21/09/2024 | 12:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Những câu chuyện ấm lòng Kỳ cuối: Chi bộ... trên biển

Vũ Toàn
Đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Những câu chuyện ấm lòng Kỳ cuối: Chi bộ... trên biển Đại hội Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập lần thứ I, nhiệm kỳ 2022 - 2025_Ảnh: hoangmai.nghean.gov.vn
Cả nước có nhiều hội nghề cá cơ sở tại các phường, xã nhưng duy nhất Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An thành lập chi bộ đảng. Đây là chi bộ đảng đầu tiên, chi bộ đảng đặc thù của hội nghề cá đang được thí điểm ở tỉnh Nghệ An.

Đặc thù đến mức sinh hoạt chi bộ bằng hình thức trực tuyến trên biển; 15 đảng viên của chi bộ là 15 thuyền viên vừa mưu sinh vừa cứu nạn, cứu hộ; vớt rác thải; phát hiện tàu lạ và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ làm tất cả những công việc ý nghĩa ấy với nghĩa vụ cao cả - “công dân của biển”.

Sinh hoạt trực tuyến trên biển

Trên ghềnh đá xám bên bờ biển loi thoi, chúng tôi ngồi dõi theo những chiếc tàu đánh cá đang tấp nập vào, ra cảng cá Quỳnh Lập. Ông Trần Đình Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Lập - nói giọng ồm ồm đặc trưng của miệt biển phía Đông Bắc Nghệ An: “thời gian này, nghề khai thác hải sản đang tuần nghỉ trăng (nghỉ do trăng sáng, khó đánh bắt được cá). Trong 15 thuyền viên chi bộ hội nghề cá của ông Phan Hải, có người đã vào bờ, có người đang ở ngư trường xa”.

Ông Ánh là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phụ trách Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập. Ông Phan Hải là Bí thư Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, thuyền trưởng tàu NA 92236 TS. Ông Ánh cho hay, Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập thành lập cách đây 2 năm. Sở dĩ có “sự kiện” này là bởi trước đó, các đảng viên sinh hoạt rải rác tại 5 chi bộ nông thôn trong xã. Họ ít khi được dự sinh hoạt định kỳ hằng tháng do làm nghề khai thác hải sản trên biển, rất khó về đúng lịch sinh hoạt chi bộ.

Sự khó này làm nảy sinh 3 hệ lụy. Thứ nhất, các đảng viên không được dự sinh hoạt định kỳ cứ phân vân “do điều kiện làm ăn trên biển mà mình để mất đi quyền lợi sinh hoạt Đảng”. Và, “là đảng viên, chúng tôi tự hào khi được xếp loại đảng viên xuất sắc nhưng niềm tự hào đó xem chừng còn xa vời khi chúng tôi đang gặp trắc trở trong việc sinh hoạt chi bộ định kỳ”. Thứ hai, số thuyền viên của chi bộ còn phải chịu thêm thiệt thòi nữa là không nắm bắt được những thông tin thời sự liên quan đến chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thứ ba, chi bộ chờ đảng viên vào bờ tuần nghỉ trăng mới sinh hoạt nên sẽ chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai nghị quyết của đảng bộ, khiến đảng bộ cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, khi bình xét cuối năm, từ bản thân đảng viên đến các chi bộ, đảng bộ đều không được xếp loại xuất sắc mặc dù tất cả các tiêu chuẩn khác đều vượt.

Ba hệ lụy nêu trên buộc Đảng bộ xã Quỳnh Lập kiến nghị Thị ủy Hoàng Mai xin xây dựng “đề án đặc thù” rồi ban hành Quyết định thành lập Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (năm 2021). Chi bộ ra đời trong hoàn cảnh đặc thù rồi nay lại thêm một đặc thù mới, là họ sinh hoạt định kỳ hằng tháng khi trên bờ, khi trên biển hoặc có khi một phần chi bộ trên bờ họp với một phần chi bộ trên biển thông qua hình thức trực tuyến bằng mạng Zalo điện thoại hoặc máy bộ đàm liên lạc tầm xa (I Com) sau khi cài đặt hệ thống tần số riêng.

Mới đây, chúng tôi tham dự buổi sinh hoạt định kỳ tháng 6 của chi bộ này tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Lập. Hôm đó mất điện trong cảnh trời nắng nóng, ông Phan Hải mượn máy phát điện để phục vụ sinh hoạt. Chỉ vào chiếc điện thoại cầm tay, ông vui nói: “chi bộ chúng tôi sinh hoạt phải có điện vì có điện mới có mạng wifi, mới kết nối được zalo với những thuyền viên đang ở trên biển”. Vậy là trên bờ có 8 đảng viên, còn 7 đảng viên đang ở trên biển sẽ sinh hoạt trực tuyến bằng Zalo hoặc I Com.

Khi ông Phan Hải chuẩn bị mở đầu buổi sinh hoạt, 8 điện thoại của 8 đảng viên trong hội trường đã được kết nối với điện thoại của 7 đảng viên trên biển. Tiếng chào hỏi cứ háo hức, reo vang: “đã họp chưa?”, “mấy giờ bắt đầu?”, “xã Quỳnh Lập và thị xã Hoàng Mai có gì mới không?”... Lời hỏi - đáp đan xen lẫn tiếng sóng biển ầm ào khiến căn phòng nóng nực bỗng sinh động hẳn lên. Sinh động nhất là khi các đảng viên trên biển phát biểu ý kiến. Điện thoại của thuyền viên nào nghe chập chờn do sóng yếu thì ông Phan Hải chủ động gọi lại vì sóng ở trụ sở ủy ban xã khỏe hơn. Trong buổi sinh hoạt, ông Phan Hải và các đảng viên theo dõi hình ảnh của đồng nghiệp qua màn hình điện thoại, mở âm thanh hết cỡ để nghe cho rõ ý kiến phát biểu từ biển xa.

Cuối buổi sinh hoạt, ông nói với chúng tôi: “15 thuyền viên, đảng viên của chi bộ ra khơi trên 14 tàu (có 2 anh em là đảng viên làm việc chung trên một tàu). Buổi sinh hoạt này có 7 đảng viên đang ở tại các ngư trường tận quần đảo Hoàng Sa, Móng Cái, Quảng Trị, Cà Mau, Phú Quốc... Ở tận các vùng biển trong Nam, ngoài Bắc nhưng đúng giờ, đúng lịch là chi bộ chúng tôi sinh hoạt. Trước còn lạ lẫm, sau thành nếp sống trên biển. Nếp sống mới dù có khi còn gặp khó khăn nhưng đã giúp anh em được sinh hoạt chi bộ định kỳ, không còn phân vân “tự đánh mất quyền sinh hoạt Đảng của mình” nữa. Hoặc là, “niềm tự hào về danh hiệu đảng viên xuất sắc còn xa vời”.

Chi bộ “đầu sóng, ngọn gió”

Những cuộc sinh hoạt định kỳ chỉ diễn ra khoảng gần 2 tiếng đồng hồ với những thông tin cần thiết, ngắn gọn được trao đổi theo hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Quy định/TU, ngày 15-9-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về “Đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

Nhiều khi chi bộ đang họp, ông Phan Hải nhận được thông tin thời sự “nóng” từ ngoài biển báo về. Ví như, tin tàu lạ được anh em thuyền viên phát hiện kèm theo hình ảnh, tọa độ, vùng biển... Ngay lúc đó, ông Phan Hải chuyển cho các đồn biên phòng quản lý vùng biển có nguồn tin. Ông kể một chi tiết mới, sau khi được thành lập, Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập đã lập thêm nhiều đội tàu, một đảng viên làm chủ một đội tàu. Các đội tàu đã 6 lần phát hiện, chụp ảnh, quay video tàu lạ nước ngoài xâm phạm lãnh hải nước ta, cung cấp cho Đồn biên phòng Quỳnh Phương (địa bàn thị xã Hoàng Mai) và Cảnh sát biển Việt Nam. Đầu năm nay, các đội tàu báo tin cho Đồn biên phòng Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) về việc 2 tàu lạ xuất hiện cách vùng biển Vũng Áng khoảng 20 hải lý. Mới đây là tin 8 tàu lạ đánh cá cách đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) 30 hải lý cũng được điện báo ngay cho Đồn biên phòng đảo Nghi Sơn.

Kiến nghị “mở” cho mô hình chi bộ đặc thù

Sau khi ra đời, Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt theo định kỳ hằng tháng. Các đảng viên phát huy tối đa trách nhiệm, góp phần duy trì sản lượng khai thác hải sản hằng năm của 235 tàu cá (2.000 lao động) thuộc xã Quỳnh Lập ở mức 30.000 tấn/năm. Riêng công tác phát triển đảng viên, chi bộ đã cử 2 quần chúng trẻ ưu tú dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Lễ kết nạp sẽ được tổ chức trong tuần nghỉ trăng tới. Căn cứ vào thực tế, Ban Thường vụ thị ủy Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An cho phép Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập tiếp tục hoạt động. Đồng thời, mở rộng mô hình này tại các vùng ngư dân, ngư nghiệp có đảng viên là thuyền viên để góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Qua đó nâng cao sức chiến đấu của hệ thống chi bộ đảng cơ sở trên bao la biển đảo của Tổ quốc.

Ông Hồ Văn Cậy - Trưởng Ban Tổ chức thị ủy Hoàng Mai

 Trong 15 đảng viên trên 14 tàu có 5 người làm thuyền trưởng, 10 người là thuyền viên. “Chi bộ hội nghề cá trên biển còn có nghĩa là chi bộ đầu sóng, ngọn gió”, ông Phan Hải nêu một định nghĩa với hình ảnh sống động, tự hào. Theo đó, tất cả thuyền viên phải gương mẫu hỗ trợ ngư dân mưu sinh trên biển cùng nhau phát triển kinh tế. Ngoài ra, 31 ngư dân trên 3 đội tàu do 3 đảng viên của chi bộ phụ trách được “biên chế” vào trung đội dân quân biển, sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc khi Ban chỉ huy quân sự thị xã Hoàng Mai điều động. Tiếp theo, các đảng viên được quán triệt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển (đã 2 lần cứu tàu cá bị chìm ở vùng biển Quỳnh Lập); truyên truyền, vận động ngư dân trên biển không được khai thác bất hợp pháp để tránh bị phạt thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017, Luật Biển đảo Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia.

Một công việc nhẹ nhất là vớt rác trên biển cũng diễn ra thường xuyên. Ông Nguyễn Quốc Hà - thuyền trưởng tàu NA 96667 TS, Phó bí thư Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập - cho biết: “rác trên biển nhiều vô kể. Đủ loại bao nilon, tất tay, ủng, quần áo bạt, lon bia, chai nhựa,... trôi dạt dập dềnh khắp mặt biển. Chỉ riêng rác thải vướng vào lưới các nhóm tàu được thuyền viên vớt, gom lại khoảng 60 - 70 tấn/năm”. Trăn trở về vấn nạn rác thải bừa bãi trên biển, ông Hà nêu giải pháp: “chi bộ chúng tôi đang phối hợp với các đồn biên phòng dọc bờ biển phát động phong trào “Vớt rác trên biển”. Phong trào hoạt động hiệu quả may ra mới “dọn” sạch biển đôi chút chứ riêng chi bộ chúng tôi làm mấy cũng chẳng thấm tháp chi”./.

Chủ đề: Đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Những câu chuyện ấm lòng
10 October 2023
MỚI NHẤT