nghiệm, đổi mới và ứng dụng công nghệ dữ liệu ở mỗi quốc gia là khác nhau, đem lại kết quả ở mức độ khác nhau. Việc phân tích dữ liệu lớn có thể giúp phát hiện các quy luật liên quan đến các hoạt động tham nhũng. Các tổ chức có thể phát hiện dấu hiệu tham nhũng và các hành vi đáng ngờ thông qua việc phân tích các hồ sơ giao dịch, báo cáo.

Việc khai phá, phân tích dữ liệu lớn cũng giúp xây dựng các mô hình và cơ chế ngăn chặn thông qua việc dự báo các lĩnh vực, khu vực dễ xảy ra tham nhũng. Khi các giao dịch, hoạt động tương tác, giải quyết thủ tục được theo dõi theo thời gian thực, các hành vi bất thường sẽ nhanh chóng được phát hiện và ngăn chặn. 

Hiện nay, việc khai phá, phân tích dữ liệu lớn được sử dụng khá phổ biến trong các lĩnh vực như y tế, thuế và thương mại. Ví dụ, cơ quan thuế của Australia sử dụng dữ liệu lớn rà soát số lượng các bản kê khai thuế khổng lồ để phát hiện hành vi trốn thuế hoặc các gian hàng trực tuyến không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Mạnh dạn ứng dụng

Mục đích chính của việc sử dụng công nghệ trong phòng, chống tham nhũng là mở rộng không gian minh bạch, thu hẹp các lỗ hổng và kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái. Không gian minh bạch càng được mở rộng, phạm vi và mức độ của hành vi tham nhũng càng bị thu hẹp. 

Trước đây, việc ngăn ngừa tham nhũng rất khó khăn do các hệ thống giao dịch, hồ sơ chủ yếu được thực hiện trên giấy. Liên hợp quốc cho rằng, dữ liệu dễ tiếp cận và minh bạch sẽ giúp các chính phủ đưa ra những chính sách tốt hơn, đồng thời ngăn chặn các hành vi trục lợi.

Một số tổ chức quốc tế và chính phủ mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới như AI để tạo ra bước đột phá trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng. Ngân hàng Thế giới (WB) đi đầu trong việc triển khai các cơ chế chặt chẽ được hỗ trợ bởi AI để phòng ngừa gian lận và tham nhũng trong các dự án, hoạt động do WB cung cấp tài chính. Hợp tác với Microsoft, WB sử dụng AI để phát hiện các dấu hiệu của hành vi tham nhũng, tìm ra quy luật, mối liên hệ trong hành vi đấu thầu của cả bên thắng và bên thua.

Ứng dụng công nghệ mới và dữ liệu lớn, Ấn Độ phát triển trang báo cáo tham nhũng I Paid a Bribe (Tôi phải hối lộ) từ năm 2011. Trang web này cho phép người dân Ấn Độ báo cáo ẩn danh về hình thức, địa điểm, tần suất và giá trị các khoản hối lộ mà các cán bộ đòi hỏi người dân khi thực hiện giao dịch. Tính đến tháng 5-2024, số trường hợp bị báo cáo lên tới 198.027 với tổng số tiền hối lộ lên tới 30 tỷ rupee. Dữ liệu phân tích cho thấy, Bangalore và New Delhi là 2 thành phố đứng đầu về số ca bị báo cáo. Cho phép báo cáo hành vi nhũng nhiễu, trang web này cũng khuyến khích người dân bày tỏ sự hài lòng khi gặp một cán bộ liêm chính.

Nils Kobis (Viện Phát triển nguồn nhân lực Max Planck, Đức) và các đồng sự cho rằng, AI đem lại niềm hy vọng cho nỗ lực phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, thành công của việc sử dụng AI để phòng, chống tham nhũng phụ thuộc vào việc nó được triển khai từ trên xuống hay từ dưới lên. 

Nỗ lực từ trên xuống do chính phủ khởi xướng có thể tạo ra cơ cấu kiểm soát tham nhũng chính thức, nhưng có thể đối mặt với những sự trì hoãn. Trong khi đó, nỗ lực từ dưới lên đòi hỏi sự tham gia của người dân và các cơ quan báo chí, tạo ra sức ép khiến cán bộ không dám tham nhũng nhưng không thể tạo ra cơ chế chính thức.

Henry Adobor và Robert Yawson (Đại học Quinnipiac, Mỹ), trong bài viết Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong việc phòng, chống tham nhũng công ở các nền kinh tế mới nổi trên Tạp chí Khoa học và Chính sách công, cho rằng AI và các công nghệ mới có tiềm năng và vai trò to lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng ở các nền kinh tế mới nổi. 

Việc ứng dụng các công nghệ mới này đòi hỏi sự tương thích hay sự chuẩn bị đầy đủ về nền tảng chính trị, văn hóa và xã hội. Việc sử dụng công nghệ để phòng, chống tham nhũng cần được đặt ở vị trí trung tâm quá trình cải cách thể chế và giải quyết thỏa đáng các thách thức về mặt chính trị.

Một số chuyên gia khác có quan điểm thận trọng hơn khi cho rằng, xây dựng các cơ chế được hỗ trợ bằng công nghệ khiến cán bộ không dám và không thể tham nhũng là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. 

Xây dựng các cơ chế phòng, chống tham nhũng nghiêm khắc là cần thiết trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, kiến thiết xã hội dân chủ và minh bạch, tuy nhiên nếu đời sống của cán bộ chưa được bảo đảm bằng lương và các chế độ đãi ngộ xứng đáng phù hợp, việc dưỡng liêm sẽ không mang tính thực chất. Công nghệ khiến cán bộ không thể, không dám tham nhũng, còn chế độ đãi ngộ khiến cán bộ không cần tham nhũng mới là trọn vẹn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ mới không tự động chuyển hóa thành kết quả phòng, chống tham nhũng. Xét cho cùng, công nghệ là sản phẩm của con người, chịu sự điều khiển của con người. 

Hơn nữa, tính chất hai mặt của công nghệ ngày càng rõ nét, mà nếu mặt tiêu cực của công nghệ không được kiểm soát thì công nghệ sẽ bị thỏa hiệp. Chính vì vậy, việc sử dụng công nghệ hiện đại trong phòng, chống tham nhũng chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi nó được sử dụng kết hợp với các biện pháp dưỡng liêm khác, phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng quốc gia./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện