Hái quả ngọt trên vùng đất dốc
Bích Nguyên
Đồi đất dốc ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) được phủ xanh bằng cây mận hậu_Ảnh: B.N
Cây xóa đói, giảm nghèo
Chị Mùi Thị Thu cười tươi rói mời chúng tôi ăn những quả mận đầu mùa đỏ hồng vừa được hái xuống từ vườn mận của mình. Khuôn mặt chị đẫm mồ hôi, rạng ngời hạnh phúc. “Khách hẹn 8 giờ lấy mận vì thế tôi lên vườn từ sáng sớm. Mận Phiêng Khoài là ngon nhất vùng này đấy. Quả to, giòn, vị thanh ngọt. Đầu mùa có thể có vị chua, nhưng không chát như mận ở nơi khác. Đến cuối mùa, quả mận ngọt lịm, ăn sướng miệng”, chị Thu vui vẻ quảng cáo đặc sản quê hương. Chị cho biết, gia đình chị và nhiều gia đình khác ở xã biên giới Phiêng Khoài đã được đổi đời nhờ cây mận.
Trong năm, tháng 5, 6, 7 có lẽ là khoảng thời gian vui nhất đối với đồng bào các dân tộc ở Phiêng Khoài, bởi đây là mùa thu hoạch mận - cây trồng chủ lực và cũng là cây xóa đói, giảm nghèo ở đây. Tiếng nói, tiếng cười rộn ràng khắp nương đồi từ sáng sớm. Sau khoảng 8 giờ sáng, khi đã thu hái xong đủ số lượng cần, bà con dùng xe máy chở mận nối đuôi nhau về trung tâm xã. Tại đây, thương lái chờ sẵn để cân hàng, bốc lên xe tải đưa về các tỉnh miền xuôi. Khung cảnh nhộn nhịp, sôi động khiến ai cũng phấn khởi.
Năm nay, dù thời tiết không được thuận lợi nhưng cây mận vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Giải thích điều này, chị Thu khẳng định là bởi bà con đã biết ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc cây để mận sai, cho quả to, ngọt và ra quả vào thời điểm như mong muốn. “Bây giờ, chúng tôi áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc, cắt tỉa, bấm ngọn đúng kỹ thuật nên quả mận to hơn, chất lượng hơn trước đây nhiều. Chúng tôi cũng áp dụng hệ thống tưới nước phun sương vừa bảo đảm đủ lượng nước cho cây, vừa chống được thất thoát nước. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, kích hoa, chúng tôi có thể làm cho cây mận ra quả sớm, bán được giá cao hơn”, chị Thu cho biết.
Cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm bón tốt, nhiều hộ dân ở Phiêng Khoài đã kích cho cây đậu và nuôi dưỡng quả, tạo ra quả mận trái vụ cho thu nhập cao hơn hẳn so với chính vụ. Theo người dân Phiêng Khoài, mận trái mùa cho thu quả từ tháng 3 đến tháng 4 hằng năm. Để có quả mận chín sớm, người trồng phải chăm sóc cây rất kỹ, từ việc dọn cỏ, bón phân, tưới nước và phun thuốc bảo vệ thực vật đúng các thời điểm sinh trưởng của cây. Mận trái mùa dễ bán hơn lại có giá bán cao gấp đôi mận chính vụ, khoảng 80.000 đồng/kg, tạo thu nhập tốt hơn cho người trồng. Vì thế, ngày càng có nhiều hộ dân ở Phiêng Khoài áp dụng khoa học kỹ thuật cho mận ra quả trái mùa.
Vượt qua những triền đồi xanh mướt, những cây mận đầy quả lúc lỉu trên cành, chúng tôi gặp ông Tráng Lao Lánh, người Mông, bản Lao Khô khi ông vừa từ nương về. Nhà ông Lánh có 1ha đất trồng mận. Giống như nhiều người dân khác ở xã Phiêng Khoài, ông Lánh dồn công sức vào vườn mận từ những tháng đầu năm. “Với loại cây này, mình phải chịu khó chăm sóc cẩn thận. Nếu làm tốt việc trừ cỏ, bón phân, tỉa cành, phòng, chống sâu bệnh, tưới đủ nước thì cây sẽ phát triển tốt, cho nhiều quả”, ông Lánh chia sẻ.
Từ năm 2013, cùng với cây lê, xoài, cây mận bắt đầu bén rễ ở bản Lao Khô 1. Đến giờ, diện tích trồng cây ăn quả ở bản lên tới gần 170 ha, chủ yếu là mận. Gắn bó với bà con được 10 năm, cây mận mang lại luồng sinh khí mới cho người Mông nơi đây. Ông Lánh phấn khởi cho biết: “năm nay mận sai quả, được mùa và được giá. Giá bán tại gốc thời điểm đầu mùa, tháng 4 là 30.000 đồng/kg. Nhờ có cây mận, cuộc sống của chúng tôi thay đổi rất nhiều. Trước đây, chúng tôi chỉ trồng lúa nương và ngô, hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày trồng cây ăn quả, thu nhập của chúng tôi tăng lên nhiều lần. Năm 2022, tôi thu về 100 triệu đồng từ bán mận. Năm nay, dự tính sản lượng mận của nhà tôi đạt khoảng 14 tấn, chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn năm ngoái”.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Xã Phiêng Khoài có hơn 2.800 hộ với gần 12.000 nhân khẩu, thuộc các dân tộc Thái, Khơ Mú, Kinh, Mông. Địa phương này có diện tích đất canh tác lớn nhưng nhược điểm chủ yếu là đồi núi, độ dốc rất lớn. Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa nương và ngô, giá trị kinh tế thấp dẫn tới tỷ lệ đói nghèo cao. Với quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau, trong đó, cây mận trồng thử nghiệm từ năm 1990. Tuy nhiên, phải 20 năm sau, vào năm 2010, cây mận mới khẳng định được giá trị của mình. Bước ngoặt phát triển kinh tế - xã hội của Phiêng Khoài bắt đầu từ mốc thời gian này khi chuyển mạnh diện tích trồng ngô, lúa sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Ông Đặng Văn Cương - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Phiêng Khoài - chia sẻ: “Đến nay, cây mận đã trở thành cây chủ lực trong tổng số 2.700ha cây ăn quả của toàn xã. Thu nhập từ cây mận khoảng từ 80 triệu đến 120 triệu đồng/ha”.
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, nên cây mận ở Phiêng Khoài cho trái to, thơm, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Từ giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây khác, diện tích trồng mận ở xã Phiêng Khoài được mở rộng sau mỗi năm. Năm 2022, diện tích trồng mận ở đây là 1.620ha, đến năm 2023 tăng lên hơn 1.800ha. Điều đáng mừng là người trồng mận không phải lo lắng nhiều về đầu ra. Cùng với việc bán cho thương lái thu mua tận nơi, nhiều người dân ở Phiêng Khoài biết tận dụng công nghệ thông tin quảng cáo, chào bán hàng qua livestream, qua các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook... Cũng nhờ đó mà ngay cả trong thời điểm có dịch COVID-19, người dân Phiêng Khoài vẫn có thu nhập tốt từ cây mận.
Bà Vì Thị Thúy ở bản Tà Ẻn không giấu niềm vui vì có đời sống sung túc nhà cao, cửa rộng, ô tô đi lại nhờ cây mận. Bà kể: “ngày trước, chúng tôi đói khổ lắm. Diện tích nương trồng lúa ở đây ít, lại bị chim, chuột phá hết, thu hoạch không được bao nhiêu. Chúng tôi toàn ăn củ mài, ngô và sắn thay cơm. Năm 2012, chúng tôi chuyển diện tích trồng ngô, sắn sang trồng mận. Cuộc sống của gia đình chúng tôi dần thay đổi từ đây. Từ 80 cây mận đầu tiên, đến nay gia đình tôi có hơn 4ha mận. Loại cây này cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với lúa, ngô. Năm vừa rồi, chúng tôi thu được hơn 300 triệu đồng”. Bà Thúy cho biết thêm: “ở đây, hầu hết hộ trồng mận đều có cuộc sống khấm khá. Chúng tôi vẫn nói với nhau, cây mận là cây đem lại niềm vui và hạnh phúc. Năm nay, mận vừa được mùa, vừa được giá nên ai cũng vui”.
Tiếp lời bà Thúy, chị Thu cho hay giá bán mận tùy thuộc vào độ to của quả. Năm nay giá bán mận cao hơn năm trước. “Nhà tôi có 2 loại, mận size to, 18 quả/1kg và size vừa 25 - 30 quả/1kg. Đầu mùa, loại 25 quả/kg bán được 60.000 - 70.000 đồng/kg, vào chính vụ thì giá thấp hơn. Mùa mận năm 2022, tôi thu được hơn 500 triệu tiền mận”, chị Thu cho biết. Với mức giá như hiện nay là 15.000 - 20.000 đồng/kg, dự tính số tiền thu được từ vườn mận của nhà chị Thu sẽ cao hơn năm 2022. Xác định, mận là cây chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền xã Phiêng Khoài tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận hậu, đặc biệt là cách thức để mận trái vụ cho năng suất, chất lượng cao... Hướng tới sự phát triển bền vững, chính quyền xã Phiêng Khoài cũng vận động người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc, chiết ghép cây giống, hình thành các vùng trồng mận theo tiêu chuẩn VietGAP./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn





