21/09/2024 | 12:38 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xuân mới ở Trung Lý

Minh Sơn
Xuân mới ở Trung Lý Chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý dạy bổ túc hằng ngày cho con nuôi Giàng A Phành_Ảnh: M.S
Tháng 1-2024, chúng tôi “Tây tiến” đến với xã Trung Lý - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa với tỷ lệ hộ nghèo trên 57%. Xã có 15 bản, chủ yếu là người dân tộc Mông, Thái, Mường..., tỷ lệ mù chữ cao, trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng xuân nay đã khác...

Ấm lòng dân bản

Trong hành trình “Xuân biên giới năm 2024”, Trung tá Hoàng Ngọc Bình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Lý - chia sẻ: “chúng tôi luôn xác định tinh thần thực hiện 3 bám (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách) và 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với nhân dân. Hằng ngày cán bộ, chiến sĩ phân công xuống các bản, hướng dẫn nhân dân cách làm ăn phát triển kinh tế, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để đề xuất chính quyền cơ sở hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, nắm bắt tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền phá hoại, truyền đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hoạt động lôi kéo di cư tự do, hoạt động buôn bán ma túy...”.

Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Trung Lý tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình, nhiều hoạt động, tiêu biểu như: trong 2 năm 2022 và 2023, Đồn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát, Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Trung Lý mở và giảng dạy 3 lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho hội viên hội phụ nữ và nhân dân bản Khằm 1, Khằm 2, Pá Búa với tổng cộng 95 học viên. Thời gian học tập từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày, để các học viên vừa tranh thủ được thời gian theo học mà vẫn có điều kiện làm công việc gia đình. Mục tiêu bước đầu của lớp là dạy cho người dân biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản phục vụ trực tiếp việc mua bán, trao đổi hàng hóa và sau đó biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Thông qua các lớp học xóa mù chữ, cán bộ giảng dạy của Đồn Biên phòng Trung Lý khéo léo lồng ghép vào các bài học tuyên truyền cho bà con nhân dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xây dựng nếp sốn văn minh, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để người dân nắm chắc, hiểu sâu, không cổ xúy, tham gia hoạt động, tuyên truyền đạo trái pháp luật...

 “Năm nào chúng tôi cũng phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm tổ chức trao quà tết cho những hộ nghèo, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn, học bổng hiếu học cho các em học sinh... Riêng Xuân Giáp Thìn năm nay, Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp thực hiện các hoạt động tặng quà, khám chữa bệnh cho nhân dân với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng”, Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý - cho biết.

Giàng A Phành là con nuôi của Đồn Biên phòng Trung Lý. Cậu bé thân thiện, nhưng hay xấu hổ, lúc nào cũng tủm tỉm cười. “Nhà Phành ở bản Suối Hộc, cách đồn 15km. Khi chúng tôi đi địa bàn thấy gia đình con khó khăn, bố mất, mẹ đi lấy chồng. Khi gặp chúng tôi, con đang ốm, nhiễm khuẩn nặng, chúng tôi vội đưa xuống bệnh viện nhi của tỉnh chữa. Khi thanh toán, nghe hoàn cảnh của con, bệnh viện không lấy bất kỳ khoản phí nào, còn cho con thêm 5 triệu đồng. Đến Đồn làm con nuôi được 3 tháng, tiếng phổ thông chưa sõi, chúng tôi phải thay nhau dạy bổ túc cho con hằng ngày. Con rất ngoan và chịu khó, thấy các bác, các chú làm gì cũng giúp việc phù hợp”, Trung tá Hoàng Ngọc Bình chia sẻ.

Mùa cây đơm chồi, nẩy lộc

Đến xã Trung Lý ngày nay, cùng với những công trình trường học, trạm, đường điện kéo dài đến các bản..., dọc 2 bên đường có nhiều nhà ở, nhà hàng, cửa hàng buôn bán dịch vụ được xây dựng khang trang.

Ông Ngân Văn Lon - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Lý - cho biết: những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của người dân, xã từng bước vươn lên xóa nghèo. Xã được ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, mở rộng các tuyến đường đến xã, bản, giúp kinh tế phát triển, thông thương hàng hóa và đi lại của đồng bào được thuận tiện hơn. Nhiều hộ gia đình đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn, trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn, trồng cây lâm nghiệp... Cuộc sống nhiều thay đổi, con em trong độ tuổi đều được đến trường, được chăm sóc y tế... Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 22,5 triệu đồng/năm.

Ông Hà Văn Quyết - Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý - khẳng định: thời gian qua Đảng ủy xã Trung Lý đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các khối đoàn thể, các chi bộ tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi thâm canh trên cơ sở khai thác và sử dụng có hiệu quả các điều kiện tự nhiên của địa phương, nhờ vậy đến hết năm 2023, đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm 15.505 con, tăng 1.392 con, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

“Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia đình tôi đã xây dựng mô hình nuôi gà đen bản địa được 2 năm nay, cho thu nhập ổn định, trừ các khoản chi phí còn được 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay, trang trại gà đen nhà tôi được nhiều người biết đến và tìm thu mua tại nhà, không phải đi ra chợ bán nữa. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại thực sự là “cứu tinh” giúp gia đình tôi thoát nghèo”, anh Giàng A Vành - Bí thư chi bộ bản Khằm II - vui mừng chia sẻ.

Gia đình anh Giàng A Vảng, bản Khằm II có mô hình trồng hình trồng đào, dưa hấu, dưa Mông địa phương sạch. Anh Giàng A Vảng chia sẻ: “gia đình tôi trước đây thuộc hộ nghèo của bản, từ ngày phát triển trang trại trồng đào, dưa hấu, dưa Mông địa phương sạch gia đình tôi mới từng bước đủ ăn, tăng thu nhập, giờ thu nhập bình quân hằng tháng của gia đình tôi giờ là 15 triệu đồng, cũng thoát nghèo rồi”.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình anh Thào A Thái, ở Bản Tà Cóm là một điển hình trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của xã được nhiều người biết đến và học hỏi. Hiện đàn trâu, bò nhà anh Thào A Thái đang có 50 con bò và 18 con trâu, mỗi năm số lượng đàn trâu, bò nhà anh sinh sản thêm 5 - 6 con. Trong một năm bán trâu, bò giúp thu nhập gia đình anh ước tính đạt 100 - 200 triệu đồng.

Mỗi một hộ gia đình thoát nghèo là thêm một nguồn động viên đối với xã Trung Lý, để cán bộ nơi đây có thêm niềm tin hoàn thành mục tiêu đưa nhân dân từng bước thoát nghèo, tiến tới làm giàu bằng những lợi thế từ chính quê hương mình./.

16 February 2024