21/11/2024 | 16:34 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Liêm chính công quyền trong xã hội hiện đại

Nguyễn Văn Đáng
TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Liêm chính công quyền trong xã hội hiện đại Người dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ, công chức trực tiếp xử lý hồ sơ hành chính_Ảnh: nld.com.vn
Sự gia tăng các biểu hiện bất liêm ở nước ta trong thời gian gần đây đang đặt ra nhu cầu bức thiết cả về nhận thức lý luận cũng như các giải pháp nhằm vun đắp, củng cố phẩm chất liêm chính công quyền. Sự hình thành niềm tin vững chắc vào liêm chính có thể ngăn chặn những ý đồ và hành động bất liêm, gây hại cho lợi ích chung của cơ quan, đơn vị hay cộng đồng, qua đó gia tăng uy tín cho cơ quan nhà nước.

Báo động về bất liêm

Theo số liệu về phòng, chống tham nhũng ở nước ta được công bố gần đây, tính riêng từ năm 2012 đến năm 2022, có gần 168.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có hơn 7.390 đảng viên có hành vi tham nhũng; gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm bị kiến nghị xử lý; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Những số liệu nêu trên đã và đang gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng thiếu liêm chính, hay còn gọi là bất liêm, trong nhóm những người làm việc cho các cơ quan nhà nước.

Theo cách hiểu phổ biến, liêm chính có nghĩa là “trong sạch, không tranh giành vụ lợi thiển cận, ý thức, thái độ, và hành động luôn vì lợi ích chung, rõ ràng, thẳng thắn, và nhất quán”. Một cá nhân sẽ được coi là người liêm chính nếu không cố tình lợi dụng tình huống, sử dụng thủ đoạn để tranh đoạt những lợi ích của người khác, hoặc thủ lợi cho mình, nhưng lại gây thiệt hại cho người khác. 

Nói cách khác, những người liêm chính chỉ hưởng những lợi ích chính đáng thuộc về mình, chứ không tranh thủ giành giật, vơ vét những lợi ích của người khác, bất chấp những giới hạn đạo đức của con người.

Với khu vực công, cán bộ hay nhân viên cơ quan nhà nước sẽ được ca ngợi là liêm chính nếu họ luôn hành động trên cơ sở tôn trọng lợi ích công. Liêm chính công quyền sẽ được bảo vệ khi những cá nhân nắm giữ quyền lực công luôn phân định ranh giới giữa “việc công và việc tư”; “lợi ích công và lợi ích riêng tư”, nhờ đó mà hành xử “chí công vô tư”. Không chỉ tự kiểm soát bản thân, người liêm chính trong khu vực công cũng sẽ dám lên tiếng, dám hành động để ngăn chặn những biểu hiện lạm quyền, vụ lợi vị kỷ.

Biến đổi xã hội và liêm chính

Kỳ vọng về sự liêm chính với những người nắm giữ quyền lực nhà nước, hay liêm chính công quyền, là một nhu cầu tất yếu kể từ khi xuất hiện các hình thức chính quyền trong lịch sử nhân loại. 

Bởi lẽ, cho dù bản chất của chính quyền có thể bị tác động bởi các điều kiện lịch sử khác nhau, một trong những bổn phận hàng đầu của các chính quyền từ xưa đến nay vẫn là phục vụ các lợi ích chung của cộng đồng. Vì thế, những biểu hiện lợi dụng công quyền để thực hiện các hành vi tiêu cực, mưu lợi ích cho cá nhân, lợi ích nhóm đều bị phê phán.

Trong lịch sử nước ta, quan điểm đề cao sự liêm chính được thể hiện qua nhiều câu chuyện lịch sử, truyện kể dân gian đả kích những vị quan lại ích kỷ, tham lam, ca ngợi những tấm gương thanh liêm, suốt đời làm việc vì nước, vì dân mà không màng tư lợi. 

Những tấm gương cá nhân dám “rũ áo từ quan” vì không thể chấp nhận những thói hư, tật xấu trong đội ngũ quan lại phong kiến vẫn luôn giữ nguyên giá trị giáo dục cho đến tận ngày hôm nay. Tuy nhiên, cho dù tham nhũng cũng đã xuất hiện trong các chính quyền phong kiến nhưng chưa phải là hiện tượng phổ biến, nan giải như hiện nay, bởi 2 lý do chính.

Thứ nhất, hệ thống chính quyền phong kiến còn nhỏ về quy mô tổ chức, chưa phức tạp về cấu trúc bộ máy, còn đơn giản về chức năng và nhiệm vụ. Đội ngũ quan chức chính quyền làm việc cho nhà vua, được sở hữu tư liệu sản xuất. Đời sống của họ được bảo đảm bởi các lợi ích trực tiếp từ sản xuất nông nghiệp, chứ không phải tiền lương từ nhà nước. 

Thứ hai, cấu trúc xã hội phong kiến chưa có sự tách bạch rõ ràng giữa lợi ích công và lợi ích tư, chưa hình thành chế độ sở hữu tư nhân, đội ngũ quan lại cũng chưa chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các động lực thị trường như trong xã hội hiện đại.

Từ thế kỷ XIX, xã hội tư bản công nghiệp phát triển, hệ thống chính quyền ngày càng mở rộng về quy mô tổ chức, các chức năng và nhiệm vụ của chính quyền ngày càng trở nên phức tạp hơn, quản lý nguồn lực công ngày càng lớn. 

Đội ngũ nhân viên công quyền gia tăng về số lượng, chuyên môn hóa, làm việc cho nhà nước, cuộc sống được bảo đảm bằng tiền lương chứ không phải bổng lộc hay hoa màu nhờ sở hữu tư liệu sản xuất như dưới thời phong kiến. Cùng với đó, sự vận hành của chính quyền cũng như từng hành động công quyền hiện đại đều bị tác động, chi phối bởi chế độ sở hữu tư nhân và nền kinh tế thị trường, nơi mà các lợi ích cá nhân được bảo vệ bởi pháp luật.

Sự kết hợp của các yếu tố nêu trên không chỉ tạo ra nhiều cơ hội vụ lợi cho những cá nhân nắm giữ công quyền, mà còn làm xuất hiện những động lực mạnh mẽ, kích thích sự theo đuổi các lợi ích riêng. 

Khi cá nhân lợi dụng vị trí và quyền lực của chính quyền để mưu lợi cho bản thân hay phe nhóm, xa rời sứ mệnh phụng sự lợi ích công có nghĩa là họ đã không còn giữ được sự liêm chính. Vì thế, bảo đảm liêm chính cho hệ thống công quyền là một nhu cầu thường xuyên đối với hệ thống chính quyền ở mọi quốc gia.

Trong nền kinh tế thị trường, lối sống chạy theo đồng tiền là một trong những mặt trái đáng lên án, ngăn chặn. Vì lợi ích vật chất, không ít cán bộ, đảng viên đã mù quáng chạy theo đồng tiền, coi trọng lối sống thực dụng để rồi tha hóa, biến chất, dính vào những “viên đạn bọc đường”...

Trước sự gia tăng số lượng cán bộ, đảng viên bất liêm ở nước ta, 3 quan điểm định hướng giải pháp phổ biến, dễ được đồng thuận là: phải nâng cao ý thức đạo đức công vụ, tinh thần phụng sự và cống hiến; cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cụ thể là các quy định của Đảng, pháp luật và quy tắc hành chính của Nhà nước; cải thiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức.

Trên thực tế, tính riêng trong Đảng và từ năm 2012 đến năm 2022, có khoảng 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành. Chính phủ cũng thực hiện nhiều nỗ lực nhằm thu hẹp bộ máy tổ chức và giảm bớt số người hưởng lương, cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, các vụ việc tiêu cực vẫn tiếp tục bị phát hiện, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong xã hội hiện đại, những người làm việc cho khu vực công (nhà nước) có thể được phân chia thành 2 nhóm: lãnh đạo chính trị và công chức, viên chức. Đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay, tuyệt đại đa số thành viên của cả 2 nhóm nêu trên đều không sở hữu tư liệu sản xuất, không phải là chủ doanh nghiệp, đều chịu tác động mạnh mẽ bởi ý niệm về sở hữu tư nhân và sự vận hành của các cơ chế kinh tế thị trường. 

Vì thế, nếu nguồn thu nhập từ Nhà nước không giúp họ bảo đảm cuộc sống, rất khó để họ giữ được sự liêm chính như chúng ta kỳ vọng.

Chế độ đãi ngộ và mức độ liêm chính

Trong tác phẩm “Chính trị như là một sự nghiệp” công bố vào năm 1919, nhà xã hội học người Đức Max Weber chỉ ra 2 loại người theo đuổi sự nghiệp chính trị trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện đại. 

Thứ nhất, những người sống vì chính trị là những cá nhân xác định và theo đuổi một lý do cao cả, chính đáng nào đó. Họ luôn ý thức rằng sự nghiệp chính trị chỉ là phương tiện để phục vụ ý tưởng, lý do tốt đẹp mà họ đề cao. 

Thứ hai, những người sống nhờ chính trị là những cá nhân coi sự nghiệp chính trị như là phương tiện để gia tăng thu nhập cho bản thân. Những ham muốn vật chất thiển cận và trần tục đẩy họ đến với những hành động bất liêm, rời xa các mục đích chính trị - xã hội cao cả.

Để giúp đội ngũ công chức và viên chức chính quyền giữ được sự liêm chính, trong tác phẩm “Kinh tế và Xã hội” xuất bản năm 1922, Weber chỉ ra tầm quan trọng của việc bảo đảm mức lương cố định và sự an toàn công việc. Hai sự bảo đảm nêu trên sẽ giúp cuộc sống của những người làm việc cho nhà nước được tách khỏi việc công, để họ không bị quyến rũ hay phụ thuộc vào các nguồn thu nhập ích kỷ, không chính đáng nhờ những hành vi bất liêm dưới danh nghĩa công việc của chính quyền. 

Từ lý thuyết của Max Weber về mối quan hệ giữa sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường và liêm chính khu vực công, chính quyền đứng trước 2 lựa chọn chính sách nhằm gia tăng sự liêm chính.

Thứ nhất, lựa chọn và tuyển dụng những người khá giả, giàu có. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ biến chính quyền thành công cụ của các tầng lớp khá giả, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạch định và thực thi chính sách công, gây ra sự bất bình từ những người thuộc các tầng lớp nghèo, yếu thế. 

Thứ hai, ban hành chế độ tiền lương và phúc lợi bảo đảm mức sống khá giả cho những người làm việc cho các cơ quan nhà nước. Hướng tiếp cận cải thiện chế độ đãi ngộ sẽ giúp giảm bớt động lực tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công, nhờ đó gia tăng được mức độ liêm chính công quyền.

Với cấu trúc quyền lực tập trung và thống nhất hiện nay, để gia tăng liêm chính công quyền, chúng ta cần giảm bớt số lượng, gia tăng chất lượng, bảo đảm mức sống khá giả cho những người làm việc cho nhà nước. Chừng nào mức lương chưa đủ sống, chừng đó cá nhân rất khó có thể chiến thắng sức cám dỗ từ những lợi ích vị kỷ, cho dù họ phải hành động bất liêm./.