18/10/2024 | 09:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cơ chế để Thủ đô phát triển


Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, Luật Thủ đô 2024 (Luật Thủ đô số 39/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, bắt đầu có hiệu lực thi hành, thay thế Luật Thủ đô 2012. Bên cạnh việc tập trung hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; việc thông qua Luật Thủ đô là bước đi quan trọng trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô...

Đặc biệt, Luật Thủ đô quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh đúng với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW là: “xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế...”. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực...

I. TỰ HÀO VÙNG ĐẤT NGHÌN NĂM LỊCH SỬ

Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, kể từ khi Vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, Hà Nội đã khẳng định vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật, đồng thời là trung tâm quan trọng về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước...

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi vua và quyết định dời đô từ Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi đi thuyền đến Đại La, thuyền đỗ ở dưới thành, Lý Công Uẩn thấy có rồng vàng hiện lên thuyền ngự, nhân đó đổi tên là thành Thăng Long.

Trong hơn 400 năm sau đó, Thăng Long đã chứng kiến sự thăng trầm của các triều đại phong kiến Lý - Trần. Dù phải trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vô cùng gian khổ, nhưng mảnh đất Thăng Long cũng ghi dấu nhiều chiến công hiển hách.

Năm 1417, lợi dụng nhà Hồ thay nhà Trần đang gặp nhiều khó khăn trong nước, nhà Minh mang quân sang chiếm Đại Việt và gọi Thăng Long là Đông Quan (Đông Đô), đổi tên nước là quận Giao Chỉ, âm mưu đồng hóa dân tộc và sáp nhập vào nhà Minh. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với những chiến thắng vang dội đã buộc quân Minh ở thành Đông Quan phải đầu hàng và rút quân về nước.

Năm 1788, khi các phe phái ở nước ta tranh giành quyền lực và phong trào Tây Sơn nổi lên, quân Thanh ồ ạt tiến sang đánh nước ta và chiếm thành Thăng Long nhưng sau đó đã bị đại quân của người anh hùng áo vải Quang Trung (Nguyễn Huệ) đánh bại.

Cuối thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn đổi tên Thăng Long thành Hà Nội.

Khi giặc Pháp xâm lược Việt Nam, mang quân đánh chiếm Hà Nội, thành Hà Nội thất thủ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình lịch sử, dù phải đối mặt với nhiều thăng trầm, nhưng hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn liên tục tỏa sáng, làm rạng rỡ thêm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn là trung tâm hội tụ, nơi buôn bán sầm uất, trung tâm văn hóa, giáo dục,... của cả miền Bắc.

Thủ đô của nước Việt Nam độc lập

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên ngày 6-1-1946, Quốc hội quyết định Hà Nội trở thành Thủ đô.

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Năm 1946, sau khi đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, thực dân Pháp đã gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội...

Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Hiệp định Geneve được ký kết (tháng 7-1954). Qua nhiều diễn biến chính trị phức tạp, sau khi Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập, từ ngày 8-10-1954, các đơn vị bộ đội chia làm nhiều đường tiến vào Hà Nội và từng bước tiếp quản, kiểm soát thành phố. Đến ngày 10-10-1954, Hà Nội sạch bóng quân thù.

Tuy nhiên, ngay từ năm 1954, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp, âm mưu xâm chiếm và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ lại tiếp tục, hàng vạn thanh niên Hà Nội cùng cả nước tòng quân, xung phong vào miền Nam đánh giặc. 

Tháng 12-1972, giặc Mỹ mở cuộc tổng công kích bằng pháo đài bay B.52 hòng hủy diệt Hà Nội, đưa Hà Nội “quay trở lại thời kỳ đồ đá” và phải cúi đầu khuất phục. Cả Hà Nội đã đứng lên hiên ngang và dũng cảm đánh giặc, góp phần đập tan cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã tô điểm thêm lịch sử chói lọi của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Sau cuộc chiến tranh phá hoại tháng 12-1972 của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và các cơ sở giao thông; tiếp tục góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa non sông về một mối.

Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất

Đất nước thống nhất, tháng 4-1976, Hà Nội được Quốc hội chung của cả nước quyết định là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”... 

Các công trình lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng. Một số ngành công nghiệp được hình thành. Nông nghiệp từng bước phát triển. Hoạt động kinh tế đối ngoại ngày càng sôi động...

Những năm đầu đổi mới (1986 - 1990), cả nước và Hà Nội lâm vào tình trạng khủng hoảng, mất cân đối do hậu quả của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và do tàn tích của chiến tranh. Sản xuất chậm phát triển, chất lượng và hiệu quả thấp. Đời sống nhân dân khó khăn... 

Hà Nội đã chủ động tìm hướng phát triển kinh tế, thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, cho phép xí nghiệp vừa sản xuất theo kế hoạch vừa sản xuất theo yêu cầu của thị trường, từng bước tổ chức các liên hiệp sản xuất lấy xí nghiệp quốc doanh làm trung tâm. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm vẫn đạt 4,5%...

Đổi mới, không ngừng phát triển

Sau những khó khăn trong giai đoạn đầu đổi mới, đến những năm 90 của thế kỷ XX, Hà Nội bắt đầu có những bứt phá và đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn quan trọng. Trong giai đoạn kế hoạch 5 năm (1991 - 1995), nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt và vượt toàn diện. 

Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng ở mức cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bước đầu hình thành cơ cấu mới theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; tỷ trọng các ngành sản phẩm chất lượng cao và xuất khẩu tăng dần...

Đến giai đoạn 1996 - 2000, thành phố tập trung nguồn lực phát triển những ngành, lĩnh vực trọng yếu như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, những cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ then chốt... 

Năm 2000, Hà Nội chiếm 3,6% dân số và 2,8% diện tích lãnh thổ quốc gia, nhưng đã đóng góp 7,8% GDP cả nước, 9,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 11,7% vốn đầu tư xã hội.

Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và lấy làm nơi phát động “Năm quốc tế hòa bình - 2000”. Năm 2000, Hà Nội vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thủ đô Anh hùng.

Từ những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đổi mới mô hình quản lý; quan tâm nâng cấp hạ tầng đô thị... 

Nhờ đó, bộ mặt Thủ đô đổi thay nhanh chóng; đã hình thành những nhóm ngành công nghiệp - dịch vụ chủ lực; đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao... 

Đến năm 2023, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế Thủ đô vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, ước tính tăng 6,27% so với năm trước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 151,1 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm 2022, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. 

Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật, đạt gần 2,9 tỷ USD, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 6,3%.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư. Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh; 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra sôi động. Giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội được đặc biệt quan tâm, đầu tư...

Năm 1954, Hà Nội có 53.000 dân, diện tích 152km2. Năm 1961, thành phố được mở rộng, diện tích lên tới 586km2, dân số 91.000 người. Năm 1978, Quốc hội quyết định mở rộng Thủ đô lần thứ hai với diện tích đất tự nhiên 2.123km2, dân số 2,5 triệu người. Năm 1991, địa giới Hà Nội tiếp tục thay đổi, chỉ còn 922km2, nhưng dân số vẫn ở mức hơn 2 triệu người. 

Đến năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, địa giới hành chính Hà Nội tiếp tục được mở rộng, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). 

Thủ đô Hà Nội sau khi được mở rộng có diện tích tự nhiên hơn 3.344,7km2, lớn gấp hơn 3 lần trước đây và đứng vào top 17 thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất; dân số tăng hơn gấp rưỡi, hơn 6,2 triệu người (cuối năm 2023 là khoảng 8,6 triệu người); gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã.

II. VAI TRÒ CỦA THỦ ĐÔ VÀ NHỮNG YÊU CẦU RIÊNG VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

Cũng như Hà Nội, thủ đô của các nước trên thế giới thường là nơi tập trung quyền lực chính trị, kinh tế và là đầu não của bộ máy hành chính... Để củng cố và phát huy những vai trò, nhiều quốc gia đã có những chính sách, cơ chế đột phá cho sự phát triển của thủ đô.

Vai trò quan trọng

Hầu hết các thủ đô trên thế giới đều có lịch sử phát triển lâu đời, thường gắn liền với việc hình thành hệ thống hành chính, quản lý lãnh thổ và quyền lực của nhà nước trên lãnh thổ. Vì vậy, người ta thường hiểu thủ đô của một nước là nơi đặt trụ sở của chính quyền quốc gia trong phạm vi đất nước. 

Trong cuốn sách “Từ Megalopolis: Các tác phẩm đô thị”, tác giả Jean Gottmann - nhà nghiên cứu tiên phong về sự phát triển đô thị - đưa ra định nghĩa: “thủ đô là nơi có quyền lực và là nơi diễn ra các quá trình ra quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của quốc gia được cai trị và có thể ảnh hưởng đến các xu hướng, sự kiện vượt ra ngoài biên giới của quốc gia đó. Khác với các thành phố khác, chức năng của thủ đô bảo đảm tính trung tâm mạnh mẽ và lâu dài...”.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài vai trò quan trọng về chính trị, đa số các thủ đô trên thế giới cũng là trung tâm văn hóa của quốc gia, thường có lịch sử phong phú và đa dạng, phản ánh bản sắc và di sản của quốc gia; đồng thời là trung tâm của các hoạt động kinh tế, thương mại, công nghiệp, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, truyền thông và giải trí... 

Đây cũng là nơi các nhóm người khác nhau tương tác, trao đổi và hợp tác, tạo ra môi trường đô thị sôi động và năng động.

Dù có sự khác biệt, nhưng về cơ bản, các thủ đô thường đảm nhận một hoặc một số vai trò quan trọng sau:

Trung tâm quyền lực

Thủ đô thường là nơi tạo lập ra ý chí chính trị và quyết định các quyết sách lớn của nhà nước, thường là nơi đặt trụ sở các cơ quan quyền lực chính trị và nhà nước. Trụ sở ban lãnh đạo các đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế,... đều được đặt ở thủ đô. 

Vì vậy, thủ đô không chỉ là nơi có vai trò quyết định tới các vấn đề đối nội mà còn có thể ảnh hưởng và định hình các vấn đề và quan hệ khu vực, toàn cầu.

Trung tâm hành chính

Ngoài chức năng là trung tâm của các tổ chức quyền lực chính trị (đảng chính trị, quốc hội, chính phủ), thủ đô của một quốc gia thường là nơi đặt trụ sở các bộ và các cơ quan điều hành, hành chính khác của chính phủ, nơi đặt các sứ quán các nước cũng như trọng điểm của nhiều thủ tục hành chính, giao lưu trong và ngoài nước.

Trung tâm kinh tế

Thông thường, các thủ đô đồng thời là những trung tâm công nghiệp, tài chính và ngân hàng... London (Anh), Paris (Pháp), Mexico City (Mexico), Bangkok (Thái Lan),... thuộc mô hình thủ đô này. Tuy nhiên, do những điều kiện lịch sử khác nhau, nhiều thủ đô không đảm nhận chức năng trung tâm kinh tế.

Trung tâm lịch sử, văn hóa

Đối với các quốc gia có bề dày lịch sử, thủ đô thường là những trung tâm của truyền thống lịch sử, trung tâm tôn giáo và tín ngưỡng... Thủ đô cũng thường là nơi có các biểu tượng quốc gia, tượng đài, nơi diễn ra các nghi lễ và lễ kỷ niệm phản ánh văn hóa, lịch sử và những giá trị của cư dân. Vì vậy, thủ đô đôi khi được xem như biểu tượng của một dân tộc, một quốc gia.

Về văn hóa, do là nơi tập trung quyền lực và đại diện cho quốc gia, nên từ kiến trúc đô thị đến đời sống văn hóa, các thủ đô thường có những điểm khác biệt so với những đô thị khác. Điều này còn được hình thành qua quá trình “thu hút” cư dân từ các địa phương khác tới thủ đô; đồng thời thể hiện ở sự tập trung các cơ sở văn hóa, giáo dục đào tạo, hệ thống thông tin đại chúng cũng như mối giao lưu với thế giới bên ngoài tại đây.

Vị trí đặc biệt, yêu cầu đặc biệt

Từ những vai trò đặc biệt kể trên, thủ đô của các nước thường có một vị trí pháp lý tương đối đặc biệt. Hầu hết các quốc gia đều nhấn mạnh những vai trò này và coi phát triển thủ đô là vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay từ thời tiền sử, nhiều quốc gia đã có các chính sách đặc thù trong quy hoạch, xây dựng thủ đô. Trong thời kỳ hiện đại, để củng cố và phát huy vai trò, vị trí, chức năng của thủ đô, nhiều nước có những cơ chế riêng cho thủ đô như việc xây dựng chính quyền đô thị phù hợp với đặc thù của thủ đô; mở rộng thẩm quyền trong giải quyết một số vấn đề của địa phương; cho phép thực hiện các chính sách về tài chính, ngân sách đặc thù hoặc chủ động hơn trong việc xây dựng các chính sách có liên quan theo phân cấp như xác định các loại thuế, lệ phí và các khoản đóng góp khác mà thủ đô được thu và sử dụng... 

Chẳng hạn như chính quyền Thủ đô Moscow (Liên bang Nga) được giao thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách địa phương nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, như các công ty đầu tư nước ngoài có thể mua quyền sử dụng dài hạn các lô đất với thời gian thuê tối đa là 49 năm và có thể kéo dài thời gian thuê tiếp thêm 49 năm. 

Chính quyền Moscow cũng có quyền thu hút các nguồn tín dụng với bảo đảm vốn vay bằng ngân sách của thành phố; có thể bảo đảm các khoản đầu tư và tín dụng bằng tài sản; có thể trợ cấp, cắt giảm một số khoản thuế (bao gồm thuế thu nhập và thuế tài sản) cho các dự án đầu tư đem lại những lợi ích xã hội quan trọng cho Thành phố.

Trong khi đó, để bảo đảm vai trò là trung tâm chính trị quốc gia; đồng thời là trung tâm kinh tế, tài chính và sản xuất công nghiệp hiện đại,... của Thủ đô Tokyo, bên cạnh các chính sách quản lý đô thị chung, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật về khu vực thủ đô; Luật về các khu khai thác phát triển thuộc khu đô thị Thủ đô Tokyo; Luật hạn chế công nghiệp tại khu đô thị cũ thuộc khu vực thủ đô... 

Để tăng cường khả năng quốc tế hóa thành phố, Nhật Bản cũng sớm đưa ra 4 biện pháp bao gồm: đẩy mạnh hoạt động giao lưu quốc tế; xây dựng các cơ quan giao lưu quốc tế; xây dựng các phương tiện nhằm giáo dục tính quốc tế cho cư dân đô thị và xây dựng thành phố trở thành nơi mà người nước ngoài cảm thấy thân thiết.

III. GIẢI PHÁP RIÊNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỦ ĐÔ

Nhận rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội đối với sự phát triển đất nước, cùng với những cơ chế, chính sách chung, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm và từng bước có những giải pháp riêng cho sự phát triển Thủ đô.

Phát triển Thủ đô - trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Từ năm 1954 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô. Ngày 20-9-1976, Bộ Chính trị khóa III ban hành Nghị quyết về quy hoạch, cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết nêu rõ, Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật; đồng thời là trung tâm kinh tế quan trọng, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. 

Hà Nội phải được xây dựng thành một thành phố tiêu biểu cho chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta, vừa có tính hiện đại, vừa có tính dân tộc, làm chỗ dựa cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của cả nước. Nghị quyết là nguồn cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Hà Nội trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm 1976 - 1980.

Ngày 21-1-1983, Bộ Chính trị khóa V ban hành Nghị quyết số 08 về công tác của Thủ đô Hà Nội. Ngày 15-12-2000, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Nghị quyết số 15/NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010. 

Nghị quyết khẳng định phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đề ra những định hướng quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô với yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp về nhân lực, vốn, cơ cấu đầu tư, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô. 

Đặc biệt, về tổ chức thực hiện, Nghị quyết số 15 chỉ rõ cần “xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội”, “phân công phân cấp mạnh, cho phép Thủ đô được chủ động thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút, sử dụng vốn; về quản lý dân cư, nhà đất...”.

Nhằm từng bước thể chế hóa đường lối của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết số 15, ngày 28-12-2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội (có hiệu lực thi hành từ ngày 3-2-2001). Pháp lệnh quy định những mục tiêu, cơ chế chính sách, phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Thực hiện Pháp lệnh, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: kinh tế liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao theo hướng ổn định và bền vững; giáo dục - đào tạo từng bước được chuẩn hóa; khoa học - công nghệ được quan tâm đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm; văn hóa - xã hội có nhiều nét khởi sắc; quốc phòng, an ninh trên địa bàn được bảo đảm...

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm

Trên cơ sở đánh giá tình hình và những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, ngày 6-1-2012, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020. 

Theo đó, để xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh...; Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. 

Nghị quyết cũng giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng và phát triển; Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô khi được Quốc hội ban hành; xây dựng một số cơ chế, chính sách và phân cấp cho chính quyền Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quản lý trật tự xây dựng, trật tự giao thông, quản lý môi trường, quản lý dân cư...

Cùng với việc thực hiện Luật Thủ đô, tháng 11-2019, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 cho phép thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, tạo điều kiện để thành phố chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường; nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp...

Từ giữa tháng 8-2020, Quốc hội cho phép tiến hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội (theo Nghị quyết số 115/2020/QH14, ngày 19-6-2020). Nghị quyết đã tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô; giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”...

Ngày 21-11-2012, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Luật Thủ đô xác định rõ những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Sau hơn 9 năm thi hành, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của Hà Nội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tính chung trong giai đoạn 2011 - 2020, nền kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. 

Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực... Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú; giáo dục - đào tạo phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khoa học - công nghệ được đầu tư phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới chất lượng, ứng dụng hiệu quả; nguồn thu ngân sách được bổ sung nhờ cơ chế phát huy nội lực, chính sách huy động vốn, chính sách thưởng và đầu tư trở lại từ nguồn tăng thu của ngân sách trung ương trên địa bàn thành phố; Thủ đô đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển...

IV. TẠO CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA THỦ ĐÔ

Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Nhằm tạo cơ hội cho Thủ đô bứt phá phát triển, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. 

Trong tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Nghị quyết xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Nghị quyết yêu cầu, trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội... 

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng... 

Sớm tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức hội đồng nhân dân cấp phường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 và những cơ chế đột phá quan trọng để Hà Nội phát triển

Để thể chế hóa các chủ trương, đường lối về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhanh chóng được xây dựng, hoàn thiện và được thông qua tại Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025; 5 quy định có hiệu lực từ 1-7-2025).

Theo đó, Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách mới, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực. So với Luật Thủ đô 2012, Luật Thủ đô 2024 được bổ sung đồng bộ, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình mới. 

Các quy định về tài chính - ngân sách; quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị; khoa học - công nghệ, phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, xử lý vi phạm hành chính; nâng cấp 1 chương riêng về liên kết, phát triển vùng,... cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện.

Luật phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô. Về thu ngân sách, Luật cho phép thành phố được hưởng các khoản thưởng vượt thu so với dự toán được giao; được ban hành các loại phí, lệ phí mới hoặc tăng, giảm phí, lệ phí; được giữ lại toàn bộ tiền thu từ đất do thành phố quản lý, tiền thu từ tín chỉ carbon trên địa bàn. 

Về chi ngân sách, thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển; chi từ quỹ dự trữ tài chính với thời gian dài hơn, tỷ lệ cao hơn; được chi việc hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thực hiện di dời; chi hỗ trợ các địa phương bạn, các cơ quan trung ương trong một số trường hợp; chi đầu tư sang các địa phương khác trong dự án liên kết, phát triển vùng; được ban hành các tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi ngân sách cao hơn hoặc ngoài quy định của Trung ương...

Về đầu tư công, thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp dự án do ngân sách địa phương bố trí, mà không bị giới hạn về mức vốn. 

Về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), thành phố được áp dụng đầu tư đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao; được nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP lên không quá 70% trong trường hợp dự án có tỷ lệ vốn dành cho giải phóng mặt bằng lớn trên 50%. Được áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) bằng tiền và bằng quỹ đất đối với các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Ngoài ra, Luật cũng quy định các chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược, ưu đãi đầu tư trong một số lĩnh vực cao hơn so với quy định hiện hành... cho thành phố Hà Nội.

V. KHẨN TRƯƠNG ĐỂ ĐƯA LUẬT SỚM ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Để việc thi hành Luật Thủ đô 2024 số 39/2024/QH15 bảo đảm đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả, hiện nay các bộ, ngành và thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan.

Rõ công việc, rõ trách nhiệm

Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô ban hành theo Quyết định số 762/QĐ-TTg, ngày 2-8-2024, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành; trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai và tổ chức thi hành như rà soát Luật Thủ đô, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết Luật; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ khác được Luật Thủ đô giao...

Tại kế hoạch này, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luât Thủ đô 2024 trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình. Bố trí đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho công tác soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật...

Khẩn trương, quyết liệt

Cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, với trách nhiệm của mình, thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai các công việc để thi hành Luật Thủ đô, đưa các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, ngay trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, thành phố đã chủ động chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch triển khai của thành phố; tham gia góp ý xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Trung ương và thành phố nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai. Kế hoạch triển khai thi hành Luật của thành phố đã được ban hành.

Về cơ bản, Kế hoạch tập trung vào một số nhiệm vụ chính. Trong đó, thành phố có kế hoạch riêng về công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật; phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, tài liệu tập huấn để triển khai đến các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân của Thủ đô. 

Thành phố cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung quán triệt, tuyên truyền để đạt sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô. Từ đó, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Thủ đô trở thành thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, thành phố kết nối toàn cầu, thành phố sáng tạo.

Về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao, lãnh đạo thành phố xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định đến tính khả thi, hiệu quả khi thi hành Luật.

Cùng với việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và triển khai các nhiệm vụ để bảo đảm đưa Luật vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực, việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đang được khẩn trương tiến hành để tạo khung khổ thể chế đồng bộ cho Thủ đô phát triển.

Ngày 24-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TW về vấn đề này. Theo đó, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch; đồng thời, lưu ý cần tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô; đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện...

Bộ Chính trị cũng yêu cầu giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô...

Theo thống kê, trong số 96 nhiệm vụ theo quy định của Luật, 74 nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 22 nhiệm vụ ban hành văn bản cá biệt. Do đó, trước mắt, thành phố phối hợp cùng các cơ quan Trung ương xây dựng và trình Chính phủ 3 nội dung; xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1-1-2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật.

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố dự kiến tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định các nội dung quy định chi tiết và các cơ chế, chính sách để triển khai thi hành Luật. Trong đó, đối với các nghị quyết quy phạm pháp luật, dự kiến 28 nội dung sẽ được xem xét tại kỳ họp chuyên đề tháng 11-2024 và 4 nội dung được xem xét tại kỳ họp chuyên đề tháng 5-2025, bảo đảm hướng dẫn kịp thời phần lớn quy định của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 và 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày

1-7-2025. Đối với 21 nội dung nghị quyết ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật.

Cùng với đó, thành phố tiến hành rà soát các văn bản của thành phố, văn bản của cấp huyện có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thủ đô, các văn bản quy định để thi hành Luật với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố.

Đồng thời, có kế hoạch tổ chức theo dõi thi hành Luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện các quy định pháp luật về Thủ đô./.

TIẾN THẮNG - CÔNG MINH - THÀNH NAM - KHÔI NGUYÊN - DUY ANH (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ