21/11/2024 | 20:24 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa liêm chính

Phạm Văn Minh
TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa liêm chính Tranh cổ động: “ Cán bộ là cái gốc của công việc” “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”_Thiết kế: T.H
Trong lịch sử của một quốc gia, dấu ấn của những lãnh tụ không chỉ được đánh giá qua những thành tựu về kinh tế, chính trị và quân sự mà còn qua di sản văn hóa và nhân cách mà họ để lại. Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng của độc lập và tự do, mà còn là một hình mẫu về văn hóa liêm chính để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập.

Xây dựng văn hóa liêm chính là đòi hỏi tất yếu

Tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho việc xây dựng văn hóa chính trị, mà ở đó, sự trong sạch, ngay thẳng, chân thành, tôn trọng và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là những giá trị cốt lõi. Di sản văn hóa đó của Hồ Chí Minh ngày nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự, là một phần không thể thiếu trong sự tiến bộ của xã hội Việt Nam.

Liêm chính là chuẩn mực cơ bản, là nguyên tắc, thước đo giá trị đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong chế độ xã hội dân chủ mới do nhân dân là chủ và làm chủ, mọi cá nhân đều có quyền được đối xử bình đẳng, được tôn trọng và có cơ hội phát triển như nhau. 

Vì vậy, sự liêm chính trong thực thi công vụ là nền tảng của một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững. Từ đó, Người khẳng định việc xây dựng văn hóa liêm chính là đòi hỏi tất yếu của bất cứ chế độ xã hội tiến bộ nào.

Văn hóa liêm chính trong tư tưởng của Hồ Chí Minh không chỉ là tập hợp các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức mà còn là triết lý sống, cách tiếp cận toàn diện về cuộc sống, xã hội. Theo Người, bản chất của văn hóa liêm chính là sự ngay thẳng, quang minh, chính trực, công bằng và bình đẳng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ dân của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh cắt nghĩa: “LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”. 

Sau này, Nói chuyện với anh chị em công chức ở Thủ đô (năm 1954), Người cũng căn dặn: “Liêm tức là không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân. Chính tức là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”.

Đặc biệt, trong tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính (năm 1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ về đức liêm, chính. Theo Người: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ ra những biểu hiện trái với liêm hay còn gọi là bất liêm, đó là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”. 

Biểu hiện cụ thể của người có hành động bất liêm được Hồ Chí Minh chỉ rõ như: “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư... Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử”. Nguyên nhân và hậu quả của những hành động bất liêm này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Vì xa xỉ mà sinh tham lam” và “Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp”.

Đức chính cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích cặn kẽ: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. Theo Người, siêng năng, tằn tiện, trong sạch, chính trực là thiện; còn lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác. Chính được biểu hiện tập trung, rõ nét trong ba mối quan hệ chủ yếu của mỗi người là với mình, với người và với việc. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mình thì chớ tự kiệu, tự đại, phải luôn cầu tiến, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình. Người nhấn mạnh: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Với người thì chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới, “thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”. 

Với việc thì phải để việc nước lên trên việc nhà, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh còn việc gì có lợi cho nước, cho dân thì dù nhỏ mấy cũng cố gắng làm. Người cũng chỉ rõ: “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH”. Bởi vì, không cần cù, chịu khó và tiết kiệm lại tiêu xài hoang phí, giàu lòng tham muốn vật chất thì không thể giữ cho mình trong sạch, ngay thẳng mà ắt dẫn đến những hành động sai trái, tiêu cực, mờ ám, khuất tất như ăn cắp, ăn trộm, tham ô, tham nhũng...

Làm gì để xây dựng văn hóa liêm chính?

Để xây dựng văn hóa liêm chính, trước hết những người thực thi công vụ cần phải nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình; phải tận tâm, tận lực, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của tập thể, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. 

Trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm quốc khánh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ phải đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước”.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều căn cốt trong xây dựng văn hóa liêm chính là phải “ít lòng tham muốn vật chất”. Bởi vì, vật chất là yếu tố dễ làm con người ta tha hóa nhất. Sự cám dỗ về vật chất là căn nguyên, gốc rễ phá hoại văn hóa liêm chính, nó làm cho cán bộ “mờ mắt”, tha hóa về chính trị, đạo đức, nảy sinh thói hư, tật xấu... 

Vì thế, ngày từ năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 1 trong 23 điều về tư cách của một người cách mệnh đó là “Ít lòng tham muốn về vật chất”. Sau này, trong Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô (năm 1954), Người chỉ rõ, muốn ăn ngon, mặc đẹp mà lương không đủ tiêu thì chỉ có ăn cắp của Chính phủ hoặc là bị mua chuộc bởi vật chất. 

Người nhấn mạnh: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu... Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình cũng là một trong những biện pháp rất quý để xây dựng văn hóa liêm chính. Theo Người, tự phê bình và phê bình là liều thuốc hữu hiệu để giúp cán bộ, đảng viên tẩy trừ mọi thói hư, tật xấu và ngày càng tiến bộ. Cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đồng thời lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng nhân dân thì chắc chắn khuyết điểm sẽ ngày càng ít đi mà ưu điểm sẽ ngày càng nhiều, văn hóa liêm chính sẽ ngày càng được củng cố và phát triển. 

Vì thế, trong bài Người cán bộ cách mạng (năm 1955), Người viết: “Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên những chuẩn mực về văn hóa liêm chính để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, mà suốt cuộc đời Người luôn luôn nêu tấm gương sáng về sự liêm khiết, trong sạch, không ham công danh phú quý, không màng danh lợi mà chỉ có một mục đích duy nhất, lớn nhất là suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. 

Đúng như Người từng bộc bạch: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”. Ngay cả đến phút cuối đời, điều tiếc nuối lớn nhất của Người là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tư tưởng đến hành động luôn là sự nhất quán, mẫu mực về lối sống trong sạch, liêm khiết, tinh thần phục vụ nhân dân, hết lòng vì nước, vì dân. Đó chính là di sản văn hóa liêm chính, một di sản tinh thần vô cùng quý báu, là tài sản to lớn mà Người để lại cho Đảng và nhân dân. Di sản ấy, sẽ là mãi mãi là kim chỉ nam cho công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng Chính phủ liêm chính và xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.