21/11/2024 | 16:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sin Suối Hồ ngỡ ngàng “lột xác”

Nguyễn Tri Thức
Sin Suối Hồ ngỡ ngàng “lột xác” Du khách tại điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Sin Suối Hồ_Ảnh: N.T.T
Mấy năm gần đây, Sin Suối Hồ là cái tên hút khách không chỉ ở tỉnh Lai Châu nơi cuối trời Tây Bắc. Ít ai dám ngờ rằng, bản người Mông nép mình dưới chân núi Sơn Bạc Mây (nghĩa là quanh năm mây trắng tụ) ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cách thành phố Lai Châu khoảng 32km đã có sự “lột xác” đầy ngỡ ngàng, diệu kỳ. Từ một bản hẻo lánh đói nghèo, nghiện hút, chỉ trong vòng mấy năm, Sin Suối Hồ đã vụt thoát trở thành bản du lịch cộng đồng thuộc hàng đáng đến nhất cả nước...

Tôi mạnh mẽ tin thế, bởi trong suốt nhiều năm may mắn được đặt chân đến không ít địa điểm du lịch cộng đồng trên khắp cả nước, từ miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, sức hấp dẫn của Sin Suối Hồ hoang sơ, trong lành có gì đó lạ lùng, quyến rũ, đầy mê hoặc.

Từ quốc lộ 4D rẽ vào qua xã Thèn Sin, nhiều đoạn đường xuống cấp bé tẹo uốn lượn ngoằn ngoèo quanh núi cao, vực sâu hiểm trở. Song hành với cảm giác thích thú, mạo hiểm ấy, du khách có thể đầy hứng khởi, say mê cảm nhận cảnh quan hùng vĩ hai bên đường, thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang, những bản nhỏ ẩn hiện nơi thung lũng mà chỉ sau một khúc cua đã xa rời tầm mắt.

1. Ra là bản Sin Suối Hồ (cùng tên xã), huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ở tít hút trên cao, đường xá đi lại khó khăn thế, nên cũng không khó hiểu khi biết rằng, chỉ chưa đầy 10 năm trước, bản người Mông này còn chìm trong đói nghèo, rượu chè, nghiện hút. 

Đón chúng tôi tại bản là cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp Hảng Thị Qua. Qua sinh năm 2000, đang học năm cuối Cao đẳng Du lịch Hà Nội, nhưng vì dịch COVID-19 nên vẫn học online và tranh thủ làm hướng dẫn viên. 

Tại nhà trưởng bản Vàng A Chỉnh, khi chúng tôi lưỡng lự tìm những điểm tham quan, ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu - khuyên rằng, nên đi bộ chừng 1,6km đường rừng để đến thác trái tim, thác tình yêu rồi vòng về thăm bản.

Bí thư chi bộ Sùng A Phùa và Hảng Thị Qua dẫn chúng tôi thăm thác, sau khi một số người đã cởi giầy thay dép cho dễ đi, có thể xắn quần lội suối đang mùa nước. 

Bản Sin Suối Hồ có 703 khẩu, 135 hộ, đã có 10 hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ homestay, trong đó, chủ lực chính là gia đình Hảng Thị Qua, với bố và 2 chị gái tham gia hầu hết các hoạt động du lịch của bản. 

Qua kể rằng, trước đây 90% số người trong bản nghiện hút, hầu như nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Rồi rượu chè suốt ngày. “Vì nghèo quá, các gia đình ở nơi khác không muốn cho con làm dâu ở Sin Suối Hồ”, Qua nói. 

Và rồi, ông Hảng A Xà (sinh năm 1975) - bố của 3 cô con gái đầu lòng, trong  đó có Qua - cùng trưởng bản Vàng A Chỉnh là những người đi đầu vận động bà con cai nghiện, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Mưa dầm thấm lâu, kiên trì không ngại khổ, từng bước người dân Sin Suối Hồ đã xa rời “nàng tiên nâu”. 

Tôi hỏi bí thư Sùng A Phùa rằng, thấy có thông tin bản mình đạt 5 không (không hút thuốc phiện, không hút thuốc lào/thuốc lá, không uống rượu, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi), điều ấy có thật chính xác? Bí thư Phùa chân thật rằng, “vẫn còn người nghiện, phải cho ra trạm y tế xã điều trị bằng methadone. Bản vẫn còn 28 hộ nghèo. Người dân trong bản sống chủ yếu bằng ruộng nương, lúa nước, chăn nuôi nhỏ lẻ và trồng cây thảo quả, sơn tra (táo mèo)”.Dọc đường, những câu chuyện rôm rả như rút ngắn khoảng cách đến thác. Càng ngắn hơn khi con đường gồm nhiều viên đá lớn được người dân trong bản kỳ công, tỉ mẩn xếp lại cho người đi được thuận tiện. 

Mùa nước, suối chảy ầm ào dọc đường đi, nước mát lành khi thi thoảng chúng tôi lội qua. Hai bên đường, rừng nguyên sinh rậm rạp, đẫm xanh. Tầm gửi, dương xỉ, rêu xanh bám đầy những thân cây cổ thụ, cả trên những viên đá dọc lối đi, bên bờ suối. Cảm giác trong lành, hoang sơ đến tận cùng khi đôi lúc tôi một mình đi trước khá xa, bỏ lại đoàn phía sau đang mải mê chụp ảnh vì chỗ nào cũng đẹp.

Ngót 1 giờ đi bộ trong môi trường lý tưởng ấy rồi cũng đến chân thác trái tim. Mùa nước, thác đổ như trút, hình trái tim không rõ như Qua kể. Chúng tôi tiến gần đến chân thác, nước bắn như mưa bụi và đứng một lát thì ướt hết người. Cảm giác se lạnh giữa ngày mùa thu oi nồng thật thích thú. 

Tận hưởng, mê đắm cùng thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ dưới chân thác trái tim, nghe về nguồn gốc tên thác đậm chất lãng mạn, bi thương, chúng tôi trở xuống bằng một lối đi khác, cũng thuận tiện, hấp dẫn không kém, để thăm thác tình yêu và trở về bản.

Hóa ra, bí thư Sùng A Phùa là người tiêu biểu không chỉ của bản. Năm 2018, anh được Tỉnh Đoàn Lai Châu chứng nhận đạt danh hiệu thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi. 

Phùa cho biết, nhà anh hiện có 300 chậu địa lan, 3ha thảo quả, 1ha chè. Trước đây, thảo quả được giá, có thể kiếm 200 triệu đồng/năm, nhưng mấy năm gần đây mất mùa, không bán ra ngoài được (xuất sang Trung Quốc), nên chỉ mua về sấy khô để dự trữ và tập trung vào trồng địa lan và chè. Nhà Phùa chưa trực tiếp làm du lịch, nhưng nhiều gia đình khác đã “tăng tốc” đầu tư, mở rộng kinh doanh. 

Chuyện trò mãi với A Lử, 24 tuổi, tôi mới biết đó chính là con rể Hảng A Xà, lấy chị gái thứ hai của Hảng Thị Qua. A Lử đang chỉ đạo thợ làm chòi kiên cố trên thân những cây cổ thụ trong vườn nhà, để mở rộng kinh doanh homestay. 

“Đầu tư hơn 200 triệu đồng rồi, tiền một số sẵn trong nhà, một số đi vay, khoảng 130 triệu đồng. Khoảng 50 triệu đồng/chòi. Nhà làm trên cây cổ thụ, nhưng vẫn phải chống khung sắt, lắp kính xung quanh, điện nước như một căn phòng khép kín”, A Lử cho biết và hy vọng những “ngôi nhà hạnh phúc” như vậy khi đi vào hoạt động sẽ đủ sức hấp dẫn du khách, nhất là các cặp đôi.

Thực ra, có thể đến du lịch Sin Suối Hồ quanh năm, mùa nào thức ấy những cảnh vật, đặc sản thiên nhiên phù hợp, quyến rũ du khách, nhưng mùa du lịch thường kéo dài, đông đúc nhất là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. 

Đến Sin Suối Hồ, ngoài không khí trong lành, cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ, đậm đặc chất núi rừng Tây Bắc, du khách không thể không tham quan những vườn đào, địa lan hầu như nhà dân nào cũng có, bung nở vào mùa xuân rực rỡ sắc màu. 

Đến nhà chủ 2 vườn đào và địa lan to nhất Sin Suối Hồ, chủ homestay cũng to nhất bản, ông Hảng A Dơ đi vắng, cậu con trai Hảng A Hiếu ra tiếp khách. Hiếu vừa bắt đầu năm học lớp 9, “học giỏi, làm lớp trưởng” nên biết khá rõ quy mô kinh tế của gia đình. “Nhà cháu có 3 vườn đào, khoảng 3.000 cây, khoảng 900 chậu địa lan. Bố cháu 35 tuổi, trước chỉ được ông bà cho đi học hết lớp 1 thôi. Mẹ cháu cũng làm nông dân. Nhà cháu mua ô tô tải năm ngoái để chở hàng. Khách đến homestay cũng tùy từng tháng, đông nhất là gần tết và mùa hè. Thu nhập thì cháu không biết, vì bố mẹ cháu không nói”, Hiếu thật thà.

2. Ông Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sin Suối Hồ - cho biết, trước đây du khách đến Sin Suối Hồ khá đông, chủ yếu là khách trong nước nhiều. Từ hơn 1.000 lượt khách năm 2016, đến năm 2019, Sin Suối Hồ đã đón tới hơn 20.000 lượt khách. Dịch bệnh COVID-19 khiến khách thưa vắng. Hy vọng khi dịch bệnh qua đi, bản Sin Suối Hồ sẽ lại tưng bừng, tấp nập du khách. 

Cũng như các bản du lịch cộng đồng khác, Sin Suối Hồ cũng thành lập ban quản lý điểm du lịch và đề ra quy chế hoạt động du lịch cộng đồng để tổ chức hoạt động, quản lý, điều phối du khách. Để việc du lịch được nề nếp, quy củ, và tất cả người dân, thậm chí không tham gia du lịch cũng được hưởng lợi, đúng tinh thần cộng đồng. 

Bản thành lập hẳn hợp tác xã du lịch cộng đồng mang tên Trái tim rộng lớn, đủ sức đón tiếp cả trăm người, sân bãi thoải mái để ô tô, biểu diễn văn nghệ. Các chủ homestay trong bản cũng chính là những người đóng góp cổ phần vào hợp tác xã, nên việc kinh doanh cũng tương đối đồng lòng, thuận lợi.

Có điều rất tuyệt vời khác là dọc đường chúng tôi thăm bản, người dân từ trẻ đến già khi gặp khách đều cúi đầu chào thân thiện như đã quen biết. Chính vì vậy, không ít chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế đến Sin Suối Hồ, chứng kiến phong cảnh, môi trường, con người nơi đây đã ngỡ ngàng để rồi không tiếc lời ngợi khen rằng, thái độ, trình độ phục vụ của người làm du lịch, người dân nơi đây còn hơn cả đẳng cấp 5 sao.

Cũng phải nói thêm rằng, nhờ sự tranh thủ hỗ trợ của các dự án trong và ngoài nước và nguồn ngân sách địa phương, tỉnh Lai Châu đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng đón tiếp khách, kỹ năng homestay, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, kỹ năng chế biến các món ăn ngay tại điểm bản với phương châm “cầm tay chỉ việc” của đội ngũ chuyên gia về du lịch cộng đồng, nên những người làm du lịch ở Sin Suối Hồ đã được trang bị những kiến thức cơ bản để làm du lịch, hướng đến phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp. 

Ông Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu - nói ngắn gọn rằng, đó cũng chính là việc nghiên cứu và phát huy tri thức địa phương của đồng bào.

Bữa tối, thực đơn là những món ăn dân dã, chưa thật đỉnh cao tay nghề chế biến, nhưng cũng đủ khiến du khách ngây ngất men say. Tất nhiên, du khách được đốt lửa, nướng thịt, cá, uống rượu bia... và rồi hứng khởi tham gia buổi biểu diễn văn nghệ với âm thanh, ánh sáng hiện đại nhưng đều là các tiết mục múa, thổi khèn lá, thổi sáo... đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông. 

Cô bé dẫn chương trình khá chuyên nghiệp, nhưng vẫn thoảng nét chất phác, mộc mạc khiến du khách thi thoảng bật cười sảng khoái. Tôi để ý thấy trưởng bản Vàng A Chỉnh chăm chú, hí húi quay phim, chụp ảnh. Hỏi ra thì biết thêm rằng, vợ chồng con trai cả trưởng bản vừa song ca bài “Gặp nhau giữa rừng mơ”, cô con dâu út đang múa điệu múa dân tộc, vì là trẻ nhất nên một mình được mặc váy đỏ... 

Nhìn cuộc sống đổi thay đầy phấn khởi, tự hào hôm nay của bản Mông quê mình, trưởng bản Vàng A Chỉnh vẫn nhớ như in những lần đi thuyết phục bà con dân bản cai nghiện, cùng làm du lịch cộng đồng. “Không bao giờ làm được chuyện đó đâu. Ai trong bản cũng quả quyết như vậy”. 

Thế nhưng, nhờ sự kiên trì, khéo léo, đầy quyết tâm của trưởng bản Vàng A Chỉnh, của Hảng A Xà và những người tiên phong khác, bản Mông nơi vợi cao chân núi Sơn Bạc Mây ấy đã không “bị tuyệt chủng, không còn tương lai nữa” (lời Hảng A Xà) mà còn đổi thay diệu kỳ.3. Suốt cả buổi đi rừng, thăm thác, dạo quanh bản làng, săn mây, ngắm hoàng hôn ở điểm thuận lợi, đẹp nhất bản; hết cả buổi sinh hoạt văn nghệ; dự cả buổi chợ phiên đầy sắc màu trong một sớm lất phất mưa nhưng tôi vẫn muốn hiểu kỹ hơn về việc Sin Suối Hồ “lột xác” đầy ngỡ ngàng, kiêu hãnh. Rõ ràng là người dân chủ động, sáng tạo, quyết tâm xóa tiếng bản nghèo, bản nghiện, mày mò tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn phải có trợ lực từ bên ngoài.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu - cho biết, bản Sin Suối Hồ bắt đầu được biết đến từ năm 2013, được coi là nơi hội tụ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu nét văn hóa dân tộc và khám phá, chinh phục thiên nhiên. 

Trải qua quá trình khảo sát, trải nghiệm và xây dựng, đến tháng 6-2015, bản Sin Suối Hồ được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận là điểm bản du lịch cộng đồng, là điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Kể từ khi được công nhận tới nay, với sự chung tay của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực và ý thức tự giác làm du lịch của người dân địa phương, bà con đã nhận thức tốt, tự giác vào cuộc, thực hiện gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường...

“Kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, vận động nhân dân cùng nhà nước nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường nội bản, đường sản xuất, đường điện, nước sạch..., tới nay du lịch cộng đồng tại Sin Suối Hồ đã có những bước phát triển tốt và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, mới nhất là vinh dự được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu toàn quốc năm 2019”, ông Hùng cho biết.

Chia tay Sin Suối Hồ vào một buổi sáng mù sương, mưa bụi lất phất bay, trong rộn rã buổi chợ phiên sáng thứ bảy, tôi cứ nhớ lời giải thích, sự so sánh của cô hướng dẫn viên Hảng Thị Qua rằng: “Sin Suối Hồ có nghĩa là suối có vàng. Giờ vàng là do du lịch mang lại”. 

Điều này hoàn toàn có sơ sở, khi trong một lần gặp chớp nhoáng, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu - có nói đại ý rằng: tỉnh đã xác định đầu tư tuyến đường tạo cảnh quan, không gian văn hóa cho toàn tuyến, mà Sin Suối Hồ là điểm nhấn. Khi ấy, tuyến đường từ quốc lộ 4D vào sẽ đẹp đẽ, dễ đi hơn, để rồi du lịch sẽ thực sự là đòn bẩy giúp Sin Suối Hồ là suối có vàng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng./.

Chuyên san Hồ sơ sự kiện số 431 (ngày 25-9-2020)

12 March 2024