18/04/2025 | 04:58 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đường lên Mường Chon

Minh Thư
Trước đây, từ trung tâm huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An mất cả ngày đường lội bộ mới đến được “Mường Chon” (xã Bình Chuẩn) thì nay ô tô 5 chỗ mát chân ga trên con đường thảm nhựa chỉ cần khoảng 40 phút đã có mặt ở Bình Chuẩn. Có đường, điện lưới quốc gia và mạng Internet vươn đến đã tạo cho các vùng bản Mường Chon diện mạo mới mỗi độ xuân về.

Phụ nữ dân tộc Thái Mường Chon_Ảnh: Bùi Hậu

Ký ức Pu Liu, Pu Tàn

Khi nói về các mường xưa kia ở miền Tây Nghệ An, người ta biết đến phía Tây Bắc vùng Phủ Quỳ là “Mường Noọc” (ngoài). Mường ngoài có Mường Khủn Tinh, Mường Choọng, Mường Piệt, Mường Pôm... Phía Tây Nam là “Mường Trong” (Con Cuông) có Mường Quạ và Mường Chon.

Nói đến Mường Chon (xã Bình Chuẩn), người ta nghĩ tới vùng đất xa xôi heo hút, nghèo khó nhất nằm cực Tây Nam huyện miền núi Con Cuông. Mường Chon giáp với vùng Phủ Quỳ nên cũng có thể gọi là vùng ngoài. Trước đây, nói lên Bình Chuẩn, đi qua cầu treo Thành Nam nơi ghi dấu tích nghĩa quân Lê Lợi làm nên “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, người ta lại rùng mình vì phải vượt qua nhiều khe suối và leo dốc Pu Tàn và Pu Liu - con dốc cao dài leo miết cho đến đỉnh bở hơi tai. “Liu” - theo tiếng Thái là cây quýt. Chuyện kể rằng, ngày trước khi lên đến đỉnh dốc Pu Liu phải nghỉ lấy sức, người đi đường thường mang theo hoa quả, nước uống giải khát. Người mang theo ăn rồi bỏ lại hạt đã mọc lên ở đây một cây quýt. Có chuyện giải nghĩa khác - “liu” là thở dốc huýt sáo miệng, bở hơi tai. Đã vậy, khi mùa mưa bão về, con đường lên Mường Chon lầy lội, trơn trượt, đất lại rất “mến người”. Mưa lũ về chia cắt cô lập Mường Chon như một ốc đảo.

Ngày trước, khi chưa có cách mạng, có 2 cách giải nghĩa tên gọi Mường Chon: “Chon” nghĩa là chui, luồn. Nơi đây có một con suối chui xuyên qua dưới một chân núi chảy qua vùng đất này nên đặt luôn tên gọi theo con suối. Theo giải nghĩa khác, “Chon” là khuyên tai. Ngày trước, đến kỳ người của Châu mường đến từng nhà thúc nộp thuế. Nhà nọ quá nghèo túng, của cải không còn gì nên vợ đành phải gỡ đôi khuyên tai kỷ vật giá trị nhất để nộp thuế cho Châu mường nên gọi Mường Chon. Nghe mà cứ cay cay sống mũi! Cách mạng về giải phóng cuộc đời người dân các vùng bản thoát khỏi “cồn khòi, cồn khói” (nô lệ, lầm than) đã đổi tên gọi mới “Mường Chon” thành Bình Chuẩn, có lẽ với kỳ vọng mong muốn vùng đất này không còn phải kiếp chui luồn, tăm tối, luôn yên bình và tươi sáng.

“Tháng 8-2021, huyện Con Cuông đã khởi công xây dựng cầu Thành Nam bắc qua Sông Lam, dài khoảng 412m, kết nối thị trấn với vùng tả ngạn sông Lam, tổng mức đầu tư gần 166 tỷ đồng. Công trình cầu hoàn thành sẽ tạo cho các xã vùng tả ngạn, trong đó có Bình Chuẩn thuận lợi trong việc giao lưu kết nối văn hóa, thông thương tiêu thụ sản phẩm và nhiều mặt...”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông Hoàng Sỹ Kiện

Lúc chưa có “đường ra đường”, tôi đã có dịp lên Bình Chuẩn. Từ trung tâm huyện Con Cuông đến trung tâm xã quãng đường dài gần 30km nhưng phải quăng quật bở hơi tai mất cả ngày đường lội bộ đường rừng núi gập ghềnh, cheo leo, sên vắt ngoe nguẩy bám chân. Từng bước, nhờ có các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã mở đường đi được xe máy, xe đạp nhưng cũng chỉ đi được trong mùa khô. Địa hình phức tạp, dân trí thấp, sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp. Đói, nghèo, lạc hậu kéo theo sự gian nan, nhọc nhằn con chữ ở Mường Chon. Học sinh cấp 2, 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bình Chuẩn được mệnh danh là xã “3 không” rồi đến những “4 không”.

Từ ngày có điện lưới quốc gia, nhất là dự án đường giao thông từ thị trấn Con Cuông đi xã Bình Chuẩn được khởi công năm 2006. Đây là tuyến đường huyết mạch đi qua các xã: Bồng Khê, Mậu Đức, Đôn Phục và Bình Chuẩn với chiều dài toàn tuyến gần 29km, tiêu chuẩn đường cấp V miền núi thi công dở dang hơn 10 năm mới được hoàn thành. Thay cho ngày trước cả ngày đường mới đến được Bình Chuẩn thì nay từ trung tâm huyện bằng xe ô tô 5 chỗ chỉ mất khoảng 40 phút đã có mặt ở trung tâm xã. Có đường, có điện lưới quốc gia, rồi mạng Internet, 3G, 4G,... đã vươn đến từng ngõ ngách tạo cho các vùng bản Bình Chuẩn nhiều đổi mới khởi sắc hơn. Bây giờ xe có thể bon bon thẳng về tận thành phố Vinh. Giao thông được khai mở đã giúp kinh tế phát triển nhanh chóng hơn. Có những bản trong xã đã sầm uất như một thị tứ, điều mà chỉ trước đây dăm bảy năm chẳng ai nghĩ tới. Quốc lộ 48C nối từ huyện Tương Dương sang huyện Quỳ Hợp đi qua hầu hết các bản của xã Bình Chuẩn là một thuận lợi lớn... Từ đỉnh Pu Liu, Pu Tàn từ trên cao nhìn xuống thung lũng một vùng rộng lớn với những thửa ruộng bậc thang xanh non của lá mạ và bao quanh là núi hình yên ngựa bao bọc bản mường, Mường Chon như bức tranh thủy mặc. Nay về với vùng đất này, ai cũng cảm nhận rõ bước chuyển và sự đổi thay mạnh mẽ.

Cánh đồng lúa nước bản Đình, xã Bình Chuẩn_Ảnh: Bùi Hậu

Cọn nước vẫn đều quay

Có thông tin, người dân đã học, tiếp thu được một cách nhanh chóng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh lúa nước, các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao. Vậy nên vụ lúa vừa qua nhiều bản như bản Tông Phay, bản Xiềng, bản Mét, bản Đình, bản Nà Cọ, bản Nong Kim, bản Chon,... đều cho thu hoạch khá.

Qua bản Mét, già Kha Văn Tằm năm nay đã 80 tuổi chỉ cho chúng tôi dưới lòng suối, những chiếc cọn nước nhẫn nại đều quay mà không nhớ đã tham gia cùng bà con dân bản làm ra bao nhiêu chiếc cọn nước. Ở Bình Chuẩn, người dân vẫn duy trì cọn nước truyền thống để phục vụ tưới cho những thửa ruộng bậc thang. Do khó khăn về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nên xã khuyến khích người dân phòng, chống hạn bằng cách làm cọn nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vi Văn Thanh cho biết, Bình Chuẩn có những thung lũng trồng lúa nước có thể mở rộng lên đến 200ha, cứ đầu mỗi vụ sản xuất, người dân lại kiểm tra tu sửa những cọn nước đặt ở các khe suối, sát bên những cánh đồng. Ở Bình Chuẩn có tới hàng chục cọn nước đặt dưới các con suối guồng nước lên tưới cho những cánh đồng lúa.

Chủ tịch Vi Văn Thanh chia sẻ: Bình Chuẩn có diện tích 182,76km², có 7 bản, hơn 4.500 khẩu. Bình Chuẩn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn nằm trong tốp cao của huyện, với 31,6%. Xã mới chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 2 bản Tông Phay và bản Đình đạt chuẩn... Những năm qua, Bình Chuẩn có nhiều nỗ lực vượt qua trở ngại. Học sinh học lên cấp trung học phổ thông, đạt điểm thi cao đậu vào đại học. Cuộc sống người dân đang dần ổn định. Ngành dịch vụ từ chỗ gần như chẳng có gì đáng kể giờ đang phát triển khá mạnh. Vui nhất là từ tháng 11-2020, xã Bình Chuẩn đã khai trương chợ phiên Mường Chon lần thứ nhất. Đây là hoạt động nhằm khôi phục những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, đồng thời quảng bá giới thiệu các sản phẩm nổi tiếng của người dân miền Trà Lân. Việc mở chợ phiên góp phần làm sống dậy một sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái nơi đây. Sau thành công và duy trì hằng tháng của chợ phiên Mường Quạ ở xã Môn Sơn và chợ phiên Mường Chon tại Bình Chuẩn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt chức năng là nơi tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất và cung ứng hàng hóa của nhân dân 3 huyện Con Cuông, Quỳ Hợp và Tương Dương. Đến với chợ phiên, du khách không chỉ được tham quan, mua sắm những sản phẩm do chính người dân nơi đây sản xuất, mà còn được thưởng thức văn hóa phi vật thể được lưu giữ từ ngàn đời của đồng bào người Thái, được tham gia các trò chơi như chơi mặng, chọi gụ, đu xít... Du khách cũng được hòa mình với dòng suối trong lành, bên cạnh những cánh đồng lúa nếp vàng rộm của đồng bào và những cọn nước được làm vô cùng khéo léo và khoa học để cõng nước về ruộng. Bạn còn có thể đến với Thẳm Tông để nghe núi rừng thì thào về một mối tình đẹp và trắc trở trong truyền thuyết...

Rất tiếc, thời gian gần đây do đại dịch COVD-19 đã làm gián đoạn chợ phiên Mường Chon. Để đạt được các tiêu chí về đích nông thôn mới, xã vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng hy vọng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của 9 bản 10 mường sẽ giúp Bình Chuẩn về đích sớm, Bí thư đảng ủy Kha Văn Vân cho biết thêm.

Về bản Tung Poọng đến nhà trưởng bản Kha Văn Giáp nằm cạnh khe Chon nghe rõ tiếng kẽo kẹt của cọn nước. Trưởng bản Giáp cho hay, không chỉ là nguồn nước tưới ruộng, suối Chon còn là nơi cung cấp thực phẩm tươi giàu dinh dưỡng cho người dân. Trưởng bản Giáp chia sẻ: bản Tung Poọng và nhiều bản trong xã, người dân biết thay đổi cung cách làm ăn phát triển kinh tế theo mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã từng bước thoát nghèo vươn lên khá và giàu. Chỉ mong dịch bệnh COVID-19 qua mau để bà con được giao lưu, trao đổi, tiêu thụ sản phẩm với bản dưới mường trên thuận lợi hơn...

Khi rời Bình Chuẩn, chợt nghe trong căn nhà sàn dưới thung núi vang vọng lời ca khúc “Sắc mới Mường Chon” cả tiếng Thái và dịch theo tiếng Việt của Nghệ nhân ưu tú, “nhạc sĩ núi rừng” Lê Hoàng: “Ài ơi...! hừn Bình Chuẩn năm noọng” (Anh ơi! Lên Bình Chuẩn cùng em)... Đi dọc quê hương thăm cảnh bản mường/ Bản em trên sườn núi Chon... Lăm vông bên ánh lửa hồng/ Tiếng khèn, tiếng pí rượu cần chung vui.../ Muôn hoa khoe sắc vẹn tình/ Hát mừng Bình Chuẩn có nhiều đổi thay...”. Nhìn những cọn nước vẫn nhẫn nại đều quay, chợt miên man nghĩ về vùng đất này xuân sau nữa sẽ còn nhiều điều mới lạ để kể./.

5 August 2023