21/11/2024 | 22:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Khắc phục hậu quả bão, lũ lụt


Trong tuần đầu tháng 9-2024, siêu bão Yagi (bão số 3) - cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong hàng chục năm qua - đã tấn công Philippines, Trung Quốc và Việt Nam, gây ra những trận lũ lụt kinh hoàng tại nhiều địa phương. Riêng tại Việt Nam, bão và lũ lụt đã làm hơn 329 người chết và mất tích; khoảng 1.929 người bị thương; gây hư hỏng khoảng 234,7 nghìn căn nhà và ngập úng hàng trăm nghìn héc-ta lúa, hoa màu; phá hủy nhiều tài sản, công trình hạ tầng quan trọng...

Cũng như sau nhiều đợt thiên tai khác, công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và lũ lụt đang được các quốc gia trong vùng ảnh hưởng tập trung sức người, sức của để triển khai với những nỗ lực, quyết tâm cao nhất. Không chỉ được thực hiện với yêu cầu khẩn trương nhất để ổn định cuộc sống trước mắt của người dân cũng như bảo đảm sự vận hành thông suốt các hoạt động kinh tế - xã hội..., một trong những nguyên tắc được các quốc gia và cộng đồng quốc tế đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này, đó là việc khôi phục, tái thiết sau bão, lũ phải được thực hiện với những giải pháp bền vững, phải được “xây dựng lại tốt hơn”, để các cộng đồng trở nên kiên cường hơn, khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt với những kỷ lục liên tục bị phá vỡ đang trở thành “bình thường mới”.

I. BÃO, LŨ LỤT - LOẠI HÌNH THIÊN TAI PHỔ BIẾN

Trong số 22 loại hình thiên tai theo phân loại, bão và lũ lụt là những loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên và thường để lại những hậu quả nghiêm trọng nhất.

Bão

Bão (bão nhiệt đới, bão cuồng phong) là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Đây là một trong những hiện tượng thiên nhiên có sức hủy diệt khủng khiếp nhất.

Các nhà khoa học cho rằng, điều kiện cơ bản để hình thành bão là nhiệt độ cao (nhiệt độ bề mặt lớn hơn 26,50C) và những vùng dồi dào hơi nước. Theo đó, khi nhiệt độ cao, bão hút nhiệt từ không khí đại dương ẩm, ấm. 

Tại khu vực này, một tâm áp suất thấp hình thành, gọi là mắt bão. Do sự chênh lệch khí áp, không khí ở khu vực lân cận sẽ tràn vào và chìm xuống, khiến khu vực có bán kính từ vài chục đến 100km này khá yên tĩnh, gió yếu, trời quang, mây tạnh. 

Tuy nhiên, mắt được bao quanh bởi một bức tường mây dày đặc (thành mắt bão), có sức gió và lượng mưa mạnh nhất, có khả năng tàn phá các khu vực rộng lớn có đường kính 200 - 500km, nhất là ở ven biển.

Khi đổ bộ vào khu vực bờ biển, bão thường tạo ra sự tàn phá khủng khiếp do các đợt sóng lớn dâng cao. Tiếp đó, bão di chuyển vào nội địa; gió bão, lốc xoáy cũng có sức tàn phá lớn. 

Ngoài ra, mưa lớn cũng có thể để lại những thiệt hại lớn hơn qua việc gây lũ lụt và sạt lở đất trong khu vực nội địa.

Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy (đường kính có thể tới hàng trăm ki-lô-mét) hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc. Gió giật là gió với tốc độ tăng lên tức thời, được xác định trong khoảng 2 giây.

Do các đại dương có nhiệt độ khác nhau theo mùa, nên thời điểm hình thành các cơn bão cũng khác nhau. Chẳng hạn như ở Bắc Đại Tây Dương và Caribe, mùa bão thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, với tháng 8 và tháng 9 thường là những tháng cao điểm. 

Ở phía Đông Bắc Thái Bình Dương, mùa bão thường bắt đầu vào giữa tháng 5 và kết thúc vào tháng 11. Trong khi đó, mùa bão Bắc Ấn Độ Dương kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12, với đỉnh điểm là tháng 5 và tháng 10.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Ngoài ra, nhiệt độ ấm lên cũng có thể làm chậm các xoáy thuận nhiệt đới, khiến quá trình di chuyển của bão trên đất liền kéo dài, làm tăng nước dâng do bão do tăng lượng mưa, sức gió trong bão cũng mạnh hơn và do đó trở nên tàn khốc hơn...

Bảng Beaufort chia tốc độ gió thành các cấp từ 0 đến cấp 17, tương ứng với số mét/giây và km/giờ. Một cơn bão có tốc độ gió từ 61km/giờ trở xuống (sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm đạt tới cấp 6, cấp 7) được phân loại là áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới trở thành bão khi sức gió mạnh nhất đạt từ cấp 8 trở lên (từ 62km/giờ trở lên). Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh; từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh; từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.

Trên thực tế, bão có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp ngay từ giai đoạn hình thành, gây thương vong đối với người và vật nuôi; tạo ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng như dịch bệnh...; đồng thời phá hủy các công trình, gây mất mát, hư hỏng tài sản, làm đình trệ giao thông, gián đoạn thông tin liên lạc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và đời sống... 

Bão cùng các hiện tượng thứ cấp như triều cường, lũ lụt, sạt lở đất cũng có thể gây ra thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản.

Lũ lụt

Lũ lụt là loại hình thiên tai phổ biến nhất trong số các loại thiên tai do thời tiết. Trong đó, lũ là hiện tượng mực nước và tốc độ dòng chảy trên sông, suối vượt quá mức bình thường. 

Lụt xảy ra khi nước lũ dâng cao tràn qua sông, suối, hồ, đập và đê vào các vùng trũng, làm ngập nhà cửa, cây cối, đồng ruộng.

Lũ lụt có thể xảy ra khi xuất hiện bão lớn, mưa cực lớn trong thời gian ngắn, khi sóng biển tràn vào bờ, khi tuyết tan nhanh hoặc khi đê, đập bị vỡ... 

Thông thường, lũ lụt thường xuất hiện sau những trận mưa lớn kéo dài, có thể kết hợp với triều cường. Nguyên nhân “cộng hưởng” gây ra lũ lụt là các công trình xây dựng như đường bộ, đường xe lửa và hệ thống đê đập không hợp lý làm ngăn cản dòng chảy tự nhiên; sông ngòi bị bồi lắng làm giảm khả năng thoát nước; rừng đầu nguồn bị tàn phá và suy thoái.

Các loại lũ:

- Lũ quét: trong khi hầu hết các trận lũ lụt phải mất hàng giờ, thậm chí vài ngày để phát triển, giúp người dân có thời gian chuẩn bị hoặc sơ tán thì lũ quét diễn ra trong thời gian rất ngắn (thời gian giữa sự kiện gây ra lũ có thể quan sát được và trận lũ là dưới 4 hoặc 6 giờ), có thể ngay lập tức biến một con suối cạn thành dòng nước chảy có tốc độ cực lớn, cuốn trôi mọi thứ khi dòng chảy đi qua. 

Đây là loại lũ nguy hiểm nhất vì chúng kết hợp sức tàn phá của một trận lũ có lưu lượng dòng chảy cực đại tương dối cao, có tốc độ kinh hoàng.

- Lũ lụt ven biển: thường xuất hiện khi sóng biển dâng cao đột ngột kết hợp với triều cường, phá vỡ đê hoặc tràn qua đê biển vào đất liền làm nước sông không chảy thoát ra biển được gây ngập lụt.

- Lũ sông: là hiện tượng nước sông dâng lên, thường xảy ra theo mùa ở các hệ thống sông ngòi lớn.

Cũng như các hiện tượng tự nhiên khác, lũ lụt, đặc biệt là lũ lụt ở các lưu vực sông đã có lịch sử hàng triệu năm; lũ lụt có thể cuốn trôi người dẫn đến đuối nước; là một trong những nguyên nhân chính gây ra các đợt dịch bệnh; phá hủy và làm hư hại tài sản của các gia đình, các công trình hạ tầng quan trọng; vật nuôi, cây trồng có thể bị chết do ngập nước; môi trường, nước sạch bị ô nhiễm, đất đai bị xói mòn...

Lũ được chia thành các mức độ:

- Lũ nhỏ: có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

- Lũ vừa: có đỉnh lũ đạt mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

- Lũ lớn: có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm.

- Lũ đặc biệt lớn: có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc.

- Lũ lịch sử: có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.

 II. DIỄN BIẾN PHỨC TẠP VÀ NHỮNG HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Tần suất dày đặc

Theo báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, trên toàn thế giới xảy ra 7.348 sự kiện thiên tai làm chết từ 10 người trở lên hoặc ảnh hưởng từ 100 người trở lên..., cao hơn rất nhiều so với 4.212 sự kiện xảy ra trong 20 năm trước đó. 

Trong đó, số trận lũ lụt tăng hơn 2 lần (từ 1.389 trận tăng lên 3.254 trận); số cơn bão cũng tăng từ 1.457 lên 2.034.

Như vậy, lũ lụt là loại hình thiên tai phổ biến nhất, chiếm 44% tổng số các sự kiện thiên tai được ghi nhận và tần suất xảy ra trong 20 năm đầu thế kỷ - trung bình là 163 sự kiện mỗi năm (tăng từ 70 sự kiện/năm trong giai đoạn 1980 - 1999). 

Đứng ở vị trí thứ hai là bão (chiếm 28%), với tần suất trung bình tăng từ 72 (trong giai đoạn 1980 - 1999) lên 100 sự kiện mỗi năm (trong giai đoạn 2000 - 2019).

Những hậu quả nghiêm trọng

Sự hoành hành của bão, lũ lụt gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội nhiều quốc gia, khu vực.

Hậu quả của bão

Thống kê của UNDRR cho thấy, trong 20 năm (2000 - 2019), bão là thảm họa liên quan đến thời tiết gây thiệt hại nghiêm trọng nhất và là loại thảm họa chết người thứ hai trên toàn thế giới. 

Cụ thể, các trận bão (bao gồm bão, lốc xoáy và nước dâng do bão) đã giết chết gần 200.000 người; gây tổn thất 1.390 tỷ USD, chiếm 47% tổng thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.

Những khu vực đông dân cư, các quốc đảo là những khu vực đặc biệt dễ tổn thương trước sự tàn phá của bão. Chẳng hạn như vào năm 2017, cơn bão Maria tấn công lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ, dẫn đến cái chết của khoảng 3.000 người. 

Năm 2019, cơn bão Dorian đổ bộ vào Bahamas, làm chết và mất tích hơn 370 người - một tỷ lệ thiệt hại khá cao đối với quốc gia chỉ có chưa đầy 400.000 dân.

Riêng năm 2023, Cơ sở Dữ liệu sự kiện khẩn cấp (EM-DAT) đã ghi nhận tổng cộng 399 thảm họa liên quan đến thiên tai, gây ra 86.473 ca tử vong và ảnh hưởng đến 93,1 triệu người, gây thiệt hại kinh tế lên tới 202,7 tỷ USD. 

Trong đó, vào đầu năm, bão Freddy tàn phá Madagascar, Mozambique và Malawi (tại Malawi, trận bão này khiến 1.209 người tử vong và ảnh hưởng đến 2,3 triệu người). 

Đầu tháng 3, Mỹ phải hứng chịu một cơn bão gây ra lốc xoáy, gió mạnh và lũ lụt, gây thiệt hại ước tính 6 tỷ USD. Bão Doksuri xảy ra vào cuối tháng 7 tấn công Philippines, Trung Quốc, gây thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc ước khoảng 25 tỷ USD. 

Tháng 9, bão Daniel và lũ, ngập lụt, lũ quét sau bão làm 12.300 người Libya bị chết và mất tích. Vào tháng 10, bão nhiệt đới Otis ở Mexico ảnh hưởng đến 1 triệu người, khiến 104 người tử vong và gây ra thiệt hại ước tính 12 tỷ USD, khiến đây trở thành thảm họa bão tốn kém nhất từng được ghi nhận ở quốc gia này.

Munich Re - công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới - cho biết, tổn thất do các thảm họa trong năm 2023 ước tính khoảng 250 tỷ USD. Trong đó bão Doksuri gây thiệt hại 25 tỷ USD cho Trung Quốc; bão Otis tấn công Mexico gây thiệt hại ước khoảng 12 tỷ USD. Tại Mỹ, các cơn giông bão ở Trung Tây (vào tháng 3) và Texas (vào tháng 6) gây thiệt hại 17 tỷ USD. Các cơn bão gây lũ lụt tại châu Âu trong tháng 5, tháng 8 và tháng 9 đã cũng gây thiệt hại 17 tỷ USD...

Hậu quả của lũ lụt

Theo UNDRR, trong giai đoạn 2000 - 2019, các trận lũ lụt đã ảnh hưởng đến 1,6 tỷ người trên toàn thế giới - mức ảnh hưởng cao nhất trong tất cả các loại hình thiên tai (chiếm 41%); đồng thời, gây ra cái chết của 104.614 người, chiếm 9% tổng số người thiệt mạng do thiên tai. 

Tổng thiệt hại kinh tế do 3.254 trận lũ lụt gây ra trong 20 năm qua lên tới 651 tỷ USD, tương đương với 22% tổng thiệt hại do thiên tai trong giai đoạn này.

Tính theo khu vực, châu Á đã trải qua 41% tổng số trận lũ lụt, với 1,5 tỷ người bị ảnh hưởng, chiếm 93% số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên toàn thế giới trong 20 năm qua. 

Trong khi châu Phi từng phải đối mặt với 763 trận lũ lụt thì 680 trận lũ lụt khác cũng hoành hành khắp các quốc gia châu Mỹ.

Riêng năm 2023, trên thế giới xảy ra hàng trăm trận lũ lụt nghiêm trọng. Tại Cộng hòa dân chủ Congo đã xảy ra lũ lụt và lở đất nghiêm trọng vào tháng 5 khiến khoảng 470 người tử vong và hàng nghìn người mất tích. 

Trước đó, vào tháng 1, Philippines phải hứng chịu lũ lụt và lở đất trên toàn quốc, khiến 52 người tử vong và ảnh hưởng đến 2,1 triệu người. 

Tại Guatemala, lượng mưa lớn từ tháng 5 trở đi gây ra lũ lụt và lở đất đáng kể, ảnh hưởng đến hơn 4,4 triệu người và khiến 78 người tử vong. 

Tại châu Âu, lũ lụt giữa tháng 5 tại khu vực Emilia-Romagna khiến 15 người thương vong và gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 9,8 tỷ USD.

Lũ lụt cũng tấn công Pakistan và Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 7, trong đó Ấn Độ ghi nhận ít nhất 1.529 người tử vong và 10,2 triệu người bị ảnh hưởng. Yemen cũng phải trải qua một mùa mưa kéo dài và dữ dội từ tháng 3 đến tháng 9, với 248 trường hợp tử vong. 

Ở Đông Bắc Nigeria, lũ lụt vào tháng 10 khiến 275 người tử vong. Vào tháng 12, Somalia trải qua những trận mưa lớn trong mùa mưa, ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu người, trong khi một trận lũ ở Tanzania đã ảnh hưởng đến 2,9 triệu người...

Điều đáng lo ngại là hiện nay nhiều bằng chứng cho thấy, một số khu vực trên thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự tàn phá của ngày càng nhiều các cơn bão và lũ lụt do biến đổi khí hậu. 

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dân số cần được bảo vệ khỏi hiểm họa bão lũ ngày càng tăng, khi tổng dân số thế giới nói chung và ở các vùng dễ bị thiên tai không ngừng gia tăng.

III. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LŨ LỤT - NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

Bão, lũ lụt có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước, ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phá vỡ cuộc sống của các cộng đồng, phá hủy các dịch vụ thiết yếu tại các khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng của chúng... 

Vì vậy, bên cạnh công tác phòng, ngừa và ứng phó, việc khắc phục hậu quả là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Những thách thức trong việc khắc phục hậu quả bão, lũ lụt

Nỗ lực phục hồi sau bão, lũ lụt luôn gặp phải rất nhiều thách thức, thử thách khả năng phục hồi và thích ứng của cả cá nhân và tổ chức.

Những rào cản về mặt hậu cần

Bão, lũ lụt có khả năng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống lưới điện, hệ thống xử lý và cung cấp nước, mạng lưới giao thông, hệ thống truyền thông, các cơ sở chăm sóc sức khỏe và cơ sở công nghiệp quan trọng..., làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu và gây nguy hiểm cho an toàn công cộng. 

Do vậy, việc di chuyển qua các vùng đất bị bão lũ phá hủy, ảnh hưởng để cung cấp viện trợ, khôi phục các tiện ích và xây dựng lại cơ sở hạ tầng,... là rất khó khăn, đòi hỏi phải có kế hoạch và sự phối hợp tỉ mỉ.

Những hạn chế về tài chính

Việc khắc phục hậu quả bão lũ luôn đòi một nguồn lực lớn, nhất là về tài chính. Sự hạn chế, thiếu hụt nguồn tài chính càng làm phức tạp thêm những khó khăn trong quá trình này. 

Đặc biệt, vì thiệt hại do bão lụt thường rất lớn và xảy ra trên phạm vi rộng nên các nguồn lực sẵn có thường bị phân tán. Do vậy, việc đưa ra những lựa chọn và ưu tiên trong công tác khắc phục hậu quả là rất khó khăn.

Những thách thức trong việc phối hợp

Quá trình khắc phục hậu quả bão, lũ lụt được xem là một bức tranh phức tạp đan xen giữa nhu cầu ứng phó đồng bộ của nhiều cơ quan, việc phối hợp giữa các thực thể địa phương, chính quyền trung ương với các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng... 

Sự hợp tác này mặc dù rất cần thiết nhưng lại tạo ra sự phức tạp trong giao tiếp, thẩm quyền và phân bổ nguồn lực.

Những thách thức này cho thấy tính đa diện của quá trình khắc phục hậu quả sau bão, lũ lụt nói riêng, thiên tai nói chung; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp sáng tạo, tính kế hoạch chặt chẽ và việc phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng để đạt hiệu quả chung.

Những khuyến nghị cần quan tâm

Mỗi cơn bão, mỗi trận lũ lụt đều đặt ra những thách thức và những vấn đề cần giải quyết riêng. Do vậy, không có một “công thức” chung duy nhất đúng cho việc triển khai công tác phòng chống bão lũ, trong đó có giai đoạn khắc phục hậu quả, xây dựng phả năng phục hồi. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dựa trên Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030, một số quốc gia đã xây dựng và thực hiện các quy định, chính sách sáng tạo; thiết kế những công cụ, phương pháp thực tế giúp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quá trình này.

Dựa trên việc tổng hợp, phân tích các thông lệ tốt trên toàn cầu về phục hồi sau thảm họa và bài học từ việc triển khai các dự án có liên quan gần đây, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra một số khuyến nghị về phục hồi sau thảm họa. Đây cũng là những vấn đề cần được chú trọng trong quá trình khắc phục hậu quả, phục hồi sau bão lũ.

- Phục hồi sau thảm họa sẽ hiệu quả nếu các thể chế, chính sách và cơ chế tài chính phục hồi được thiết lập trước khi thảm họa xảy ra. Theo đó, các thể chế được thành lập với đội ngũ nhân sự và nguồn lực, chính sách được xác định rõ ràng là rất quan trọng để đạt được tính kịp thời và hiệu quả.

- Kế hoạch phục hồi dựa trên đánh giá toàn diện về thiệt hại, mất mát và nhu cầu phục hồi. Việc lập kế hoạch sẽ tốt hơn nếu được cung cấp đủ thông tin, dữ liệu có chất lượng.

- Trong một chương trình phục hồi luôn có các ưu tiên cạnh tranh liên quan đến việc tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà ở, cũng như khôi phục sinh kế, dịch vụ xã hội và thị trường. Do vậy, quá trình này phải cân bằng giữa nhu cầu xã hội với nhu cầu tái thiết cơ sở hạ tầng.

- Do bản chất phức tạp và đa ngành của quá trình phục hồi, một cơ quan hoặc một tổ chức không thể thực hiện được quá trình này. Trong khi chính phủ lãnh đạo các nỗ lực phục hồi và tái thiết, các cơ quan quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nỗ lực phục hồi.

- Phục hồi sau thảm họa cần có sự tham gia toàn diện: các chương trình phục hồi nên dựa trên nhu cầu và ưu tiên của những người bị ảnh hưởng. Vì vậy, điều quan trọng là phải thu hút những người dân bị ảnh hưởng vào việc xác định nhu cầu, ưu tiên của họ cũng như trong giai đoạn thực hiện. Vai trò của phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và thanh thiếu niên cần được đặc biệt quan tâm.

- Bối cảnh diễn ra các hoạt động phục hồi sau thảm họa mở ra cơ hội ngắn ngủi để đưa ra những quyết định phát triển đúng đắn thông qua các chương trình tái thiết, phục hồi tốt hơn và xây dựng khả năng phục hồi trước các thảm họa trong tương lai.

- Viện trợ cho thảm họa thường được cung cấp để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo, trong khi có ít nguồn lực được dành cho các nhu cầu phục hồi dài hạn. Do vậy, điều cần thiết là các chính phủ phải xác định các nguồn tài trợ (trong nước và bên ngoài) để hỗ trợ phục hồi.

- Việc thiết lập các cơ chế giám sát những biện pháp can thiệp phục hồi, duy trì tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là những yếu tố quan trọng để quản lý quá trình phục hồi, bảo đảm rằng tiến độ hướng tới mục tiêu dự kiến được thực hiện.

- Khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng và có thể mang lại sự đổi mới. Khu vực tư nhân có thể đầu tư vốn vào các công nghệ, cơ sở hạ tầng và mạng lưới mới, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng và áp dụng sự đổi mới để giải quyết các thách thức phát triển bền vững.

Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030 được thông qua tại Hội nghị thế giới Về giảm thiểu rủi ro thiên tai lần thứ 3 của Liên hợp quốc, gồm 4 ưu tiên, 7 mục tiêu và 38 chỉ số đo lường tiến độ thực hiện. Nâng cao khả năng sẵn sàng để ứng phó hiệu quả và “xây dựng lại tốt hơn” trong phục hồi và tái thiết là 1 trong 4 ưu tiên. 

Theo khuyến nghị, giai đoạn phục hồi và tái thiết cần phải được chuẩn bị trước khi thiên tai xảy ra và đây là cơ hội quan trọng để xây dựng lại tốt hơn thông qua lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào các hoạt động phát triển, tăng cường khả năng chống chịu thiên tai của các quốc gia và cộng đồng...

IV. CƠ CHẾ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ, PHỤC HỒI SAU BÃO, LŨ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA CHÂU Á

Indonesia

Sau trận sóng thần Ấn Độ Dương thảm khốc năm 2004, Chính phủ Indonesia thành lập Ban điều phối quốc gia về quản lý thiên tai (Bakornas PB); ban hành Luật Quản lý thiên tai (Luật số 24) vào năm 2007; thành lập Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia (BNBP) vào năm 2008 và xây dựng Khung Ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) - một trong những khuôn khổ đầu tiên trên thế giới về phục hồi và tái thiết sau thiên tai.

NDRF nêu rõ các sắp xếp pháp lý và thể chế, vai trò của các cơ quan chủ trì, mốc thời gian phục hồi, quy trình lập kế hoạch, nguồn tài trợ và cơ chế giám sát, đánh giá cần thiết cho quá trình khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, trong đó có bão lũ.

Để ứng phó với những tình huống phát sinh, khung này cũng xác định rõ cơ chế liên kết giữa Hệ thống chỉ huy sự cố (ICS) và Quỹ dự trữ ứng phó thảm họa của chính phủ; triển khai đánh giá nhu cầu sau thảm họa và xây dựng Điều khoản hành động để thành lập một cơ quan điều phối đặc biệt cho quá trình phục hồi. 

Cùng với đó, phương pháp tiếp cận quản lý sự cố cũng được chuẩn hóa để cải thiện sự phối hợp và giao tiếp giữa các bên liên quan và cơ quan khác nhau tham gia vào quá trình này.

Kế hoạch quản lý thiên tai của Indonesia cũng xác định các mục tiêu, hành động cụ thể của quốc gia cũng như chính quyền địa phương trong việc giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng phục hồi và hỗ trợ các cộng đồng đang phải đối mặt với thiên tai. 

Các biện pháp được triển khai trong giai đoạn này đặc biệt chú trọng vào phục hồi và đa dạng hóa sinh kế để tạo ra thu nhập thay thế nhằm xây dựng khả năng phục hồi trong cộng đồng, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả phụ nữ.

Nhật Bản

Để đối phó với những thảm họa cũng như tác động ngày càng tăng của thiên tai, trong đó có bão lũ, Nhật Bản sớm thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. 

Ngay từ năm 1934, nước này đã ban hành luật quy định các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, các biện pháp tài chính, biện pháp đặc biệt để đối phó với các tình huống khẩn cấp, biện pháp giảm gánh nặng cho chính quyền địa phương. 

Trong trường hợp thiệt hại nghiêm trọng, chính quyền địa phương có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng một số biện pháp khẩn cấp như điều chỉnh tiền lương và giá cả tức thời.

Năm 1961, Đạo luật cơ bản về Quản trị thảm họa được ban hành, trong đó quy định rõ vai trò của các tổ chức, cơ quan nhà nước trong phòng ngừa và biện pháp xử lý khi thiên tai xảy ra.

Các luật liên quan của Nhật Bản cũng cho phép chính phủ huy động chính quyền địa phương cho các dự án phục hồi sau thảm họa thiên tai.

Nhật Bản cũng đã xây dựng và thực hành Khung khắc phục thảm họa. Theo đó, Chính phủ đóng vai trò đầu mối công tác khắc phục thảm họa, giúp khôi phục nhanh chóng đê sông hoặc bảo đảm giao thông đường bộ. Phạm vi của khuôn khổ này cũng được mở rộng để đối phó với mức độ nghiêm trọng và tần suất thiên tai ngày càng tăng.

Trong trường hợp xảy ra thiên tai ở quy mô lớn, Cơ quan Quản trị thiên tai của chính phủ sẽ được thành lập và vận hành, điều phối việc triển khai ứng phó khẩn cấp trên diện rộng. 

Ngoài việc điều động Lực lượng Phòng vệ theo yêu cầu từ các địa phương, chính quyền trung ương còn hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn từ Đơn vị Ứng phó thảm họa (thuộc Cục Cảnh sát quốc gia), Đội Ứng phó khẩn cấp (thuộc Cơ quan Quản trị hỏa hoạn và thảm họa), hỗ trợ y tế từ Nhóm Hỗ trợ y tế cho các tình huống thảm họa (thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi) và đánh giá thảm họa, phòng ngừa thảm họa thứ cấp và phục hồi khẩn cấp sau thảm họa...

Trong trường hợp xảy ra thảm họa quy mô lớn, các thiết bị, vật liệu hỗ trợ và thiết bị ứng phó thảm họa, như thiết bị liên lạc vệ tinh, phương tiện bơm thoát nước,... cùng với nhân viên sẽ được điều động từ khắp cả nước để đối phó với từng tình huống.

Philippines

Hiện nay, công tác phục hồi sau thảm họa (bao gồm cả những thảm họa tự nhiên như bão, lũ) của Philippines được thực hiện theo Kế hoạch Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia giai đoạn 2020 - 2030. 

Theo kế hoạch này, phục hồi bao gồm các nỗ lực nhằm khôi phục việc làm và sinh kế, cơ sở hạ tầng và các cơ sở cứu trợ, nhà ở và cơ sở tái định cư,... để đưa khu vực bị ảnh hưởng trở lại bình thường nhanh nhất có thể.

Đối với những lĩnh vực ưu tiên, Kế hoạch đưa ra những hướng dẫn chung về thời gian cung cấp các hoạt động nhân đạo và phục hồi sau thảm họa. 

Theo đó, các biện pháp tức thời sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm sau khi xảy ra thảm họa; những biện pháp ngắn hạn được thực hiện trong vòng 1 đến 3 năm; trung hạn được thực hiện trong vòng 3 đến 6 năm và dài hạn được thực hiện trên 6 năm sau khi xảy ra thảm họa. 

Mục tiêu của tất cả các hoạt động này là tăng tốc phục hồi thông qua các chương trình phục hồi và tái thiết phù hợp với phát triển bền vững và nguyên tắc “xây dựng lại tốt hơn”.

V. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO LŨ TẠI VIỆT NAM: KHẨN TRƯƠNG VÀ BẢO ĐẢM BỀN VỮNG

Là quốc gia thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, trong đó bão, lũ lụt là những loại hình phổ biến, Việt Nam đặc biệt chú trọng công tác khắc phục hậu quả.

Bão, lũ lụt gây nhiều thiệt hại

Nước ta thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các cơn bão hình thành từ Thái Bình Dương (1 trong 5 ổ bão lớn nhất thế giới); trung bình hằng năm có 11 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. 

Trong vòng gần 50 năm (1956 - 2015) đã có hơn 450 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó 31% đổ bộ vào Bắc Bộ, 36% đổ bộ vào Bắc và Trung Trung bộ, 33% đổ bộ vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ. 

Những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nhiều cơn bão mạnh, trái quy luật hơn, kỷ lục là năm 2013 với 14 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có siêu bão Haiyan; năm 2017 với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ; bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11 - 12 giật cấp 13 - 15.

Thống kê sơ bộ đến ngày 17-9-2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ...

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD), dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.

Mới đây nhất, chiều ngày 7-9-2024, sau khi tràn qua Philippines và tấn công đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật cấp 16 - 17. 

Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, cường độ bão tăng rất nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. 

Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài tới 12 giờ, gây gió mạnh, mưa đặc biệt lớn cho khu vực Bắc Bộ. Đến sáng ngày 8-9, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Các đặc điểm địa lý tự nhiên cũng khiến Việt Nam dễ bị lũ lụt, thường xảy ra trong mùa gió mùa (tháng 6 đến tháng 11) và mùa bão (tháng 7 đến tháng 10) ở vùng trũng thấp đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. 

Bão, mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ cũng đã gây ra nhiều trận lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc và có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Trận “lũ chồng lũ” lịch sử năm 2020 ở miền Trung do 9 cơn bão lớn và 2 cơn áp thấp nhiệt đới gây ra đã làm 192 người chết và 57 người mất tích; gây nhiều thiệt hại về kinh tế. 

Những trận mưa lớn do bão số 3 năm 2024 gây ra cũng khiến mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ vượt mức báo động 3; một số khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh..., gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm yêu cầu bền vững

Đối mặt với những mối đe dọa từ bão lũ ngày càng nghiêm trọng, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã sớm chú trọng công tác phòng chống thiên tai. Trong đó, khắc phục hậu quả được xác định là 1 trong 3 giai đoạn quan trọng của công tác này.

Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã nêu rõ, phòng chống thiên tai (gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả) là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau. 

Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), đề cao vai trò chủ động tại cơ sở là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. 

Công tác này phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, phát huy mọi nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống và thúc đẩy hợp tác quốc tế...

Bên cạnh yêu cầu bảo đảm chủ động trong phòng, ngừa; kịp thời, hiệu quả trong ứng phó, Chiến lược đề ra nguyên tắc chỉ đạo trong việc thực hiện công tác này, đó là khắc phục khẩn trương, khôi phục, tái thiết bền vững và xây dựng lại tốt hơn. 

Cùng với đó, công tác khắc phục hậu quả bão lũ nói riêng, thiên tai nói chung cũng được quy định cụ thể tại Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). 

Trong đó, trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được giao cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng như các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành. Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia được giao trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

Nguyên tắc thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai

1. Chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ để khắc phục hậu quả thiên tai, trường hợp vượt quá khả năng cân đối của bộ, ngành, địa phương, báo cáo, đề xuất gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai để tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ.

2. Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

3. Ưu tiên hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất và khắc phục khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và công trình xây dựng thiết yếu.

4. Khôi phục, sửa chữa, xây dựng lại bảo đảm bền vững hơn.

(Trích Nghị định số 66/2021/NĐ-CP, ngày 6-7-2021, của Chính phủ)

Luật cũng quy định rõ các hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ theo các giai đoạn: 

Cứu trợ khẩn cấp (được thực hiện trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra, tập trung vào thực hiện hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai);

Hỗ trợ trung hạn (được thực hiện tiếp theo cứu trợ khẩn cấp, tập trung vào hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; sửa chữa, khôi phục trụ sở, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại);

Hỗ trợ dài hạn (được thực hiện tiếp theo hỗ trợ trung hạn, tập trung vào việc sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, công trình hạ tầng công cộng; tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai)./.

DUY ANH - THÀNH NAM - TIẾN THẮNG - KHÔI NGUYÊN - CÔNG MINH (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ