20/09/2024 | 18:56 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xây dựng gia phong liêm chính - nền tảng trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc

La Tuấn
Xây dựng gia phong liêm chính - nền tảng trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) ở Thủ đô Bắc Kinh, ngày 8-1-2024_Ảnh: THX/TTXVN
Tại Trung Quốc, nhiều trường hợp tham nhũng của cán bộ, lãnh đạo có liên quan đến người nhà, thậm chí còn xuất hiện không ít “gia tộc tham nhũng”. Trước thực tế này, nhiều ủy ban kiểm tra kỷ luật và ủy ban giám sát của các tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đã mời vợ hoặc chồng của lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học đến dự các sự kiện về giáo dục chống tham nhũng.

Tham nhũng không còn là vấn đề mới mẻ ở Trung Quốc, và câu chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ” dường như năm nào cũng có ở quốc gia này. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận định rằng nếu chỉ chống tham nhũng thôi thì chưa đủ, mà công tác giáo dục, ngăn ngừa, ngăn chặn cũng không kém phần quan trọng. 

Một trong những biện pháp ngăn chặn cần thiết đó là giáo dục chống tham nhũng, trong đó, không chỉ giáo dục quan chức, mà còn phải giáo dục “gia phong” (truyền thống gia đình), trong đó trực tiếp là vợ/chồng của cán bộ lãnh đạo.

Xây dựng và chấn chỉnh “gia phong”

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, ĐCSTQ luôn đặt vấn đề “gia phong” ở vị trí quan trọng và thường xuyên đề cập. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng chỉ ra rằng “gia phong của cán bộ lãnh đạo không phải chuyện nhỏ của cá nhân hay chuyện riêng của gia đình, mà là biểu hiện quan trọng của tác phong cán bộ lãnh đạo”.

Ngay trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của ĐCSTQ (Đại hội XX), người thân của các cán bộ, đảng viên đã chính thức trở thành đối tượng nhắm đến của cuộc chiến chống tham nhũng cam go, phức tạp. Báo cáo chính trị của Đại hội XX hồi tháng 10-2022 nêu rõ cần phải “phát huy những giá trị đạo đức truyền thống Trung Hoa, tăng cường giáo dục gia đình và gia phong”. 

Báo cáo cũng nêu rõ cần phải điều tra và xử phạt nghiêm vấn đề người thân như vợ/chồng, con cái và vợ/chồng của con cái cùng những thân tín của cán bộ lãnh đạo lợi dụng ảnh hưởng của họ để trục lợi và tham nhũng.

Trên cơ sở đó, Trung ương ĐCSTQ thực thi sách lược “quản lý song hành”, tức là vừa kiểm soát quyền lực của đảng viên và cán bộ lãnh đạo, buộc họ phải liêm chính, tự giác vừa kiểm soát vợ/chồng, con cái và vợ/chồng của con cái họ, nhằm ngăn chặn người thân núp bóng cán bộ lãnh đạo trục lợi bất chính, buộc cán bộ lãnh đạo phải giữ nghiêm gia phong, quản lý chặt chẽ đối với những người xung quanh mình.

Sau Đại hội XX, phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XX hồi đầu năm 2023 một lần nữa đưa ra yêu cầu phải tăng cường xây dựng văn hóa liêm chính trong thời đại mới, xây dựng nền giáo dục gia đình và truyền thống gia đình tốt đẹp. 

Một bài viết đăng trên trang web của ủy ban này nhấn mạnh rằng, gia phong của cán bộ lãnh đạo không chỉ liên quan đến gia đình họ, mà còn liên quan đến nề nếp của Đảng và nề nếp chính trị. 

Cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát cần coi việc “xây dựng gia phong” là xuất phát điểm quan trọng để thúc đẩy “3 không tham nhũng”(không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng), lồng ghép việc xây dựng gia phong vào công tác tổng thể xây dựng nề nếp trong đảng và chính quyền trong sạch cũng như công tác chống tham nhũng, xây dựng phòng tuyến gia đình chống tham nhũng, biến chất vững chắc.

Tầm quan trọng của xây dựng gia phong liêm chính

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định, chống tham nhũng là “cuộc đấu tranh chính trị lớn không thể để thua và quyết không được thua” của ĐCSTQ. Ông mô tả đây là “cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, khó khăn, không có chỗ cho sự nhượng bộ và thỏa hiệp”.

Vấn đề giáo dục gia đình và gia phong ngày càng được nhắc đến nhiều và coi trọng hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn tham nhũng thông qua các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát cũng như phương tiện truyền thông còn hạn chế, và nếu vợ hoặc chồng của quan chức tăng cường giám sát, quản lý những hành vi bất thường của quan chức đó trong đời sống hằng ngày có thể nâng cao tác dụng cảnh báo để kiềm chế hành vi tham nhũng của cán bộ lãnh đạo. 

Do vậy, chìa khóa của giáo dục liêm chính là nâng cao nhận thức của chính cán bộ và khuyến khích các thành viên trong gia đình nhắc nhở họ vào thời điểm thích hợp, nhằm giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng tham nhũng xảy ra.

Nhìn lại những năm vừa qua có thể thấy, Trung Quốc đã nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục chống tham nhũng đối với cả quan chức và người nhà. Chỉ khác là vào mỗi thời điểm, cách làm và đối tượng khác nhau.

Ngay từ năm 2005, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, đã tổ chức giáo dục về phòng chống tham nhũng cho cán bộ từ cấp huyện trở lên và vợ/chồng của họ. Tại đây, các vụ án “tham nhũng gia tộc” của quan chức trong tỉnh được đem ra mổ xẻ, phân tích và cảnh tỉnh.

Từ năm 2016, trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Ủy ban Giám sát tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, cũng có bài viết của một lãnh đạo quận với nhan đề “Chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính là việc quốc gia cũng là việc nhà”, nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò mang tính quyết định của gia đình, đặc biệt là vợ/chồng cán bộ lãnh đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Mới đây, tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc, đã tổ chức cho hơn 230 vợ/chồng của cán bộ cấp tỉnh mới được bổ nhiệm từ năm 2022 tham gia các hoạt động giáo dục cảnh tỉnh tham nhũng tính đến tháng 5-2023.

Những mô hình “phòng tuyến gia phong”

Tận dụng tốt nguồn lực của địa phương và phát huy sức mạnh tinh thần từ nền văn hóa truyền thống đặc sắc và nền văn hóa cách mạng đỏ, Ủy ban Kiểm tra và Giám sát kỷ luật thành phố Nam Kinh trong năm qua đã đào sâu vào câu chuyện truyền thống gia đình của các quan chức chính trực ở địa phương và các liệt sĩ cách mạng trong lịch sử, đồng thời sản xuất các video ngắn như “Chuyện các anh hùng trong di tích văn hóa” và “Truyền thống gia đình tốt đẹp ở thành phố Kim Lăng (Jinling)” để làm phong phú thêm nội dung xây dựng truyền thống gia đình và xây dựng xã hội tươi đẹp.

Thực hiện các hoạt động hỗ trợ gia đình để xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc cho sự toàn vẹn của gia đình, Ủy ban Kiểm tra và Giám sát kỷ luật thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu cùng Liên đoàn Phụ nữ thành phố tổ chức hoạt động giáo dục liêm chính gia đình cho hơn 70 người nhà của các “lãnh đạo cấp cao” trong diện quản lý thành phố để giáo dục, hướng dẫn đảng viên, cán bộ và gia đình họ phải lương thiện, tự tu dưỡng và giữ gìn sự liêm chính trong gia đình.

Với Hồ Nam, năm nay không phải là năm đầu tiên tỉnh này tổ chức hoạt động giáo dục chống tham nhũng cho vợ/chồng của người đứng đầu. Từ cuối tháng 2-2023, tỉnh này đã tổ chức sự kiện tương tự cho gần 130 người là vợ/chồng của người đứng đầu các cơ quan trực thuộc tỉnh, doanh nghiệp nhà nước và các trường đại học. Đây là lần đầu tiên Hồ Nam tổ chức hoạt động về chủ đề giáo dục gia phong với quy mô lớn như vậy.

Đáng chú ý, năm nay các hoạt động giáo dục ở tỉnh này không những mở rộng quy mô, mà còn được tổ chức rầm rộ và gần như đồng thời tại nhiều địa phương trong tỉnh. Có nơi có tới hơn 1.500 người được mời tham dự.

Phát biểu khi lên lớp giảng dạy cho vợ/chồng người đứng đầu trong một hoạt động giáo dục cấp tỉnh, Bí thư Ủy ban Kiểm tra và Giám sát kỷ luật Tỉnh ủy Hồ Nam, ông Vương Song Toàn nhấn mạnh: “gia phong là biểu hiện quan trọng trong tác phong của cán bộ lãnh đạo. Đó là nền tảng quan trọng cho sự hưng vượng và kế thừa của gia đình và là phương thuốc tốt trong cuộc chiến chống tham nhũng”.

Có thể nói, việc giáo dục cho vợ/chồng người đứng đầu là cách làm mang tính nêu gương rất cao và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Với quyết tâm như vậy, cách làm sáng tạo của các tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đã gợi mở những ý tưởng và phương pháp mới trong việc thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng truyền thống gia đình, bước tiếp theo là cần tổng hợp các kinh nghiệm và điểm sáng, phân tích khả năng áp dụng và nhân rộng, hình thành cơ chế, kết hợp nhiều biện pháp để xây dựng tuyến phòng thủ liêm chính vững chắc từ gia đình./.