Về nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”
Tâm Việt
“Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau”
Mỗi lần câu hát “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam...” trong bài hát “Áo mới Cà Mau” vang lên, không chỉ những người con Đất Mũi xa quê, mà lữ khách thập phương cũng bồi hồi xao xuyến, nhớ thương. Nhớ Cà Mau có người em gái dễ thương dễ mến, nhớ Cà Mau nơi cuối trời bát ngát - nơi được ví là nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” - với dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền.
Ngày 9-12-2023, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, nhắc lại câu thơ “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, mỗi người Việt Nam và mỗi người nước ngoài tới Việt Nam đều muốn đặt chân đến Cà Mau. Đến với nơi đây, du khách không chỉ được tham quan các khu di tích lịch sử để tìm về cội nguồn lịch sử văn hóa dân tộc mà còn có thể hòa mình vào thiên nhiên với biển, đảo kỳ thú. Ấn tượng mạnh nhất có lẽ là những cánh rừng đước xanh bạt ngàn vô tận rất đỗi hoang sơ vùng đất mũi Cà Mau. Cũng sẽ là trải nghiệm tuyệt vời khi du khách vừa chìm đắm trong không gian văn hóa của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vừa thưởng thức các món ăn đặc sản như: tôm, cua, cá thòi lòi nướng muối ớt, ốc len xào dừa...
Trong chuyến hành trình khám phá vùng đất cuối trời Tổ quốc, Công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau (tọa lạc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là một “điểm son” cần phải dừng chân của mỗi du khách. Du khách sẽ tham quan cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh và biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng gió - con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi - được ngắm toàn cảnh Mặt trời mọc lên ở Biển Đông và lặn về phía biển Tây. Bên cạnh đó, trong Khu du lịch Mũi Cà Mau còn có Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ Âu Cơ đặt hướng về Biển Đông. Đây là công trình mang ý nghĩa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta, nhằm nhắc nhở thế hệ mai sau về quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc và tri ân tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi.
Một điểm nhấn khác là Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau - công trình thể hiện tình cảm keo sơn gắn bó sâu nặng giữa Thủ đô Hà Nội và Đất Mũi Cà Mau. Khuôn viên cột cờ có tổng diện tích hơn 16.000m2, chiều cao 45m. Từ trên cao, du khách có thể ngắm toàn cảnh quan rừng ngập mặn Cà Mau, ngắm biển Đông rộng lớn, cụm đảo Hòn Khoai và bãi bồi biển Tây. Du khách có thể nghỉ ngơi thư giãn tại trạm dừng chân “độc nhất vô nhị” trên bãi bồi biển Tây - nơi hằng năm lấn ra biển từ 80 - 100m nhờ phù sa từ thượng nguồn sông Mê-kông đổ về.
“Người Cà Mau dễ thương vô cùng”
Ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc có xóm nhà không cửa từ thời khẩn hoang của người dân ở xã Đất Mũi, nằm cách cột mốc tọa độ cực Nam khoảng vài trăm mét. Đó là những căn nhà sàn ven sông nằm sát bên nhau. Điều đặc biệt là những căn nhà này đều không có cửa. Không chỉ thoáng mát gần gũi với thiên nhiên, những căn nhà không cửa còn thể hiện tính cách phóng khoáng của người dân, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng sông nước Nam Bộ.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà không cửa của ông Bùi Văn Ba ở ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ông Ba cho biết, truyền thống nhà không cửa có từ thời ông bà ngày xưa. “Chúng tôi lớn lên cũng theo phong tục của ông cha đến tận ngày nay. Bà con ở đây đồng lòng lắm, xuồng ghe đi biển đậu dưới sông cũng không có khóa mà không mất mát gì”, ông Ba nói. Cách nhà ông Ba không xa, bà Trần Thị Lệ trong ngôi nhà không cửa đang ngồi vá lưới. Thấy phóng viên đi ngang, bà Lệ chia sẻ: “cất nhà vậy ở cho mát, chứ dùng cửa làm chi, bít bùng, nóng nực lắm!”. Theo bà Lệ, trước đây không nhà nào làm cửa hết vì chòm xóm đều quen biết với nhau cả. “Xóm này nhà nào cũng biết nhau nên làm gì có trộm cắp”, bà Lệ khẳng định.
Rồi đời sống kinh tế phát triển, kéo theo thay đổi trong xóm nhà không cửa. Một số hộ trong xóm chuyển sang nghề buôn bán kéo theo kết cấu nhà cửa cũng thay đổi theo. Bà Huỳnh Thị Dưỡng - một cư dân trong xóm - cho rằng, đó là sự thích nghi với cuộc sống. “Chắc chắn một điều, tính cách hào sảng, phóng khoáng của người dân nơi đây vẫn luôn được gìn giữ và phát huy”, bà Dưỡng nói. Ông Võ Công Trường - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đất Mũi - cho biết, trước đây, ở ấp Mũi, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản nên hầu hết người dân làm nhà không cửa cho nhân công thuận tiện vận chuyển hải sản. “Trước đây, nhà không cửa của xóm này nhiều nhưng từ khi thông xe, tình hình an ninh trật tự thay đổi theo, nên số lượng nhà không cửa giảm, song vẫn còn nhiều hộ giữ gìn nét văn hóa đặc biệt này”, ông Trường chia sẻ.
Với vị trí địa lý đắc địa, sản vật từ rừng, từ biển phong phú, đa dạng và con người hiền hòa, có nhiều nét văn hóa độc đáo, lãnh đạo Khu du lịch Mũi Cà Mau cho biết đang phấn đấu đến năm 2025, đưa khu du lịch trở thành trọng điểm du lịch lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn..., đặc biệt sẽ cố gắng tái hiện, phục dựng, bảo tồn và phát triển nét văn hóa độc đáo nhà không cửa ở ấp Mũi để phục vụ du khách./.