20/09/2024 | 18:43 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Biện pháp tăng cường liêm chính trong quân đội các nước

Tường Linh
Biện pháp tăng cường liêm chính trong quân đội các nước Đối với lực lượng vũ trang Bỉ, liêm chính được xác định thông qua các yêu cầu, như hành động phù hợp với các chuẩn mực và quy tắc hiện hành; trung thực và có nhân phẩm; không để bị cám dỗ b
Liêm chính là nguyên tắc nền tảng đề cao các giá trị về sự trung thực, trong sạch, ngay thẳng, nhất quán trong lời nói và việc làm. Với những người phục vụ trong lực lượng vũ trang, có nhiều yêu cầu cả về đạo đức và chuyên môn, nhưng liêm chính là một trong những phẩm chất hàng đầu mà các nước đều quan tâm.

Giá trị thiết yếu với quân đội

Liêm chính là một trong những giá trị thiết yếu hình thành nên xương sống của quân đội. Giống như các phẩm chất dũng cảm, trung thành, ngay thẳng, nhất quán trong lời nói và hành động..., những giá trị có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau dựa trên văn hóa, bề dày kinh nghiệm của từng người, khái niệm liêm chính trong quân đội cũng bao hàm những chuẩn mực và quy tắc khác nhau. Đó là sự trung thực, tính chính trực, sự trong sạch, ngay thẳng...

Khi người lính ngay thẳng, chính trực, biết liêm sỉ, họ sẽ là người lính có kỷ luật, luôn chấp hành mệnh lệnh và các quy tắc đạo đức. Những phẩm chất đó sẽ nuôi dưỡng lòng can đảm để người lính sẵn sàng hành động khi được lệnh, kể cả có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Còn với người chỉ huy, bên cạnh những phẩm chất thiết yếu như năng lực tư duy, trình độ kỹ - chiến thuật, giá trị đạo đức liêm chính như trong sạch, ngay thẳng, công tâm chính là nền tảng của sự lãnh đạo.

Liêm chính cũng chính là chìa khóa để xây dựng tinh thần đồng đội trong quân đội. Nó tạo nên sự tin cậy, gắn bó giữa cấp dưới với cấp trên, giữa người lính với người chỉ huy. Nếu người chỉ huy tạo được sự tin tưởng của cấp dưới, những người lính sẽ sẵn sàng chấp nhận những quyết định khó khăn nhất bởi họ hiểu người chỉ huy đang hành động vì lợi ích tốt nhất cho đơn vị. 

Ngược lại, những hành vi phi liêm chính của người chỉ huy có thể phá hủy cả tổ chức, bởi nó tạo ra môi trường ung nhọt, nhanh chóng lây lan và cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, thậm chí cả một quân đội.

Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan là ví dụ điển hình về sự lừa dối trong các đánh giá về lực lượng của chính quyền Kabul do phương Tây hậu thuẫn đã dẫn đến thảm họa như thế nào. Cho đến trung tuần tháng 7-2021, tức trước khi Kabul sụp đổ khoảng 1 tháng, dựa trên các báo cáo thiếu trung thực mang tính báo công, tình báo Mỹ nhận định chính quyền Afghanistan “sẽ không chịu sức ép nào nghiêm trọng cho tới cuối năm 2021”. 

Thế nhưng, chỉ trong vài tuần, Taliban đã nhanh chóng đánh bại chính quyền Afghanistan và tiến vào Thủ đô Kabul ngày 15-8-2021. Washington đã phải gấp rút mở chiến dịch không vận lớn nhất trong lịch sử, đưa cả vạn lính Mỹ và nhân viên Afghanistan làm việc cho Mỹ ồ ạt tháo chạy khỏi Kabul, dẫn đến cảnh hỗn loạn gây sốc với người dân Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh của Mỹ cũng từng bị đảo lộn bởi vụ bê bối nhận hối lộ liên quan đến Leonard Glenn Francis, thường được gọi là Leonard “béo”. Là công dân Malaysia gốc Mỹ, Leonard “béo” giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Glenn Marine Group (GMG) điều hành nhiều hải cảng tại các quốc gia Đông Nam Á. 

Công ty con của GMG là Glenn Defense Marine Asia (GDMA) chuyên đảm nhận việc tiếp tế nhiên liệu, lương thực, nước, thuốc men và dọn dẹp các tàu chiến Mỹ trong vùng biển Thái Bình Dương. 

Bằng cách hối lộ các quan chức hải quân như biếu quà đắt tiền, các tour du lịch, khách sạn sang trọng, gái mại dâm..., Leonard đã giành hầu hết hợp đồng dịch vụ từ Hạm đội Thái Bình Dương trong suốt giai đoạn 2006 - 2013. Cứ 100 tàu của hải quân Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương thì có đến 70 tàu nhận tiếp tế, bảo trì từ GDMA. 

Tất nhiên là với mức giá dịch vụ cao hơn mức trung bình thị trường từ 1,5 đến 3 lần. Khi vụ việc bị phát hiện, hàng trăm sĩ quan của Hạm đội Thái Bình Dương đã bị tạm ngừng công việc để phục vụ công tác điều tra. 

Sau đó 29 người đã nhận tội, trong đó có Phó Tham mưu trưởng Hạm đội 7 Donald Hornbeck, người thừa nhận đã đổi thông tin mật của Hải quân Mỹ như hải trình của các tàu chiến và các gói đấu thầu để có các bữa tối xa hoa, nghỉ đêm tại khách sạn hạng sang và các bữa tiệc với gái mại dâm.

Các biện pháp tăng cường liêm chính

Còn nhiều biểu hiện của phi liêm chính, nhưng chỉ riêng một khía cạnh của nó là tham nhũng cũng đã gây thiệt hại rất lớn trong lĩnh vực quốc phòng. Theo một con số thống kê, 20% trong số 1,74 nghìn tỷ USD chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2019 (tương đương 400 tỷ USD) bị thất thoát do tham nhũng. 

Hệ quả của tham nhũng là việc đầu tư vào các chương trình vũ khí không phù hợp, làm giảm khả năng chiến đấu và làm xói mòn lòng tin vào các lực lượng vũ trang.

Chính vì thế, các nước trên thế giới đều quan tâm đến việc tăng cường liêm chính trong quân đội. Trong cuốn sách “Xác định tính liêm chính: Cách tiếp cận và ứng dụng trong quân đội”, các tác giả đã tiến hành phân tích nội dung các quy tắc ứng xử về đạo đức/nghiệp vụ trong quân đội của 13 nước, gồm: Australia, Bỉ, Canada, Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ. 

Kết quả cho thấy, dù được đề cập dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng liêm chính xuất hiện trong các quy tắc ứng xử ở tất cả 13 nước nói trên.

Chẳng hạn, trong Lực lượng vũ trang Bỉ, liêm chính được xác định thông qua các yêu cầu như: hành động phù hợp với các chuẩn mực và quy tắc hiện hành; trung thực và có nhân phẩm; luôn làm những gì đúng, ngay cả khi không có ai theo dõi; không để bị cám dỗ bởi những hành vi làm tổn hại đến nhân phẩm và nghề nghiệp của quân nhân; không lạm dụng rượu và không sử dụng ma túy.

Hướng dẫn với các binh sĩ trong Quân đội Hoàng gia Đan Mạch thì ghi: “hành động của chúng tôi được cân nhắc kỹ lưỡng, hợp lý về mặt đạo đức và phù hợp với những gì chúng tôi nói. Các nhân viên và người chỉ huy hành động trung thực và công bằng, lấy nhiệm vụ làm trọng tâm. 

Nhiệm vụ được triển khai bằng cách hỗ trợ và bảo đảm sự gắn kết giữa hành động, phương pháp và nguyên tắc “biến lời nói thành hành động”.

Tuyên bố về Đạo đức quốc phòng của Canada thì đề cập đến 6 nghĩa vụ đạo đức cốt lõi, gồm: liêm chính, trung thành, can đảm, trung thực, công bằng và trách nhiệm. Không có sự phân cấp giữa 6 nghĩa vụ đạo đức này, chúng có tính ràng buộc như nhau mà tất cả mọi người đều phải tôn trọng. 

Tuy nhiên, liêm chính là giá trị đạo đức được đặt lên hàng đầu mà mỗi người phải xem xét trong quyết định và hành động của mình.

Hà Lan thì quản lý liêm chính trong lực lượng vũ trang bằng các biện pháp phòng ngừa. Họ giáo dục binh sĩ thông qua các tình huống, như đặt câu hỏi “một đối tác thương mại mời chỉ huy đơn vị ăn tối tại nhà hàng sang trọng. Có phù hợp không khi chấp nhận lời đề nghị?”. 

Trong hải quân, theo thông lệ, trước mỗi chuyến công tác dài hạn trên biển, thủy thủ đoàn được huấn luyện để sẵn sàng đối đầu với những cám dỗ có thể xảy ra. Ví dụ như xử lý thế nào khi thu được hàng lậu là ma túy có giá trị lớn. 

Khi phát hiện hành vi sai trái và gian lận, nếu nhân viên chưa chắc chắn về hành động cần thực hiện, họ có thể liên hệ với cố vấn bí mật, những người sẽ hỗ trợ về mặt tinh thần, các thủ tục cần làm hoặc đề xuất các giải pháp cần thiết. 

Có khoảng 600 nhân viên bí mật làm nhiệm vụ trong mạng lưới cố vấn này. Ở quy mô quốc gia, cơ quan đóng vai trò chính trong các hoạt động phòng ngừa là trung tâm chuyên môn quốc phòng về liêm chính./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện