Quảng Ninh: Từ “hành trình đau khổ” đến “bàn đạp” thúc đẩy phát triển
Hơn 10 năm trước, đến Quảng Ninh là một “hành trình đau khổ” với thời gian 3-4 tiếng đồng hồ đi từ Hà Nội. Vùng mỏ khi ấy, ngoài khai thác than với sự ô nhiễm nặng nề thì chỉ được biết đến với Vịnh Hạ Long, nhưng cũng rất hạn chế những sản phẩm du lịch thu hút khách.
Tỷ trọng công nghiệp chiếm xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế, trong đó ngành than đóng góp lớn với số thu nội địa luôn chiếm hơn 60%. Nhưng, 240 mỏ và điểm quặng đã, đang được khai thác ấy cũng kéo theo hàng trăm triệu tấn đất, đá, bụi, nước thải ra môi trường.
Mâu thuẫn giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ xuất hiện, ngày càng lớn hơn. Thực tế nhiều bất cập, mâu thuẫn ấy, Quảng Ninh đã có những tư duy đột phá, quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Và rồi, quyết sách được đưa ra. Năm 2014, Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược, với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới, sự tham góp ý kiến của nhiều chuyên gia. 7 quy hoạch chiến lược ấy thực sự tạo nền tảng để phát triển bền vững và phát huy các lợi thế nổi trội.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV (13-10-2015 – 14-10-2020) nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc. Nâng cao chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường”.
Từ bước ngoặt trong chuyển đổi tư duy, hành động đột phá hết sức bao trùm trong chuyển dịch phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” mang lại những kết quả tích cực ấy, nhiều “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở, kìm hãm sự phát triển ấy đã bị xóa bỏ.
Ngày 13-9-2014, Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng chiều dài 25,5km, thiết kế 4 làn xe với vận tốc 100km/h chính thức khởi công. Dự án gồm: đường nối thành phố Hạ Long đến cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) có chiều dài 19,8km, mức đầu tư hơn 6.400 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác; cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mức đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây là đường cao tốc đầu tiên trong cả nước được giao cho một tỉnh làm chủ đầu tư và sử dụng nguồn ngân sách của địa phương. Việc Quảng Ninh quyết tâm tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông liên vùng bằng việc mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép, và được phép xây dựng cao tốc bằng cách chủ động huy động các nguồn vốn, hợp pháp, một việc làm chưa từng có tiền lệ.
Sở dĩ có sự đột phá này là bởi Quảng Ninh nhận thức rõ ràng rằng, nếu không có hệ thống giao thông liên vùng thuận tiện, chắc chắn sẽ không có “bàn đạp” để thúc đẩy sự phát triển.
Và một điều hết sức quan trọng khác, Quảng Ninh chủ đích huy động nguồn lực từ ngoài xã hội, “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, với quyết tâm bỏ ra “1 đồng vốn ngân sách thu hút 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách” để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xin áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư xây dựng đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Và điểm nhấn trong tư duy coi trọng vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân, mời doanh nghiệp tư nhân tham gia vào việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đã được thể hiện rõ nét, sinh động, thuyết phục, với những thành quả được kết tinh từ quá trình tư duy và hành động đột phá.
Năm 2018 đánh dấu sự thành công của chuỗi dự án theo mô hình đối tác công - tư (PPP), với việc lần lượt khánh thành 3 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, đó là: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên trên cả nước, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên trong cả nước.
Việc tiếp tục những đột phá trong cải thiện, thay đổi diện mạo hạ tầng, Quảng Ninh thể hiện rõ sự đồng thuận trong tầm nhìn, tư duy, hành động, tạo mọi điều kiện thuận lợi từ hạ tầng, cơ chế chính sách, giải quyết vướng mắc, kiến nghị thay đổi chính sách với Trung ương,... để thu hút các nhà nhà đầu tư, giúp họ yên tâm đầu tư.
“Tiếng lành đồn xa”, rất nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng của các thương hiệu lớn, đẳng cấp ở trong nước và quốc tế đã cập bến Quảng Ninh, đóng góp tích cực vào sự phát triển hết sức đáng mừng, thực sự là những kỳ tích của địa phương, và cả nước.
Tư duy và hành động đột phá của Quảng Ninh đã được ghi nhận một cách tích cực, là động lực, niềm hứng khởi cho địa phương tiếp tục kiên trì theo đuổi con đường phát triển này.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh (tháng 4-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Nhân dân Quảng Ninh nói chung, các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành nói riêng rất năng động, sáng tạo, luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, có nhiều ý tưởng lớn, nhiều mô hình hay, chủ động đề xuất các dự án, đề án với những nghiên cứu bài bản, khoa học, bám sát quy luật khách quan và yêu cầu thực tiễn, đã chứng minh hiệu quả bước đầu...”./.