Chung sức đồng lòng hàn gắn “vết thương” tại Làng Nủ
Ngọc Lâm
Đến tận bây giờ, những người còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào sáng 10-9 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vẫn không thể tin được rằng nơi họ gắn bó suốt nhiều năm qua đã bị nhấn chìm trong bùn đất, hoang tàn đến hiu quạnh. Những ngày qua, cùng với các lực lượng khác, những người lính quân hàm xanh với “mệnh lệnh từ trái tim” đã lên đường cùng với “vũ khí đặc biệt” để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn.
Với ý chí quyết tâm cao nhất, những chiến sĩ biên phòng không ngại khó khăn, hiểm nguy, dầm mình trong bùn đất để tìm kiếm những nạn nhân mất tích, giúp họ vượt qua mất mát, xây dựng lại bản làng với một tương lai tươi sáng hơn.
Tang thương bao trùm vùng quê nghèo
Trong những ngày qua, tiếng khóc vang lên khắp Nhà văn hóa thôn Làng Nủ. Không khí tang thương bao trùm cả một vùng quê nghèo. Những gương mặt thất thần đi tìm người thân, chờ đợi thông tin của lực lượng cứu nạn. Những người xa lạ từ các thôn lân cận cũng đỏ hoe mắt, dõi theo dòng nước chảy và bùn đất mà bất lực.
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào sáng 10-9 đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, nhấn chìm nhà của 37 hộ dân với 158 nhân khẩu (tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 57 người được an toàn). Những chiếc quan tài đã được để sẵn, đang chờ những thi thể được lực lượng cứu nạn mang về bàn giao cho gia đình, làm thủ tục an táng theo phong tục của địa phương.
Đến tận bây giờ, những người may mắn sống sót cũng không thể tin được ngôi làng nhỏ vốn yên bình, trù phú như bức tranh thủy mặc lại xảy ra thảm kịch như vậy. Vẫn có hàng chục nạn nhân đang còn nằm đâu đó dưới lớp bùn đất kia và những người may mắn thoát nạn đang từng ngày, từng giờ trũng sâu đôi mắt thất thần nhìn xa xăm về hướng dòng suối ngổn ngang đất đá, hy vọng người thân của mình sẽ sớm được tìm thấy để được về với gia đình một cách trọn vẹn nhất.
Trong rất nhiều trường hợp đau thương, anh Hoàng Văn Thới khiến ai nấy không khỏi xót xa, bởi mẹ già và 3 con nhỏ của anh đã bỏ mạng trong trận lũ quét này. Người đàn ông trụ cột của gia đình đã nếm trải không biết bao ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống, chưa một lần kêu than, nhưng giờ đây phải chịu những đau đớn không thể tả xiết.
Nằm rũ rượi bên 3 chiếc quan tài của 3 con nhỏ, nước mắt anh không thể ngừng rơi, tai họa ập tới khi những đứa nhỏ ngủ chưa tròn giấc.
Những người dân may mắn thoát nạn đã kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện đến xé lòng khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng chỉ trong vòng vài phút ngôi làng biến mất hoàn toàn, người dân trong bản thì kêu cứu giữa dòng nước lũ, vùng vẫy trong bùn lầy mà họ phải bất lực trong vô vọng.
Vẫn còn, còn rất nhiều những hoàn cảnh bi thương của các gia đình gặp nạn, nhiều nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong lớp bùn đất kia. Những người còn sống chỉ biết nhìn về phía lực lượng cứu nạn, ngóng chờ tin tức từ cơ quan chức năng.
Cách hiện trường vụ lũ quét san phẳng Làng Nủ khoảng 1km là điểm trường mầm non Làng Nủ, thuộc Trường mầm non số 1 xã Phúc Khánh. Ngôi trường nằm trên con dốc cao trong không khí đầm ấm, tình yêu thương của dân bản. Đây là nơi học tập của 38 đứa trẻ, trong đó có 18 em đến từ Làng Nủ.
Trận lũ quét kinh hoàng khiến 10/18 em nhỏ ra đi mãi mãi, hành trình đi tìm con chữ của các em đã phải chấm dứt. Cầm trên tay những vật dụng, đồ dùng của các em học sinh đã mất, cô Nguyễn Phương Nga - Hiệu trưởng Trường mầm non số 1 xã Phúc Khánh - không ngăn được nước mắt.
Cô cho biết: “những ngày qua, tôi cùng giáo viên nhà trường đi quanh khu vực phía hạ lưu, gần cầu thôn Làng Nủ để ngóng chờ tin tức từ phía lực lượng cứu nạn, mong chờ điều kỳ diệu sẽ đến với các em, nhưng tất cả đều trong vô vọng”.
Sau vài phút trấn tĩnh, cô Nga cho biết, những vật dụng của các em học sinh đã mất nhà trường sẽ tập trung sắp xếp và gửi lại gia đình. Đồng thời, nhà trường sẽ tổ chức tiếp nhận các mặt hàng cứu trợ từ những mạnh thường quân, mong muốn gia đình các em sớm vượt qua mất mát, đau thương này để tiếp tục cùng chính quyền địa phương làm vực dậy bản làng nhỏ này.
Mệnh lệnh từ trái tim
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, đây là một trong những vụ thảm họa thiên tai lớn nhất xảy ra từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, khu vực xảy ra trận thảm họa ở địa hình rất phức tạp, bao quanh là núi cao, thời tiết thay đổi liên tục, nắng mưa thất thường, nước chảy xiết, khối lượng bùn đất rất lớn. Do đó, công tác, kế hoạch tìm kiếm các nạn nhân của lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Ngay sau khi nhận được thông tin về mức độ ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề của trận lũ quét này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai cử lực lượng phối hợp với các huấn luyện viên và 5 chó nghiệp vụ thuộc Trường Trung cấp 24 Biên phòng cơ động đến hiện trường để phối hợp với các lực lượng khác triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng - cho biết: “5 chó nghiệp vụ tham gia đợt cứu nạn này đều được huấn luyện bài bản, quy trình gắt gao trong môi trường đặc thù; đồng thời có nhiều kinh nghiệm “thực chiến” trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ở các điều kiện khắc nghiệt. Những chú chó này có khả năng nhạy bén trong việc đánh hơi, phát hiện dấu vết người, kể cả khi các nạn nhân bị vùi sâu dưới lớp bùn đất hoặc đống đổ nát. Chính sự tinh nhuệ của “đội quân đặc biệt” này đã giúp quá trình tìm kiếm tại hiện trường trận lũ quét đạt hiệu quả hơn”.
Trao đổi với phóng viên trực tiếp tại hiện trường vụ tìm kiếm, Thượng úy Nguyễn Công Chức - Đội tìm kiếm cứu nạn Bộ đội biên phòng - cho biết: “mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, lượng đất đá, bùn lầy rất lớn, cây cối ngổn ngang, nhiều xác chết động vật..., thế nhưng, xác định với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, mong muốn xoa dịu nỗi đau của người dân nơi đây, chúng tôi sẵn sàng xông pha, đi vào những nơi gian khó, nguy hiểm nhất để tìm kiếm các nạn nhân, đảm bảo công tác phối hợp cứu nạn đạt kết quả cao nhất”.
Dù phải thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, đối mặt với nhiều hiểm nguy, thiếu thốn đủ bề, nhưng với sự đoàn kết, đùm bọc của bà con dân làng và tinh thần quyết tâm cao nhất, Đội tìm kiếm cứu nạn Bộ đội biên phòng vẫn “hiên ngang” đương đầu với những cam go, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng giao phó.
Bởi họ biết rằng, đây không chỉ là trọng trách, là nhiệm vụ, mà đây còn là “mệnh lệnh” từ trái tim của người con đất Việt, chung sức đồng lòng hướng về đồng bào ruột thịt đang chịu những mất mát không gì bù đắp được.
Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của bà con dân bản, Làng Nủ sẽ sớm được hồi sinh, trở thành một vùng quê yên bình, giàu mạnh và phát triển./.