Về Mường Ham đắm mình trong không khí ngày hội
Minh Thư
Uống “chè đâm” nghe chuyện lập bản dựng mường
Ngày trước, khi nói về các mường ở miền Tây Nghệ An, phía Tây Bắc vùng Phủ Quỳ là “Mường Noọc” (ngoài). Mường ngoài có Mường Khủn Tinh, Mường Choọng, Mường Ham, Mường Chè Lè, Mường Piệt, Mường Pôm... Phía Tây Nam là “Mường Trong” (Con Cuông) có Mường Quạ và Mường Chon...
Ngày xuân lên “Mường Noọc” xuống Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp bây giờ được ngồi bên bát “chè đâm” - một thức uống đặc sản truyền thống đặc trưng của vùng quê miền núi. Nghĩa tiếng Thái - “chè đâm” được gọi “che tắm”. Nghe kể “che tắm” có từ lâu lắm rồi, có lẽ do ngày trước, xuất phát từ cuộc sống du canh du cư, săn bắt, hái lượm. Ban đầu vào rừng hái lá về giã, đun uống và theo thời gian, khi cây chè xuất hiện du nhập vào đời sống, theo bản năng họ cũng đem chè vào giã và đun uống, dần dần trở thành một thứ đồ uống quen thuộc.
Mế Vi Thị Cốm (bản Mường Ham) cho biết, cách chế biến “che tắm” xanh ngon phải trải qua nhiều công đoạn, từ cách chọn chè đến cách đâm rồi pha chế. Trước hết phải chọn thứ lá chè xanh không quá già, cũng không được quá non. Nếu già quá thì nước chè sẽ bầm đen, non quá thì nước sẽ đắng và chát. Nước nấu pha chè đâm phải là thứ nước thường là nước mưa, hay nước giếng đá sỏi thì nước mới có vị ngọt lúc pha chế với nước cốt chè đâm mới dậy được mùi chè. Nhiều dụng cụ dùng để đâm chè, nhưng chủ yếu dùng chày và cối, ống cối làm bằng mét bên trong có lót khúc gỗ. Chè đưa vào cối giã nhuyễn lúc nào dậy lên mùi thơm của chè là được, nước chè đâm xong được lọc qua dụng cụ gọi là “huột”. Đâm chè phải đâm đều tay và không được để chè nát quá, nếu nát quá sẽ gây chát, đắng hoặc nhiều cặn chè, còn nếu đâm không đều tay, chỉ nát một nửa số chè trong cối, chè đâm sẽ bị loãng và không ngon. Từ nước cốt, chè đâm sẽ được pha chế theo tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh để đưa ra dùng.
Theo mế Cốm, từ khi lớn lên và làm dâu nơi này đã được thế hệ người đi trước truyền lại cho công thức chế biến chè đâm. Theo bà con nơi đây, chè đâm có tác dụng điều hòa huyết áp, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, đem lại sự tỉnh táo cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng. Mặt khác, uống nước chè đâm thường xuyên còn giúp tăng cường ngăn ngừa sâu răng và nhiệt miệng... Bên hồ Thung Mây thơ mộng, những quán nước chè đâm lại nhiều thêm lên mỗi ngày. Có thể thấy, nhiều vùng quê đẹp không chỉ có non xanh nước biếc, mà đẹp và thơ mộng vì còn có những phong tục tập quán lâu đời. Nó làm thành bản sắc văn hóa mang nét đặc trưng riêng của vùng. Trong những bản sắc văn hóa ấy, phong tục uống nước chè xanh đâm đã và đang là một nét văn hóa rất riêng để khách không thể nào quên khi về với miền cao này.
Ngồi bên bát chè đâm còn được nghe các bậc cao niên kể về sự tích lập bản dựng mường: vào cuối thế kỷ XIX, vùng Mường Tôn, thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong bây giờ là trung tâm của “chín bản, mười mường” xảy ra biến cố lớn. Dòng họ Lo Căm quyền thế gọi là một Tạo Mường đã cho người đưa con trai duy nhất của mình là Tạo Nọi xuống vùng rừng núi thuộc xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp bây giờ lánh nạn. Gia nhân của Tạo Mường giấu Tạo Nọi trong một hang đá lớn thuộc thung lũng Túng Nhau và được bảo vệ rất cẩn mật chờ ngày hết loạn lạc sẽ trở về đoàn tụ với gia đình. Gia nhân của Tạo Mường vừa chăm sóc, bảo vệ Tạo Nọi vừa tiến hành khai hoang, phát rẫy, đắp phai, đào kênh dẫn nước về ruộng. Gần 10 năm sau, hay tin bản quê đã hết loạn lạc, Tạo Mường đã mất, gia nhân rước Tạo Nọi từ Túng Nhau đến một vùng đất bằng phẳng, cảnh sắc hài hòa, dòng Nậm Huống trong mát. Đến đây, Tạo Nọi ra hiệu cho gia nhân dừng bước và cắm đất, dựng nhà, tiếp tục mở rộng khai hoang dựng bản, lập mường. Vùng đất Tạo Nọi dừng chân được gọi là Mường Hám. Theo chân Tạo Nọi, người Thái bản trên, mường dưới kéo nhau về cùng Tạo Nọi xây dựng bản mường...
Gần đây, xã Châu Cường đã duy trì tổ chức Lễ hội Pựn Pang - Nang Ni dựa trên nền tảng của lễ hội cổ truyền ở Mường Ham trước đây. Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp có thông báo về việc tổng kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, và hướng dẫn tổ chức nâng Lễ hội Pựn Pang - Nang Ni tại xã Châu Cường lên tầm cấp huyện. |
Mường Ham ngày càng được mở rộng, trở thành mường lớn nhất trong vùng. Bà con người Thái ở Quỳ Hợp quen gọi là Mường Tôn, tức mường gốc của cả vùng Khủn Tinh xưa. Về sau, triều đình nhà Nguyễn gọi Mường Ham là Thuần Hàm Tổng gồm các xã Châu Cường, Châu Quang và một phần Châu Lý ngày nay và trở thành trung tâm hành chính của một vùng rộng lớn.
Khi Tạo Nọi qua đời, người dân Mường Ham lập đền thờ và tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, khi vạn vật, cỏ cây được ủ mình trong không khí vui tươi, ấm áp để ghi nhớ công đức của người đầu tiên lập bản, dựng mường. Qua những bước đi thăng trầm của dòng thời gian, có lúc đền thờ bị xuống cấp, lễ hội bị đứt đoạn nhưng thế hệ cháu con vẫn luôn ghi nhớ và hướng về công đức của tổ tiên. Nay đền thờ đã được phục dựng, lễ hội đã được khôi phục, người Mường Ham càng thêm yêu quý và tự hào về truyền thống quê hương... Cũng theo lời kể của các bậc cao niên, Mường Ham xưa là một vùng rộng lớn, nay không còn là đơn vị hành chính nhưng ở Châu Cường vẫn còn bản Mường Ham. Nghĩa là, bản Mường Ham hôm nay là trung tâm của Mường Ham xưa.
Bản Mường Ham ngày nay có khoảng gần 130 hộ. Nguồn thu nhập chính của bà con dân tộc Thái ở đây chủ yếu thâm canh ruộng nước, trồng hoa màu, rừng nguyên liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đời sống ngày càng được nâng cao, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được chú trọng. Mường Ham là 1 trong 4 bản được xã chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, được đầu tư kinh phí xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi, dân sinh. Với sự nỗ lực phấn đấu, năm 2022 bản Mường Ham đã về đích nông thôn mới. Tổng thu nhập năm 2022 đạt 36,463 triệu đồng/người/năm. Đến Mường Ham hôm nay, hầu hết các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố, bà con đang tích cực cải tạo vườn hoang, vườn tạp, đẩy mạnh sản xuất, tạo mỹ quan làng bản.
Trưởng bản Mường Ham Vi Thị Phượng cho biết về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của bản: thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh đoàn kết, nội lực trong cộng đồng dân cư, ban phát triển nông thôn mới Mường Ham đã vận động nhân dân, phát huy tối đa sức người, sức của xây dựng đường giao thông nông thôn, phấn đấu đạt chuẩn theo quy định. Mường Ham là bản thuần nông nghiệp với diện tích lúa nước hơn 16ha. Ban cán sự bản đã động viên nhân dân nạo vét các tuyến mương tưới, tiêu tổng chiều dài các tuyến 1,8km, trong đó đã bê tông hóa 1,5km, thường xuyên cấp nước bảo đảm tưới tiêu hợp lý cho cây trồng. Giáo dục và đào tạo, y tế có nhiều tiến bộ, tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi 100%, hoàn thành phổ cập bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học đạt 80%, trong đó có 3 học sinh đang học các trường cao đẳng, đại học và trung cấp chuyên nghiệp...
Đặc biệt về Mường Ham dịp xuân không chỉ nghe câu chuyện Tạo Nọi lập bản, dựng mường và mê đắm cảnh nơi đây, chúng ta còn ấn tượng trước bản sắc văn hóa lâu nay còn được bảo tồn lưu giữ qua Lễ hội Mường Ham được tổ chức vào dịp tháng Giêng hằng năm để ghi nhớ công ơn Tạo Mường tại đền Mường Ham, còn gọi la “Tến Hảm”. Đến Mường Ham, được gặp Nghệ nhân dân gian Lương Thị Phiên đã ngoài 70 tuổi, từng là cán bộ đoàn say mê nhuôn, xuối (làn điệu dân ca Thái) vẫn đêm đêm dành thời gian tập hợp các cháu nhỏ để dạy hát dân ca và nhiều đêm thức trắng sáng tác phần lời, dàn dựng các tiết mục văn nghệ phục vụ công tác tuyên truyền của bản, của xã.
Người Mường Ham hôm nay lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa dân tộc Thái vô cùng độc đáo và phong phú như lễ hội Mường Ham và những giá trị văn hóa vẫn tồn tại trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, mỗi độ mùa xuân về được đắm mình trong niềm vui ngày hội mới thấy sức sống mới của bản mường hôm nay./.