Gây dựng văn hóa liêm chính để thành công
Phan Lương
Nền tảng của quản trị
Theo các chuyên gia, liêm chính có nghĩa là trung thực, đạo đức và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. Với tư cách là nhà quản lý, điều này đồng nghĩa là đối xử với nhân viên một cách tôn trọng, lắng nghe nhu cầu của họ, xem trọng những bận tâm của họ, và bảo đảm rằng hành động của nhà quản lý phù hợp với hành động của tổ chức.
Nhà quản lý chắc chắn muốn thấy nhân viên của mình vui vẻ và thành công, nhưng điều đó đôi lúc có thể dẫn đến những quyết định không đúng hoặc gây ra tình trạng thiếu kỷ luật.
Vì thế, ngay từ những việc nhỏ như xử lý một nhân viên nhiều lần trễ hẹn, đi làm muộn, hoặc thiếu nhiệt tình trong công tác, nhà quản lý cần phải hành động một cách chính trực để xử lý những tình huống như thế một cách phù hợp.
Tương tự, nếu nhận thấy nhân viên đang gặp khó khăn hoặc cần giúp đỡ, nhà quản lý cũng cần can thiệp để hỗ trợ. Tất nhiên, liêm chính và đạo đức không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng thực hiện, song kiên trì nguyên tắc sẽ thúc đẩy một môi trường làm việc tích cực hơn.
Một nhà lãnh đạo liêm chính và thể hiện hành vi đạo đức sẽ là tấm gương, khơi dậy lòng tin cho nhân viên, khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng và có giá trị.
Những nhà lãnh đạo coi trọng đạo đức và liêm chính cũng có thể đưa ra được những quyết định sáng suốt, công bằng và chính đáng phù hợp với giá trị của tổ chức, từ đó đạt được các mục tiêu đã đặt ra và gây dựng thành công bền vững cho tổ chức. Theo các chuyên gia, bởi doanh nghiệp cũng là một cơ cấu tổ chức, do vậy, liêm chính đã, đang và sẽ luôn là một phần của văn hóa doanh nghiệp.
Tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp
Với nhiều doanh nghiệp, lợi nhuận, hiệu suất doanh thu và/hoặc thành tích của doanh nghiệp chính là một tiêu chuẩn để đo lường sự thành công, và chắc chắn là yếu tố quan trọng để xác định một doanh nghiệp thành đạt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tính trung thực và liêm chính trong hoạt động không có ý nghĩa với doanh nghiệp.
Thay vào đó, trung thực và liêm chính cần phải là nền tảng của mọi hoạt động kinh doanh để bảo đảm doanh nghiệp sẽ không gặp vấn đề với nạn tham nhũng và những hành vi kinh doanh sai trái khác, trong hành trình hướng tới một xã hội công bằng hơn.
Trong nỗ lực thúc đẩy văn hóa liêm chính của doanh nghiệp, năm 2022, Ủy ban Thương hiệu xuất sắc hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương (APC) đã bắt đầu trao tặng một giải thường niên cho những doanh nhân và doanh nghiệp xuất sắc đã thể hiện sự trung thực và liêm chính trong hoạt động kinh doanh của mình. Ban tổ chức cũng hy vọng ngày càng nhiều doanh nghiệp hơn tham gia sự kiện này để mở rộng tầm ảnh hưởng của sự trung thực và giúp khơi dậy lòng tin rằng trung thực và liêm chính vẫn là chính sách tốt nhất của doanh nghiệp.
Biện pháp chống tham nhũng hiệu quả
Thông qua đề cao tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động, theo các chuyên gia, rõ ràng doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không chỉ giảm thiểu rủi ro pháp lý có thể gặp phải mà còn thúc đẩy lòng tin và uy tín trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của mình. Cách tiếp cận này góp phần củng cố những hoạt động kinh doanh bền vững, nâng cao lòng tin của các bên liên quan và định vị cơ cấu tổ chức cần là bên dẫn đầu về tính liêm chính của doanh nghiệp.
Năm 2023, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã đóng góp tới 70% tăng trưởng toàn cầu. Thế nhưng, việc duy trì sự phát triển kinh tế lớn này lại đang đứng trước những thách thức về môi trường và xã hội được nhận định là rất khó khăn hiện nay.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh như vậy, liêm chính, minh bạch và hợp tác chính là chìa khóa để dẫn tới thành công cho doanh nghiệp. Từ ví dụ về Nhật Bản, có thể khẳng định đạo đức và liêm chính trong kinh doanh có ý nghĩa thực sự quan trọng trong sự phát triển của các nền kinh tế sôi động ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như với những doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc đang tìm kiếm cơ hội trong khu vực.
Cũng từ năm 2022, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bước vào kỷ nguyên mới trong hoạt động minh bạch và trách nhiệm của mình, khi Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua và ban hành Đạo luật Bảo vệ người tố giác (WPA) sửa đổi. Theo đó, quy định mới đặt ra yêu cầu phải thiết lập hệ thống tố giác bắt buộc trong doanh nghiệp, nhằm bảo vệ những nhân viên tố giác hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy tính liêm chính trong cơ cấu tổ chức doanh nghiệp ở Nhật Bản, đặc biệt với doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài. Nền tảng của WPA sửa đổi tập trung vào việc tạo ra văn hóa liêm chính trong doanh nghiệp bằng cách trao quyền cho nhân viên tố giác hành vi sai trái mà không sợ bị cô lập hay trù dập. Theo đó, doanh nghiệp có trên 300 nhân viên sẽ phải thiết lập hệ thống tố giác nội bộ. Luật cũng khuyến khích doanh nghiệp nhỏ áp dụng hệ thống này để bảo vệ người tố giác. Bằng cách bắt buộc doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống tố giác, Chính phủ Nhật Bản đã nhấn mạnh cam kết về tính minh bạch và hành vi đạo đức trong thực tiễn kinh doanh. Động thái này không chỉ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cả trong nước và quốc tế. |
Trong nỗ lực để giải quyết những thách thức mà các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt, từ năm 1999, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra Sáng kiến chống tham nhũng tại châu Á - Thái Bình Dương (ACI), nhằm hợp tác với các chính phủ khu vực trong cuộc chiến chống tham nhũng và hỗ trợ những nỗ lực quốc gia và đa phương nhằm giảm thiểu vấn nạn này.
Đáng chú ý, liêm chính trong kinh doanh là 1 trong 3 trụ cột của ACI, bên cạnh 2 trụ cột khác là thực thi pháp luật và liêm chính công.
ACI chủ yếu hỗ trợ 34 chính phủ thành viên trong 3 lĩnh vực cốt lõi, gồm: đối thoại chính sách và chia sẻ những cách thức phòng chống tham nhũng tốt nhất thông qua các hội nghị khu vực; tiến hành phân tích chính sách, gồm cả đánh giá theo chủ đề và kiểm định; tăng cường năng lực phòng chống tham nhũng và thực thi pháp luật.
ACI nằm trong khuôn khổ hợp tác đầu tiên mang tầm khu vực để chống tham nhũng ở châu Á - Thái Bình Dương. Ở thời điểm đó, đây là cách tiếp cận tiên phong với sự hợp tác giữa nhiều bên liên quan thông qua cơ chế hành động tập thể.
Theo các chuyên gia, thúc đẩy lòng tin và minh bạch thông qua hành động tập thể giữa các bên liên quan, gồm doanh nghiệp bản địa, nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ và cộng đồng chính là chìa khóa để thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa liêm chính trong doanh nghiệp, tạo nên sân chơi bình đẳng và giải quyết những thách thức trên thực tế đang cản trở hoạt động kinh doanh công bằng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.