Bình yên, những đứa trẻ thất lạc gần nửa thế kỷ trước
Mai Chí Vũ
Trong những ngày tháng 3-1975, sau khi thất bại nặng nề, tàn quân của chế độ Sài Gòn ở Tây Nguyên từ tỉnh Gia lai buộc phải rút xuống đồng bằng qua con đường duy nhất là đường 7 (nay là quốc lộ 25, tỉnh Gia Lai). Hàng nghìn người dân, vì nghe lời hù dọa của đám tàn binh, cũng gom góp tài sản xuôi theo đường 7 về đồng bằng. Hàng nghìn gia đình nhẹ dạ nghe theo, cùng lính ngụy tháo chạy tán loạn trên đường số 7. Rồi con đường độc đạo này bị quân ta chốt chặt “nút cổ chai” đèo Tô Na, dòng người di tản băng vào rừng sâu núi thẳm tứ tán bỏ lại hàng trăm đứa trẻ. Rất may, hầu hết số trẻ này đã được bà con dân tộc JRai nhận về buôn nuôi dưỡng.
Chuyện liên lạc với các nhân vật thất lạc năm 1975 cũng là việc nan giải. Họ thường làm nông, đi rừng làm rẫy, điện thoại vùng thì có sóng, vùng không rồi có khi ở trong rừng cả tuần chẳng về nhà, không có điện mà sạc điện thoại... rồi rất nhiều vấn đề khác nữa. Rất may, tôi là người lớn lên tại Krong Pa, từng rất tâm huyết với đề tài này đã liên lạc gặp được một số nhân vật bị thất lạc.
Đến sân bay Pleiku, chúng tôi gặp được nhân vật cũng là người cùng gia đình di tản năm 1975 theo dòng người dọc đường 7, nhà báo Hà Ngọc Chính - lúc đó mới 10 tuổi. Anh đích thân lái xe đưa chúng tôi đi về Krong Pa để gặp các nhân vật của mình. Trên đường đi, anh kể cho chúng tôi nghe hành trình đau thương ngày ấy của gia đình anh trên chính con đường đang đi này. Trong ký ức của đứa trẻ mới 10 tuổi luôn bị ám ảnh với cảnh người chết, súng nổ, hơn nữa là tiếng trẻ con gọi “ba mẹ ơi” trong bối cảnh hỗn loạn ngày ấy.
Qua thị xã Ayun Pa (tên cũ là Phú Bổn) một đoạn, chúng tôi đến đèo Tô Na - nơi có thung lũng hồng tuyệt đẹp. Đây cũng chính là nút thắt cổ chai khi đoàn người di tản năm 1975 qua đây, một bên là rừng khộp, vách núi đá, một bên là vực sông. Nhiều đứa trẻ đã bị lạc từ chỗ này nên vùng Chư ĐRăng, Uar, Ia Rsiem,... và được người Jrai nhặt về nuôi. Đến thị trấn Phú Túc, Krong Pa, chúng tôi quyết định vào xã Ia Mlah để gặp Ksor Minh ở buôn Prong. Dù đã hẹn trước, nhưng mấy hôm nay nước lớn, Ksor Minh làm rẫy ở rừng bên kia suối, điện thoại thì không được. Tôi phải nhờ cán bộ xã gọi cho những người làm rẫy gần chỗ Ksor Minh, và rồi khi liên lạc được, Ksor Minh đã làm một việc mà chúng tôi thực sự xúc động. Ksor Minh bơi qua suối nước lớn để không phải đi vòng xa, sợ mọi người phải chờ.
Trong lúc chờ Ksor Minh, chúng tôi tâm sự với bố nuôi của Minh, nghe ông kể về câu chuyện nhặt được Minh trong hoàn cảnh khi Mặt trời lên khỏi ngọn núi. Hồi đó đói khổ lắm, ông đi xuống Phú Túc làm thuê, trên đường đi ông nghe thấy tiếng trẻ khóc. Lần theo tiếng khóc, ông gặp một đứa bé chừng 5 tuổi trên người không có quần áo, da thịt tím tái. Đứa trẻ chỉ khóc gọi “mẹ ơi, mẹ ơi” rồi ngất lịm. Ông hái quả dưa trên rẫy vắt nước cho đứa trẻ uống. Có lẽ do chưa quen với tập tục ăn uống của người JRai nên Ksor Minh vừa về nhà đã bị ốm gần 2 tuần mới khỏi, bụng chướng lên, tóc rụng hết. Gia đình thay nhau chăm sóc chạy chữa hết thầy hết thuốc mới cứu sống được Minh. Do phong tục của người Jrai chế độ mẫu hệ, con phải theo họ mẹ nên Ksor Minh được lấy họ Ksor. Năm 1978, Ksor Minh ở buôn Brong, xã Ia Mlá cũng được ba mẹ ruột tìm ra. Gia đình Ksor Minh tìm được con liền mổ 1 con bò và 4 ghè rượu đãi cả buôn ăn mừng. Gia đình cha mẹ nuôi bảo Ksor Minh về sống với ba mẹ ruột nhưng mẹ đẻ Ksor Minh bảo với mẹ nuôi, “công của chị lớn hơn công của em nên chị cứ để Minh ở lại đây”. Minh bảo: “mẹ nào cũng là mẹ”. Năm 1990, anh kết hôn với Kpăh É - cô bé mồ côi ba mẹ từ nhỏ, chỉ có 2 chị em sống với dì - nết na, xinh đẹp. Vợ chồng họ sinh được 3 người con, 2 gái 1 trai. Gia đình Ksor Minh có tiếng là hạnh phúc. Minh làm ăn giỏi nhất làng, với 3 cái rẫy hơn 10ha, hơn 30 con bò và một cơ ngơi khang trang.
Kế hoạch sáng hôm sau chúng tôi đến gặp Nay Bak ở buôn Choanh, xã Chư Đrăng, huyện Krong Pa. Khi đến bất kỳ địa phương nào ở Tây Nguyên, chúng tôi đều vào trụ sở ủy ban nhân dân xã để báo với lãnh đạo xã và nếu cần họ hỗ trợ liên lạc với nhân vật khi cần thiết. Ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình. Khi đến khu trang trại của Nay Bak ở buôn Choanh thì anh đang đi gặt lúa đổi công cho bà con. Trong lúc chờ đợi, người nhà và gia đình đã mổ gà, nấu canh lá mỳ cà đắng - món đặc sản của người Jrai - mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Với cơ ngơi hàng chục héc-ta rẫy, có ao thả cá, có chỗ quy hoạch xây chuồng trại, trồng cỏ voi để nuôi hàng chục con bò, kinh tế của Nay Bak rất khá. Anh có 4 đứa con thì 3 đứa đã làm nhà nước, đứa làm công an, đứa giáo viên, đứa làm văn phòng. Cô con gái út vừa học xong trường Đại học Nội vụ ở Hà Nội và chuẩn bị có việc làm. Nay Bak nghẹn ngào nói rằng “lâu mà chẳng tìm thấy gia đình, rất hay mơ gặp lại ba, mẹ với hình ảnh hư ảo chập chờn, gọi mãi mà ba mẹ chẳng quay lại với mình”. Những giọt nước mắt lăn dài trên má khi Nay Bak kể về chuyện cũ.
Chia tay gia đình anh Nay Bak, chúng tôi đến xã Uar, tìm gặp gia đình đã nhận nuôi anh Nay Bứp. Thật may mắn khi cán bộ hộ tịch xã chính là con trai của Nay Bứp tên là Mlô Sách nên về nhà thật dễ dàng. Bà Nay HChock - mẹ nuôi của Nay Bứp, đã ngoài 80 tuổi - tâm sự: “tao đi rừng, nhặt được nó ở buôn Bát Chư Gu trên đường 7, thấy nó khóc nhiều, trên người quần áo rách. Mấy ông giải phóng bảo có thấy 2 đứa cõng nhau rồi nó bị bỏ lại, mấy ông dắt về đây cho ăn, nhờ tao đưa nó về. Không mang về bỏ đi đâu được, con chó mình còn không bỏ được huống chi con người. Hồi đó rất đói, ai cũng đói nhưng tao vẫn nhặt nó về nuôi. Nó lấy vợ rồi, có nhiều con, không ở đây nữa”.
Con cái của Nay Bứp lớn hết rồi, con trai làm cán bộ tư pháp xã, 2 đứa con buôn bán nhỏ, bây giờ không cần phải làm vì con nuôi, có thời gian đi uống rượu vui với bà con buôn làng. Những đứa con của họ giờ đây mang 2 dòng máu Jrai và Kinh đều tự hào rằng có được 2 nền văn hóa và sẽ cống hiến sức mình để tri ân vùng đất đã cưu mang cha mẹ họ trong thời buổi loạn lạc gian khổ ấy.
Trong hành trình tìm lại được 3 đứa trẻ bị bỏ rơi gần nửa thế kỷ về trước, chúng tôi thấy rằng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đã rất may mắn được người địa phương nhận nuôi trong vòng tay yêu thương đoàn kết. Cho đến bây giờ, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu đứa trẻ thất lạc gia đình hồi tháng 3-1975 được bà con các dân tộc Jrai nhận nuôi là bao nhiêu. Dù có tìm được cha mẹ ruột hay không, họ cũng đã như là những đứa con ruột thịt của buôn làng./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn





