Một chuyện tình thuở Trường Sơn
MAI NAM THẮNG
1. Tôi nhận lời Trung tá Trần Ngọc Luận - cán bộ Phòng Chính trị, Lữ đoàn Thông tin 134 - cùng anh đi khảo sát di tích Trạm cơ vụ A72 đóng ở vùng núi huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Tiếng là dân Quảng Bình, nhưng từ quê tôi vào miền Tây huyện Lệ Thủy ngót 200 cây số. Từ bé đến giờ tôi chưa hề đến vùng này. Những thông tin về Trạm cơ vụ dã chiến A72 tôi nắm được cũng rất... lơ mơ: đóng trong hang đá dưới chân núi An Bờ, thuộc xã miền núi Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. Từ Bắc vào theo đường Hồ Chí Minh, đến đoạn đập Cẩm Ly thì rẽ phải theo đường chiến lược 10B, ngược vài chục cây số nữa thì đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ngân Thủy. Đến đó thì hỏi tiếp, hình như rẽ phải là núi An Bờ. Cẩn thận kẻo chạy quá lên Làng Ho giáp Nam Lào...
Tóm lại, mang tiếng là “thổ dân”, nhưng sự thông thạo của tôi cũng chẳng hơn gì mấy anh em cán bộ thế hệ “hậu sinh” của Lữ đoàn 134 hôm nay. Bởi vậy, vô Đồng Hới, tôi rủ thêm nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là dân Lệ Thủy cùng nhập đoàn. Anh Thuật hăng hái nhận lời, nhưng leo lên xe đi được một đoạn, ông bạn vong niên của tôi mới thú nhận là chỗ đó anh cũng mù mờ lắm. Dân Lệ Thủy thật đấy, nhưng từ nhỏ đi học phải ở trọ xa quê. Lớn lên ra Vinh rồi ra Hà Nội học sư phạm, học viết văn. Đã vậy, anh chưa hề trải qua quân ngũ nên mấy việc nhà binh cũng không rành...
Trung tá Trần Ngọc Luận tranh thủ bổ túc cho ông bạn tôi mấy trang lịch sử của đơn vị: vào những năm 1966 - 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang giai đoạn mới, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng thêm tuyến thông tin dây trần từ Bắc Nghệ An vào sát sông Bến Hải. Từ đường trục này sẽ có nhiều đường nhánh tỏa về các địa bàn, để Trung ương trực tiếp chỉ đạo các mặt trận phía Nam Quân khu 4, mặt trận Trị Thiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Đoàn vận tải 500 của Bộ Giao thông Vận tải và mặt trận Nam Lào... Theo đó, Đại đội 7 trực thuộc Trung đoàn thông tin 134 (nay là Lữ đoàn 134) được thành lập để quản lý và khai thác tuyến dây này. Toàn tuyến có 3 trạm cơ vụ tải 3 đều nằm trên đất Quảng Bình. Trong đó, A72 là trạm cơ vụ bảo đảm thông tin đường trục từ tổng hành dinh ở Hà Nội đến các sở chỉ huy tiền phương. Đồng thời, A72 còn là trạm đón tiếp các cơ quan của Bộ Quốc phòng và phái viên cấp cao của Trung ương vào trực tiếp theo dõi và chỉ đạo chiến trường Trị - Thiên. Trước và sau mỗi chiến dịch, nhiều tướng lĩnh đang có mặt tại chiến trường Trị - Thiên lúc đó, như Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng Trần Quý Hai, Thiếu tướng Đàm Quang Trung, Thiếu tướng Doãn Tuế,... đã nghỉ ngơi và làm việc tại đây.
Mải câu chuyện lịch sử quên cả đoạn đường xa. Mặt trời nhô lên khỏi ngọn đồi bạch đàn thì chúng tôi mới đến được khu vực An Bờ. Từ chân núi đá ngước lên chỉ thấy um tùm cây cối. Vạch lối leo lên, hiện ra một vòm hang rộng, dơi đập cánh vù vù. Mấy đoạn tường bê tông xây trước cửa hang như tấm bình phong bị đập phá nham nhở. Leo tiếp một đoạn nữa, gặp một hang rộng hơn, trên vách đá còn dấu tích nhiều chữ viết và vài nút sứ cách điện như để chứng minh nơi đây từng có những đường dây điện chạy qua. Trung tá Luận dừng lại tựa lưng vào vách đá, đứng thở một lát rồi rút điện thoại di động, reo lên: “ơ này, sóng Viettel đầy ắp nhé!”. Rồi anh bấm máy, rối rít: “a lô, chào cụ ạ! Con đây. Chúng con đã lên được hang cơ yếu rồi! Đang chuẩn bị lên hang trên...”.
Trần Ngọc Luận bật loa điện thoại cho mọi người cùng nghe. Tiếng người trong máy trả lời rổn rảng: “thế à, giỏi lắm! Này, cố gắng tìm đến nhà ông Lộc thăm ông ấy nhé! Ông Nguyễn Đức Lộc là trợ lý - Tham mưu trung đoàn, lấy vợ người Vân Kiều ở xã Ngân Thủy và đang ở rể tại đó!”. “Vâng ạ, vâng ạ, cụ yên tâm, nhất định chúng con sẽ tìm được...”. Anh tắt máy rồi hớn hở khoe: “tôi vừa báo tin cho cụ Nguyễn Huy Văn - Tham mưu trưởng Trung đoàn thông tin 134 thời chống Mỹ đấy! Chuyến đi này một phần là để thực hiện ý nguyện của các vị tiền bối Trung đoàn 134, tiền thân của Lữ đoàn hiện nay...”.
2. Chiều hôm ấy, chúng tôi tìm đường về thôn Cẩm Ly. Cựu chiến binh Nguyễn Đức Lộc đón chúng tôi sững sờ ngạc nhiên như không thể nào tin nổi: tròn 40 năm kể từ ngày phục viên về sống ở cái xóm miền núi heo hút này, ông chưa được gặp lại một đồng đội nào của trung đoàn ngày ấy. Chàng trợ lý tham mưu đẹp trai, tháo vát, năng nổ ngày nào bây giờ đã là một ông lão 80 tuổi, râu tóc bạc phơ, phong thái như một tiên ông. Quê ở Phú Yên, là thiếu sinh quân tập kết ra Bắc, cùng lứa với các nghệ sĩ Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh,... và một số người sau này trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội. Sau 6 năm tu nghiệp thông tin quân sự ở nước ngoài, ông về nước năm 1966 và có mặt tại Trạm A72 ngay từ buổi đầu thành lập trạm và gắn bó cho đến khi phục viên sau ngày thống nhất đất nước. Vợ ông, bà Hồ Thị Kim Đóa là người Vân Kiều bản địa, làn da chỉ hơi ngăm ngăm, người nhỏ nhắn nhẹ nhàng, hai hàm răng trắng vẫn đều tăm tắp khiến nụ cười của bà lão đẹp lạ lùng. Chả trách hồi ấy, chàng trợ lý tham mưu Trung đoàn bị “sét đánh” ngay từ hôm đầu tiên gặp cô y tá Vân Kiều...
Nhân đà vui, tôi lếu láo nói bác ơi bác kể chuyện ngày xưa làm sao mà tán đổ cô y tá bản? Bác Lộc cải chính: “y sĩ của trạm xá xã chứ! Dạo ấy tôi bị sốt rét đến liệt cả đầu gối, chống gậy đi không nổi. Mấy anh trong trạm nói chữa thuốc Tây nhiều hại lắm, thôi khiêng ra trạm xá xã nhờ bà con chữa thuốc dân tộc cho, may ra thì đỡ. Bà Đóa nhà tôi đây chữa Đông - Tây y kết hợp, cả châm cứu nữa. Cái kim bà ấy to như cái nan hoa xe đạp mài nhọn, thế mà tôi không sợ bằng cái bát thuốc nấu bằng lá gì đắng đến quăn cả lưỡi, quăn cả ruột gan. Hơn 1 tuần thì tôi đi lại ăn uống được. Bà ấy cho thêm một bọc lá, bảo mang về đơn vị sắc uống tiếp. Tôi lành hẳn nhưng nhớ bà ấy cồn cào, vài ngày lại tìm cách ra trạm xá, khi thì vì việc này, khi thì vì việc khác. Cốt chỉ để được thấy bà ấy cười, nói với nhau đôi ba câu. Đơn vị có anh nào sốt rét, đau bụng, sái chân, trượt da..., tôi đều đề nghị mang ra trạm xá để tôi được ra thăm và “làm việc” với y sĩ Hồ Thị Kim Đóa. Chú hỏi tôi đã đặt vấn đề tình yêu với bà ấy như thế nào à? Chịu, không nhớ nữa. Cứ tự nhiên như thế rồi thành chuyện chính thức, báo cáo tổ chức xin cưới. Đơn vị đồng ý, tổ chức đám cưới cho chúng tôi năm 1973, sau khi ngừng bắn theo Hiệp định Paris...”.
Bây giờ thì ông bà đã có cháu nội cháu ngoại đề huề. Bốn cô con gái và một cậu con trai đều học hành tử tế, thành đạt. Cô con gái út là giáo viên, đang theo chồng sang làm nghiên cứu sinh bên Pháp. Con cháu đều ở xa, hiện tại hai ông bà già thành “vợ chồng son”. Phụ cấp thương binh của ông mỗi tháng hơn triệu rưỡi. Lương hưu trí của bà được 2 triệu rưỡi. Chừng đó thu nhập, cộng với vườn cây, ao cá, vạt rau túc tắc nuôi trồng được, cuộc sống cũng tạm ổn. Hiện nay bà vẫn làm bí thư chi bộ thôn, ông thì đã xin thôi chức Hội trưởng Cựu chiến binh xã vì mấy năm nay nặng tai khó nghe. Nhớ đơn vị, nhớ anh em đồng đội lắm nhưng ở đây xa xôi hẻo lánh không có cách gì liên lạc chắp nối được...
Dùng dằng bịn rịn mãi mới chia tay được với gia đình người cựu chiến binh trung đoàn thông tin. Ông tiễn chúng tôi ra tận ngõ. Bắt tay lắc lắc mãi. Đi một đoạn, thấy ông vẫn đi theo, bảo tiễn các chú đoạn nữa. Đến con suối, thôi bác quay lại kẻo suối trơn. Bắt tay nhau lần nữa thật chặt. Qua suối, thấy ông vẫn lội theo, bảo tôi tiễn các chú ra chỗ đỗ ô tô. Lại bắt tay lắc lắc thật lâu. Chúng tôi chui vào ô tô, bác đứng bên ngoài vỗ nhè nhẹ vào cánh cửa, âu yếm thân thương như vỗ vai từng người vậy...
Xe nổ máy trườn đi, ngoái nhìn qua ô kính phía sau vẫn thấy bác đứng trân trân vẫy vẫy. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật bần thần nhắc tôi: “cậu viết bài đăng báo, nhớ gửi báo về thôn Cẩm Ly, xã Ngân Thủy, huyện Lệ thủy, tỉnh Quảng Bình biếu vợ chồng bác Nguyễn Đức Lộc thật chu đáo nhé!”./.
Hồ sơ sự kiện số 486+487, ngày 10-1 và 25-1-2023
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn





