28/04/2025 | 22:05 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Niềm tin sa sút nhường chỗ cho cuộc chạy đua vũ trang

Thanh Nam
Niềm tin sa sút nhường chỗ cho cuộc chạy đua vũ trang Tổng thống Mỹ Joe Biden đi dạo cùng Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại điền trang Filoli, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, ở Woodside, bang California, Mỹ, ngày 15-11-2023_Ảnh: Reuters
Sự kiện Nga tấn công Ukraina khơi mào cho một loạt nước đồng minh của Kiev công bố các con số mua sắm vũ khí kỷ lục. Diễn biến này cùng việc cả Nga, Ukraina và các cường quốc quân sự thế giới, như Trung Quốc và Ấn Độ đều có mức bổ sung ngân sách quốc phòng khổng lồ, khiến tổng chi tiêu quân sự thế giới tăng liên tục trong 8 năm. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRI) thông báo chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022 đạt mức cao kỷ lục 2.240 tỷ USD.

Một năm trôi qua, xu thế chạy đua vũ trang không thay đổi. Cuộc chiến của Nga tại Ukraina kích hoạt kế hoạch tái vũ trang và nâng cấp quân đội hàng loạt quốc gia phương Tây trong suốt cả năm 2023. Hiện tượng tái vũ trang đồng loạt đã vượt ra khỏi phạm vi phương Tây, với những căng thẳng địa - chính trị dai dẳng tại các khu vực như châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông. Những động thái này được phản ánh trong mức phân bổ ngân sách quốc phòng của một số quốc gia hùng mạnh tại những khu vực này, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và Saudi Arabia.

“Đường hầm không ánh sáng”

Tâm điểm của những con số tăng chi tiêu này là sự xói mòn lòng tin giữa các cường quốc trên vũ đài quốc tế. Nga và phương Tây gần như “đoạn tuyệt” qua lại trong bối cảnh niềm tin và mối quan hệ ngày càng sa sút giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, và mở rộng hơn là Mỹ. Tiếp theo là mối hoài nghi lẫn nhau ngày càng lớn giữa những quốc gia chủ chốt trong vùng Trung Đông.

Khi tình hình căng thẳng đã lan rộng, không ngạc nhiên khi rất nhiều quốc gia tìm mọi cách tăng cường năng lực quân sự để ứng phó với bức tranh an ninh toàn cảnh xấu đi và niềm tin ngày càng sa sút. Hệ quả là khi SIRI công bố con số chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2023, các chuyên gia có lý do để dự báo một mức tăng mới trong ngân sách quốc phòng nhiều nước.

Tuy nhiên, khi nhìn lại năm 2023, cũng có một vài tin tức lạc quan. Đầu tiên là các phe trong cuộc nội chiến Ethiopia đạt được lệnh ngừng bắn và duy trì tình trạng này. Đây là cuộc xung đột gây nhiều thương vong nhất trong năm 2022. Thứ hai là mối quan hệ giữa 2 đại cường có chiều hướng được hàn gắn sau chuyến thăm San Francisco (Mỹ) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào trung tuần tháng 11-2023. Trong bối cảnh các chia rẽ được coi là nguy hiểm không kém gì thời Chiến tranh lạnh, những động thái gần đây cho thấy tia hy vọng mới khi cả 2 quốc gia có sức mạnh quân sự và kinh tế hàng đầu thế giới đều bắn tín hiệu “xuống thang” để tái thiết mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, cả 2 nhân tố nói trên đều chưa đủ để đảo ngược xu thế chi tiêu quân sự đang gia tăng trên toàn thế giới.

Tình thế cuộc chiến tại Ukraina như đang trong “đường hầm không ánh sáng”, tới mức nhiều chuyên gia cho rằng nó đã đi tới điểm bế tắc. Cả Nga và Ukraina sẽ chi thêm một lượng đáng kể tài chính cho quân đội 2 nước trong khi các đồng minh của Kiev sẽ tiếp tục cung ứng lượng viện trợ quân sự cần thiết. Hơn nữa, cuộc chiến Israel - Hamas đang âm ỉ trong xu thế leo thang khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến sâu hơn vào Dải Gaza. Cuộc xung đột này không chỉ dẫn tới mức tăng đáng kể trong chi phí quân sự của nhà nước Do Thái mà còn gây hiệu ứng lan tỏa trong khu vực, dẫn tới mức tăng đầu tư quốc phòng tương ứng của các quốc gia Arab. Xung quanh các diễn biến tại Trung Đông, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự trị giá 14 tỷ USD cho Israel và có thể tăng thêm ngay trong năm 2024, tùy thuộc tình hình chiến sự trên thực địa.

“Nhận thức mối đe dọa”

Xét về tương quan các con số đã công bố, ngân sách quốc phòng Mỹ dự chi cho năm 2024 là khoảng 886 tỷ USD (gấp 6,3 lần chi phí của Nga), trong đó phần lớn là tăng cho các biện pháp đối đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một phần viện trợ quân sự cho Ukraina, tăng 5% chi trả cho các quân nhân và kéo dài một chương trình do thám quân sự ở nước ngoài gây tranh cãi.

Luật chi tiêu quân sự khổng lồ này đã được Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua trung tuần tháng 12-2023. Văn bản này kéo dài chương trình viện trợ quân sự cho Ukraina, cho phép giải ngân từng bước khoản 300 triệu USD. Con số này ít hơn nhiều so với gói viện trợ riêng lẻ trị giá 61 triệu USD theo đề nghị của các Tổng thống Mỹ và Ukraina, bởi vẫn còn đang gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ.

Với Nga, các nhà phân tích trích dẫn các kế hoạch ngân sách liên bang mới cho biết chi phí cho quân đội Nga và các chi tiêu liên quan trong năm 2024 dự kiến tăng 29%, tới mức 12,8 nghìn tỷ ruble (140 tỷ USD). Trong một báo cáo hồi cuối năm 2023, Viện SIRI cho rằng chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2024 có thể tương đương 7,1% GDP nước này, chiếm 35% tổng chi tiêu của Chính phủ Nga. Kế hoạch ngân sách liên bang mới trong 3 năm (kéo dài tới 2026) của Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật vào cuối tháng 11-2023.

Báo cáo của Viện SIRI nhận định rằng, những kế hoạch này cho thấy Chính phủ Nga “quyết tâm” theo đuổi cuộc chiến kéo dài gần 2 năm qua tại Ukraina để đi tới “thành công cuối cùng”. Bất chấp nhiều khó khăn kinh tế, việc phân bổ ngân sách cho nền kinh tế quốc dân Nga đã giảm xuống tỷ lệ 11% trong năm 2024, so với mức 14% năm 2023.

Trên bình diện chung, “nhận thức mối đe dọa” chính là nhân tố góp phần vào quyết định tăng chi tiêu quân sự ở mức cao. Xu thế tăng cao chi tiêu quốc phòng của nhiều nước châu Âu nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga trong các năm 2022 và 2023 sẽ được tiếp tục trong năm 2024. Những tranh chấp và các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông lại thúc đẩy các bên liên quan tăng cường năng lực quân sự. Mối quan hệ “sóng gió” giữa Ấn Độ - Pakistan vẫn là một trong các ví dụ rõ nét về tình trạng kình địch và căng thẳng trên thế giới, thúc đẩy các chính phủ phải tăng cường năng lực quân sự của mình.

Dù quan hệ có khả năng được cải thiện, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn có các chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn, tốn kém và dài hạn, trị giá nhiều nghìn tỷ USD. Với Trung Quốc, chương trình hiện đại hóa quân sự sẽ kéo dài tới năm 2049. Mỹ cũng đang trong quá trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân kéo dài 30 năm, tới 2047, với tổng chi phí lên tới 1,5 nghìn tỷ USD. Những ví dụ về các nỗ lực hiện đại hóa quân sự kéo dài không chỉ với riêng 2 cường quốc chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác như Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh./.

16 February 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau