29/04/2025 | 01:03 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Định hướng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản phát triển thời gian tới

Phan Vũ Tuấn Anh* - Phạm Quang Vinh**
*TS, Học viện Ngoại giao - **ThS, Học viện Ngoại giao
Định hướng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản phát triển thời gian tới Quang cảnh Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 17-12-2023_Ảnh: AFP
Tháng 12-2023, lãnh đạo các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản tổ chức Hội nghị cấp cao nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị song phương (1973 - 2023). Đến nay, ASEAN và Nhật Bản đã củng cố quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực và trở thành đối tác tin cậy của nhau. Đặc biệt, trong năm 2023, hai bên tiếp tục đặt dấu mốc mới cho quan hệ song phương, đó là thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản (tháng 9-2023).

Thành quả tạo đà phát triển song phương

Trong nửa thế kỷ qua, hợp tác ASEAN - Nhật Bản đạt được nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, hai bên triển khai thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao, các kế hoạch hành động về thực hiện Tuyên bố tầm nhìn quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản.

Về kinh tế, thương mại, hai bên triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), nâng kim ngạch thương mại song phương lên 268,5 tỷ USD (năm 2022), tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN. Còn ASEAN trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản, là điểm đến đầu tư trong xu thế chuyển dịch các chuỗi cung ứng tại khu vực. Trong 5 năm qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào khu vực ASEAN. Hai bên ưu tiên tăng cường hợp tác về kết nối, phát triển hạ tầng, đầu tư kết cấu hạ tầng. Đây được coi là trụ cột quan trọng trong hợp tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản, được Chính phủ Nhật Bản xác định là một trong những ưu tiên hợp tác phát triển kể từ năm 2017.

Về văn hóa, hai bên đã làm sâu sắc mối quan hệ song phương hơn thông qua nhiều hình thức, như giao lưu văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, nghệ thuật truyền thống, thể thao và hỗ trợ giáo dục tiếng Nhật. Tiêu biểu là chương trình đưa người Nhật đến các cơ sở đào tạo, trường trung học của các quốc gia ASEAN để dạy tiếng Nhật.

Về đối ngoại, với phương châm ngoại giao rộng mở, Nhật Bản nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á có vị trí trung tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mong muốn đặt ra một tầm nhìn mới cho quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong tương lai. Có thể thấy, quan hệ ASEAN - Nhật Bản là một trong những quan hệ lâu dài nhất trong mạng lưới quan hệ của ASEAN. Sau 50 năm không ngừng củng cố và phát triển, đến nay hợp tác ASEAN - Nhật Bản đã mở rộng trên tất cả các lĩnh vực và là thời điểm “chín muồi” để hai bên xây dựng quan hệ đối tác mới - đối tác chiến lược toàn diện.

Định hướng phát triển quan hệ ASEAN - Nhật Bản lên tầm cao mới

Nhật Bản nhận thức rõ ràng vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn các nước ASEAN coi Nhật Bản là một đối tác quan trọng; mong muốn cùng Nhật Bản xây dựng một cộng đồng ủng hộ trật tự khu vực mới dựa trên 3 trụ cột: thứ nhất, xây dựng một trật tự khu vực hòa bình, bao trùm, dựa trên luật lệ, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và hợp tác với nhau; thứ hai, hiện thực hóa một “xã hội cộng sinh” vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ kinh tế nhằm cân bằng các thách thức liên quan đến phát triển kinh tế, tính bền vững và tính công bằng; thứ ba, thúc đẩy sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Nhật Bản và ASEAN. Đây là nhân tố không thể thiếu để tạo nên một trật tự và xã hội hòa bình, ổn định.

Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục nỗ lực đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của các nước ASEAN vào thị trường Nhật Bản, hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, chính sách, sáng kiến phục hồi để đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định tự cường chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại đa phương và liên kết kinh tế khu vực thông qua triển khai hiệu quả các thỏa thuận kinh tế, thương mại đa phương mà hai bên là thành viên tham gia. Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững cả ở quy mô khu vực nói chung và tại các tiểu vùng nói riêng, trong đó có Tiểu vùng sông Mekong thông qua Khuôn khổ hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Những cặp quan hệ tiêu biểu trong hợp tác địa phương giữa Việt Nam với Nhật Bản có thể kể đến: Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Osaka và tỉnh Nagano; Thủ đô Hà Nội với thành phố Fukuoka và Thủ đô Tokyo; thành phố Đà Nẵng với thành phố Sakai, thành phố Yokohama; tỉnh Phú Thọ với tỉnh Nara; thành phố Huế với thành phố Kyoto; tỉnh Hưng Yên với tỉnh Kanagawa; thành phố Hải Phòng với thành phố Niigata; tỉnh Nam Định với tỉnh Miyazaki; tỉnh Quảng Nam với thành phố Nagasaki; thành phố Cần Thơ với tỉnh Hyogo.

Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể, như giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, chuyển đổi số, quản lý thiên tai, bảo đảm an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; sẵn sàng phối hợp hiện thực hóa ý tưởng xây dựng khu vực thành trung tâm đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các nước ASEAN đang làm việc, sinh sống tại Nhật Bản. Nhật Bản cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong khu vực; cam kết mở rộng đào tạo, viện trợ công nghệ cho ASEAN và cải thiện tình hình an ninh lương thực trong trường hợp khẩn cấp. ASEAN tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các sáng kiến về chuyển đổi năng lượng và cộng đồng phát thải ròng bằng 0 của Nhật Bản, cùng Nhật Bản hỗ trợ các nước ở Tiểu vùng sông Mekong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vai trò của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản

Trong mối quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp tích cực cho mối quan hệ này, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế và thương mại. Việt Nam và Nhật Bản đã thực sự trở thành đối tác tin cậy, bình đẳng, cùng chia sẻ lợi ích chung trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác giữa 2 nước từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư đến những hợp tác về nguồn nhân lực, giáo dục, văn hóa, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân,... đều được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, sự lớn mạnh của cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và hơn 23.000 người Nhật Bản tại Việt Nam là cầu nối tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa 2 dân tộc và là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị bền vững, lâu dài giữa 2 đất nước trong tương lai.

Nhật Bản nhiều năm liền là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nước G-7 đầu tiên công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; là nước tài trợ, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 47,6 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 24,23 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 23,37 tỷ USD. Về hợp tác địa phương, trong thời gian qua, các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết hơn 70 văn bản hợp tác.

Giao lưu nhân dân 2 nước ngày càng mở rộng, sâu sắc. Giới trẻ Việt Nam yêu thích truyện tranh, các bộ phim hoạt hình Nhật Bản, yêu thích tiếng Nhật và thông qua tiếng Nhật để tìm hiểu văn hóa Nhật Bản. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao 2 nước luôn duy trì các chuyến thăm song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; thiết lập nhiều cơ chế hợp tác quan trọng như Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; Ủy ban hỗn hợp về Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp.

Với tình hình khu vực và thế giới vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, quan hệ nước lớn tiếp tục trong trạng thái căng thẳng, duy trì cạnh tranh chiến lược về chính trị - an ninh; xu thế tập hợp lực lượng tiếp tục phân tuyến, định hình rõ hơn vai trò dẫn dắt của các nước lớn, việc ASEAN - Nhật Bản thúc đẩy mối quan hệ lên tầm cao mới sẽ góp phần bảo đảm xu thế ổn định trên bàn cờ chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

17 February 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau