15/01/2025 | 22:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Những “vệ sĩ” trong rừng Pù Mát

Vũ Toàn
Những “vệ sĩ” trong rừng Pù Mát Anh Trần Xuân Long - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động Vườn quốc gia Pù Mát - và hơn 10.000 bẫy thú do “vệ sĩ” phát hiện_Ảnh Vũ Toàn
Họ là những người có đôi chân lội rừng đáng nể với bình quân hơn 20.000km mỗi năm. Họ có đôi mắt tinh tường, phát hiện hàng ngàn bẫy thú, hàng trăm lán trại, hàng chục súng tự chế... Cao hơn hết, họ có tình yêu thiên nhiên, yêu rừng Pù Mát. Vườn quốc gia Pù Mát gọi họ là “nhóm bảo vệ rừng chuyên trách” hay “nhóm chống săn trộm”, nhưng chúng tôi muốn gọi họ là những “vệ sĩ” của 94.765ha núi rừng Pù Mát.

Tuyển “vệ sĩ”

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát - cho hay, Pù Mát có 94.765ha. Trước năm 2019, theo Nghị định số 117/2010 của Chính phủ về tổ chức, quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì Hạt Kiểm lâm của Vườn có biên chế 180 cán bộ, nhân viên nhưng thực tế chỉ có 78 người. Vậy, thay vì một người quản lý khoảng 500ha rừng đặc dụng thì gánh nặng trên vai họ là 1.214ha/người. Sau khi thực hiện tinh giản biên chế 10%, Hạt Kiểm lâm chỉ còn 75 người.

Trước đó, năm 2017, thông qua hệ thống “bẫy ảnh, bẫy thú” của Vườn quốc gia Pù Mát, ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) - hiểu rõ tính đa dạng sinh học đặc biệt của Vườn nên đã “ướm” thử Giám đốc Cường bằng câu hỏi gần gũi, nhưng đầy trách nhiệm của một người yêu núi rừng: “Pù Mát có cam đoan bảo vệ được tốt không?”. Giám đốc Cường trả lời: “khó mấy cũng phải bảo vệ tốt nhưng có sự hỗ trợ về con người, lương bổng thì thuận lợi biết mấy”. 

Theo ông Cường, lực lượng kiểm lâm đang “mỏng” quá nên phải tìm một nguồn lực bên ngoài, liên kết với họ để hỗ trợ cho kiểm lâm. Quan điểm của ông là “ở đâu có người thì xin về nhưng người đó phải đạt tiêu chuẩn của Vườn”. Tiêu chuẩn gồm: được đào tạo cơ bản (tốt nghiệp đại học, cao đẳng có chuyên ngành liên quan lĩnh vực tài nguyên, môi trường, lâm nghiệp và pháp luật. Sức khỏe tốt. Đam mê và yêu rừng).

Sau khi xin được vốn hỗ trợ từ SVW, Vườn thông báo tuyển dụng. Đợt tuyển thứ nhất có 90 hồ sơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đăng ký. Vườn sàng lọc còn 72. Sau phỏng vấn, chọn được 7 người. Tuyển chọn đợt hai được 9 người. 16 “tân binh” này được đào tạo tại Vườn bằng khóa huấn luyện võ thuật do Công an huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đảm trách. 

Tiếp theo, họ được đưa ra Vườn quốc gia Cúc Phương tập huấn sử dụng các thiết bị về tuần tra rừng, chăm sóc động vật. Trở lại Pù Mát, họ bắt đầu đi rừng để kiểm tra sức khỏe và các kỹ năng sinh sống trong rừng. Trong số đó, một người bị loại vì kỹ năng đi rừng yếu, không trụ nổi cảnh trèo đèo, lội suối lúc nắng, lúc mưa. Bước cuối, đưa các “tân binh” vào sinh hoạt, làm việc với Hạt Kiểm lâm. 

Tháng 6-2018, các “vệ sĩ” bắt đầu hoạt động dưới sự giám sát của lãnh đạo Vườn, trực tiếp là Hạt Kiểm lâm Pù Mát. Mức lương được trả 10 triệu đồng/tháng/người + bảo hiểm. Ngoài ra, họ được Vườn đóng bảo hiểm tai nạn rủi ro 12 triệu đồng/người/năm. Vườn còn hỗ trợ tiền xăng xe trong quy trình tuần tra bảo vệ rừng. Các chế độ khác thực hiện theo Luật Lao động (1 tháng nghỉ 8 ngày, luân phiên). Các “vệ sĩ” được trang bị tăng võng, máy ảnh, máy định vị.

Những chuyến băng rừng

Nguyễn Hữu Trung - 27 tuổi, điều phối viên nhóm “vệ sĩ” - cho hay, nhóm mới bổ sung 1 người từ Vườn. 16 người của nhóm từ 16 đến 40 tuổi chia làm 2 “nhánh”. Chín người tăng cường vào Hạt Kiểm lâm, 6 người chuyên trách cơ động. Cách đây ít ngày, 6 “vệ sĩ” vừa cơ động trong đêm khuya vì có tin báo một toán người đang săn thú trong rừng sâu. Hai ngày đêm trong rừng mưa, lùng “nát” khu vực tin báo nhưng chưa phát hiện được. “Có thông tin là đi. Đêm cũng đi. Mưa cũng đi. Đang đi “dính” bão cũng phải hoàn thành nhiệm vụ”, Trung nhấn mạnh về bản lĩnh của “vệ sĩ” cơ động.

Nguyễn Hữu Trung tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp năm 2017, năm 2018 trở thành “vệ sĩ” của Vườn. Đợt đầu tiên đi rừng, Trung hơi bị “choáng” bởi mang 12kg trên vai, lúc leo thác thẳng đứng, lúc bám vách đá tai mèo vượt núi để chinh phục đỉnh núi cao thứ nhì của Pù Mát, cao 1.750m (đỉnh cao nhất của Pù Mát là 1.840m). Đêm ngủ trên đỉnh rừng không hề chợp mắt nổi bởi sợ khi thấy gió quăng quật như muốn bật cả gốc cây cổ thụ. 10 ngày trong rừng, có chặng 4 ngày đi liên tục. 

Riêng khoản đi tìm nước nấu cơm mà gùi cũng hết sức nan giải. Mỗi chuyến, 2 người gùi cho 6 người dùng nhưng chỉ đủ trang trải trong 1 ngày, không có nước tắm. Ngày thứ 5 đành dùng thứ nước đen sì (do lá cây mục) đọng lại trên các mỏm đá. Hai cân thịt heo không đủ trợ sức thay vì phải ăn cá đinh mén (cá biển khô tựa như cái đinh mén). 

Trung mệt đến mức định xin không làm “vệ sĩ” nhưng những tiếng kêu đêm của hoẵng, hình ảnh con nai bên cạnh nhiều cảnh tượng xác chồn, nhím chết treo xác khô trên bẫy (do đối tượng đặt bẫy không quay lại lấy thú rừng bị sa bẫy) thức tỉnh lòng đam mê núi rừng của một kỹ sư lâm nghiệp trẻ.

Trung kể, thợ săn thú thường nấp kín trên đỉnh núi đất, núi đá nên các “vệ sĩ” không đi theo đường chính mà lần theo những dấu cây bị phát để bám những dấu chân của họ. Có lúc đang cặm cụi đi, một đàn khỉ thấy động, bỏ chạy khiến tảng đá lộ thiên lăn xuống như một cái bẫy đá.

Không có kinh nghiệm để tránh kịp thì có thể gặp nạn. Có tuần đi trong rừng mưa. Có tuần đi trong rừng nắng. Nắng mà khô cả gió thì người đang thiếu nước sẽ mất sức ngay. Có tuần gặp lũ phải bơi 1 ngày trong khe suối. Có tuần đi gặp rét phải đốt lửa xuyên đêm. Lúc ấy, ngại nhất là thợ săn sợ bị phát hiện, làm liều bắn trộm. 

“Một lần, ở vùng rừng Tam Hợp, chúng tôi phát hiện 6 người đang săn thú. Bằng biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi thu được sáu khẩu súng săn nhưng phải rút đi ngay vì thợ săn dễ phản ứng bất thường khi mất súng. Vụ ấy, sau khi bị thu súng, họ hú còi bằng miệng inh ỏi khắp khu rừng buộc chúng tôi càng cảnh giác”, Trung kể.

Dấu ấn với rừng

“Tần suất kiểm lâm bắt gặp động vật hoang dã trong rừng ngày càng nhiều. Chương trình “bẫy ảnh, bẫy thú” tiếp tục phát hiện nhiều loại động vật quý hiếm như voi, gấu, tê tê, sơn dương, thỏ vằn, quần thể vượn,... là dấu ấn đầu tiên của nhóm “vệ sĩ” và nhóm “bảo vệ rừng cộng đồng”. Chính hoạt động của lực lượng này hỗ trợ công tác bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát có chiều sâu hơn. Họ đi khắp rừng từ khu vực rừng xa, hẻo lánh đến chinh phục các đỉnh cao của Pù Mát để giám sát. Một dấu ấn khác là do sự tương tác lẫn nhau giữa 2 nhóm này và lực lượng kiểm lâm nên một số lĩnh vực trước đây Hạt Kiểm lâm làm chưa đạt hiệu quả thì nay đã tốt lên nhiều”. Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết.

Đến nay, nhóm “vệ sĩ” đã tuần tra, đã “đi sạch” hầu khắp các tiểu và lâm phần rộng 94.765ha Vườn quốc gia Pù Mát. Giám đốc Cường mở máy vi tính cho chúng tôi tận mắt chứng kiến một loạt sơ đồ chi chít màu xanh, đỏ đánh dấu những mốc vi phạm được giảm dần về bẫy thú, lán trại,... với con số kinh ngạc: từ tháng 6-2018 đến tháng 3-2021, các “vệ sĩ” đã phối hợp với kiểm lâm và cơ động của Vườn phát hiện hơn 10.000 bẫy thú, 80 khẩu súng tự chế, phá hủy 800 lán trại tạm bợ của các đối tượng săn thú, bắt được nhiều vụ vi phạm lâm luật và đẩy đuổi hơn 600 người ra khỏi rừng.

“Vườn đã đề xuất cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Con Cuông khởi tố hình sự 3 vụ săn bắt động vật hoang dã, 6 vụ khai thác rừng trái phép”, Giám đốc Cường nói.

Riêng về nạn bẫy thú, lán trại di động và sự xuất hiện của người nghi vấn vẫn là chuyện nhức nhối trong Vườn rừng này, chúng tôi nêu một trăn trở. Giám đốc Cường giải thích: “đó là 3 thực tế khó tránh khỏi nhưng săn bắt thú rừng đã hạn chế rất nhiều. Mới đây, chúng tôi phát hiện một số bẫy thú cài đặt đơn lẻ, không dăng mắc thành tầng lớp, kéo dài cả dông rừng như trước. Lán trại vẫn còn nhưng nằm ngoài ranh giới của Vườn. Còn về người bắt gặp trong rừng giảm đến mức năm 2019 có 257 người, năm 2020 giảm xuống 193 người, 6 tháng năm 2021 chỉ còn 65 người”.

Cũng từ những thực tế này, chúng tôi biết thêm về một “nhóm bảo vệ rừng cộng đồng” được tổ chức hoạt động sau nhóm “vệ sĩ”. Họ gồm 6 người là dân bản địa phương tại vùng đệm Pù Mát nhưng đó là những lâm tặc, thợ săn thú cộm cán. Trước đây, họ là lâm tặc, thợ săn khét tiếng. Một số chuyên gia của Vườn quốc gia Pù Mát hiểu những người này có thể biết khu vực nào trong rừng nhiều thú quý hiếm (có thể xuất hiện loài thú mới) nên thuyết phục họ để giúp tìm vị trí đặt bẫy ảnh, bẫy thú. 

Sau một vài chuyến đi cùng kiểm lâm, họ thấy cán bộ Vườn tâm huyết với sự phát triển của thiên nhiên và mạng sống của thú rừng, lại được hưởng lương khá tốt, họ nghĩ “tội chi đi làm lâm tặc, săn bắn thú mà không ủng hộ Pù Mát” nên 6 người này tình nguyện tham gia. Hoạt động của họ dưới sự điều phối của Vườn và tổ chức động vật quốc tế (trụ sở ở Anh, Văn phòng đóng tại Hà Nội). 

Năm 2018, nhóm này giám sát được 14 đàn (2 - 6 con/đàn) trong quần thể loài vượn tại khu vực Khe Choăng. Sau phát hiện, họ có nhiệm vụ giám sát, theo dõi diễn biến sinh hoạt quần thể vượn này; hỗ trợ kiểm lâm tuần tra, bảo vệ các khu vực vượn sinh sống và các vi phạm khác./.

Hồ sơ sự kiện số 461 (ngày 25-12-2021)

1 December 2023