Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43: Vai trò dẫn dắt, nỗ lực định vị
Hà Anh
Vai trò dẫn dắt
Giống như G-20, Indonesia tiếp cận cương vị Chủ tịch ASEAN 2023 từ góc độ lãnh đạo, dẫn dắt. Nếu trong G-20, vai trò dẫn dắt của Indonesia được xác định bởi vị thế là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á tại diễn đàn toàn cầu, thì trong ASEAN, vị thế chủ chốt của Indonesia có được nhờ vai trò đặc biệt trong sự phát triển, hội nhập của khu vực, góp phần thúc đẩy sự tương tác giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy các giá trị chung và cơ chế hoạt động của ASEAN.
Indonesia tự coi mình là “người bảo vệ” các giá trị truyền thống của ASEAN, vai trò trung tâm của Hiệp hội và mở rộng khả năng của ASEAN trong việc ứng phó chung với các vấn đề khu vực.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia nỗ lực định vị ASEAN như một nền tảng để củng cố những nỗ lực chung, đồng thời cân bằng lợi ích giữa các nước lớn để bảo đảm sự phát triển của khu vực không bị tác động, lôi kéo bởi các yếu tố bên ngoài. Cách tiếp cận này cũng tương đồng với chính sách đối ngoại của Indonesia, trong đó luôn thể hiện là một quốc gia tích cực, dân chủ, kiến tạo hòa bình và ủng hộ các giá trị công bằng xã hội, khả năng tiếp cận bình đẳng các cơ hội phát triển của các nước.
Dựa trên chính sách đối ngoại của mình, Indonesia xác định các nhiệm kỳ chủ tịch liên tiếp của G-20 (năm 2022) và ASEAN (năm 2023) là cơ hội để duy trì sự tập trung của khu vực và toàn cầu vào những vấn đề, thách thức mà nước này cho là đặc biệt quan trọng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia xác định chủ đề của Hội nghị cấp cao ASEAN 2023 là “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”.
Đối với vấn đề này, Tổng thống Joko Widodo, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia, đã nêu rõ, ASEAN cần trở thành trụ cột cho sự ổn định toàn cầu, cũng như bảo đảm nhất quán nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế, các giá trị nhân văn, dân chủ và trung lập.
Tuyên bố hòa hợp
Bất chấp những thách thức phức tạp mà ASEAN đang phải đối mặt, các quốc gia thành viên cố gắng thông qua tài liệu quan trọng là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV, tạo cơ sở cho việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 và các tài liệu liên quan, nhằm mục đích xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững, đổi mới, năng động và hướng tới con người, nâng cao khả năng dự báo, ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa đang nổi lên, cũng như trong tương lai.
Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV nhấn mạnh các nguyên tắc của Hiệp hội, trong đó có sự tuân thủ Hiến chương ASEAN và những nguyên tắc khác của ASEAN, bao gồm Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và bảo đảm Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng dựa vào UNCLOS 1982.
Tuyên bố còn đề cập đến tầm quan trọng của ASEAN, cũng như tầm quan trọng của công cuộc xây dựng cộng đồng ASEAN, bảo đảm ASEAN sẽ trở nên thịnh vượng với tư cách là “Tâm điểm tăng trưởng”.
Trong bối cảnh mâu thuẫn ngày càng gia tăng trong nội bộ ASEAN và áp lực từ bên ngoài lên khu vực do cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được đánh giá là một tuyên bố thiên về các giá trị hơn là một hướng dẫn hành động. Rất khó để so sánh Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV với các văn kiện trước đây, nhưng đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác nội khối và mở ra các thỏa thuận, chương trình hành động cụ thể trong tương lai.
Nhiều vấn đề khác cũng được đưa vào chương trình nghị sự. Đặc biệt, Khung kinh tế xanh ASEAN, các tuyên bố về bình đẳng giới, tăng cường an ninh lương thực, phát triển bền vững và ổn định, Đối thoại ASEAN về nhân quyền và nhiều nội dung khác đã được thông qua.
“Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về ASEAN là trung tâm tăng trưởng” cũng được thông qua, phản ánh nhu cầu đoàn kết của Hiệp hội trước những hậu quả đa chiều của biến đổi khí hậu, tác động của căng thẳng địa - chính trị ngày càng gia tăng, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19 và các vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự biến động trên thị trường tài chính. Việc thông qua các tuyên bố và xây dựng các bước đi cụ thể trong các lĩnh vực cùng quan tâm này cho thấy, ASEAN tiếp tục hoạt động hiệu quả với tư cách là một tổ chức hội nhập có khả năng giải quyết nhiều vấn đề vì lợi ích của khu vực và thế giới.
Nâng tầm quan trọng
Như thông lệ, các hội nghị cấp cao liên quan cũng được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, chẳng hạn như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), đóng vai trò là nền tảng đối thoại giữa lãnh đạo các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các vấn đề cơ cấu chính trị, thúc đẩy phát triển và sự tương tác thực tế giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu ngày càng gia tăng, các khuôn khổ ASEAN cho đến nay gần như vẫn là nền tảng đàm phán duy nhất mà đại diện của Nga, Trung Quốc, Mỹ và các nước phương Tây có thể gặp nhau. Điều này chắc chắn phản ánh cách tiếp cận cân bằng của các nước ASEAN đối với tình hình toàn cầu, tính trung lập tích cực và mong muốn lắng nghe lợi ích của tất cả các bên.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN vẫn là ưu tiên quan trọng đối với các đối tác đối thoại khi các tổ chức quốc tế ngày càng chứng tỏ sự bất lực của họ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, nâng cao tầm quan trọng của hội nhập khu vực bền vững vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASESAN lần thứ 43, ASEAN cũng đã thông qua các tuyên bố chung với các đối tác đối thoại trong các lĩnh vực hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế số, an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tuyên bố ASEAN+3 (có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) “Về phát triển hệ sinh thái xe điện” phản ánh mong muốn lâu dài của ASEAN trong việc hiện đại hóa giao thông, kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Điều quan trọng nữa là các tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược với Canada và Nhật Bản đã được thông qua, giúp nâng cao vị thế của các nước này đối với ASEAN. ASEAN cũng đang thiết lập đối thoại với Hiệp hội Hợp tác Khu vực Ấn Độ Dương (ARCIO), trong đó có cả Indonesia. Tổ chức này tích cực quan tâm đến kinh nghiệm của ASEAN và các cơ chế của ASEAN trong giải quyết các thách thức của khu vực và toàn cầu.
Có thể khẳng định, kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của Indonesia trong giải quyết vấn đề Myanmar, thúc đẩy sự đoàn kết nội khối ASEAN. Indonesia có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, xã hội, nhân đạo; qua đó, thực hiện đầy đủ các cam kết của Indonesia về những vấn đề khu vực trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN trước khi nhậm chức.
Năm 2024, Indonesia sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống, tổng tuyển cử, và các các cuộc bầu cử này có thể thay đổi lực lượng chính trị trong nước, những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Chức Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia phần lớn được quyết định bởi tầm nhìn của Tổng thống Joko Widodo, Ngoại trưởng Retno Marsudi và các thành viên trong chính quyền về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Joko Widodo phần nào thực hiện thành công chính sách đối ngoại tích cực và độc lập của Indonesia, phát triển ngoại giao toàn cầu và nâng cao vị thế của Indonesia trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là ở cấp độ Liên hợp quốc, G-20 và ASEAN. Trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc kế thừa và phát triển tầm ảnh hưởng toàn cầu của Indonesia sẽ là nhiệm vụ khó khăn của chính phủ mới, bất kể cách tiếp cận và quan điểm của tổng thống tương lai./. (HSSK 503 ngày 25-9-2023)
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn



